Làng Quan Tử xưa kia nổi tiếng vì gia đình nào cũng có người đỗ đạt làm quan.

Từ làng Gốm đến làng Quan Tử

Bên dòng sông Lô có một ấp nhỏ làm nghề gốm, quanh năm buôn bán sầm uất, gọi là làng Gốm. Do gần sông, người dân làng Gốm thuận tiện buôn bán các sản phẩm gốm làng mình.

Làng Gốm xưa kia thuộc huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc), dù làm nghề gốm nhưng nổi tiếng bởi rất nhiều người đỗ đạt làm quan.

Làng có 12 người đỗ tiến sĩ là: Nguyễn Từ, Lê Thúc Chẩn, Nguyễn Tộ, Nguyễn Chinh, Nguyễn Tư Phúc, Trần Doãn Hựu, Lê Đức Toản, Đặng Thận, Lê Khiết, Đặng Điềm, Nguyễn Phu Hựu, Vũ Doãn Tư. Còn đỗ cử nhân, tú tài thì nhiều không kể xiết, nhà nào cũng có người đỗ.

Người đỗ khai khoa cho làng là Nguyễn Từ, đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (tức Hoàng giáp) khoa thi năm 1453 thời vua Lê Nhân Tông. Văn Chỉ của làng có tấm bia đá ghi danh những vị tiên hiền của làng.

Nếu thống kê các làng có 10 người đỗ tiến sĩ trở lên thì trong cả nước chỉ có 21 làng. Làng Gốm có 12 người đỗ là rất cao. Trong số hơn 40 nhà khoa bảng được thờ ở Văn Miếu Vĩnh Phúc, thì riêng làng Gốm đã có 12 vị.

Thời xưa người nào đỗ đạt đều được bổ nhiệm làm quan tại địa phương khác để tránh làm việc ở quê sẽ bổ nhiệm người nhà, thậm chí nhiều người không mang theo vợ con đến nơi nhiệm sở mới, nên con cái các quan đều ở làng quê. Đến thời vua Lê Thánh Tông con quan ở làng Gốm đông đến nỗi cứ ra ngõ là gặp, vì nhà nào cũng có người đỗ đạt làm quan. Tiếng lành đồn xa, nhà Vua liền gọi đây là làng Quan Tử (nghĩa là con quan), tên gọi làng Quan Tử cũng ra đời từ đó.

Tuy nhiên cũng có giải thích từ “Quan Tử” với nghĩa khác. “Quan Tử” ý chỉ đức hạnh và sự kính trọng đối với những người làm quan của làng.

Thành Hoàng Đỗ Khắc Chung

Theo lịch sử, ngoài những vị đỗ tiến sĩ, làng còn nhiều người tài giỏi ở các phương diện khác. Quan Tử là nơi sinh thành của Tả tướng Trần Nguyên Hãn, là nơi cư trú và dạy học của Đỗ Khắc Chung.

Dù làng có nhiều người đỗ đại khoa, nhưng lại chọn Đỗ Khắc Chung thời nhà Trần làm Thành Hoàng của làng để thờ phụng. Đỗ Khắc Chung không sinh ra tại làng, nhưng lại đến nơi đây dạy học, hình thành nên phong trào hiếu học cho cả làng, giúp trở thành làng khoa bảng nức tiếng sau này.

Quan Tử: Ngôi làng nhiều “con quan” bên dòng sông Lô
Đền thờ Đỗ Khắc Chung. (Ảnh: Vinhphuc.edu.vn)

Bản khai “Thần tích – Thần sắc” làng Quan Tử có ghi chép rằng:

“Ông Đỗ Khắc Chung nguyên là người Giáp Sơn, tỉnh Hải Dương, lúc ít tuổi có tài văn võ, học hành rất thông minh, lúc chưa hiển đạt, có đi chơi đến làng chúng tôi… thấy nhân dân phong tục thuần hậu mà ít học hành, ngài mới lập trường dạy học, nhờ đó nhân dân học tập thông thái, thành ra một làng có ý nghĩa”.

Theo “Đại Việt Sử ký Toàn thư”, Đỗ Khắc Chung sinh năm 1247 ở làng Cam Lộ, huyện Giáp Sơn, tỉnh Hưng Yên trong gia đình thầy thuốc. Lớn lên thì ông siêng năng học hành, đèn sách.

Một lần Đỗ Khắc Chung đến du ngoạn đến ấp Sơn Đông, lộ Tam Đái (nay là xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch) thấy phong cảnh núi sông rất đẹp, địa thế giao thông lại thuận lợi, người dân dù ít học, không biết chữ nghĩa, nhưng tính tình rất đôn hậu. Đỗ Khắc Chung liền bàn với dân làng Gốm lập trường để mình dạy chữ cho. Từ đó ông ở làng Gốm dạy học, sau khoảng 6-7 năm, khi làng Gồm đã giỏi chữ nghĩa rồi mới rời đi. Sau đó Đỗ Khắc Chung thi đỗ rồi làm quan cho Triều đình.

Trong cuộc chiến chống quân Nguyên lần thứ 2, Đỗ Khắc Chung lập công lớn khi đi sứ sang trại quân Nguyên gặp Ô Mã Nhi. Sau chiến thắng ông được thưởng, ban cho quốc tính họ Trần, gọi là Trần Khắc Chung.

Sau khi Trần Khắc Chung mất, được làng lập miếu thờ. Sau này miếu thờ được tôn tạo thành đền, gọi là đền Quan Tử hay đền thờ Đỗ Khắc Chung. Trong đền thờ có bức hoành phi 4 chữ: “Vạn đại chiêm ngưỡng” (nghĩa là vạn đời trông theo) thể hiện ân nghĩa của thầy giáo Đỗ Khắc Chung. Ngoài ra còn có bia đá ghi danh 12 người đỗ đại khoa. Đền Quan Tử được công nhận là di tích văn hóa lịch sử vào năm 1993.

Hàng năm cứ ngào ngày mùng 3 tháng 10 âm lịch là ngày kỷ niệm thầy Đỗ Khắc Chung mở trường dạy học, người dân xã Sơn Đông lại tổ chức lễ tế rất long trọng.

Quan Tử: Ngôi làng nhiều “con quan” bên dòng sông Lô
Mùng 3/10 âm lịch làng Quan Tử mở lễ hội kỉ niệm ngày thầy giáo Đỗ Khắc Chung mở trường dạy học.. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Ngoài ra làng Quan Tử còn có đền thờ Tả tướng quân Trần Nguyên Hãn, đền thờ này được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1984.

Ngày nay làng Quan Tử vận động đóng góp để lập quỹ khuyến học. Cứ vào dịp đầu năm mới làng lại tuyên dương các học sinh giỏi hay đỗ đại học, giúp đỡ các học sinh nghèo vượt khó.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: