Trong khoảng thời gian năm 2017- 2018, tôi bắt đầu suy tư nhiều hơn về con đường mà mình đang đi lúc đó. Tôi đặt ra câu hỏi cho chính mình và những người đấu tranh dân chủ rằng: tại sao tất cả mọi việc đấu tranh từ phong trào, tổ chức, hội nhóm đến cá nhân đều không đạt hiệu quả, hay nói đúng hơn là chúng ta đụng tới cái gì thì đều làm hỏng, để lại những hậu quả nát bét sau đó. Những “thắng lợi” nho nhỏ mà thỉnh thoảng giới đấu tranh đạt được phần nhiều chỉ là những ảo tưởng do chính giới thao túng chính trường tung ra. Những nguyên nhân từ phía chính quyền như: đàn áp, đe doạ, bỏ tù, trục xuất… là điều không cần bàn cãi. Nhưng ngay cả khi không hoặc chưa bị đàn áp thì chúng ta cũng đã tự quậy tung mọi thứ rồi.

Tôi thấy những người ngày ngày viết nói về dân chủ nhưng không chấp nhận đứa con đã trưởng thành có vết xăm mình. Tôi thấy những người luôn nói về tự do xã hội, đa nguyên nhưng không chấp nhận được nhóm người khác có những suy nghĩ và quan điểm khác biệt so với nhóm mình. Tôi thấy những người nói về tự do tâm thức nhưng lại luôn trói buộc người khác vào những định kiến, thành kiến, ham muốn của mình, bắt họ phải theo ý mình. Tôi thấy sự không nhất quán giữa lời nói và hành động của nhiều người. Vừa status trước bạn viết bài lên án thói phán xét của anh A vì người bị phán xét là B – người bạn thích, hôm sau bạn phán xét C chỉ vì C không phù hợp với những tiêu chuẩn của bạn. Vậy bạn lên án sự phán xét vì nhận ra phán xét là không tốt cho bạn hay bạn lên án phán xét chỉ vì bạn muốn bảo vệ B? Và bạn lặp lại hành vi của A khi bạn phán xét C mà không hề nghĩ rằng mình giống A. Tôi thấy nhiều người lên án độc tài nhưng bản thân lại hành xử độc tài. Tôi thấy…

Tôi không thể kể hết những gì tôi thấy. Và điều mà tôi thấy trong giới đấu tranh cũng là điều tôi thấy trong giới trí thức, trong giới doanh nhân, trong giới chính trị, trong giới lao động, trong tôi trong bạn trong mỗi người. Tùy theo hoàn cảnh, điều kiện cần và đủ mà khi thì ta bộc lộ tính cách này khi tính cách khác. Nhiều người ra rả mắng người Việt không thể làm việc nhóm và phân tích ra đủ mọi thói xấu xa bẩn tưởi và gọi đó là căn tính dân tộc. Không riêng giới nào, kể cả giới tâm linh, hai năm qua tôi có dịp đi sâu tìm hiểu thì thấy vẫn một tình trạng dở khóc dở cười y vậy. Mọi thứ đều tung toé, nát bét, thật giả lẫn lộn trộn nhào, con người mang cái danh nào cũng đều vác một khối mâu thuẫn khổng lồ nên luôn luôn bất nhất, nói nghĩ và làm khác nhau. Hoặc lúc vầy lúc khác thay đổi xoành xoạch. Tôi nhận thấy tất cả đều do con người, từ con người.

Chúng ta dễ dàng đổ hết mọi thứ be bét trong xã hội lên đầu giới cầm quyền. Đúng. Tôi là người phê phán, chỉ trích chính quyền trong nhiều năm ròng. Không ít người vẫn hoài nghi thắc mắc tại sao tôi chưa bị bắt. Dù vậy, tôi chưa bao giờ cho rằng toàn bộ nguyên nhân đến từ chính quyền. Hãy quay lại nhìn vào chính đời sống cá nhân, gia đình của mỗi người mỗi gia đình và thành thật trung thực với những cảm giác của bản thân, ta thấy có phải chính quyền ép mẹ mình bắt cháu ngoại phải ăn khi nó không thích không? Có phải chính quyền ép ta đeo mặt nạ với chồng mình không? Có phải chính quyền bắt cha không nói chuyện với con khi nó cần không? Chính quyền có bắt ta nói một đàng làm một ngả với con cái mình? Không chính quyền nào có đủ sức mạnh làm điều đó.

Tôi cũng thấy trong rất nhiều người chồng chất những tổn thương. Chỉ vì A bị B làm tổn thương mà B nói abc thì A lại nghe thành cab. Chỉ vì nỗi sợ bên trong mà C bán đứng ai đó. Chỉ vì không biết bản thân đang bị cảm xúc dẫn dắt mà một người có thể chà đạp xúc phạm người ơn của mình. Chỉ vì không nhìn thấy những ảnh hưởng của sang chấn, không hiểu được tiến trình hình thành tính cách nên một người không hiểu tại sao mình nóng giận hay đau khổ. Không thấy những điều đó trong chính mình thì không thể hiểu tại sao ta lại hành xử theo cách này mà không phải là cách kia. Không nhìn thấy những điều đó trong mình thì cũng không thể thấu hiểu với người khác. Không thấu hiểu thì không có kết nối. Không có kết nối thực sự thì làm việc gì cũng hỏng hoặc chỉ đạt được những kết quả hạn chế không đủ bù đắp cho điều vô tình gây hại.

Nhìn lại những người đấu tranh cho một xã hội tốt đẹp nói chung, tôi không loại trừ tôi, đã thực hiểu điều mình đang làm chưa? Hay chỉ là những bức xúc nhất thời theo sự vụ, chạy theo dòng sự kiện? Chúng ta có chắc chắn về bản thân đã là người hiểu thấu đáo về tự do, dân chủ và sống tự do, đa nguyên, yêu thương? Nếu chưa thì ta chống cái gì và xây cái gì? Tôi liên tục đặt câu hỏi cho bản thân và đi tìm câu trả lời suốt từ 2017 đến nay. Đó cũng là lý do tôi dần dần ngừng tham gia viết bình luận sự kiện, chính trị xã hội.

Có một điều lạ mà về sau tôi không còn thấy lạ nữa, đó là, ngay chính những người đấu tranh, kêu gọi người dân thay đổi nhận thức thì lại không chịu chuyển biến nhận thức mà vẫn đóng khung một chỗ. Về mặt bản chất thì người đấu tranh là đối tượng bị đấu tranh. Người đấu tranh mắng người dân cái gì thì cũng đang tự mắng bản thân y chang điều đó mà say sưa quá nên không nhận ra.

Anh không thể xây dựng một xã hội hạnh phúc khi bản thân anh không hạnh phúc. Anh không thể xây dựng một thể chế dân chủ khi anh là kẻ độc tài. Muốn xây dựng cái xã hội dân chủ ấy thì ngay chính anh phải là người nghĩ và sống dân chủ một cách nhất quán, không nay vầy mai khác. Chẳng phải vậy sao?

Người dân có hiểu rằng mình đang chịu khổ hơn nhiều người dân ở các nước khác không? Có. Tại sao họ không thể tin nổi giới đấu tranh mà lại nhìn đầy kỳ thị và không tiếc lời nhiếc móc vậy? Đừng đổ hết lỗi cho họ, điều đó thật dễ, mà coi lại chính chúng ta có đáng tin cậy không? Trong nhiều năm viết, tôi không bao giờ đổ lỗi cho người dân khi họ không ủng hộ các phong trào đấu tranh, phản biện xã hội. Tôi chỉ có thể kêu gọi. Và sau này khi hiểu rằng không thể kêu gọi một người làm điều mà họ không sẵn sàng, không thể thay đổi nhận thức người khác một cách hữu thức bất kể bạn có cố gắng đến đâu, thì tôi ngừng luôn những kêu gọi thay đổi. Đơn giản chỉ là không còn phung phí năng lượng vào điều vô nghĩa. Tôi phải suy tư cách khác.

Con người không thể sống mà không tương tác. Ngay cả khi y ở nơi núi thẳm rừng sâu một mình thì y vẫn tương tác với mọi thứ xung quanh và với chính y trong mỗi giây khắc. Chúng ta không thể sống mà không tương tác nhưng chúng ta có thực sự tương tác với nhau đâu. Chỉ là những hình ảnh của anh tương tác với những hình ảnh của chị. Xã hội chúng ta xây dựng trên hình ảnh. Các mối quan hệ dựa trên hình ảnh. Nếu có cố gắng vì một lý tưởng chung thì rồi đến một lúc khi một người thay đổi hình ảnh thì lập tức mâu thuẫn xảy ra và chia rẽ, sỉ nhục. Chúng ta sẽ xây dựng lên một xã hội gì trên nền tảng những hình ảnh đó? Chẳng phải anh phải nhìn rõ chính mình, nhìn rõ những hình ảnh mà anh tạo ra cho chính mình và người khác rồi thì sau đó anh mới có thể bắt đầu kiến tạo từ nền tảng của chân thật sao?

Khi một người có nhận thức đúng đủ về chính y thì không một giá trị vật chất hay quyền lực, gông cùm nào, ngay cả cái chết có thể ngăn cản y tự thực hiện trách nhiệm của y với bản thân và toàn thể. Vấn đề của người đấu tranh, người muốn xây dựng xã hội tốt đẹp là phải nhìn lại chính mình trước, mà việc này thì… hầu như không mấy người muốn làm. Nó đau. Anh phải đủ dũng cảm, không có cách khác.

Nguyễn Thị Bích Ngà

Theo facebook Nguyễn Thị Bích Ngà
Đăng dưới sự cho phép của tác giả

  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Nền tảng giáo dục gia đình” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Thói xấu người Việt” tại đây.
  • Xem thêm cùng tác giả loạt bài “Những tổn thương vô tình gây cho con” tại đây

Mời xem video: