Thoát ra khỏi Paris là coi như thoát nợ. Paris đang ồn ào, tấp nập chuẩn bị cho ngày Quốc khánh vào thứ Hai tới. Từ ga Lyon, anh bạn chở tôi lòng vòng tránh bẫy kẹt xe. Máy chỉ đường GPS trong xe luôn miệng quẹo trái, quẹo phải, trật rồi, vòng lại… nhưng cũng phải loay hoay cả tiếng đồng hồ mới ra đến ngoại ô. Nhà anh bạn ở Maurepas, thuộc vòng đai thứ năm thứ sáu gì đó của Paris.

Tôi nhớ Chartres, cái thành phố tí tẹo cách Paris chừng trăm cây số, với những con đường lót gạch nhỏ như những con hẻm, vòng vèo lúc cao lúc thấp, nhớ cả ngôi nhà thờ Chartres chơi vơi, mà với cảm tính đầy thiên vị, tôi cho rằng đó là thánh đường đẹp nhất nước Pháp, dù nó chẳng thơ mộng chút nào so với Notre Dame de Paris bên dòng sông Seine.

Ừ thì ngày mai đi Chartres, anh bạn tôi nói thế. Thực ra y muốn khoe mảnh vườn vài ngàn mét vuông mới mua ở gần đó để chuẩn bị cho tuổi già đang bén gót, nhưng chị vợ chắc là ngán… tuổi già, nên đề nghị đi thêm năm, bảy cây số thăm Little Venice. Trời đất! Venice gì ở đây? Venice là thành phố sông rạch lãng mạn ở Ý. Little Venice và Little Sài Gòn là những đồng dạng khác nhau về nguồn gốc. Một cái trông giống, một cái để nhớ.

Bonneval là thị trấn buồn hiu và yên tĩnh, đường phố nhỏ hẹp và nhiều kênh rạch, rải rác vài ông bà già ngồi hóng mát trên những ghế đá bên bờ kênh. Thành phố nhỏ bé này có đâu đó từ thời trung cổ, với nhiều di tích còn sót lại trăm năm, ngàn năm cũng có.

Mướn một ca-nô điện, du khách có thể tự lái lòng vòng kênh rạch, xuyên qua nhiều chiếc cầu cổ, đôi khi phải rạp mình xuống sát ca-nô để khỏi đụng đầu. Hai bên bờ rải rác vài nhà giặt công cộng, nơi ngày xưa phụ nữ ra bờ kênh giặt giũ, có cả những lều cà phê cho quý ông ngồi nhâm nhi tán chuyện. Chỉ là những di tích thôi, nếu là quán cà phê thiệt, thì chắc tôi đã nhảy lên bờ ngắm mấy bà giặt giũ rồi.

Thấp thoáng sau những lùm cây hai bên bờ là những lâu đài, pháo đài, chòi canh, tháp canh… xây cách đây cả năm, sáu trăm năm, có cả pháp đình từ thế kỷ thứ Mười Ba. Tu viện Saint Florentin cũng cả hơn ngàn năm tuổi, và rồi xa xa là những tháp chuông nhà thờ…

Ai đó gọi Bonneval là Little Venice cũng không có gì quá đáng. Có điều thời gian nơi đây dường như chậm lại, nhịp sống cũng chậm, chẳng có gì vội vã. Ca-nô điện không tiếng máy nổ, thả trôi từ từ trong không gian yên tĩnh và cổ kính.

Thị trấn nhỏ xíu, cổ kính và buồn hiu thế này ở Pháp khá nhiều, anh bạn nói thế. Tôi liên tưởng đến một Paris tráng lệ và vội vã, với cả đoàn người dài cả trăm mét xếp hàng dưới mưa chờ vào thăm Notre Dame de Paris. Sự tương phản này làm tôi nhớ đến một tạp chí trong nước hồi đầu năm nay ra số chuyên đề Từ sông Seine Paris tới kênh Nhiêu Lộc Sài Gòn. Ông chủ bút này quả là biết đùa dai và đùa bạo.

Tôi lớn lên bên bờ kênh Nhiêu Lộc, và bây giờ vẫn sống bên nó, chứng kiến bao chuyện buồn vui, buồn nhiều hơn vui bên dòng kênh đó. Con kênh từ rộng đến hẹp dần, màu nước từ vàng lợ hóa đen. Kênh Nhiêu Lộc bây giờ đã khá hơn nhiều, nước kênh trong hơn đủ để cá thở, dù đôi lúc buồn buồn chúng rủ nhau “từ trần” hàng loạt, nổi trắng phếu trên mặt kênh. Nước thải sinh hoạt nhiều quá mà. Sự chuyển mình bao giờ cũng có nỗi đau, nhưng nỗi đau của kênh Nhiêu Lộc kéo dài quá lâu. Đã có nhiều cây cầu bê tông nhỏ bắc ngang qua kênh, nhưng hai bên bờ kênh mọc đầy những quán nhậu và những quán cà phê chân dài nhảy múa. Kênh Nhiêu Lộc trở thành kênh nhậu nhẹt. Một trong những mặt trái của phát triển đô thị đã tước đoạt đi không gian êm đềm của con người.

Du khách đến Bonneval đa số là người Pháp, và số lượng cũng chẳng được bao nhiêu, dù hôm đó là chiều thứ Sáu. Mùa nghỉ hè này thiên hạ đi chơi đâu không biết, nhưng Little Venice yên tĩnh là như thế đó. Kênh rạch nơi đây nhỏ hẹp như kênh Nhiêu Lộc, và nối liền với sông Loire, con sông dài nhất nước Pháp.

Tôi cúi rạp người trên chiếc ca-nô điện để xuyên qua gầm cầu đá cổ kính ở Bonneval, và nhớ đến dòng kênh Nhiêu Lộc của tuổi thơ và cả tuổi (hơi) già lúc này. Tôi mơ, dù biết đó chỉ là hão huyền, ngày nào đó Nhiêu Lộc sẽ là Bonneval.

Sống chậm và buồn như bolero ở Bonneval
(Ảnh minh họa: Dominique Mathoux, Shutterstock)

Vũ Thế Thành
Maurepas, 11.07.2014

Trích “Sài Gòn, một góc ký ức và bây giờ”, tái bản 2020
Đăng lại từ Facebook Vũ Thế Thành

Bài đã đăng trên Sài Gòn Thập Cẩm (saigonthapcam.wordpress.com)

Xem thêm:

Mời xem video: