Thiện ác hữu báo: Hoàng đế tha mạng, Trời đất không dung
- Thiên Cầm
- •
Có câu thật hay rằng: “Người đang làm, Thần đang nhìn. Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo, không phải không báo, chỉ là hạn chưa đáo.” Có một câu chuyện thiện ác hữu báo ghi lại trong “Hoàn Oan Ký” về một người dẫu được hoàng đế đặc xá, nhưng cuối cùng vẫn không thể thoát khỏi sự trừng phạt của Trời đất.
Vào thời nhà Tấn, có người tên Dương Đam tự là Bành Tổ, là người hà khắc, thô bạo. Dương Đam làm quan thái thú tại Lư Giang, ỷ thế ức hiếp và hại chết rất nhiều người. Y thường ỷ mình là thân thích với hoàng thượng, mà tuỳ tiện làm điều càn quấy. Dẫu chỉ vì một chút oán hận, phẫn nộ cá nhân, y cũng dùng hình hoặc khép người khác vào tội chết.
Đại tướng Dữu Lượng dũng cảm trượng nghĩa, đã vạch trần rất nhiều tội trạng của Dương Đam và dùng xe tù áp tải ông ta về Bắc Kinh.
Quan Hựu tư mã khi đó tấu lên rằng:
Dương Đam giết chết quận tướng, quan sứ và người dân, tổng cộng lên tới 290 người. Những người bị đi đày có hơn 100 người. Cầu xin triều đình: Theo luật pháp phải đưa Dương Đam đi chém đầu, bêu ngoài chợ. Nay theo “Bát nghị” (Ba kiểu người phạm tội do hoàng thượng đích thân xét xử) mong được khoan hồng.
Tấn Hiển Tông hạ chỉ rằng:
Việc này xưa nay chưa từng có, việc này có thể dung nhẫn, thì còn việc nào không thể nhẫn được nữa? Đối với y còn có “bát nghị” gì đáng nói nữa đây!
Hoàng đế lập tức hạ lệnh: “Đem Dương Đam nhốt vào ngục chờ ngày hành quyết.”
Đúng lúc này, Thái Phi vốn là cháu bên ngoại của Dương Đam, lại đứng ra van nài xin được tha chết cho y.
Tiếp đó quan tư đồ Vương Đạo cũng lên triều khởi tấu rằng:
Dương Đam tội chẳng thể tha, theo lý nên xử nặng. Nhưng Sơn Thái Phi vì chuyện này mà buồn lo tới mức sinh bệnh, bệ hạ có đại ân rộng lớn vô lượng, xin ngài khoan hồng cho Dương Đam được bảo toàn sinh mệnh.
Triều đình vốn đa sự, thị phi đều có sự tranh biện, tình thế ngay lập tức biến chuyển. Hoàng đế lại hạ chiếu rằng:
Sơn Thái Phi chỉ có một người cậu này, nay đã khổ sở van nài, đến mức thổ huyết, lo lắng mà sinh bệnh. Trẫm từ nhỏ đã mất người thân, may nhờ ơn dưỡng dục của Thái Phi, cũng như từ mẫu. Nếu Thái Phi quá đỗi thống khổ mà mất đi sinh mệnh, thì trẫm còn mặt mũi nào sống ở trên đời? Nay trẫm đặc cách tha mạng cho Dương Đam, để đáp lại cái ơn cậu cháu của Thái Phi.
Thế là hoàng thượng cho người lột bỏ công danh của Dương Đam, hạ xuống làm thứ dân, tự ông ta phải tìm cách mưu sinh. Cách xử lý này khiến thân nhân của người bị hại và những nhân sỹ chính nghĩa đều không đồng tình, nhưng cũng không còn cách nào khác.
Đang trong cảnh dân tình phẫn nộ và bất lực thì lại có tin đồn. Bấy giờ một người thân của người bị hại nói: “Trong mơ, nghe thấy người đã khuất về báo mộng rằng: Chúng tôi, những người bị giết oan đã bẩm báo lên Thượng Đế, Thượng Đế cho phép chúng tôi tới đòi mạng của Dương Đam…”
Chẳng bao lâu sau Dương Đam lâm trọng bệnh. Bản thân Dương Đam cũng đã mơ gặp Giản Lương, một người bị ông ta hại chết, tới nói rằng: “Chúng ta sao có thể chịu hàm oan như vậy được? Nay ta tới đòi mạng ông. Chuyện này cõi nhân gian sao có thể tự mình quyết được!” Sau đó, Dương Đam chết.
Vậy nên, con người khi gặp thời gặp thế cũng chớ cậy quyền mà ức hiếp người khác. Bởi lẽ luật pháp tại nhân gian có thể khoan hồng, nhưng lẽ trời ắt chẳng tha, thiện ác hữu báo, chỉ là tới lúc hay chưa mà thôi.
Theo Sound Of Hope
Thiên Cầm biên dịch
Xem thêm:
- Câu chuyện nhân quả của cựu Thủ tướng Ba Lan
- Lịch sử Thế chiến II có thể phải viết lại nếu không có thiện tâm của vị Tổng tư lệnh này…
Mời xem video:
Từ khóa Phật gia Nhân quả thiện ác hữu báo