Là môn võ cổ truyền được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”, võ Tân Khánh Bà Trà nổi tiếng từ xa xưa bởi giúp dân chống lại hổ dữ, nhiều câu chuyện đánh hổ và những vị võ sư hành hiệp trượng nghĩa được lưu truyền cho đến ngày nay.

Tổ sư

Vào đầu thế kỷ 19, vua Gia Long đánh bại nhà Tây Sơn, khiến hậu duệ các bộ tướng Tây Sơn phải chạy đi lánh nạn các nơi, trong đó có người con gái vừa trẻ lại xinh đẹp tên là Võ Thị Trà. Cô đến vùng đất Tân Khánh (nay là phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên và phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An thuộc tỉnh Bình Dương) lánh nạn.

Tại đây cô gái mở quán nước ven đường, đồng thời trên quầy có treo thanh kiếm. Nhiều khách tò mò hỏi thì cô gái trả lời rằng nếu ai uống nước không trả tiền thì vui lòng cúi chào thanh kiếm trước khi rời quán.

Đã có người vì thử sức nên không trả tiền cũng chẳng “chào thanh kiếm” nhưng không sao bước được khỏi quán nước. Tài năng của cô gái trẻ với đường kiếm như vang xa, nhiều trai tráng xung quanh đến thọ giáo và được tận mắt chứng kiến tài võ của Võ Thị Trà.

Võ Thị Trà là người nhân đức hào sảng, sẵn sàng chia sẻ với bà con trong vùng võ thuật gia truyền để nâng cao sức khỏe. Tiếng lành đồn xa, số người theo học ngày càng đông lên.

Dần dà, Võ Thị Trà thu nhận đệ tử, truyền thụ võ công. Từ đó môn võ của Võ Thị Trà ngày càng phát triển và hình thành môn võ Tân Khánh – Bà Trà.

Dân chúng ở Tân khánh vốn oán ghét sự ức hiếp của đám quan lại địa phương. Năm 1850, bà Trà cùng các học trò tổ chức khởi nghĩa, lập căn cứ ở Truông Mây, giúp dân chống lại sự nhũng nhiễu của đám quan lại địa phương, lấy lại của cải của đám tham quan chia cho dân chúng. Cuộc khởi nghĩa kéo dài suốt 10 năm cho đến khi Pháp chiếm được Nam bộ, bà Trà cũng đã cao tuổi thì cuộc khởi nghĩa mới chấm dứt, các đệ tử của bà Trà tiếp tục nối nghiệp phát triển môn võ.

Những câu chuyện về môn võ cổ truyền đánh hổ Tân Khánh Bà Trà
Võ Tân Khánh – Bà Trà (Ảnh: Hồ Tường, Wikipedia, Public Domain)

Vang danh môn võ đánh hổ

Thời ấy vùng Nam bộ là vùng đất hoang vu với cánh rừng bạt ngàn nhiều thú dữ, ở Thủ Dầu Một (Bình Dương) có rất nhiều cọp, dân chúng chỉ còn biết trông chờ thầy pháp và đám thợ săn đặt bẫy nhưng vẫn không thoát khỏi nanh vuốt cọp dữ.

Từ khi có hổ về nhiều, dân chúng không dám trồng trọt, đi lại cũng không dám, khiến việc sản xuất bị đình đốn, gia súc liên tục bị hổ bắt đi. Các chức sắc phải phái người đến cầu cứu Cai tổng Tân Khánh, Cai tổng liền giới thiệu họ với các đệ tử Tân Khánh Bà Trà.

Bà Trà có nhiều đệ tử, nhưng đệ tử chân truyền là anh em Hai Ất và Ba Giá. Hai ông nhiều lần được bà con mời đến giúp đuổi hổ. Theo bà con vùng Tân Khánh thì hai anh em có đến 10 lần đối mặt hổ dữ, có những lúc phải đối mặt cùng lúc 3 con hổ, và đều dùng món võ Bà Trà mà đánh đuổi được hổ.

Các làng Bàu Lòng, Hố Ngỡi vốn là nơi hổ dữ hoành hành cũng được yên. Từ đó người dân ở đây có câu “Cọp Bàu Lòng – Võ Tòng Tân Khánh”, tiếng tăm hai anh em đánh hổ vang xa. Môn võ Tân Khánh Bà Trà do đó còn được gọi là môn võ đánh hổ.

Ông Hai Ất có cô con gái gọi là cô Năm Vuông cũng nổi tiếng khi tham gia cuộc giao đấu với hổ dữ nhân dịp khai trương chợ Bến Thành. Trận đấu này nổi tiếng và cũng được ghi chép lại trong cuốn “những môn võ bí truyền trên thế giới” nguyên tác tiếng Anh của tác giả John F. Gilbey.

Võ phái Tân Khánh Bà Trà

Kế tục hai anh em Hai Ất và Ba Giá ngoài con gái ông Hai Ất là cô Năm Vuông còn có Hai Đước (tên thật là Võ Văn Đước). Hai Đước nổi tiếng với việc phá tan thế trận Mai Hoa Thung nổi tiếng của Thiếu Lâm Tự, bảo vệ võ phái Tân Khánh Bà Trà.

Thế trận Mai Hoa Thung là phép tập trên cọc gỗ hoa mai. Trên bãi đất trống đóng các cọc gỗ theo hình hoa mai, thường là 5 cọc trên 5 cánh hoa, thêm một cọc chính ở chính giữa trượng trưng cho nhị hoa. Hai người giao đấu phải di chuyển trên các cọc gỗ, ai bị rớt xuống dưới là thua cuộc. Hai Đước giành chiến thắng trong trận tỉ thí này.

Một học trò khác của ông Hai Ất là Sáu Trực truyền dạy cho các môn sinh, trong đó có Nguyễn An Ninh cùng những người bạn của ông.

Năm Nhị (tên thật là Đỗ Văn Mạnh) làm cho võ phái Tân Khánh Bà Trà nổi danh khắp Nam kỳ với cây trường côn của mình, được mệnh danh là đệ nhất côn.

Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, lão võ sư Hồ Văn Lành đã đào tạo hàng vạn môn sinh, giúp môn võ Tân Khánh Bà Trà phát triển và phổ biến ở miền nam. Nhiều môn sinh xuất sắc giành huy chương trong các cuộc thượng đài.

Ngày nay võ sư Hồ Tường, con của võ sư Hồ Văn Lành, là người kế tục cha mình phát triển môn võ Tân Khánh Bà Trà phát triển rộng khắp.

Với bản sắc của mình, môn võ Tân Khánh Bà Trà được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”.

Trần Hưng

  • Dựa theo: “Phái võ Tân Khánh Bà Trà bắt đầu và phát triển như thế nào trong lịch sử” trong cuốn “Võ dân tộc” của Hữu Ngọc và Lady Borton

Xem thêm:

Mời xem video: