Dự 10 khoa thi liên tiếp nhưng chỉ đỗ tú tài, không nản chí, Phan Thúc Trực vẫn tiếp tục học và cuối cùng số phận cũng mỉm cười với người cần cù.

Phan Thúc Trực: Tấm gương bền chí không đỗ cử nhân lại đậu Thám hoa
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

10 khoa thi không đỗ nhưng vẫn bền chí

Thời Lê Trung Hưng ở tại làng Phú Ninh, tổng Vân Tụ (nay thuộc xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) có gia đình họ Phan có 7 đời đăng khoa. Sau này dòng họ có ông Phan Vũ nổi tiếng là hay chữ và có đức hạnh, nhưng vì nhà nghèo nên chỉ học đến tú tài rồi phải đi dạy học kiếm sống mà không đi thi nữa. Dân chúng quen gọi là thầy “Nho bồ” hay “thầy bồ” nghĩa là thầy có bồ chữ Nho, đào tạo được học trò thành tài.

Năm 1808, vợ chồng ông Phan Vũ sinh hạ được người con trai đặt tên là Phan Dưỡng Hạo. Từ nhỏ Dưỡng Hạo đã nổi tiếng là thần đồng, rất thích đọc sách “hầu như chẳng sách nào không đọc, đã đọc sách là quên hết mọi việc và đọc đến đâu nhớ đến đó”.

Năm Dưỡng Hạo 10 tuổi thì cha mất, vì đã có tiếng là thần đồng nên cậu bé được nhiều nhà đưa con cái đến học, nhờ đó mà Dưỡng Hạo có tiền để theo học tiếp.

Năm 16 tuổi, Phan Dưỡng Hạo đỗ đầu xứ trong kỳ khảo hạch “Tiến ích” của tỉnh nên càng nổi tiếng khắp vùng.

Vì gia cảnh nghèo khó nên Dưỡng Hạo phải đến làng Nguyệt Viên dạy học. Đây là ngôi làng khoa bảng có tiếng nên nhiều học trò quy tụ đến đây học chữ nghĩa. Ca dao Thanh Hóa có câu:

Nguyệt Viên mười tám ông nghè
Ông cưỡi ngựa tía ông che lọng vàng.

Tuy nhiên các kỳ thi sau đó Dưỡng Hạo chỉ đỗ tam trường kỳ thi Hương tức tú tài. Theo quy định thì phải vượt qua tứ trường kỳ thi Hương tức cử nhân mới được dự tiếp kỳ thi Hội ở Kinh đô.

Dưỡng Hạo bền bỉ dự 10 khoa thi liên tiếp, gồm 5 khoa thi thời vua Minh Mạng, 3 khoa thi thời vua Thiệu Trị, cùng thêm 2 ân khoa thời vua Thiệu Trị nhưng cũng chỉ đỗ đến tú tài. Vì thế giới văn thân huyện Yên Thành truyền nhau câu đối:

Nhất cử thành danh thiên hạ hữu
Thập khoa liên trúng thế gian vô

Tạm dịch

Thi cử một khoa thành danh thiên hạ có
Mười khoa trúng liên tiếp thế gian không

Giới văn nhân thừa nhận Dưỡng Hạo có tài, nhưng thi cử lận đận. Thầy dạy của ông cũng cho rằng: “Phan tử tài, cử nhân bất túc, tiến sĩ hựu dư” nghĩa là tài năng như trò Phan, mặc dù không đỗ cử nhân nhưng lại thừa sức đỗ tiến sĩ.

Phan Dưỡng Hạo sinh giờ Mão ngày 12 tháng 2 năm Mậu Thìn (1808), lá số tử vi của ông có thiên phủ, vũ khúc thủ mệnh ở tý nhưng bị triệt chặn đầu rất mạnh nên cuộc sống khó khăn từ bé, thi cử cũng không thể đỗ, sau này sao triệt giảm ảnh hưởng thì ông mới được hanh thông.

Không đỗ cử nhân, lại đậu Thám hoa

Năm 1845, nhà Vua có chiếu chỉ đặc cách cho những ai đỗ 7 khoa thi tú tài trở lên được vào học trường Quốc Tử Giám ở Huế để rèn luyện văn bài và dự kỳ thi Hội.

Không bỏ lỡ cơ hội, Dưỡng Hạo đăng ký rồi đến trường Quốc Tử Giám học. Đến năm 1847 Triều đình mở khoa thi, Dưỡng Hạo năm ấy 40 tuổi đổi tên là Phan Thúc Trực rồi đăng ký và dự kỳ thi Hội (Lịch sử sau này cũng ghi chép theo tên mới của ông là Phan Thúc Trực).

Ông vượt qua tứ trường kỳ thi Hội và vào đến kỳ thi cuối cùng là thi Đình. Tại kỳ thi này Phan Thúc Trực làm bài văn sách xuất sắc và đỗ đầu. Vì khoa thi này không lấy Trạng nguyên hay bảng nhãn nên ông đỗ Thám hoa.

Phan Thúc Trực là người xứ Nghệ đầu tiên đỗ thủ khoa dưới thời nhà Nguyễn, vì thế mà kẻ sĩ và dân xứ Nghệ rất vui mừng, đông dảo dân chúng ra đường đón ông vinh quy bái tổ về làng. Trên đường bái tổ về làng, ông vẫn ghé qua thăm những gia đình trước đã giúp đỡ ông khi gặp khốn khó. Ngày mừng vinh quy bái tổ, bên cạnh tấm biển “Ân tứ vinh quy” còn có tấm biển “Khôi đa sĩ” (đứng đầu kẻ sĩ) do vua Thiệu Trị ban tặng.

Phan Thúc Trực là một tài năng, dù thế mệnh ông cho thấy không thể đỗ sớm mà chỉ có thể đỗ muộn, nhưng nếu ông không có tâm nhẫn nại bền chí trải qua suốt 10 khoa thi liên tiếp thì có lẽ ông cũng không đỗ Đình nguyên Thám hoa khi đã 40 tuổi.

Vị quan tài năng, thương dân

Sau khi vinh quy bái tổ Phan Thúc Trực được cử làm Hàn lâm viện trước tác, rồi được thăng làm Thừa chỉ làm việc trong cung vua.

Lúc này Triều đình cho xây mới Tập hiền viện. Khi xây xong ông được cử làm phụ trách việc tuyển trạch văn chương rồi thăng làm Y viện thị giảng cho Tập hiền viện – đây là học viện cao cấp chuyên nghiên cứu, giảng dạy kinh truyện, sử cho nhà vua, các Hoàng tử, Hoàng thân và quan lại cấp cao trong Triều đình.

Tiếc rằng Phan Thúc Trực mất sớm khi mới chỉ 44 tuổi. Dù thời gian làm quan ngắn ngủi, nhưng ông đã để lại 13 tác phẩm ở các thể loại lịch sử, Địa lý, Văn thơ. Đặc biệt “Quốc sử di biên” bổ sung những điều còn thiếu sót hoặc ghi chưa đúng trong sách quốc sử.

Ông còn sáng tác “Cẩm Đình thi tập” gồm 375 bài thơ nói về làng quê thiên nhiên, tình cảm gia đình làng xóm. Tên tuổi của ông được lưu giữ trong rừng sách ở Viện Viễn Đông Bác Cổ tại Hà Nội, Sài Gòn, Hồng Kông, Đài Loan, Paris.

Sống gần Vua lại có tài nên ông hay được Vua khen và ban thưởng. Ông thường lấy bổng lộc của Vua phân phát cho dân nghèo.

Mỗi lần về quê nhận thấy ở làng Phú Ninh mỗi khi có thủy triều dâng lên là ruộng bị nhiễm mặn, vì thế mà đất ruộng bị bỏ hoang. Ông liền cùng dân đắp đê ngăn mặn, để dòng nước mặn chảy ra sông Vũ Giang (còn gọi là sông Cẩm Giàng), lại để nước ngọt từ bàu Liên Trì và rộc Mậu Long từ phía tây bắc làng chảy xuống rửa sạch phèn chua mặn để dân làng Phú Ninh có thể cày cấy.

Vào mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về nhiều gây vỡ đê khiến nhiều nhà cửa bị ngập. Ông hướng dẫn cho dân đắp thêm một con đê để làm giảm lực của nước vào đê chính, dân chúng đặt tên cho con đê này là “bờ hàn”.

Ông cũng cho trồng nhiều cây chịu nước như cây Tre, cây Hóp, cây Cừa, cây Lộc mưng, cây Dừa, cây Vội… có rất nhiều rễ để chống xói mòn, chắn sóng tốt và không bị đổ vào mùa mưa bão.

Là người kính ngưỡng Phật Pháp, ông bỏ tiền và vận động các hào phú cùng góp tiền để sửa chùa Non Nước (nay thuộc xóm Tiên Khánh, xã Khánh Thành) bên cạnh bờ phía nam sông Vũ Giang, giúp dân chúng có nơi sinh hoạt tâm linh, thể hiện tấm lòng kính ngưỡng Phật.

Phan Thúc Trực: Tấm gương bền chí không đỗ cử nhân lại đậu Thám hoa
Nhà bia tưởng niệm Thám hoa tại Trường THPT Phan Thúc Trực. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Thám hoa Phan Thúc Trực là tấm gương sáng về lòng kiên trì nhẫn nại, không bỏ cuộc để rồi đỗ Thám hoa. Ông không quên những người giúp đỡ mình thuở gian khó, lại làm nhiều việc giúp dân. Khi ông mất, một vị túc Nho ở huyện Yên Thành đã thương tiếc mà tặng ông câu đối:

Bảng vàng bia đá nghìn thu, thương tiếc thay người ấy
Đầu bạc răng long trăm nỗi, đau xót lắm trời ơi!

Dân làng Phú Ninh cũng lập đền thờ ông gọi là đền nhà quan, sau này gọi là đình Phú Ninh. Tên ông cũng được đặt cho trường học ở huyện Yên Thành. Thành phố Vinh cũng có con đường mang tên ông.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: