Phó giáo sư Mỹ viết về khí công và văn hóa tu luyện cổ xưa
- Matthew Kutolowski
- •
Matthew Kutolowski là một phó giáo sư chuyên nghiên cứu lịch sử văn hóa và tôn giáo cũng như văn hóa thị giác, ông giảng dạy về văn minh Trung Hoa và văn minh phương Tây. Ông được vinh danh bởi Hiệp hội danh dự Phi Beta Kappa lâu đời nhất Hoa Kỳ. Ông từng làm nghiên cứu sinh tại Đại học Columbia, Đại học Quốc gia Đài Loan và Đại học Thanh Hoa. Ông đã đến Trung Quốc vào một thời điểm đặc biệt, khi phong trào khí công tại Trung Quốc lên tới cao trào vào 22 năm về trước. Dưới đây là bài viết của Kutolowski chia sẻ về hiểu biết của ông – một người Mỹ – về văn hóa tu luyện cổ xưa và phong trào khí công tại Trung Quốc.
*
Transcending the Mundane
Siêu phàm thoát tục
Đó là một khái niệm trường tồn, một niềm tin lâu đời như chính nền văn minh Trung Hoa, cộng hưởng qua các triều đại, trên các vùng đất, và với những nhân cách đáng ngưỡng mộ của lịch sử. Nó truyền thừa qua các thế hệ, và hòa quyện chặt chẽ vào nền văn minh này.
Ý tưởng này, dẫu không chuyển núi dời non, thì ít nhất cũng đã làm nên “Ngũ Nhạc” – năm ngọn núi thiêng của Trung Hoa đều gắn kết với điều ấy. Nó là triết lý nhân sinh của nhà thi họa nổi tiếng thời Đường, Vương Duy, của ông tổ Thiếu Lâm Tự, Bồ Đề Đạt Ma.
Và ngày nay nó vẫn tiếp tục tồn tại theo những cách quan trọng, như là một phần cốt lõi trong “hiện tượng Pháp Luân Công”. Tôi cho rằng chúng ta sẽ không thể hiểu được “hiện tượng Pháp Luân Công” nếu không hiểu điều ấy.
Đó là một quan niệm như vậy: Thông qua việc nghiêm khắc thực hành đức tin, một người có thể siêu thoát khỏi thế giới phàm tục, đạt tới một trạng thái sinh mệnh cao hơn, một trạng thái có niềm vui và trí huệ tương ứng. Trong nền văn minh Trung Hoa, để có được sự siêu thoát ấy, người ta cần chú trọng vào một cuộc sống đạo đức và những bài tập thiền định. Những đồ đệ của các môn pháp này được gọi là “chân nhân”, “bậc đắc Đạo”, “giác giả”, hay thường được gọi là “Thần tiên”.
Ngay từ thế kỷ thứ 4 trước Công Nguyên, những khái niệm về chân nhân đã dần định hình. Có lẽ Trang Tử, triết gia Đạo giáo với những tác phẩm ngụ ngôn nổi tiếng, là người đầu tiên đề cập tới điều ấy trong văn bản. Ông viết rằng: “Miểu cô xạ chi sơn, hữu thần nhân cư yên. Cơ phu nhược băng tuyết, náo ước nhược xử tử, bất thực ngũ cốc, hấp phong ẩm lộ, thừa vân khí, ngự phi long, nhi du hồ tứ hải chi ngoại” (Tạm dịch: Trên núi Miểu Cô Xạ, có một vị thần nhân, da thịt như băng tuyết, yểu điệu thục nữ, không ăn ngũ cốc, chỉ hít gió uống sương, nương theo mây bay, cưỡi rồng, ngao du bốn biển). Trang Tử hay dùng hình thức ngụ ngôn, nhưng ông dường như không có ý coi trạng thái sinh mệnh này là tiểu thuyết hay huyễn tưởng, mà là một điều có thể đạt tới.
Đến thời nhà Hán vài thế kỷ sau, hình ảnh Thần tiên đã trở nên vững chắc hơn và ngày càng được lưu hành rộng rãi. Ý niệm đã trở nên rõ ràng, rằng Thiên thượng và con người là không phân tách, rằng Thiên – nhân là hợp nhất. Quan trọng hơn là có những phương pháp để con người có thể tu luyện đến cảnh giới cao hơn. Chúng thật sự tồn tại.
Phương thức và mục đích
Tồn tại lý tưởng mà chúng ta gọi là chân nhân này, từ ngoại hình cũng có thể nhận ra. Một số đặc điểm thể chất (như sức sống và sự thần thánh) cho ta thấy cảnh giới tinh thần cao thượng của họ, và những đặc điểm này có thể đạt được thông qua các phương thức vận động thể chất.
Một học giả hàng đầu về tôn giáo Trung Hoa, Livia Kohn, đã giải thích rằng theo truyền thống, “các bài tập thể chất là bước đầu tiên để tiếp cận với Đạo. Chúng làm cho cơ thể khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ, và khai thông dòng chảy của Đạo”. Do đó, các đạo sĩ Trung Hoa trong nhiều thế kỷ đã xem cơ thể là “cơ sở, gốc rễ, nền tảng của quá trình tu luyện, dựa vào thể chất để chuyển hóa sự tồn tại của thân thể, coi đó là một phần của con đường thần thánh”.
Nói một cách khác, ý tưởng về sự kết nối giữa tâm trí và thân thể (tâm-thân) là một điều không phải mới trong văn hóa Trung Hoa, dẫu nó là mới mẻ đối với người Tây phương. Các học giả như Russel Kirkland đã gọi cách tiếp cận tự chuyển hóa sinh mệnh này là “nuôi dưỡng tinh thần sinh học”.
Để đạt được mục đích ấy, rất nhiều trường phái tâm-thân đã phát triển trong nhiều thế kỷ. Nói chung, chúng bao gồm việc kiểm soát hơi thở, chế độ ăn uống, quán tưởng, đan dược, và các bài tập mà chúng ta gọi là “yoga Trung Quốc”. Những điều này được cho là có thể điều chỉnh lại cơ thể, khiến nó trở về “trạng thái ban đầu”. Trong thế giới quan này, cơ thể được xem như một sự kết hợp của những điều tinh hoa, và khi sự tuần hoàn của các nhân tố này mất cân bằng thì sẽ sinh ra bệnh tật.
Bởi vậy nói đơn giản là cách hít thở và chế độ ăn uống phù hợp có thể khiến các nguồn năng lượng tinh tế trong cơ thể quay về trạng thái cân bằng và mang tới một sức khỏe tốt. Quan niệm này cũng xuất hiện trong các lĩnh vực khác tại Trung Hoa cổ đại, chẳng hạn như võ thuật, bắn cung, và thậm chí cả thư pháp hay vẽ tranh phong cảnh.
Tuy nhiên khi được thực hành một cách sâu sắc, với một mục đích cao cả hơn, những điều ấy sẽ trở thành nền tảng cho sự chuyển đổi “tinh thần sinh học”. Các học giả cổ xưa gọi việc này là “tự tu luyện” hay “tu luyện”. Một bộ trường phái đầy đủ bao gồm cả việc luyện động tác và việc tu dưỡng đạo đức một cách nghiêm khắc nhất. Kohn viết rằng, “tu luyện có nghĩa là thực hiện các động tác và nâng cao nội tâm. Một khi đã bắt đầu, nó là một quá trình liên tục, một sự biến đổi không ngừng. Nó đòi hỏi một người nhận thức lại mới về bản thân và thế giới, trở thành một con người mới tại mỗi giai đoạn, và không bao giờ hoàn toàn hài lòng, hoàn thành hoặc kết thúc. Luôn luôn có điều gì đó thần thánh thiêng liêng thấp thoáng ở cảnh giới cao hơn…”
Cách tiếp cận này có vẻ như tương phản với khái niệm “dâng hiến” trong văn hóa Tây phương truyền thống. Tín ngưỡng Tây phương coi cơ thể con người, vốn mang theo nhục dục và sự trần tục, là một gánh nặng. Trong nền văn hóa Tây phương, sự trần tục của cơ thể là chướng ngại mà một người phải vượt qua để có được sự thẩu tỏ.
Tất nhiên, trong sự tu dưỡng của Trung Hoa cổ đại, việc coi trọng “thân” không có nghĩa là bỏ qua “tâm”. Việc cắt đứt những ham muốn, loại bỏ những chấp trước, phiền não hay xáo trộn tâm linh, vẫn được xem là rất quan trọng. Khả năng kiềm chế suy nghĩ và dục vọng được xem là yếu tố cơ bản trong quá trình này. Đó là sự tự chủ về mặt đạo đức. Trinh khiết cũng được xem là sùng đạo.
Các Đạo sĩ và những nhân vật tín ngưỡng khác đều xem “thân” và “tâm” là song hành. Tôn Tư Mạc từng viết, “Dưỡng sinh là bồi dưỡng cho mình cái tính thiện. Bản tính đã thiện thì bệnh tật từ trong hay từ ngoài đều không sinh ra; biến loạn và tai họa cũng không có lý do phát sinh; đó chính là đạo lớn của phép dưỡng sinh.”
Bên trong những hang động
Tất nhiên, đây không phải là trường phái Yoga vận động được sáng tác ra ở phương Tây như của Denise Austin. Mức độ nghiêm khắc và thành tâm trong việc hướng tới mục tiêu tâm linh cao cả khiến cho việc tu luyện chỉ dành cho một thiểu số tinh hoa nhất trong văn hóa Trung Hoa. Nó yêu cầu một cá nhân cống hiến toàn bộ thời gian, nguồn lực, và – hơn hết – ý chí, một loại cống hiến khiến cả những vận động viên phương Tây nghiêm túc nhất cũng phải rùng mình.
Một số người đã tu luyện theo cách như vậy, “không tu thành thì sẽ chết”. Họ leo vào một hang động trên vách đá, cắt đứt dây đi, rồi ngồi trong hang mà tu, có thể tu đến khi khai ngộ, nhưng cũng có thể chết từ từ vì đói khát. Những người khác uống các loại đan dược (có mang độc tính), dù họ biết rõ. Những người ấy, họ không phải là những kẻ chán đời trốn chạy, mà họ đã hiến dâng tất cả để đối mặt và tìm kiếm ý nghĩa nhân sinh. Thậm chí với họ, chuyện sống chết sinh tử cũng không phải là vấn đề lớn.
Người phương Tây thường chỉ biết tới Đạo giáo vô vi và Phật giáo từ bi, mà không biết tới sự thật này. Russel Kirkland cho rằng thực tế này là do những thiếu sót, những “hiểu lầm sâu sắc” và “tưởng tượng sai lệch” của phương Tây. Những người quá chú ý đến vẻ bề ngoài và có đầu óc thương mại đã xuyên tạc yếu tố văn hóa thâm sâu này thành “xuôi theo dòng chảy” và “để tự nhiên không gò bó”. Các cuốn sách phương Tây có chủ đề về Đạo và Thiền thường được viết theo kiểu “Hạt giống tâm hồn”. Đó là một sự “vô tâm”, theo Kirkland.
Kirkland giải thích: “Trong Đạo giáo, đạt được mục tiêu tinh thần chưa bao giờ là một điều gì đó xảy ra một cách tự nhiên không gò bó, mà đúng hơn, nó xuất hiện từ một quá trình tu dưỡng cá nhân khắt khe, đòi hỏi phải làm việc, cống hiến và hy sinh bản thân mình.”
Kirkland cho rằng mục tiêu của việc này là để “đạt được trạng thái tồn tại cao quý thông qua việc cần mẫn tu luyện các thực tại sâu xa hơn của thế giới”, chứ không phải mục tiêu là giảm căng thẳng, ngủ ngon hay giảm béo, mặc dù đây có thể là sản phẩm phụ của quá trình này. “Những thành tựu như vậy thường dựa trên một quá trình thanh lọc cá nhân và nâng cao nhận thức về thực tại – tức là một quá trình phát triển về mặt đạo đức, tinh thần và nhận thức.”
Một học giả khác, Akira Akahori, nhắc lại điều này trên cả phương diện cách thức và thành quả. Ông viết rằng theo truyền thống, “Người ta chỉ có thể trở nên bất tử bằng cách hiến dâng, từ bỏ hoàn toàn thế giới trần tục và không sợ hãi ngay cả khi đối mặt với cái chết”. Trong thực tế, điều này có nghĩa là mỗi ngày một cá nhân phải dành hàng giờ luyện tập chuyên chú. Một số người sẽ thực hiện các bài tập thiền định hơn 12 tiếng một ngày, ngoài ra là nghiên cứu kinh sách và uống đan dược. Nói một cách thực tế, điều này chỉ có thể xuất hiện tại một tu viện hoặc ẩn thất trên núi, hoặc hang động. Bởi chỉ một sự gián đoạn không đúng lúc cũng có thể gây ra thảm họa cho quá trình tu luyện.
Vậy thành quả là gì? “Tự do hoàn toàn về thể xác và tinh thần là mục tiêu cuối cùng, một sự bất tử ngang với trời và đất”, Akira Akahori nói.
Xuất hiện trong công viên
Vào những năm 1980 ở Trung Quốc, không lâu sau khi Mao Trạch Đông (người đã phát động Đại cách mạng văn hóa) qua đời, truyền thống hồi sinh thông qua một hiện thân mới, một phiên bản hiện đại mang chiếc áo khoác tiến bộ – chiếc áo khoác của bằng chứng khoa học, của nhà nước cho phép, của một phong trào quần chúng. Đây là một sự đảo ngược gần như hoàn toàn của phiên bản quá khứ với sự mật truyền, mang tính tôn giáo, và chỉ dành cho một nhóm nhỏ. Cơn sốt khí công là hoàn toàn công khai, thế tục và trần tục.
“Khí công” (nghĩa đen là “năng lượng khí”) là thuật ngữ được tạo ra để chỉ phiên bản mới của phương pháp tu luyện “tinh thần sinh học”. Được đặt ra vào năm 1951, cái tên này cho thấy một sự đứt gãy với quá khứ. Giờ đây, trọng tâm là “khí” – một dạng năng lượng gần như vật chất – và sức khỏe mà nó có thể mang lại. Các mục tiêu tâm linh vô hình thời xưa, sau Đại cách mạng văn hóa, bị coi là một thứ đáng xấu hổ, hoặc ít nhất là có vấn đề, là tàn dư, bị nhiều người gán cho hai chữ “mê tín”.
Theo lời của học giả Nhật Bản Kunio Miura, vào thời kỳ này, “người tập khí công bình thường sẽ không… kết nối những kỹ năng này với bất kỳ mục đích tâm linh nào. Khí công được cho là tốt cho sức khỏe và do đó tốt cho gia đình, tốt cho quê hương, là hoạt động vui vẻ và là một cách tốt để gặp gỡ mọi người. Khí công được coi là một môn thể thao mới dành cho đại chúng – Dường như là như vậy”. Nó được xem như trường phái Yoga vận động phiên bản Trung Quốc.
Điều quan trọng cần lưu ý ở đây là sự xuất hiện diện mạo mới của một thứ từng yêu cầu sự gian khổ, khắt khe và kỳ quặc, có nghĩa là lần đầu tiên công chúng có thể tiếp cận nó. Dẫu phần tiếp cận đó không phải là những gì cao siêu nhất. Nói cách khác, giờ đây những lợi ích sức khỏe của khí công có thể được tiếp cận một cách dễ dàng. Thật vậy, vào cuối những năm 1980, khi bình minh ló dạng, hầu hết các công viên Trung Quốc sẽ tràn ngập những người đam mê khí công và thái cực quyền. Hơn 2.000 môn khí công với hơn 200 triệu người tham gia hàng ngày. Các “khí công sư” (thầy khí công) cũng xuất hiện hàng loạt trong thời kỳ này, mang đến những điều mà trước đây chỉ được truyền thừa một cách bí mật. Theo cách nói của người Trung Quốc, họ “xuất sơn” (đến từ trên núi). Đối với nhiều người, những kỳ tích đáng kể về năng lực, khả năng chữa bệnh và phép thuật (ở Trung Quốc gọi là “công năng”) đã biến họ thành những người siêu việt theo đúng nghĩa. Dù sao đi nữa, đối với vấn đề sức khỏe, khí công đã cho hàng triệu người trải nghiệm một thứ gì đó cao hơn: Có thể thay đổi bệnh tật cũng có nghĩa là người ta có thể thay đổi vận mệnh.
Hiện tượng Pháp Luân Công
Đặt trong bối cảnh này, vượt qua quá khứ và hiện tại, chúng ta mới có thể hiểu về hiện tượng Pháp Luân Công. Mặc dù có rất nhiều học giả nói về khí công và Pháp Luân Công, có rất ít phân tích đã làm được điều này. Trọng tâm trong việc nhìn nhận hiện tượng này cho đến nay chủ yếu là ở cấp độ xã hội, hoặc nếu có tính lịch sử, thì chỉ tập trung vào lịch sử của nhóm người này, hoặc lịch sử của các phong trào tâm linh tại Trung Quốc.
Nhưng đối với nhiều thành viên của Pháp Luân Công mà tôi đã nói chuyện cùng ở Bắc Kinh, Đài Loan và Bắc Mỹ, việc tu luyện trước hết là một vấn đề mang tính cá nhân sâu sắc, và sau đó, nếu có, thì đó mới là một việc xã hội. Đây không phải là một “cách tốt để gặp gỡ mọi người” hay một “môn thể thao” lành mạnh, nó không phải là khái niệm khí công “thời hậu Mao” trong quần chúng Trung Quốc. Đây là một phong trào hướng vào bên trong, một thứ gì đó chạm đến sâu thẳm, được nhiều người gọi là “hướng nội mà tu”. Đối với nhiều người, việc thực hành Pháp Luân Công đã cho họ thấy một thế giới bên trong – thế giới nội tâm của mỗi người. Đó là hương vị của một thứ gì đó vĩ đại hơn, thậm chí là thần thánh.
Trong Pháp Luân Công, nhiều người đã tìm thấy ngọn lửa siêu phàm thoát tục được nhen nhóm trở lại. Kết hợp cả tâm và thân trong một môn pháp tự tu dưỡng của Phật gia, đó là phương pháp tiếp cận sự hoàn hảo của Pháp Luân Công, một điều hòa hợp với quá khứ. Giả như có thể quay ngược thời gian thì một tu sĩ ở thế kỷ thứ 6 hẳn là sẽ cảm thấy rất quen thuộc khi tiếp xúc với môn khí công này.
Đối với phần lớn những người theo tập Pháp Luân Công, lợi ích về sức khỏe là những gì thu hút họ lúc mới đầu; nhiều người đã tập luyện vì các vấn đề đau nhức và ốm yếu. Rồi người ta sớm nhận ra rằng Pháp Luân Công có “hiệu quả” một cách bất thường. Mà thời đó, “hiệu quả” là yếu tố quyết định sự thành công hay thất bại của một môn khí công. Ngay cả nhà nước Trung Quốc cũng lên tiếng, chẳng hạn như khi tờ Tin tức Công an Nhân dân, một ấn phẩm của Bộ Công an, đã ca ngợi người sáng lập Pháp Luân Công vì chữa bệnh bằng khí công cho những tội phạm tàn tật. Ấn phẩm tuyên bố rằng, “Sau khi điều trị, họ đều nhất trí về những cải thiện đáng kinh ngạc của mình.”
Nhưng điều đặc biệt hơn là trong Pháp Luân Công, vấn đề sức khỏe không phải mục đích cuối cùng giống như hầu hết các môn khí công khác, nó chỉ là một sản phẩm phụ trên con đường tu luyện “tinh thần sinh học”; hoặc cao hơn một chút, là một phương tiện để đạt được mục đích. Chữa bệnh bằng khí công đương đại của Trung Quốc, xét cho cùng, phần lớn là một thứ thế tục – những điều về “khí” mà không phải về “công”.
Ngược lại, đối với Pháp Luân Công, “thông điệp mang tính đạo đức sâu sắc”, theo David Ownby – một sử gia về tôn giáo Trung Quốc, người đã viết nhiều về Pháp Luân Công. Thật vậy, trạng thái đạo đức của một người sẽ mang đến sức khỏe, trong khi thiếu đạo đức, làm điều sai trái, và “tội nghiệp” sẽ dẫn tới đau khổ hay bất hạnh. Những người tu Đạo thời xưa cũng từng nói rằng sức khỏe thể chất có quan hệ mật thiết với trạng thái đạo đức và tâm linh của một người.
Những tác động tích cực đối với thể chất mà Pháp Luân Công đem đến đã trở thành thứ mà nhiều người gọi là sự hiển linh về mặt tinh thần. Nghĩa là đằng sau những điều bề mặt này là điều gì đó lớn lao hơn. Ngoài khí và các đường kinh mạch thì còn một thứ gì đó thâm sâu và to lớn hơn nữa. Các quy luật vũ trụ cũng có thật như máu thịt vậy, và những quy luật ấy có thể được nghiên cứu như người ta nghiên cứu khoa học, và thậm chí con người cần tuân theo những quy luật ấy. Cũng như trong quá khứ, thành quả của điều đó là một sự biến đổi thân-tâm, hay thậm chí là sự “giác ngộ”.
Tuy nhiên, khác với quá khứ, Pháp Luân Công mở cánh cửa này cho tất cả mọi người. Người ta có thể theo tập ngay lập tức, và nguyện ý làm đến đâu thì làm đến đó. Các bài giảng là miễn phí trên mạng và không kèm theo điều kiện nào đối với việc theo tập (như tuổi tác, trình độ thể chất, lệ phí).
Ownby đã nhận xét rằng, “khi bạn nói chuyện với những người tập Pháp Luân Công, hết lần này đến lần khác họ quay lại với khái niệm làm người tốt, rằng bản thân vũ trụ là tốt… điều tôi nhận thấy khi nói chuyện với họ là họ mang một niềm vui lớn khi có thể cống hiến bản thân để trở nên tốt đẹp hơn. “
Tôi tin rằng điều này có thể được gọi là niềm vui khi nghiêm khắc yêu cầu bản thân. Trong hành trình tìm cách làm chủ bản thân của những nhân vật tôn giáo của Trung Quốc trong quá khứ, có những điều vượt qua đau đớn và nguy hiểm. Để ngồi khoanh chân ở tư thế “kiết già” trong một giờ là một kỳ công về thể chất, nó đòi hỏi một sự thuần thục nhất định; và đó là một trong những điều người tập Pháp Luân Công làm hàng ngày. Tương tự, những người này thực hành việc tự kiềm chế bản thân – tìm kiếm loại bỏ những suy nghĩ và mong muốn không đúng mực mà bản thân khó phát hiện. Tôn Tư Mạc và những người tu luyện trong quá khứ đã nói rằng điều này sẽ mang đến một “đại dương năng lượng đầy tràn”. Tôi thấy tuyên bố đó là đúng. Sự tĩnh lặng bên trong, cũng như sự tự chủ, là một loại niềm vui tinh tế có thể được ví như một nụ cười, nhưng niềm vui đó lại không dễ thấy.
Đối với nhiều người, “theo tập” Pháp Luân Công giống như một hình thức để bản thân trở nên tích cực, một quá trình đồng hóa với các quy luật cao hơn của tự nhiên và vũ trụ (được tóm tắt là “chân thật”, “thiện lương”, “nhẫn nại”) và thanh lọc cơ thể cũng như tâm hồn. Chính nhờ điều này mà chúng ta có thể hiểu cách phản ứng của nhóm người Pháp Luân Công đối với sự đàn áp của nhà nước Trung Quốc – có kỷ luật, kiên nhẫn, lạc quan, bền bỉ. Đây là những người hàng ngày trải nghiệm những thực tại sâu xa. Họ là những người cảm thấy quy luật vũ trụ len lỏi trong huyết quản của mình, như lời họ nói. Họ đứng trên một nền tảng khác, không có khả năng bị lay động bởi những ý tưởng mơ hồ bất chợt hàng ngày.
Đây là một sự nhạy cảm, một phương hướng xuyên suốt và là nền tảng nền văn hóa Trung Hoa. Nếu lịch sử là sự chỉ dẫn, thì văn hóa tu luyện đó vẫn ở đây. Một số điều là siêu việt quá khứ và hiện tại.
Tác giả: Matthew Kutolowski
Minh Nhật dịch thoát
Tìm hiểu hoặc đăng ký học khí công miễn phí tại đây. |
Xem hồi ức của phó giáo sư Matthew Kutolowski:
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Pháp Luân Công khí công phong trào khí công Trung Quốc cuộc sống sau bức hại