Xưa kia, đại đa số người đi học là nam giới, thế nhưng vào thời nhà Nguyễn lại có bà Nguyễn Nhược Bích là người dạy học cho 3 vị Vua.

Nguyễn Nhược Bích: Người phụ nữ dạy học cho 3 vua nhà Nguyễn
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Ngôi sao Bích sa vào bụng

Vào thời nhà Nguyễn có ông Nguyễn Nhược Sơn làm Thanh Hóa Thừa nguyên Bố chính sứ Hộ lý Tổng đốc. Là một nhân tài, ông cũng từng coi việc quân ở trấn Tây Thành, đánh dẹp các cuộc xâm lấn của Cao Miên, Xiêm La.

Do lập nhiều công lao nên ông được phong Hàn Lâm viện Thị Giảng Học sĩ, hàm Tòng ngũ phẩm, Lang Trung bộ Công. Ông là người khảng khái lại không thích ràng buộc, mấy lần bị bãi chức cũng vì tính cách đó.

Khi phu nhân của ông mang thai thì nằm mơ thấy có ngôi sao Bích (một ngôi sao trong nhị thập bát tú – tượng trưng cho sách vở) từ trên trới rơi xuống vào miệng rồi phu nhân nuốt vào bụng. Vì thế mà sau khi hạ sinh được con gái, hai vợ chồng đặt tên con là Nguyễn Nhược Bích.

Thời đấy phụ nữ lo thu xếp gia đình, lại không được dự thi, nhưng từ nhỏ cô bé Bích đã rất thích nghiên bút. Vợ chồng ông Nhược Sơn tin tưởng rằng con mình sau này tất sẽ hay chữ, vì thế vẫn cho con gái được đi học rất đàng hoàng.

Được tuyển vào cung dạy học

Nguyễn Nhược Bích từ nhỏ đi học đã thể hiện được sự thông minh, sớm nổi tiếng về văn chương, từng theo theo cha đi làm quan ở các nơi, đi đâu cũng gây ấn tượng.

Năm 1848 khi Nguyễn Nhược Bích lên 18 tuổi thì quan Phụ chính đại thần Lâm Duy Nghĩa giới thiệu cho vào cung. Bấy giờ có một buổi ngâm vịnh, vua Tự Đức xướng đề thơ Tào Mai (hoa mai sớm nở), Nguyễn Nhược Bích rất nhanh đã làm xong bài thơ trước tiên, trong đó có câu:

Nhược giao dụng như hòa canh vị
Ngự tác lương thần phụ hữu Thương.

Nghĩa là:

Nếu cần người hiền điều hành đất nước như là dùng gia vị điều hòa cho vừa vị canh
Thì xin làm người giúp rập đất nước, phụ tá cho triều đình như bậc lương thần đời nhà Thương.

Vua Tự Đức khen rồi cho vào cung, ở vị trí thấp trong các phi tần, chuyên dạy học cho các thị nữ chốn nội cung.

vu tu duc 1
Chân dung vua Tự Đức. (Tranh: Docteur Rieux, Wikipedia, Public Domain)

Nguyễn Nhược Bích tỏ rõ là người hay chữ, mà vua Tự Đức lại rất thích văn thơ xướng họa, vì thế mà năm 1850 Vua phong cho bà làm Tài nhân. Mỗi khi đi đâu Vua mang đều mang bà theo để cùng Vua xướng họa, từ đó Vua càng yêu quý bà hơn.

Năm 1860 Nguyễn Nhược Bích được phong làm Mỹ nhân, rồi Quý nhân. Đến năm 1868 thì phong làm Tiệp dư dạy học cho con cái của các Hoàng thân quốc thích (do Vua không có con).

Dạy học cho 3 vị Vua

Vì không có con nên vua Tự Đức chọn 3 người cháu là con các Hoàng thân làm con nuôi, để sau này chọn một người lên nối ngôi. 3 người này là: Nguyễn Phúc Ưng Ái (sau đổi thành Ưng Chân), tức vua Dục Đức; Nguyễn Phúc Ưng Kỷ tức vua Đồng Khánh; Nguyễn Phúc Ưng Đăng tức vua Kiến Phúc.

Trong đó có hai người được giao cho chính Nguyễn Nhược Bích nuôi dạy là Ưng Kỷ và Ưng Đăng (sau này là vua Đồng Khánh và Kiến Phúc).

Ngoài ra bà cũng dạy dỗ một người cháu khác của Vua là Ưng Lịch, sau này chính là vua Hàm Nghi.

Năm 1883 vua Tự Đức mất, mọi sắc chỉ từ Lưỡng Tôn Cung (bà Từ Dụ và Chính phi Vũ Thị Duyên) đều do Nguyễn Nhược Bích soạn thảo.

Sau này vua Hàm Nghi lên ngôi chống Pháp, Kinh thành thất thủ, Nguyễn Nhược Bích theo sát hộ tống bà Thái Hoàng Thái hậu Từ Dụ rời cung và sau đó lại trở về. Bà sống thọ đến 80 tuổi và mất vào năm 1909 tại Huế.

Ngày nay vẫn còn lưu lại được một số bài thơ của bà bằng chữ Hán, nổi bật là bài thơ được viết vào năm 1891, bài thơ được viết bằng chữ Hán thể Đường luật.

Bản Hán Việt:

Kỷ tải liêu liêu phong tục di,
Hà kỳ thịnh điểm phục vu ti.
Di cung Thiếu Đế khôi tiền liệt,
Hiệp tán lương thần tục cựu quy.

Sạ đổ y quan phu chúng vọng,
Tái văn chung cổ khỉ nhơn ti.
Cổ lai lễ nhạc duy ban bổn,
Dục trì hoàn ưng dụng Hạ nghi.

Bàn dịch của Đào Tất Đạt:

Phong tục bao năm chẳng đổi thay
Nước nhà hưng thịnh thấy từ đây.
Trong cung vua trẻ noi gương trước,
Dưới trướng tôi lành giữ nếp nầy.

Áo mão phơi bày đông kẻ nhớ,
Trống chiêng vang dậy lắm người khuây,
Xưa nay lễ nhạc là giềng nước,
Muốn được an dân phải thế nầy.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: