Bắt đầu từ thế kỷ 16, phương Tây bắt đầu tấn công và đô hộ các nước Đông Nam Á như Ma Cao, Philippines, Indonesia, nhưng chưa thể tấn công Việt Nam. Trong một số cuộc đụng độ đầu tiên dưới thời chúa Nguyễn, người phương Tây đều thất bại. Đến thời vua Gia Long và Minh Mạng, các ghi chép của những người phương Tây khi đến đây cho thấy thủy quân Đại Nam được tổ chức rất mạnh, đặc biệt trong việc phát triển kỹ thuật đóng tàu, tự trang bị tàu chiến.

Nhà Nguyễn từng chú trọng phát triển kỹ thuật đóng tàu phương Tây
Từ thời chúa Nguyễn đã chú trọng thủy quân. (Tranh: Bìa sách Lịch sử Việt Nam bằng tranh, NXB Trẻ)

Tìm hiểu kỹ thuật đóng tàu, tự trang bị tàu chiến

Người đầu tiên giúp nhà Nguyễn có được công nghệ vũ khí từ phương tây là Bá Đa Lộc, ông đã giúp Nguyễn Ánh chiêu mộ được khoảng 20 người Pháp giỏi về kỹ thuật vũ khí, kỹ nghệ, xây dựng. 20 người Pháp được chiêu mộ này giúp quân đội nhà Nguyễn tiếp cận kỹ nghệ; huấn luyện đội pháo thủ; huấn luyện binh sỹ tiếp cận sử dụng các loại súng từ phương Tây; sửa chữa và xây dựng các thành Gia Định, Vĩnh Long, Châu Đốc, Hà Tiên, Biên Hòa, Bà Rịa. Cũng trong thời điểm này, Nguyễn Ánh đã cho xây dựng xưởng đóng tàu.

Chỉ trong 2 năm 1792 – 1793, các kỹ sư Pháp đã giúp thủy quân nhà Nguyễn đóng thêm được được 300 tàu chiến, 5 thuyền buồm cùng đội lính thủy được tổ chức theo kiểu châu Âu.

Để nắm vững kỹ thuật đóng tàu của phương Tây, Nguyễn Ánh cho mua tàu về rồi tháo từng bộ phận để nghiên cứu. Một người Anh là Nam tước John Barrow vào năm 1806 đã xuất bản tại London cuốn sách “A voyage to Cochinchina in the year 1792 – 1793” (Một chuyến du hành đến xứ Đàng Trong trong năm 1792 – 1793) mô tả về Nguyễn Ánh rằng:

“Ông nắm vững không ít kiến thức về kỹ thuật, khoa học châu Âu; trong đó ông đặc biệt lưu ý về những gì liên quan đến thuật hàng hải và kỹ nghệ đóng tàu. Theo nguồn tin đáng tin cậy, người ta kể lại rằng để nắm vững kiến thức về thực hành cũng như về lý thuyết của kỹ thuật đóng tàu châu Âu, ông đã mua một chiếc tàu Bồ Đào Nha, với mục đích chỉ để tháo rời ra thành từng bộ phận, từng tấm ván một, rồi tự tay lắp vào một tấm ván mới có hình dáng và kích thước tương tự như cái cũ mà ông đã tháo ra, cho tới khi mọi thanh sàn tàu, xà ngang tàu, thanh gỗ khớp nối được thay thế bằng những cái mới, và như vậy con tàu hoàn toàn được đổi mới.”

Theo thống kê của Barrow thì đến năm 1800, tổng số binh lính thủy quân của nhà Nguyễn là 26.800 người, trong đó 800 người làm ở xưởng thuốc súng, 1.600 người trên thuyền mành, 800 người trên 100 thuyền Galley (loại thuyền có 2 hàng mái chèo bằng tay, đi được vùng nước nông với tốc độ cao), 1.200 người làm việc trên thyền kiểu châu Âu, cùng 8.000 thủy thủ.

Sau khi lên ngôi, vua Gia Long Nguyễn Ánh cho lập thêm xưởng đóng tàu ở Nghệ An và nhiều xưởng đóng tàu ở Huế.

Kỹ thuật đóng tàu thời vua Gia Long lên đến trình độ cao, J. White một người Mỹ đến Gia Định năm 1819 rất khâm phục xưởng đóng tàu nơi đây đã viết trong hồi ký của mình rằng:

“Riêng cơ xưởng này đáng làm cho người Việt Nam tự hào hơn bất cứ cái gì khác ở trong nước. Thực ra thì xưởng này có thể ví với bất cứ một cơ xưởng đóng tàu nào bên châu Âu.”

Đến cuối thời vua Gia Long, thủy quân nhà Nguyễn có 200 tàu chiến mang được 16 đến 22 đại bác, cùng rất nhiều chiến thuyền lớn nhỏ khác nhau.

Chế tạo tàu hơi nước, tiếp tục mua tàu cũ để nghiên cứu

Đến thời vua Minh Mạng đã xuất hiện những mâu thuẫn giữa nhà Nguyễn với phương Tây. Để đối phó phương Tây, năm 1837 nhà Vua muốn học theo kỹ thuật phương Tây và cho chế tạo tàu hơi nước đầu tiên cho mình.

Đến năm 1939, tàu được đóng xong và chạy thử, nhưng chạy được một đoạn thì bị nổ nồi hơi. Vua Minh Mạng lệnh sửa chữa cho kỳ được, nhưng lúc đầu không ai dám cáng đáng việc này. Cuối cùng có Hoàng Văn Lịch và Võ Duy Trinh đứng ra nhận sửa chữa lại tàu. Hai tháng sau tàu được sửa xong và có thể chạy. Phấn khởi, vua Minh Mạng lệnh đóng thêm tàu, huy động thêm thợ từ các nơi đến, sử dụng kỹ thuật đóng tàu từ phương Tây.

Hoàng Văn Lịch và Võ Huy Trinh giỏi nghề, qua năm 1840 hai ông đã tạo thêm 3 tàu hơi nước nữa. Vua Minh Mạng rất hài lòng, đặt tên cho chiếc lớn là Phi Yến, chiếc vừa là Vân Phi và chiếc nhỏ là Vũ Phi.

Năm 1839, Vua cho đoàn sứ bộ đi Hạ Châu (Singapore và Malaca) và châu Âu nhằm mua tàu.

Năm 1840, triều đình mua lại một chiếc tàu cũ của phương tây đã hoen gỉ, Vua cho tháo ra nghiên cứu kỹ thuật đóng tàu để chế tạo tàu hạng trung kiểu mới với kỹ thuật cải tiến hơn.

Việc mua tàu mới của phương Tây và đóng tàu mới đang được xúc tiến thì năm 1840 vua Minh Mạng mất.

Thời vua Gia Long và Minh Mạng hải quân nhà Nguyễn rất mạnh trong khu vực, ghi nhận có nhiều chuyến vượt biển sang các nước khác như Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines và Ấn Độ .

Thời vua Thiệu Trị, Đại Nam giành thắng lợi trước Xiêm La, bảo hộ Chân Lạp, nhưng thủy quân không được chăm lo như trước. Số lượng tàu và thủy quân suy yếu hơn trước nhiều, trong khi hải quân phương Tây liên tục cải tiến và kỹ thuật và phát triển.

Năm 1847 tại cửa biển Đà Nẵng xảy ra cuộc đụng độ, tàu chiến Pháp đã bắn chìm cả 5 tàu chiến bằng đồng của Đại Nam. Thất bại này khiến vua Thiệu Trị lo lắng nhưng không biết phải làm gì cho đến khi qua đời. 10 năm sau vào năm 1858 Pháp tấn công Đại Nam với sức mạnh hải quân vượt trội.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: Trí tuệ cổ nhân: Có 4 điều cần kính sợ trong đời