Ngôi nhà trong quan niệm của người Việt không chỉ là nơi che nắng che mưa, mà còn là mái ấm gìn giữ, bảo toàn những nét đẹp truyền thống của gia đình, tổ tiên, dòng họ. Nhà ngói, cây mít, sân gạch… là điều kiện tốt để an cư, lạc nghiệp, là không gian thuần Việt, mang đậm bản sắc riêng của người Việt truyền thống.

Nhà ngói là nhà xây (ba gian hoặc năm gian) lợp ngói. Thường thì gia đình ở quê phải “ăn nên làm ra” mới có thể cất được ngôi nhà ngói khang trang. Những gia đình không có điều kiện thì làm nhà đất, nhà trình tường, thường lợp rơm rạ hoặc lợp lá cọ. Khi cất được ngôi nhà xây, lợp ngói đỏ nghĩa là gia cảnh đã khấm khá. Nhà xây lợp ngói chắc chắn, bền lâu, không bị dột và ẩm mốc khi mưa, không bị kẽo kẹt khi gió, không bị xiêu vẹo khi bão… Nhà ngói làm một lần thì nhiều năm sau mới phải đảo ngói, tu sửa. Nhà ngói cũng gắn với hình thức sinh hoạt gia đình tập trung, nhiều thế hệ ông bà, cha mẹ, con, cháu cùng sinh sống. Nhà ngói là không gian thoáng đãng, mát về mùa hè, ấm về mùa đông; tiện cho quét tước, trang trí, bày biện. Nhà ngói sân gạch lí tưởng cho người làm nông ở, sinh hoạt, phơi phóng và cất trữ thóc lúa, ngô, khoai – những sản phẩm thu hoạch theo vụ từ đồng áng.

Nhà ngói, cây mít
(Ảnh qua soi.today)

Cây mít là loại cây phù hợp với khí hậu nhiệt đới, là loại cây lâu niên, cho quả nhiều năm. Người Việt thường trồng cây mít cạnh nhà, trước sân gạch hoặc bên cạnh mái hiên, giếng nước. Mít là cây thân gỗ, cho bóng mát, cho quả chín thơm ngọt, là thức quà quê ngọt thơm đong đầy thương nhớ. Thường vào mùa Xuân, mít ra quả non và khoảng giữa mùa Hè, cuối tháng Tư âm lịch cây cho những trái mít xanh, nhiều gai, láng lẫy, quả lớn quả nhỏ lủng lẳng khắp cành. Có khi mít sai trĩu trịt từ gốc đến ngọn.

Mít không chỉ cho quả, mà cho gỗ, cho lá, cho bóng mát. Gỗ cây mít dùng để đóng bàn thờ, đóng kệ, đóng tủ và đóng các đồ gia dụng khác. Lá mít tươi dùng làm bánh sắn, bánh bao, bánh dày, bánh bột lọc… Lá mít già, đỏ úa là đồ chơi mĩ miều cho những bé gái làm công chúa, làm vương miện, làm búp bê, làm đồ hàng, làm bát, làm niêu… Lá mít bánh tẻ cho mấy cậu nhóc bện hình con bọ ngựa, con châu chấu, chiếc khèn hay khẩu súng… Tuổi thơ của những đứa trẻ có khi chỉ là vài chiếc lá mít mà vui mê mải, quên cả ăn, quên cả lời mẹ dặn… Lá mít khô cũng dùng làm chất đốt, đượm lửa, ít khói để nấu cơm, luộc lạc, luộc măng vầu, măng nứa, nấu chè đỗ đen, đỗ đỏ… Bóng cây mít rộng, thân cây thô ráp, nhiều chạc là chỗ chơi của trẻ, chỗ buộc trâu bò ngày mùa vụ, chỗ hội họp xóm giềng, chỗ trà nước tán chuyện cho cánh đàn ông lúc ngơi nghỉ, chỗ chia sẻ việc nội trợ, chăm con của các chị em. Bóng mát cây mít cũng là không gian bàn việc nhà, việc họ, việc làng… của các bác, các ông có uy tín trong họ, ngoài làng. Cây mít xanh tươi, vững chãi và thân thuộc cũng là cảm hứng cho thơ, cho văn, cho họa.

Nhà ngói cây mít là cách nói để chỉ sự giàu có của chủ nhà, sự hưng thịnh của gia thế và là niềm mơ ước của bao gia đình chưa đủ điều kiện cất xây. Nhà ngói cây mít không chỉ được hiểu chung chung là sự vững chắc của nhà giầu mà còn là cụm từ chỉ một cái gì vững bền, kiên cố hiện hữu trong tiềm thức của những người sinh ra và lớn lên nơi lũy tre làng.

Những ngày nông nhàn, ngồi dưới mái nhà, trước sân gạch nghe tiếng ve, tiếng dế, hít hà không khí ngai ngái, âm ẩm của khu vườn sau mưa. Những chiều giông gió, bầu trời sau mái nhà đổ màu hổ phách, lòng vẫn an yên vì có mái ngói, cây mít vững chãi… Nhà ngói – sân gạch – cây mít rộn ràng nhất là khi năm hết Tết đến, hoặc những ngày giỗ chạp, cưới xin. Họ hàng, con cháu quần tụ mổ trâu, giết lợn, cắt tiết gà, đốt lửa, nấu nước… làm sống dậy những gì thuộc về làng, về họ, về cộng đồng. Một sợi dây liên kết thiêng liêng và chắc chắn được thiết lập và duy trì trong không gian nhà ngói – sân gạch – cây mít đậm sắc Việt.

Với người Việt tha hương, trong kí ức luôn đậm sâu hình ảnh nhà ngói, cây mít trầm mặc, bình dị mà chắc chắn. Đó là mối liên hệ thiêng liêng với tuổi thơ yên bình, với những tháng ngày đẹp đẽ nơi quê cha đất tổ. Đó là hình ảnh gắn liền với thủa thiếu thời đầy vơi kỉ niệm…

Đăng lại từ Facebook CLB Daylanha (This is home)

Xem thêm:

Mời xem video: