Thành nhà Hồ là một công trình kiên cố bậc nhất với những tảng đá khổng lồ, năm 2011 còn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Nhưng vì sao một công trình kiên cố vững chắc bậc nhất như vậy lại không thể ngăn được bước quân Minh?

Năm 1397, Hồ Quý Ly làm Thái Sư, tước Tuyên Trung Vệ quốc Đại vương, giữ chức Bình chương phụ chính nắm mọi quyền hành trong tay. Quý Ly muốn dời kinh đô về Thanh Hóa, nhiều người phản đối đều bị ông ta tìm cách diệt đi.

Đầu năm 1397, Hồ Quý Ly cho xây thành ở Thanh Hóa để làm kinh đô mới và đặt tên là thành Tây Đô, sau khi Hồ Qúy Ly cướp ngôi nhà Trần thì thành này được gọi là thành nhà Hồ. Đến ngày nay một số đoạn tường thành vẫn còn tương đối nguyên vẹn.

Ngay trước khi xây thành, quan Khu mật chi sự là Nguyễn Như Thuyết nói rằng “đức bất tại hiểm”, đạo trị quốc cốt là ở “đức” chứ không phải ở việc xây thành hiểm yếu, nhưng Hồ Quý Ly đã không nghe.

Địa thế phong thủy

Thành nhà Hồ được đặt tại xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Cách phía trước thành 4 km về Phía đông nam là núi Đốn Sơn làm tiền án, phía tây bắc lại có núi Song Tượng chầu vào, phía tây – tây nam có 6 ngọn núi đá voi ở khu động An Tôn.

Thành nhà Hồ
Toàn cảnh thành nhà Hồ. (Ảnh: Toàn cảnh di tích Tây Đô, CC BY-SA 3.0, CC BY-SA 3.0)

Hồ Quý Ly sau khi nghiên cứu phong thủy đã chọn nơi đây xây thành làm kinh đô và nói rằng đất này là đất “thạch bàn Long – Xà – Lục thập niên ký”, tức là đất rồng chầu, rắn cuốn – vững như bàn thạch trụ được 60 năm.

Nhưng Hồ Hán Thương sau khi xem xét kỹ thì cho rằng, đây là vùng đất “rồng chầu rắn cuộn” nhưng đất còn non nên chỉ là “Long – Xà ẩm thủy – Lục niên ký chủ” tức chỉ ở được 6 năm thôi.

Không chỉ Hồ Hán Thương mới biết thành nhà Hồ không thể trường tồn. Thượng thư bộ Lại Thái sử lệnh Đỗ Tĩnh là người trực tiếp xây thành đã nói với Hồ Hán Thương rằng: “Cuộc đất ở động An Tôn còn non, tôi xem xây thành thì sự nghiệp không được bền vững, có thể tìm nơi khác không?”.

Hồ Hán Thương cũng chỉ biết đáp rằng: “Tôi cũng biết điều đó, nhưng việc quá gấp vì nếu ta chậm trễ mà giặc Minh kéo đến sớm, ta biết chạy ẩn núp ở đâu? Hiện nay tiềm lực ta chưa đủ mạnh để bảo đảm phòng vệ được Thăng Long khỏi cuộc tấn công của giặc”.

Đỗ Tĩnh phụ trách kiến trúc xây dựng, cũng như chọn đất định vị thế xây thành, tính trước thành nhà Hồ không thể bền vững, cũng đành than thở rằng:

Rồng ở vực sâu khó bay cao?
Sông phù, núi khuyết biết làm sao?
Sông cứ hướng đông mà chảy mãi
Núi ngoảnh về sau tỏ phụ phàng
Không duyên khó gặp Thiên địa hội
Trời đã biểu vậy, biết làm sao.

Bài thơ của Đỗ Tĩnh đã nói rõ địa thế phong thủy thành nhà Hồ. Nhưng vì không còn thời gian để thay đổi do quân Minh nhòm ngó, nên thành nhà Hồ vẫn tiếp tục được xây cất rất công phu.

Năm 1400 Hồ Quý Ly lập ra nhà Hồ, 6 năm sau đến năm 1406 thì thất thủ, năm 1407 thì cha con Hồ Quý Ly bị bắt.

Thành nhà Hồ khiến lòng dân oán thán

Thành nhà Hồ được chọn nơi hiểm yếu để xây cất, có ý nghĩ quân sự để phòng thủ hơn là ý nghĩa về chính trị xã hội. Thành rộng lớn với loại đá lớn nặng 4 – 5 tấn, có nhiều phiến đá đặc biệt lớn dài tới 7 m, cao 1,5 m, nặng chừng 15 tấn .

Di tích thành đến ngày nay cho thấy có nhiều phiến đá nặng 10 đến gần 30 tấn được nâng lên cao rồi ghép với nhau một cách tự nhiên. Những bức tường bằng loại đá khổng lồ này vẫn trường tồn đến tận ngày nay.

Thành nhà Hồ
(Ảnh: Cổng Nam Thành Nhà Hồ, Wikipedia, CC BY-SA 3.0)

Vì gấp rút xây dựng để chống quân Minh, nhà Hồ huy động lực lượng nhân công lớn và làm việc rất vất vả. Thành có chu vi trên 3,5 km, rộng khoảng 150 hécta, nhưng các hạng mục xây dựng chính được xây dựng chỉ vỏn vẹn trong vòng 3 tháng.

Với thời gian gấp rút như thế, lại xây dựng một công trình đồ sộ như thế, có thể tưởng tượng được binh lính và dân phu bị nhà Hồ huy động nhiều đến đâu.

Ngày nay vẫn còn lưu truyền câu chuyện nàng Bình Khương có chồng xây thành nhà Hồ bị chết, đã đập đầu vào bức tường thành chết cùng theo chồng, dân chúng thương tiếc mà lập đền thờ.

Dù Hồ Quý Ly chọn Thanh Hóa làm Kinh đô, nhưng khắp Thanh Hóa dường như không có một am, miếu nào thờ Hồ Quý Ly. Trong khi đó có đến 70 đền thờ Trần Khát Chân, danh tướng nhà Trần bị Hồ Quý Ly giết chết).

Lật thuyền mới biết dân như nước

Cướp ngôi nhà Trần nhưng không được lòng dân, nhà Hồ lại không dùng “đức” kêu gọi người dân cùng chống giặc, mà chọn cách làm thành lũy kiến cố, thành cao hào sâu, lại có trong tay vũ khí hiện đại là súng thần công do Hồ Nguyên Trừng chế tạo. Trong suốt cuộc chiến ngắn ngủi chống quân Minh, nhà Hồ phải đơn độc đánh trả mà không hề được bất kỳ một ai ủng hộ, vì thế mà nhanh chóng bị thất bại.

Sau khi nhà Hồ thất bại, Nguyễn Phi Khanh lúc này đang giữ chức Đại lý tự khanh kiêm Trung thư Thị lang bị bắt và giải về Trung Quốc.

Nguyễn Phi Khanh có người con là Nguyễn Trãi rất hiếu thảo. Năm ấy Nguyễn Trãi 27 tuổi, thấy cha bị bắt thì khóc lóc, theo cha đến tận ải Nam Quan. Ở đây nghe cha phân tích rõ, Nguyễn Trãi quyết quay trở lại, nuôi chí đánh bại quân Minh, bảo vệ Giang Sơn Xã Tắc.

Trở về khi đi ngang qua cửa biển Bạch Đằng, nơi cha ông từng ba lần đánh bại quân xâm lược phương bắc, Nguyễn Trãi ngậm ngùi ngắm biển, suy ngẫm đến vận nước, rồi cảm thán mà viết ra bài Quan hải (Cửa biển) nổi tiếng:

Quan hải

Thung mộc trùng trùng hải lãng tiền
Trầm giang thiết toả diệc đồ nhiên
Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên
Hoạ phúc hữu hồi phi nhất nhật
Anh hùng di hận kỷ thiên niên
Càn khôn kim cổ vô cùng ý
Khước tại thương lương viễn thụ yên

Cửa biển

Sóng biển mênh mang cọc điệp trùng
Ngăn sông xích sắt luống toi công
Lật thuyền mới biết dân như nước
Cậy hiểm không xong trách Hoá công
Hoạ phúc phải đâu trong phút chốc
Anh hùng ôm hận với non sông
Xưa nay trời đất vô cùng ý
Khói toả cây xa sóng chập chùng

Bài thơ ấy tất cả đều xoay quanh một câu: “Lật thuyền mới biết dân như nước”. Ấy là dẫu nhà Hồ có thành cao hào sâu, có tìm đất hiểm xây thành lũy, mà không được lòng dân, thì cũng chẳng thể nào ngăn được quân giặc dữ. Lúc thua trận mới hiểu ra cái gì là gốc, cái gì là ngọn.

Bởi vậy trong “Đại cáo bình Ngô”, Nguyễn Trãi mới mở đầu bằng hai câu:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.

Được người dân hết lòng ủng hộ, nghĩa quân Lam Sơn đã đánh tan quân Minh, không chỉ thế còn tha chết cho 10 vạn quân trở về nước. Có thể nói rằng kết quả khác biệt trong cuộc chiến chống quân Minh của nhà Hồ và nghĩa quân Lam Sơn nằm ở hai chữ “lòng dân”.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: Trí tuệ cổ nhân: Đức không xứng với địa vị, tất có tai ương