2500 năm trước đây, sau khi giác ngộ, Phật Thích Ca vì mong muốn giải thoát chúng sinh khỏi bể khổ mà bắt đầu truyền giảng Phật Pháp. Thời bấy giờ ở Ấn Độ cổ, người ta thậm chí không biết xưng hiệu của Đức Phật, không có từ Phật, càng không có tượng Phật, chùa chiền hay kinh sách. Phật Pháp mà Đức Phật chứng ngộ được trong chân lý vô biên của vũ trụ cũng vì thế mà không xoay quanh những điều này.

Thời bấy giờ, Phật Thích Ca chủ yếu truyền dạy đạo của Ngài trong các hang đá. Các đệ tử đi theo Đức Phật ngoài chuyện đi xin ăn, hóa duyên ra, thì sinh hoạt chủ yếu tại đó, và ngoài việc nghe Đức Phật giảng dạy thì phần lớn thời gian đều dành cho việc ngồi thiền.

Vì sao khi Đức Phật tại thế không có tượng Phật, chùa chiền, kinh sách?
Đức Phật giảng về nhân duyên của ngài và các đệ tử trong những kiếp trước. (Tranh: Walters Art Museum, Public Domain)

Chi Viên tịnh xá và Trúc Lâm tịnh xá ở nước Xá Vệ được xem là những nơi sinh hoạt đầu tiên được xây cất phục vụ việc truyền đạo của Đức Phật. Trúc Lâm tịnh xá là do vua Bimbisāra, đệ tử đầu tiên của Đức Phật thuộc hàng Vua chúa, xây dựng để cung cấp một nơi an cư thuận tiện cho Đức Phật và đệ tử của Ngài.

Tuy nhiên vô luận là hang đá hay tịnh xá, mục đích chủ yếu của chúng là để những người tu hành sinh sống và có được một không gian biệt lập phục vụ mục đích tu hành. Điều này khác xa so với mục đích của chùa chiền ngày nay (thờ cúng tượng Phật, đón khách viếng thăm, v.v..).

Thời đó khi Đức Phật truyền giảng chân lý mà Ngài chứng ngộ được thì đều là truyền miệng, không có ai ghi chép lại. Các đệ tử chỉ là nghe, hỏi và ghi nhớ mà thôi. Kinh sách là do các đệ tử đời sau chỉnh lý lại trong quá trình truyền thừa. Cũng vì thế mà kinh sách này không thể hiện đầy đủ hoàn cảnh mà Đức Phật truyền dạy, thậm chí còn phát sinh sự mâu thuẫn, dẫn đến các môn phái khác nhau bên trong Phật giáo sau này.

Ngoài ra, thời bấy giờ Đức Phật cũng không dạy người ta tạc tượng để cúng bái, cũng không dạy hình thức cúng bái này.

Sau khi Đức Phật nhập niết bàn thì xảy ra một loạt các biến đổi. Một là liên quan đến việc phân chia chi phái như đã nói, mặt khác cũng xuất hiện việc thờ phụng xá lợi.

Bấy giờ sau khi nhục thân của Đức Phật được hỏa táng thì xuất hiện xá lợi. Tám vị quốc vương ở Ấn Độ cổ phái sứ giả đến nơi hỏa táng, yêu cầu được chia xá lợi Phật, nên phân thành 8 phần. Hai quốc vương nữa đến sau không nhận được xá lợi Phật, nên một người lấy chiếc bình đựng xá lợi, một người lấy tro cốt của Đức Phật về.

Cho nên toàn thể Ấn Độ cổ thời ấy đã kiến tạo 10 tòa tháp, bao gồm 8 tòa tháp an táng xá lợi Phật, 1 tòa tháp an táng chiếc bình đựng xá lợi Phật và 1 tòa tháp an táng tro cốt Phật.

Vào thời kỳ vua Ashoka, khoảng thế kỉ thứ 3 TCN, Phật giáo trở thành quốc giáo ở Ấn Độ. Vì muốn mở rộng và làm hưng thịnh Phật giáo, vua Ashoka đã hạ lệnh khai quật các xá lợi tháp. Nhưng trong đó có các tòa tháp bởi vì kiến tạo quá chắc chắn nên không thể khai quật được. Toàn bộ phần xá lợi Phật có thể lấy ra một lần nữa được chia làm nhiều phần, phân chia khắp nơi.

Nghệ thuật tạc tượng xuất hiện tại Ấn Độ khá muộn, có thể là được lưu truyền từ Hy Lạp tới, cũng vào khoảng thời gian vua Ashoka. Các tượng Phật bắt đầu xuất hiện, và dần có sự chuyển đổi từ thờ phụng xá lợi sang thờ phụng tượng Phật.

Vì sao khi Đức Phật tại thế không có tượng Phật, chùa chiền, kinh sách?
Tượng Phật vào thế kỷ thứ 2-3, được tìm thấy tại Pakistan (thuộc Ấn Độ cổ), đã đạt đến trình độ khá tinh xảo. (Ảnh: Metropolitan Museum of Art, Public Domain)

Sau khi xuất hiện việc thờ phụng tượng Phật, người ta bắt đầu phải xây dựng nơi để đặt tượng Phật. Trong các kiến trúc chùa chiền ngày nay thì tượng Phật chiếm một vị trí rất quan trọng.

Trên thực tế, bất luận là tượng Phật, kinh sách hay chùa chiền thì đều không phải là điều mà Đức Phật để lại. Thời bấy giờ khi Đức Phật chuẩn bị niết bàn, chúng đệ tử có hỏi Ngài về việc dựa vào điều gì để tiếp tục tu hành, Đức Phật đã để lại giới luật. Giới luật này trong quá trình truyền thừa tới Phật giáo Đại Thừa đã tăng thêm rất nhiều, nhưng về cơ bản là đã bảo lưu lại được, chỉ là lẫn thêm vào giới luật nghiêm khắc hơn mà thôi. Như vậy có thể thấy trong Phật giáo ngày nay, điều chân chính được truyền thừa lại chỉ có giới luật.

Thời Đức Phật tại thế không có tượng Phật, chùa chiền, kinh sách. Đức Phật truyền dạy chân lý mà Ngài chứng ngộ được, lại hướng dẫn các đệ tử rời bỏ vật chất, thực tu bằng cách thiền định, từ đó mà đi theo con đường của Ngài. Khi Đức Phật niết bàn, Ngài để lại giới luật, chính là để cho người đời sau tuân theo đó mà tu tâm, đạt được trạng thái rời bỏ cám dỗ vật chất giống như Ngài hướng dẫn các đệ tử khi còn tại thế. Sau khi đã có trạng thái đáng có rồi, người đời sau cũng có thể thiền định, từ đó đạt được các thăng hoa khác nhau.

Duc Phat de lai dieu gi 02
Đức Phật niết bàn. (Tranh: Metropolitan Museum of Art, Public Domain)

Kinh Phật không hoàn chỉnh và ngày càng sai khác trong quá trình truyền thừa, phiên dịch. Thêm vào đó, người đời sau đọc hiểu không được cổ ngữ, nên rất nhiều điều đã trở nên sai lệch, thậm chí méo mó. Người đời sau lại còn đề xướng “Phật học”, viết sách giải thích, đưa ra định nghĩa, nhưng cảnh giới của người viết có phải là Phật chăng? Cũng giống như học sinh cấp 1 muốn giải thích sách đại học vậy, làm cho người đọc đều hiểu sai cả. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến Phật giáo suy vi, thật giống như Đức Phật đã tiên tri về thời “mạt Pháp” khi Pháp của Ngài không còn hiệu nghiệm nữa.

Con người luôn mong muốn dùng những hình thức vật chất để biểu đạt tín ngưỡng. Tuy vậy điều này lại dẫn tới sự lầm lẫn giữa chân chính tu Phật với các hoạt động tôn giáo như tìm hiểu nghiên cứu kinh sách, cúng bái tượng Phật, xây dựng chùa chiền. Hòa thượng ngày nay thậm chí còn được phát lương, kinh sách tìm hiểu như một cách học tập làm phong phú kiến thức, kết hợp so sánh với triết học và các loại học thuyết khác, thiền phòng bám đầy bụi, giới luật cũng tự cho là phải phù hợp với xã hội hiện đại mà thoải mái hơn. Do đó làm sư đã được coi như một “nghề” mất rồi. Đó là chưa kể đến những chuyện nam nữ, khinh thường giới luật, bại hoại Phật giáo, kém cả tiêu chuẩn của xã hội người thường.

Cổ nhân có câu: “Mò trăng đáy nước”. Người mang tâm tu Phật, nhưng lại chỉ chú trọng đến chuyện đọc vài quyển kinh, cúng bái tượng Phật, xây dựng chùa chiền, cúng dường, v.v.. kỳ thực chỉ giống như “mò trăng đáy nước” mà thôi. Điều này không chỉ là tình huống của Phật giáo, mà nhiều tôn giáo khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Do đó, người thực tâm tín Thần Phật, chân chính tìm kiếm sự giác ngộ và ý nghĩa của sinh mệnh, thì tuyệt đại đa số đã không còn ở trong chùa chiền đạo quán nữa rồi.

An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: