Từ xưa đến nay, con người sống nơi nhân gian thông thường đều có tâm lý “vọng tử thành long, vọng nữ thành phượng”, mong con trai giống như rồng còn con gái giống như phượng, kỳ vọng con cái sau khi lớn lên có được thành tựu, làm rạng danh gia tộc. Vì thế, ngay từ trước khi đứa trẻ ra đời, mọi người đã coi trọng việc đặt tên. Với đại đa số mọi người, cái tên sẽ theo họ suốt cuộc đời, nên cũng có thể nói đặt tên là một trong những sự kiện trọng đại của cuộc đời.

Tản mạn chuyện đặt tên cho con trai và con gái thời xưa
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Thời cổ đại, khi một đứa trẻ được sinh ra, việc chọn tên trở thành ưu tiên hàng đầu. Đôi khi cha mẹ sẽ chọn một “nhũ danh” trước khi quyết định đặt tên chính thức. Bởi vì tên chính thức đôi khi chưa chọn được.

Người xưa có câu: “Nam khán sở từ, nữ khán thi kinh”, nghĩa là đặt tên con trai dựa vào sách Sở từ, đặt tên con gái dựa vào sách Thi kinh. Sở từ được xem là tuyển tập thi ca lãng mạn lâu đời của Trung Hoa. Sách này vốn xuất phát từ Khuất Nguyên, người nước Sở, sau đó dần dần được bổ sung bởi các tác giả Đông Hán, Tây Hán. Nội dung của Sở từ sau khi được bổ sung thì bao trùm rất rộng, cho thấy sự bao la rộng lớn của thế giới, với cả những Thần thoại truyền thuyết. Nhưng cái nổi bật của tinh thần chính nghĩa của Khuất Nguyên, “người đời đục, một mình ta trong”, vẫn là thứ khiến người đời sau cảm thán không thôi. Do đó dùng từ hay nghĩa đẹp trong Sở từ mà đặt tên cho con trai là có hàm ý mong con sau này học rộng tài cao, tấm lòng chính nghĩa không bị lay chuyển trước cám dỗ của thói đời.

Thi kinh được cho là sách giáo khoa thời cổ, “Không học Thi thì không biết ăn nói ra sao” (Khổng Tử). Thi kinh cũng là tuyển tập thi ca lãng mạn, miêu tả toàn cảnh về xã hội đương thời, từ lịch sử, phong tục tập quán, sinh hoạt xã hội… cho đến sông núi, cây cỏ, chim thú… phong phú muôn hình muôn vẻ. Nhưng vì được dùng làm tài liệu giáo khoa nên ngoài tính trữ tình ra, nó còn mang tính giáo dục cao. Dùng từ hay nghĩa đẹp trong Thi kinh để đặt tên cho con gái là mong con sau này là người phụ nữ nền nếp, giữ gìn gia phong quy củ.

Người xưa còn có nguyên tắc đặt tên cho con là: “Nam bất đới Thiên, nữ bất đới Tiên” (đặt tên cho con trai nên tránh chữ Thiên, đặt tên cho con gái nên tránh chữ Tiên). Trong xã hội truyền thống thời cổ đại, con người đều kính Trời đất và sợ quỷ Thần. Thiên (bầu trời) mênh mông và cuồn cuộn hơn nữa còn vô cùng thần bí là nơi con người thường hướng về, là nơi ở của Thần linh. Khi người xưa đối mặt với một số lực lượng không thể kháng cự lại được như lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh… thì họ thường hướng lên Trời cầu xin sự phù hộ của Thần linh. Cho dù Hoàng đế là người có địa vị cao quý nhất trong thiên hạ cũng chỉ dám xưng mình là Thiên tử (con Trời), nhận mệnh Trời. Nếu như không thay Trời chăm lo cho dân chúng thì sẽ bị Trời trách phạt bằng thiên tai nhân họa. Bởi vậy vào thời cổ đại, đặt tên con là Thiên là điều tối kỵ.

Tương tự, người xưa tin rằng Tiên nữ là sinh mệnh có thân phận rất cao quý trên Thiên giới, không thể tùy tiện đề cập. Vì thế, con gái mang tên như vậy là mạo phạm và cha mẹ sẽ rất khó nuôi. Vào thời xa xưa, người ta tin rằng nhiều hoàng tộc đều có dòng dõi bán Thần, do đó đôi khi các công chúa hay phi tần có thể được đặt danh xưng có chữ “Tiên”, nhưng cũng là điều hiếm thấy.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Trương Vân Phong
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: