Đỗ đầu trong khoa thi đặc biệt có đến hai Thám hoa, Nguyễn Đức Đạt trở thành nhân tài vùng đất Nam Đàn, các làng cũng xây trường học mời bằng được ông đến giảng dạy.

Vị Thám hoa được 2 làng xây trường, gánh lễ vật đến xin dạy học
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Thám hoa Nguyễn Đức Đạt

Làng Hoành Sơn, xã Nam Kinh Thượng, tổng Nam Kim, huyện Thanh Chương, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An (nay thuộc xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn) có dòng họ Nguyễn Đức nhiều đời đỗ đạt làm quan.

Theo gia phả dòng họ, vào thế kỷ 19 có ông Nguyễn Đức Hiển làm Tri huyện. Ông Hiển có người con trai là Nguyễn Đức Đạt, từ bé Đức Đạt đã nổi tiếng là đứa trẻ thông minh và siêng năng.

Khoa thi năm 1847, Nguyễn Đức Đạt đỗ cử nhân. Đến khoa thi năm 1852 thì Đức Đạt xuất sắc đỗ đầu. Do khoa thi này không lấy Trạng nguyên hay Bảng nhãn nên ông đỗ Thám hoa. Nhưng điều đặc biệt là khoa thi này lấy 2 người đỗ Thám hoa, văn bia tiến sĩ khoa thi này cũng có khắc rằng: “Ban đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (2 người)”.

Người đỗ Thám hoa còn lại là Nguyễn Văn Giao. Do Nguyễn Đức Đạt xếp trên đỗ đầu nên gọi là “Thám nhất”, còn Nguyễn Văn Giao gọi là “Thám nhì”.

Nguyễn Đức Đạt được bổ nhiệm vào viện Tập hiền, sau đó thăng làm Cấp sự trung. Nhưng sau đó cha mẹ già yếu nên ông xin được về quê phụng dưỡng cha mẹ. Năm 1860, ông trở lại Kinh thành và được bổ nhiệm làm Chưởng ấn Kinh kỳ đạo.

Ít lâu sau cha mẹ đều qua đời, ông về quê chịu tạng rồi mở trường dạy học. Các sĩ tử đã nghe danh ông từ lâu nên đến theo học rất đông.

Sau đó Nguyễn Đức Đạt đến dạy học ở làng Hương Vân (Nam Đàn). Danh tiếng của ông vang xa, làng Lãng Đông xây sẵn một ngôi trường, rồi gánh lễ đến đón ông đến dạy, Triều đình liền cử ông làm Đốc học Nghệ An.

Ứng xử trước sự gây hấn của người Pháp

Cuối năm 1871, Triều đình cử ông làm Án sát Thanh Hóa, sau đó làm Tuần phủ Hưng Yên. Năm 1872 xảy ra sự việc lái buôn người Pháp Jean Dupuis vi phạm luật thương mại của Triều đình nhà Nguyễn. Dupuis là nhà buôn lớn có lực lượng đi theo được trang bị rất hiện đại, ông ta đem tàu thủy đến khiêu khích các tỉnh dọc theo sông Hồng.

Triều đình Tự Đức lúng túng đối phó, muốn làm nghiêm nhưng lại sợ phật lòng người Pháp. Hưng Yên cũng nằm trên sông Hồng, khi tàu của lái buôn Jean Dupuis đến Hưng Yên, Nguyễn Đức Đạt cho quân theo giám sát. Vua Tự Đức hay tin nên giáng cấp ông nhưng vẫn cho lưu chức.

Năm 1873, quân Pháp đến chiếm Hà Nội rồi đánh chiếm các nơi khác. Nguyễn Đức Đạt giữ cho dân chúng Hưng Yên được yên ổn nên được vua Tự Đức ban thưởng.

Làm quan vì dân

Lúc này miền bắc các nơi liên tục xảy ra lũ lụt, Hưng Yên liên tiếp bị vỡ đê, những lần đó Nguyễn Đức Đạt đều phát chẩn cứu đói cho dân kịp thời.

Trước việc đê điều liên tục bị vỡ, Triều đình mở cuộc điều trần về đê điều miền bắc, nhìn chung chia làm 3 ý kiến là:

  • Phá đê cũ để làm đê mới.
  • Tiếp tục gia cố đê thêm vững chắc.
  • Ở thuợng du tiếp tục cho bồi đắp các đê cũ, còn ở hạ du thì bỏ đê.

Nguyễn Đức Đạt chủ trương tiếp tục gia cố đắp đê đồng thời phản đối các ý kiến khác.

Năm 1875, Triều đình áp dụng luật thuế mới, Nguyễn Đức Đạt gửi tờ sớ về Triều xin cho dân Hưng Yên được hoãn thực thi luật thuế mới trong 3 năm, vì việc này ông bị khiển trách và giáng 2 cấp.

Năm 1876, Nguyễn Đức Đạt lấy cớ ốm đau xin từ quan về quê, ông thường đến tịnh xá chùa Đông Sơn đọc sách viết sách.

Nghe tin Thám hoa Nguyễn Đức Đạt đã về quê, dân làng Hoành Sơn quê ông xây dựng ngay một ngôi trường rồi đón ông đến dạy học. Từ đó ngôi trường làng Hoành Sơn cũng nổi tiếng về giáo dục khi có nhiều hiền tài xuất sinh từ đây.

Gắn bó với nghề giáo, đào tạo ra nhiều nhân tài

Sĩ tử quanh vùng ở Hưng Nguyên, Nam Đàn, Hương Sơn, Đức Thọ, Can Lộc đều đến xin học ở Hoành Sơn, khiến ngôi trường làng khi nào cũng đông đúc như vào hội, học trò không đủ chỗ phải ngồi cả ra ngoài sân nghe giảng.

Học trò cũa Nguyễn Đức Đạt có nhiều người thành danh, có thể kể đến như: Phan Bội Châu, Cao Xuân Dục, Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Đặng Văn Bá, Đặng Thái Thân, Đặng Văn Thụy…

Tương truyền Nguyễn Đức Đạt hay cùng học trò đến bãi núi làng Đông Sơn để ngắm cảnh, bình văn. Sau khi bình văn còn có cuộc vấn đáp giữa thầy và trò. Nội dùng các cuộc bình văn, vấn đáp này được học trò ghi chép biên tập lại thành các sách như “Cần kiệm vựng biên” (1870), “Việt sử thặng bình” (1881), “Nam Sơn tùng thoại” (1880)…

Năm 1885, hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp, Thám hoa Nguyễn Đức Đạt cùng em họ là Nguyễn Đức Quý và Nguyễn Quang khởi nghĩa, đóng quân ở làng Hoành Sơn.

Sau một thời gian, trước sức mạnh của quân Pháp, nghĩa quân quyết định đến đóng ở miền núi Thanh Chương. Tuy nhiên lúc này Nguyễn Đức Đạt tuổi cao sức yếu không đi được, phải ở lại quê nhà, 2 năm sau thì ông mất thọ 63 tuổi.

Đánh giá về Nguyễn Đức Đạt, Sách “Đại Nam liệt truyện” chép rằng: “Đức Đạt vốn có danh tiếng lớn, khi tuổi già ăn mặc xoàng xĩnh, gửi tâm hồn nơi non nước, lấy giảng dạy trước thuật làm vui, rong chơi nơi đồng ruộng hơn mười năm, rồi mất năm 63 tuổi”.

Hiện nay tại làng Hoành Sơn vẫn còn từ đường do học trò lập để thờ ông. Trong từ đường có 2 bức đại trường với các chữ “Vạn thế trạch”“Đại khoa môn”. Ở đây cũng có nhiều câu đối, trong đó có câu:

Thọ khảo tác nhân, Nam Sơn thảo đường trạch vạn thế
Văn chương minh quốc, Hồng Lĩnh ngô châu đệ nhất phong

Dịch nghĩa:

Suốt đời đào tạo bao người, ơn muôn đời ngôi nhà cỏ núi Nam Sơn
Văn chương nổi tiếng cả nước, một ngọn núi cao châu ta Hồng Lĩnh

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: