Một dáng vẻ tao nhã chỉ có thể lưu lại chút ấn tượng tốt đẹp, nhưng một tấm lòng rộng lớn sẽ tạo nên sự kính nể và tôn trọng không dễ phai mờ.  Trong xã hội hiện thực, bất luận là nam hay nữ, già hay trẻ, người có phong độ, có khí khái sẽ luôn khiến người khác nảy sinh lòng ngưỡng mộ, cảm phục, hướng về. 

Phong độ khí khái thể hiện phẩm cấp tâm linh của một người
(Tranh: Kano Tsunenobu, The Metropolitan Museum of Art, Public Domain)

Ngày nay, chúng ta thường dùng từ phong độ để đánh giá một người đàn ông, chủ yếu dựa vào hình thức bên ngoài, cách ăn mặc, cử chỉ, dáng dấp của người ấy. Nhưng kỳ thực, vẻ ngoài của một người dù đẹp đến đâu, cách ăn mặc chỉn chu đến mấy cũng sẽ dễ dàng phai nhạt đi ngay khi người khác cảm nhận thấy tâm linh của người ấy không tương xứng.

Một người có phong độ khí khái hay không được quyết định ở chỗ tâm lượng của người ấy lớn hay nhỏ. Bởi vì phong độ khí khái tuy được biểu đạt ra bên ngoài thông qua lời nói và việc làm, nhưng nó có ngọn nguồn từ cái tâm người ấy, biểu lộ ra phẩm cấp tâm linh của người ấy. Phong độ khí khái cao hay thấp không được quyết định bởi vật chất, tài phú nhiều hay ít, học vấn cao hay thấp. Phong độ khí khái làm bạn với một trái tim khoan dung và một tấm lòng rộng lượng.

Biểu hiện của phong độ khí khái trong cuộc sống chính là đối xử với mọi người một cách hào phóng mà thỏa đáng, thái độ làm người khiêm tốn giản dị mà không giả tạo khoa trương, quang minh lỗi lạc không che giấu tội lỗi của mình, thủ vững sự cao quý của tâm linh, không bị mê hoặc bởi cám dỗ xã hội.

Trong lịch sử, Địch Nhân Kiệt, vị tể tướng nổi tiếng dưới thời Võ Tắc Thiên cầm quyền, nổi tiếng là người ngay thẳng chính trực, tài năng xuất chúng và có phong độ khí khái hơn người.

Khi Địch Nhân Kiệt đảm nhận chức vụ Thứ sử ở Dự Châu, ông luôn làm việc công bằng, chấp pháp nghiêm minh, được dân chúng khắp nơi ca ngợi tán dương. Vì vậy, Võ Tắc Thiên đã chuyển Địch Nhân Kiệt về kinh thành đảm nhận chức Tể tướng. Sau này, dù cũng chìm nổi chốn quan trường, nhưng Địch Nhân Kiệt sau cùng vẫn lại trở thành Tể tướng.

Một hôm, Võ Tắc Thiên hỏi Địch Nhân Kiệt: “Nghe nói lúc ngài ở Dự Châu, tiếng tăm lừng lẫy, chiến tích vượt trội hơn người. Nhưng cũng có người ở trước mặt ta vạch trần những sai lầm của ngài. Ngài có muốn biết ai là người đã vạch trần sai lầm của ngài không?”

Địch Nhân Kiệt nghe xong, bình tĩnh đáp: “Người ta vạch trần những chỗ không tốt của thần, nếu quả thực là sai lầm của thần thì thần nguyện ý sửa chữa. Nếu Bệ hạ đã biết rõ ràng đó không phải là sai lầm của thần thì đây là may mắn của thần. Còn về phần ai nói thì thần không muốn biết, cũng không cần biét. Như vậy thì mọi người có thể chung sống với nhau được tốt đẹp”.

Võ Tắc Thiên nghe xong những lời này, cảm thấy được Địch Nhân Kiệt là người có tâm lượng rộng lớn, trí tuệ thâm sâu và phong độ bất phàm, không hổ là “cái bụng của tể tướng có thể chèo thuyền được”. Vì thế, Võ Tắc Thiên càng thêm tán thưởng, kính trọng Địch Nhân Kiệt, hơn nữa còn tôn xưng ông là “Quốc lão”.

Tin tưởng tể tướng Địch Nhân Kiệt, Võ Tắc Thiên lại nhờ ông tiến cử người tài. Trước khi qua đời, Địch Nhân Kiệt đã tiến cử nhiều người tài cho triều đình, như: Trương Giản Chi, Hoàn Ngạn Phạm, Hổ Kính Huy, Đậu Hoài Trinh, Diêu Sùng, Tống Cảnh, Lý Nguyên Phương… Có người khi ca ngợi Địch Nhân Kiệt đã nói: “Những người tài năng trong thiên hạ đều là môn hạ của ngài cả!”

Địch Nhân Kiệt nghe vậy thì cười nói: “Tôi tiến cử hiền tài là vì quốc gia chứ không phải là vì danh tiếng của bản thân mình”.

Đến cuối đời, Địch Nhân Kiệt được sự tin tưởng vô cùng lớn. Võ Tắc Thiên tôn trọng ông đến mức chỉ gọi ông là “quốc lão” mà không nhắc trực tiếp bằng tên. Tương truyền, vì lý do tuổi đã cao, ông thường xuyên đề nghị được từ chức nhưng liên tục bị bà từ chối. Thêm vào đó, bà lệnh cho ông không phải quỳ và khấu đầu trước bà nữa.

Địch Nhân Kiệt được người đời đánh giá là người có lòng dạ khoan dung, có phong độ khí khái, rộng lượng và trí tuệ hơn người. Vì thế ông càng thêm được mọi người kính trọng và ngưỡng mộ. Sau khi Địch Nhân Kiệt qua đời, Võ Tắc Thiên đã nói rằng, “Triều đình từ nay trống không”.

Võ Tắc Thiên có thể một tay bao quát triều đình, là phận nữ mà lên làm hoàng đế, trấn áp nhà Đường mất 15 năm, nhưng vẫn chịu nhún trước Địch Nhân Kiệt, có thể thấy khí khái của ông đã khiến bà kính phục. Địch Nhân Kiệt không trực tiếp khôi phục nhà Đường, nhưng bảo toàn đất nước không chịu nạn can qua, can thiệp đúng chỗ để bảo tồn vị trí thái tử của Lý Hiển (sau là Đường Trung Tông), lại tiến cử những nhân tài có công khôi phục nhà Đường. Từ đó có thể thấy công trạng của ông đặc biệt lớn, cũng cho thấy phong độ khí khái của ông.

Phong độ khí khái là điều không thể bắt chước được, cũng không thể “hóa trang” mà ra được. Nó là phản chiếu từ sự tu dưỡng, từ ý chí rộng lớn cùng tâm linh tốt đẹp của một người. Bất luận ai cũng có thể cảm giác được sức hấp dẫn của nó. Nếu một người có thể bồi dưỡng cho mình một trái tim từ bi khoan dung, dùng tâm thái bao dung, lý giải và quan tâm để đối nhân xử thế, lấy trí tuệ và chân thành để thu phục lòng người thì nhất định sẽ trở thành người như vậy.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: