Nghèo khó không chỉ hạn chế cơ hội, tác động đến thói quen sinh hoạt, ngăn cản sự phát triển cá nhân mà đáng sợ hơn nó còn có thể tạo ra các chấn thương, tổn thương tâm lý sâu sắc, lâu dài rất khó chữa lành, thậm chí làm cho cá nhân trong suốt cuộc đời không hề nhận ra vấn đề của chính bản thân mình.

Một trong những vấn đề tổn thương mà nghèo khó gây ra cho cá nhân và thậm chí cả cộng đồng là tâm lý “thi vị hóa nghèo khó” hay “mĩ hóa nghèo khó”.

Quan sát đài báo, mạng xã hội và các câu chuyện thường ngày ta thấy rất rõ điều này. Ở đây ta dễ dàng tìm thấy những bài báo có các tựa đề như:

“Nghèo đói là trường đại học tốt nhất”.

“Câu chuyện xúc động của Tiến sĩ trẻ: Nếu nghèo đói là trường đại học tốt nhất, thì người mẹ nông dân của tôi chính là người thầy giáo giỏi nhất của đời tôi”.

“Bố sửa khóa, mẹ bán lược, con trai giành huy chương Vàng Olympic Toán”.

“Cha sống trong ống cống, nuôi con đỗ thủ khoa”.

Tiêu đề và cách viết của những bài báo trên thể hiện tư duy tuyệt đối hóa cái hay, cái tốt đẹp (thực chất là tính khả năng) của nghèo khó. Nội dung của nó rất dễ dẫn dắt người đọc tới ảo tưởng rằng “Nghèo đói đem đến sự tốt đẹp. Nghèo đói không có gì đáng sợ”. Đấy là một ảo tưởng, một sự ủy mị chết người, cực kì nguy hiểm.

Những bài báo như vậy cùng với diễn ngôn “con nhà nghèo học giỏi”, “nghèo mới giỏi”, “nghèo mới có ý chí”… có tác dụng an ủi nhất thời với những người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn và tạo ra chút ít hi vọng cho nhiều người đang nỗ lực phấn đấu trong nghèo khó. Tuy nhiên cái nguy hiểm của lối tư duy này là dễ làm cho người ta tự an ủi, bằng lòng với hiệu tại kiểu AQ. Nó cũng dễ khiến cho người ta trở nên dễ dãi trong tư duy khi muốn né tránh sự thật và không dám đối mặt với hiện thực khắc nghiệt.

Trên thực tế các số liệu thống kê từ các nghiên cứu cho thấy một xu hướng rõ rệt: không phải con nhà nghèo học giỏi mà con nhà giàu ngày càng học giỏi. Lý do nằm ở chỗ giáo dục hiện đại ngày càng phức tạp, chuyên sâu và tốn kém hơn. Những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình nghèo khó sẽ không có cơ hội để học tập với các thầy giỏi, trường tốt (vì học phí cao), không được luyện thi để lấy các chứng chỉ cần thiết cho du học… Ta hãy xem tình hình luyện thi tiếng Anh để lấy các chứng chỉ như IELTS phục vụ vào đại học, đi du học hay học các môn nghệ thuật xem, cơ hội nào dành cho học sinh ở khu vực nông thôn, con em trong các gia đình nghèo khó?

Sự lan truyền của diễn ngôn thi vị hóa nghèo khó này giống như sự lạm dụng ma túy, hay thuốc giảm đau, nó có thể đem lại tác dụng tinh thần nhất thời nhưng về lâu dài nó tạo ra hậu quả tai hại, làm tan rã ý chí và khả năng đối mặt với thực tế của giới trẻ.

Nguyễn Quốc Vương
Trích trong cuốn sách về nghèo đói của tác giả. Mời bạn đọc liên hệ đặt sách.

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: