Đức “nhu” của nữ tính thời cổ biểu hiện ở sự giữ vững phẩm hạnh và thuận theo quy luật tự nhiên, không thay đổi vì cái xấu ác của hoàn cảnh hay sự biến dị của văn hóa. Người phụ nữ có thể làm được sẽ mang lại may mắn cho gia đình, thậm chí cho quốc gia.

Tản mạn hình ảnh người con gái hái dâu thời cổ
(Tranh minh họa: Public Domain)

Đổng phu nhân là mẹ của Trang Nam Thôn, một viên quan triều Ung Chính thời nhà Thanh. Bà là vợ kế. Khi Trang Nam Thôn vừa đầy tháng, con của người vợ trước lên mụn nhọt, Đổng phu nhân đã làm một việc khiến gia nhân hết sức kinh ngạc. Bà dùng các loại mứt trái cây quà bánh để dỗ con, còn dùng sữa của mình nuôi dưỡng đứa con người vợ trước.

Đổng phu nhân nói: “Ta vẫn còn trẻ, con mất rồi còn có thể sinh tiếp được. Nhưng chị ấy mất rồi, chỉ có đứa con này thôi!”

Khi đứa trẻ khỏi bệnh mụn, vì nhà nghèo, không có tiền mua thuốc, Đổng phu nhân lại dành dụm sữa chia cho, mong đứa trẻ có thể sớm ngày bình phục.

Đổng phu nhân về sau có năm người con, đều đỗ Tiến sĩ, người thời đó gọi là “Ngũ tử đăng khoa”. Trong đó Trang Nam Thôn thi Đình đỗ đệ nhị giáp. Hai người con của Trang Nam Thôn sau này cũng có một người làm Trạng nguyên, một người đỗ Bảng nhãn. Có thể nói Đổng phu nhân dùng đức hạnh của mình mà khiến gia đình thịnh vượng.

Thế hệ đi trước thường hay nói: “Đối xử tốt với người khác chính là tích phúc tích đức cho con cháu mình”. Đó chính là đức hạnh lớn, và cũng chính là đức “nhu” của phụ nữ thời xưa.

Thời hiện đại này kỳ thực cũng có người làm được như vậy. Đây là một câu chuyện có thật từng xuất hiện trên chuyên mục “Câu chuyện truyền kỳ” của Đài truyền hình Giang Tây, dẫn đến sự bất ngờ của rất nhiều chuyên gia y học.

Có một giáo viên mầm non là mẹ đơn thân, cô và con gái nhỏ sống cùng với ông bà ngoại. Con gái lên 5 tuổi chẳng may mắc bệnh bạch cầu, chỉ có thể cấy ghép tủy xương mới có thể cứu được, nếu không thì dù có bán sạch cửa nhà cũng chỉ uống phí. Người mẹ muốn cho con gái tủy xương của mình, liền đến trung tâm hiến tủy xét nghiệm. Kết quả là tủy của cô ấy với con không hợp nhau, mà lại hợp với một cậu bé 7 tuổi bị bệnh bạch cầu ở thành phố, thế là trung tâm hiến tủy động viên cô ấy hiến tủy cho cậu bé kia. Bố mẹ cậu bé biết tin liền đưa cậu tìm đến nhà cô giáo mầm non ấy, quỳ xuống cầu mong cô cứu mạng.

Đây thật sự là một sự lựa chọn khó khăn: Phẫu thuật xảy ra chuyện bất trắc gì, con gái cô phải làm sao? Cả nhà già trẻ biết làm sao? Cô nhìn thấy sắc mặt nhợt nhạt của đứa bé trai mà ứa nước mắt, lập tức nhận lời. Phẫu thuật rất thuận lợi, cha mẹ của cậu bé vì muốn cảm ơn ân cứu mạng, đã tặng cô ấy 5 vạn nhân dân tệ. Cô giáo lại nói dù thế nào cũng không thể lấy, yêu cầu họ giữ tiền trị bệnh cho con trai. Cha mẹ cậu cảm kích, đến đơn vị đưa tin tức phản ánh về vị nữ giáo viên có phẩm cách cao thượng này. Bản tin vừa ra đã gây nên tiếng vang lớn, một vài người dân thành phố tự phát muốn quyên tiền tặng người mẹ trẻ thiện lương này.

Một nông dân trẻ tuổi đến nội thành làm công cũng quyên góp 300 nhân dân tệ mà anh vất vả làm lụng tiết kiệm được để biểu thị tấm lòng. Không ngờ được rằng vài ngày sau, chàng trai trẻ này tìm đến tận nhà cô giáo, không chỉ muốn xin lại 300 nhân dân tệ, mà còn muốn mượn của cô giáo 2000 nhân dân tệ. Chàng trai giải thích rằng bố cậu ở dưới quê đột nhiên bị chẩn đoán mắc ung thư dạ dày, giờ đang nằm viện, vẫn còn thiếu hơn 2000 nhân dân tệ phí phẫu thuật.

Mọi người đều cho rằng chàng trai lừa đảo, nhưng cô giáo không nghĩ như vậy, liền đến bệnh viện mà cậu nói ngầm dò la, phát hiện cha cậu đúng là đang nằm viện, quả thực vừa xét nghiệm ra ung thư dạ dày, cũng đúng thật thiếu 2000 nhân dân tệ tiền phẫu thuật. Cô ngay lập tức về nhà lấy tiền đưa cho chàng trai, để cha cậu được phẫu thuật kịp thời.

Thời gian trôi qua, dù đã được bệnh viện, người nhà, bạn bè tứ phương tìm trợ giúp, nhưng cô giáo vẫn không tìm được người phù hợp hiến tủy cho con gái. Tiền dùng hết cả rồi, bác sĩ cũng lắc đầu chịu bó tay, cô ấy chỉ đành đón con về nhà, ngày ngày ôm con vào lòng, khóc thầm lặng lẽ.

Khi viễn cảnh đen tối đang dần dần ập tới thì bệnh tình của bé gái lại ngày một chuyển biến tốt hơn, cuối cùng hoàn toàn bình phục. Sự việc này lại thật sự kinh động, các chuyên gia y tế huyết học cũng lũ lượt kéo đến, muốn làm rõ sự khỏi bệnh thần kỳ của bệnh nhân ung thư máu, nhưng từ đầu đến cuối vẫn không tra ra nguyên nhân. Chuyên gia y tế không thể không thừa nhận đây là một phép màu, bởi vì đứa trẻ mắc loại bệnh bạch cầu như vậy, dù là cấy ghép tủy xương thì tỉ lệ sống sót cũng chỉ có 50%.

Kỳ thực trong văn hóa truyền thống đã có lời giải đáp cho điều mà các nhà khoa học không thể lý giải. Có thể thuận với Thiên lý, dùng trái tim thuần thiện, vô tư hiến tặng máu thịt cùng tiền tài của mình cứu giúp người khác, bất kể hoàn cảnh của bản thân ra sao, chính là sẽ mang lại phúc báo. Ở thời hiện đại này, tấm lòng như vậy có thể nói là hiếm có, người thiện lương hiếm có tất sẽ nhận được phúc báo thần kỳ. Sách cổ chẳng phải cũng ghi lại rất nhiều những câu chuyện như thế hay sao?

Theo “Phụ nữ nên nhu mì
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Cao Viễn

Xem thêm:

Mời xem video: