Người xưa rất tin vào số mệnh, họ thường nói: “Sống chết có số, phú quý do trời”. Điều gì trong số mệnh đã được định là có thì nó sẽ đến, còn điều gì không được định sẵn, thì đừng cưỡng cầu, bởi cưỡng cầu mà làm điều xấu thì sẽ bị báo ứng. Trong lịch sử cũng từng ghi lại những câu chuyện đáng suy ngẫm về câu nói này.

Trí tuệ cổ nhân: Sống chết có số, phú quý do trời
(Ảnh minh họa: Anek.soowannaphoom, Shutterstock)

Tài hắn không bằng ngươi, mệnh ngươi không bằng hắn

Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương (1328 -1398), có một lần cải trang đi vi hành đến một vùng nông thôn. Thường ngày đã quen với việc “hô phong hoán vũ”, nên khi cải trang vị hoàng đế này lại cảm thấy không quen.

Đúng lúc ông vừa nóng vừa khát, thì gặp được một vị nông phu mời một chén trà. Minh Thái Tổ như uống được rượu ngon, sau khi trở về, lập tức sai người đến nhà nông phu, phong cho ông ta một chức quan nhỏ.

Một vị tú tài thi rớt biết được chuyện này, trong tâm cảm thấy rất bất bình, liền viết vài dòng lên trước ngôi miếu trong vùng: “Thập niên hàn song khổ, bất cập nhất bôi trà”, nghĩa là: “Mười năm gian khổ học tập, không bằng một chén trà”.

Mấy năm sau, Chu Nguyên Chương lại một lần nữa quay lại đây. Ông nhìn thấy câu này, sau khi biết rõ ngọn nguồn câu chuyện, liền viết lên bên cạnh câu đó hai hàng chữ: “Tha tài bất như nhĩ, nhĩ mệnh bất như tha”, nghĩa là: “Tài hắn không bằng ngươi, mệnh ngươi không bằng hắn.”

Trong mắt con người ngày nay mà nói, cuộc sống vốn dĩ là không công bằng. Có rất nhiều việc như quyền lực, giàu sang hay nghèo khổ, thông minh hay ngu đần, đẹp hay xấu, cơ hội hay vận hạn… giữa người với người là không thể công bằng. Thậm chí sinh ra yếu khỏe khác nhau, lành lặn hay tàn tật, cũng đều đã là không công bằng. Yêu cầu mọi người được bình đẳng ngang nhau là điều không thể.

Thế nhưng trên thế gian này vạn sự vạn vật đều có quy luật, quy luật vận hành ấy là không chịu sự khống chế của con người. Luật vận hành của nguyên tử, phân tử, luật vận hành của trời đất, bốn mùa, luật vận hành của thiên thể vũ trụ. Bản thân con người cũng có sinh, lão, bệnh, tử. Đó chính là những quy luật mà con người không thể tránh né. Còn có những quy luật cao hơn ảnh hưởng đến sinh mệnh của con người, như luật nhân quả, thiện ác hữu báo, lại là điều con người chỉ có thể mặc khải mà không thể chứng minh rõ ràng bằng khoa học hiện hữu. Từ góc độ này mà nói, thì kỳ thực sinh mệnh là bình đẳng như nhau, đều có một quy luật, một Pháp, một Đạo để đo lường vậy.

Sống chết có số

Sách “Thất Tu Loại Cảo” có ghi chép về một vị quan đại thần là Lưu Kiện thời Minh Hiếu Tông. Khi Lưu Kiện mới chào đời được hơn một tháng thì có vị hòa thượng hóa duyên đi qua cổng nhà. Vừa trông thấy Lưu Kiện, vị hòa thượng đã tiên đoán: “Đứa bé này 7 lần chết mà không chết, qua 40 tuổi mới hết tai ương, sau làm quan đến nhất phẩm, thọ trên trăm tuổi”.

Quả nhiên, trước khi 40 tuổi Lưu Kiện liên tiếp gặp kiếp nạn, nhưng lần nào cũng như thể có Thần linh ngầm bảo hộ, bảy lần thập tử nhất sinh, lần nào cũng thoát chết trong gang tấc.

Lần thứ nhất là khi ông đọc sách trong ngôi chùa cổ. Một buổi tối chớp lòe sấm động, mưa gió mịt mù, bức tường ngôi chùa cổ đã nhiều năm không tu sửa đột nhiên đổ sập xuống, vùi Lưu Kiện ở dưới, đến ngày hôm sau mới được cứu ra ngoài.

Lần thứ hai là khi ông vào kinh dự thi, giữa đường gặp cướp. Sau khi đoạt lấy y phục của cải, toán cướp trói ông lại rồi vùi vào trong tuyết, sau đó chúng nghênh ngang bỏ đi. Đúng lúc Lưu Kiện sắp chết vì đói và rét thì được người đi đường cứu thoát.

Lần thứ ba là khi ông tham gia thi hội. Hôm ấy trường thi đột nhiên bốc lửa dữ dội, Lưu Kiện không có đường thoát nên đành liều chết chạy xuyên qua ngọn lửa và may mắn thoát thân.

Lần thứ tư là khi ông dự tiệc ở nhà một người bạn. Gia chủ sợ khách về sớm bèn khóa cổng lại. Sau đó không rõ nguyên do gì mà căn nhà cháy lớn, rất nhiều khách khứa đã mắc kẹt trong biển lửa, duy có Lưu Kiện là giữ được tính mạng.

Lần thứ năm là khi ông mắc bệnh thương hàn nặng, hôn mê 3 ngày 3 đêm rồi bỗng nhiên tỉnh lại.

Lần thứ sáu là khi ông cùng đoàn đi sứ. Giữa đường thuyền bị sóng đánh vỡ, Lưu Kiện ôm một miếng gỗ trôi trên đại dương, mấy ngày sau mới được cứu.

Lần thứ bảy là khi đang ngủ trưa, ông mở mắt thấy có con mèo ngay ở bên thân. Đúng lúc đó sấm chớp chói loà, con mèo bị sét đánh, còn ông thì sợ quá ngất đi, mãi sau mới tỉnh lại.

Bảy kiếp nạn này đều xảy ra trước khi Lưu Kiện 40 tuổi. Sau này khi bắt đầu vững bước, ông được Minh Hiếu Tông coi là tâm phúc. Ông cùng Tạ Khiêm và Lý Đông Dương ngày ngày làm việc siêng năng với Hoàng đế, tạo ra một bầu không khí hợp tác quân-thần hiếm thấy.

Sau khi hoàng đế Vũ Tông kế vị, Lưu Kiện cùng một số quan đại thần vì muốn trừ bỏ gian thần Lưu Cẩn mà bị cách chức, nhưng ông không bị thương hại gì đến sinh mệnh.

Phú quý do trời

Trong cuốn “Triêu dã thiêm tái” có ghi chép một chuyện về Vương Hiển thời Đường. Theo đó từ nhỏ, Hoàng đế Đường Thái Tông có một người bạn rất thân thiết tên là Vương Hiển. Hai người họ, ngày ngày chơi đùa cùng nhau rất hòa thuận. Bấy giờ, Hoàng đế thường đùa giỡn nói rằng: “Vương Hiển đến già cũng không ra làm quan được!”

Sau khi Đường Thái Tông lên ngôi, Vương Hiển liền đến gặp và nói: “Thần hiện giờ có thể ra làm quan được không?” Hoàng đế cười nói: “Không biết có thể hay không!” Ngay sau đó, Hoàng đế triệu kiến ba người con của Vương Hiển và ban cho họ chức quan Ngũ phẩm.

Vương Hiển bấy giờ rất nóng lòng muốn được làm quan liền đến xin Hoàng đế ban cho một chức quan nhỏ. Hoàng đế băn khoăn nói: “Ông không có quý tướng, ta không ban chức quan cho ông thực sự cũng rất đáng tiếc!”

Vương Hiển nghe xong lại nói: “Nếu buổi sáng có thể được làm quan thì buổi tối có chết cũng mãn nguyện”. Lúc ấy, phó xạ Phòng Huyền Linh nói: “Bệ hạ! Ngài đã có giao tình với ông ấy từ nhỏ, vì sao không thử cho ông ấy một chức quan?”

Một mặt cũng là ngại vì tình bạn thân thiết cũ, một mặt cũng bởi sự khẩn thiết này của Vương Hiển, Đường Thái Tông liền ban cho bạn mình một chức quan nhỏ. Thật không ngờ, ngay đêm hôm Vương Hiển được ban tặng chức quan ấy liền chết bất đắc kỳ tử.

Một người khác từng có giao tình với Đường Thái Tông là Vương Vô Ngại cũng chịu kết cục tương tự. Vương Vô Ngại thích đánh bạc, ăn chơi và thích nuôi diều hâu, chim ưng. Đường Thái Tông thời còn chưa đăng cơ từng cá cược với Vương Vô Ngại trong một lần chơi bạc. Sau này khi Đường Thái Tông lên ngôi hoàng đế, Vương Vô Ngại lo sợ hoàng đế nhớ tới lần cá cược kia, nên sống ẩn mình.

Đường Thái Tông từng lệnh cho sai dịch mang một con diều hâu ra chợ bán, từ đó tìm được Vương Vô Ngại. Khi Đường Thái Tông triệu ông ta tới hoàng cung, Vương Vô Ngại hoảng sợ xin tha tội. Tuy vậy Đường Thái Tông cười và còn thưởng cho ông ta: Để ông ta tới cổng Xuân Minh đợi xe ở các châu đi tới, những đồ vật trên xe đều tặng lại cho Vương Vô Ngại.

Vương Vô Ngại ngồi ở cổng Xuân Minh 3 ngày, nhưng vì cầu sông Bá bị hỏng, nên chỉ nhận được 3 xe cây gai, mà không được bất cứ thứ gì khác. Đường Thái Tông từ chuyện đó biết Vương Vô Ngại mệnh bạc, nên không ban thưởng cho ông ta thêm bất cứ thứ gì nữa.

Vương Vô Ngại từ sau lần đó thì biết rằng hoàng đế đối tốt với ông ta, nhiều lần cầu xin được làm quan ngũ phẩm. Nhưng Đường Thái Tông nhiều lần nói: “Không phải là ta không muốn cho ngươi, đáng tiếc là người không có số hưởng!”

Đến khi Vương Vô Ngại vẫn kiên quyết truy cầu phú quý, nài nỉ cầu xin, Đường Thái Tông đành phải đồng ý. Nhưng kết quả là ngay đêm hôm đó, Vương Vô Ngại cũng qua đời.

Đời người có lúc vui lúc buồn, lúc lên lúc xuống, gia tộc có lúc hưng thịnh, cũng có lúc suy tàn, quốc gia cũng có thời kỳ thịnh trị, và cũng có lúc thay ngôi đổi chủ, đây chính là sự xoay vần của tạo hóa, cũng là ứng với duyên phận, nghiệp báo của sinh mệnh. Vì thế không cần phải oán trách ông trời không công bằng, vì hết thảy duyên phận là đều có lý do.

Kỳ thực “sống chết có số, phú quý do trời” không có nghĩa rằng một người nên phó mặc cuộc đời của mình, không nên nỗ lực cố gắng. Nó có ý nghĩa rằng phải nỗ lực mới đạt được, không nỗ lực thì không đạt được, nhưng những điều đạt được đều là có định số, đều là có điểm tới hạn, dẫu có nỗ lực gấp đôi cũng không thể cải biến. Muốn cưỡng cầu vượt qua giới hạn ấy thì chỉ có thông qua điều ác mới đạt được thôi. Nhưng nếu không có trách nhiệm với cuộc đời của mình, lười biếng, thậm chí gian lận làm điều ác, thì phúc phận cũng theo đó mà giảm đi, điều đạt được sẽ nhanh chóng chẳng còn, những gì hẳn là sẽ có trong tương lai cũng theo đó mà rơi rụng mất. Nó là một mối quan hệ qua lại như vậy.

Con người ta vốn là nên hướng đến cái thiện, rời xa cái ác, đó cũng là đạo Trời. Một người nếu có thể hiểu được “số phận”, họ sẽ thản nhiên đối mặt với những an bài của số phận, không vì những “được mất” và lợi ích mà sinh ra phiền não, mà bất chấp lương tri. Họ có thể dùng một loại tâm thái độ lượng đối đãi với cuộc đời mà có một cuộc sống tiêu dao tự tại.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: