Ở phố, thỉnh thoảng các con được mẹ mua sắn cho ăn phải không nào? Ăn rồi các con khen ngon. Thi thoảng về quê các con cũng vẫn được ăn sắn bà trồng và khen ngon rối rít phải không nào!

Các con thấy ngon nhưng bố thấy sắn là bố hãi! Đơn giản vì ngày xưa hồi nhỏ bố cũng đã từng phải ăn quá nhiều sắn. Hồi đó nhà ông bà nội cũng như các nhà khác ở trong làng đều nghèo và đói. Nồi cơm thường sẽ phải trộn thêm sắn. Cây sắn thì các con thấy rồi đấy. Sắn người ta không trồng bằng hạt hay cây con như các loại cây khác mà các con thấy đâu. Sắn người ta trồng bằng “hom”. “Hom sắn” là từ rất lạ tai phải không nào. Bố cá rằng nếu các con đem từ này đến lớp hỏi các bạn, 100% các bạn con sẽ không biết nó chỉ cái gì. Có khi ngay cả mẹ con cũng chẳng biết! “Hom sắn” thật ra là các thân cây sắn được chặt ra thành từng đoạn ngắn dài hơn một gang tay người lớn. Các con có thấy trên thân cây sắn có những cái mấu nhô lên không? Mầm cây sẽ mọc lên từ đó đấy. Sau khi làm đất cho thật tơi, xốp bằng cách cuốc, cày, bừa, đánh luống, thì người ta chôn các hom sắn đó xuống với khoảng cách phù hợp. Một thời gian sau, các mầm mọc từ hom sẽ xuyên lên mặt đất và thành cây sắn mới.

Có nhiều loại sắn khác nhau. Các con có thể thấy sự khác biệt giữa chúng ở độ cao của thân và màu sắc của thân cây, lá. Có loại lá xanh, có loại lá đỏ. Có loại có cái tên rất… lạ là “sắn Hồng Kông”. Nghe nói ở miền Nam người ta không gọi sắn mà gọi là “khoai mì”. Sắn thường được thu hoạch vào quãng giáp Tết hoặc sau Tết. Củ sắn có thể ăn tươi bằng cách luộc hoặc nướng. Khi nấu cơm bố thi thoảng cũng nướng một vài củ nhỏ để ăn khiến mồm miệng nhọ than đen nhẻm. Nhưng ăn tươi sao xuể? Hơn nữa không phải sắn nào cũng có thể ăn tươi. Có những giống, những ruộng sắn cho toàn loại củ sắn rất nhiều xơ, cứng hoặc rất nhiều nhựa. Loại nhiều nhựa này khi luộc lên nhìn trong suốt. Ăn chúng có cảm giác như đang nhai hồ dán. Loại này ăn vừa không ngon vừa rất dễ say. Những loại sắn đó chỉ thích hợp để thái ra, đem phơi khô cất dùng dần. Sắn khô có thể đem ngâm vào nước rồi đem bung, trộn vào nồi cơm hoặc nghiền ra làm bột. Bột sắn đó dùng làm bánh rán sắn, bánh trôi nước sắn… Bột sắn khô cũng có thể dùng để nấu cám cho lợn.

Chính vì thế mà khi thu hoạch sắn về cả nhà ông nội phải tập trung vào rửa, cạo và thái sắn. Nếu là sắn dành riêng cho lợn thì chỉ cần rửa sạch rồi đem thái. Nhưng nếu là sắn dùng cho cả lợn lẫn người thì phải rửa, gọt hoặc cạo sạch vỏ rồi mới thái. Bố thích thái sắn hơn là rửa và cạo sắn. Rửa và cạo vô vị lắm! Thái sắn có cảm giác như đang vận hành một cái máy thích hơn. Giống như các con nghịch lego, xe ô tô điều khiển hay rô-bốt vậy.

Muốn thái được sắn thì phải có bàn thái sắn. Bàn thái sắn nhà ông nội giống như một cái ghế băng dài làm bằng gỗ có bốn chân. Khác cái là ở một đầu cái ghế đó có khoét một lỗ ở đó có gắn một lưỡi dao. Phía trên mặt ghế chỗ lưỡi dao đó gắn một cái tay cầm giống cần gạt có trục xoay được. Người thái sắn sẽ đút củ sắn vào cái khe chỗ có lưỡi dao đó rồi cầm cái tay cầm kéo về phía lòng mình. Dao cắt củ sắn tạo ra các lát mỏng. Những lát được thái mỏng đó sẽ rơi xuống cái thúng hay cái rổ đựng phía dưới. Xoẹt xoẹt xoẹt. Khi thái nó phát ra âm thanh nghe rất vui tai. Bố thích thái một phần vì thích nhìn lưỡi dao cắt tạo ra những lát sắn trắng rơi liên tiếp xuống rổ phía dưới.

Sắn rơi đầy rổ thì mang đi phơi. Nơi thích hợp nhất để phơi sắn là trên mũ tường, sân gạch hoặc bãi sỏi. Ngày đó nhà ông nội không có sân gạch nên bố phải phơi sắn trên mũ tường bao quanh nhà ông nội. Trên đó vừa cao ráo, bọn gà không phá được lại nhanh khô. Những bãi sỏi trong vườn nhà ông cũng là một lựa chọn tốt. Sắn đã phơi rồi chỉ sợ trời mưa. Thích nhất là những ngày trời hanh. Tức là có gió, có nắng và lạnh. Độ ẩm trong không khí khi đó rất thấp. Miếng sắn khô nhanh và rất thơm. Sắn phơi dở mà gặp mưa sẽ bị mốc mà ở làng ông nội người ta gọi là “sắn meo”. Trên thân miếng sắn xù lên các loại nấm mốc màu xám hoặc đen nhìn đến khiếp. Chúng bốc mùi và ăn không ngon nữa.

Thế mà ngày xưa có những lần bà nội phải lấy những miếng sắn đó đem rửa sạch rồi trộn cơm hoặc bung lên cho cả nhà ăn đấy! Đói mà! Ăn không ngon nhưng ít nhất là không chết đói.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả: