Ở Nhật chỉ có một số rất ít các chính trị gia là phụ nữ. Tại nơi làm việc, đàn ông giữ hầu hết các chức vụ quan trọng. Những công việc giao cho phụ nữ thường là những công việc mang tính trợ giúp các đồng nghiệp nam hoặc là các công việc tạp vụ. Vị trí của người phụ nữ tại nơi làm việc tương đối thấp so với nam giới.

Trong phần lớn các trường hợp, các nhân viên nữ chuẩn bị trà khi có khách đến thăm công ty. Nói chung khi tiệc được tổ chức chỉ có đàn ông tham gia, nó khác với các quốc gia phương tây nơi các cặp đôi thường tham dự cùng nhau. Vị trí của phụ nữ Nhật Bản tại những nơi công cộng cũng rất thấp. Những người nước ngoài khi nhìn thấy điều ấy ở Nhật sẽ có ý nghĩ Nhật là nước “đàn ông trị”.

Vậy thì có phải phụ nữ Nhật bất hạnh hơn đàn ông? Theo một cuộc điều tra về hạnh phúc do Phòng nghiên cứu kinh tế xã hội của Đại học Osaka tiến hành vào tháng hai năm 2004 (điểm 10 = rất hạnh phúc, điểm 0 = rất bất hạnh), điểm trung bình về hạnh phúc dành cho đàn ông là 6.27 trong khi phụ nữ là 6.51 cho thấy phụ nữ hạnh phúc hơn đàn ông. Phân theo công việc thì những bà nội trợ là những người hạnh phúc nhất với số điểm 6.7.

Theo “Cuộc điều tra về đời sống quốc dân” do văn phòng nội các chính phủ tiến hành vào tháng 6 năm 2004, 56.2% đàn ông trả lời “bằng lòng” với cuộc sống hiện tại , nữ chiếm 62.9%. Và phụ nữ trong cuộc điều tra này cũng chiếm hạng cao hơn. Phân theo nghề nghiệp thì những người làm nội trợ chiếm tỉ lệ cao nhất 65.9%.

Qua cuộc điều tra này, một bức tranh sáng sủa hiện lên rằng phụ nữ cảm thấy hạnh phúc hơn, đặc biệt những người nội trợ là những người hưởng thụ cuộc sống hơn ai hết. Người phụ nữ Nhật là người phục vụ đàn ông và luôn ở phía sau thực sự cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày.

Ở Nhật Bản, phụ nữ hạnh phúc hơn đàn ông
(Ảnh minh họa: Patrick Foto, Shutterstock)

Bên cạnh những kết quả dựa trên quan niệm truyền thống rằng đàn ông làm việc bên ngoài và phụ nữ làm việc trong nhà. Nói một cách khác, vai trò của nam nữ phân định rõ, nam làm việc nơi công cộng, phụ nữ làm nơi chốn riêng tư. Bạn có thể nói rằng Nhật không phải là quốc gia “đàn ông trị” mà đấy là xã hội ở đó công việc có sự phân công nam nữ chặt chẽ.

Ngôi nhà của người Nhật thực sự là nơi của người phụ nữ và đó là lẽ tự nhiên khi người phụ nữ làm mọi việc từ quản lí tài chính gia đình, giáo dục con cái và tất nhiên là cả việc nhà. Các ông chồng đưa lương cho vợ – người quản lí chi tiêu của họ và nhận lại từ tay vợ tiền tiêu vặt. Các ông chồng không mấy khi phàn nàn về sự quản lí này.

Người vợ thường cũng giành vị trí quan trọng trong việc giáo dục con cái. Chẳng hạn vợ sẽ dẫn lũ trẻ tới hồ bơi hoặc câu lạc bộ Piano. Với việc đi du lịch thì nơi đến thường được quyết định bởi phụ nữ. Thêm vào đó việc chọn nhà nói chung là do vợ. Từ vị trí của ngôi nhà cho đến cách bố trí các phòng và trang trí nội thất bên trong căn phòng đều phản ánh quan điểm, ý thích của các bà vợ. Và như thế trong gia đình thì vị trí của đàn ông và phụ nữ đã được hoán đổi.

Trong thế giới phương Tây, ý tưởng phân công lao động theo giới không phổ biến lắm. Xu hướng chính là chia sẻ mọi thứ bao gồm cả công việc và việc nhà, giữa nam và nữ. Thái độ của phương Tây là ủng hộ việc các đôi vợ chồng bên nhau nhiều nhất ở mức có thể và coi đó là nền tảng của hạnh phúc. Bởi vậy ở phương Tây vợ chồng cùng nhau đi ăn tối bên ngoài, cùng nhau đi xem phim, cùng nhau đi dự tiệc.

Nói một cách khác, những người phụ nữ Nhật Bản – những người có vẻ như bị “áp bức” lại cảm thấy hạnh phúc hơn đàn ông Nhật và tỉ lệ li hôn lại thấp hơn nhiều so với các quốc gia ở phương tây. Xã hội Nhật dường như là bằng chứng chỉ ra rằng sự công bằng giới trong xã hội phương Tây không phải là nền tảng của hạnh phúc.

Nguyễn Quốc Vương dịch từ Hiragana Times số 232 tháng 2 năm 2006

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Bài đã đăng trên Blog Người Bán Sách Rong (nguoibansachrong.com)

Xem thêm:

Mời xem video: