Thành ngữ Bồng Lai Nhược Thủy xuất hiện nhiều trong các bài thơ và tiểu thuyết, quen thuộc nhất có lẽ là trong Hồng Lâu Mộng đề cập tới câu nói: “Nước Nhược Thủy sâu ba nghìn dặm, ta chỉ lấy một gáo để uống”. Câu nói sau này còn trở thành lời bày tỏ tình yêu, dường như rất “tình thơ ý họa”.

Cách nói Nhược Thủy đã có từ xa xưa, trong cuốn Sơn Hải Kinh có ghi chép: “Phía Bắc Côn Lôn có nước, lực của nó không nâng nổi ngọn rau, do đó có tên là Nhược Thuỷ”. Từ xưa đã cho rằng núi Côn Lôn là nơi ở của các vị Thần Tiên, Nhược Thuỷ ở đây chính là con sông của Thần giới. Khi miêu tả con sông Lưu Sa trong Tây Du Ký cũng có đề cập: “Lưu Sa tám trăm rộng, Nhược Thủy sâu ba nghìn, lông ngan không nổi được, hoa lau cũng phải chìm”. Cách nói này nhấn mạnh rằng Nhược Thủy không phải là sông mà người bình thường có thể qua được.

"Nước Nhược Thủy sâu ba nghìn dặm, ta chỉ lấy một gáo để uống"
(Tranh minh họa: Public Domain)

Đến thời nhà Tống, Tô Thức có câu “Bồng Lai bất khả đáo, Nhược Thủy tam vạn lý” (Chốn Bồng Lai chẳng thể đến, nước Nhược Thủy sâu ba vạn dặm).

Trong Ấu học Quỳnh Lâm, một tài liệu giáo khoa sơ cấp thời cổ có viết:

Bồng Lai, Nhược Thủy,
Duy phi Tiên khả độ.
Phương Hồ, Viên Kiệu,
Nãi Tiên tử sở cư.

Đoạn lời thơ này đại ý là núi Bồng Lai, nước Nhược Thủy xa xôi khó mà băng qua, chỉ có Thần Tiên mới bay ở đó, Phương Hồ, Viên Kiệu cũng là nơi mà Tiên nhân cư ngụ.

Về sau, các nhà văn như Cổ Long, Kim Dung, đều đã sử dụng đến cụm từ này. Bởi vì nghe nhiều nên rất quen thuộc.

Hồng Lâu Mộng đề cập tới Nhược Thủy trong câu nói: “Nước Nhược Thủy sâu ba nghìn dặm, ta chỉ lấy một gáo để uống”. Câu nói sau này đã trở thành lời bày tỏ tình yêu nam nữ. Tuy nhiên cũng có một điển cố Phật gia liên quan đến câu nói này.

Có một người tín Phật, nhưng trong tâm luôn rất phiền muộn, luôn cảm thấy khốn khổ mệt mỏi. Ông nằm mơ thấy Đức Phật. Đức Phật hỏi: “Con giàu có quyền thế, có người vợ yêu thương mình. Vậy tại sao vẫn không vui?”

Người này trả lời: “Con không biết nên nắm giữ điều gì và buông bỏ như thế nào”.

Đức Phật mỉm cười và kể một câu chuyện ngụ ngôn như vậy. Có một người lữ hành trong cuộc hành trình dài đã rất khát nước, nhưng khi nhìn thấy một cái hồ, ông ta lại đắn đo mãi, rồi quyết định không uống một giọt nước nào. Có người hỏi thì ông ta trả lời rằng có quá nhiều nước trong hồ, mà bụng lại rất nhỏ, không thể uống hết trong một lần, chi bằng không uống một chút nào nữa.

Đức Phật lại nói: “Hãy nhớ rằng, trong một đời người, con có thể gặp nhiều điều tốt đẹp, nhưng con chỉ cần dụng tâm nắm chắc lấy một thứ trong đó là đủ rồi. Nhược Thuỷ sâu ba nghìn dặm, chỉ cần lấy một gáo uống”.

Nhược Thủy là nước nơi Thần giới, uống một ngụm là đủ rồi, có thể tịnh hóa thân tâm, bước lên con đường tu luyện, chính là phàm nhân cầu cũng không được. Con người đã tín Phật rồi, thì còn gì chưa buông bỏ được nơi thế gian đây? Ý nghĩa ban đầu của câu nói “Nhược Thuỷ sâu ba nghìn dặm, chỉ cần lấy một gáo uống” ban đầu có lẽ cũng không phải nói đến tình yêu nam nữ, mà để khuyên con người biết đủ và trân quý những gì có ở trước mắt, nhất là đối với đức tin. Ít nhất là trong cuộc đời, với những sự vật tốt đẹp, hạnh ngộ đã là trân quý rồi, cần biết đủ, không tham lam, không truy cầu, mà nên dừng lại trân trọng điều hiện có.

Dựa theo “Ấu Học Quỳnh Lâm bút đàm: Bồng Lai Nhược Thủy
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Lưu Như

Xem thêm:

Mời xem video: