Trong lịch sử Việt Nam, một trong những giai đoạn thịnh trị nhất được xem là niên đại Hồng Đức dưới thời vua Lê Thánh Tông, kéo dài suốt 27 năm từ 1470 đến năm 1497. Đây là giai đoạn mà các đời sau hết sức ca ngợi, xem là khuôn vàng thước ngọc của một vương triều thịnh trị.

Thời kỳ Hồng Đức, tất cả các lĩnh vực đều phát triển, mà nền tảng cho sự phát triển đó là chế độ khoa bảng tìm chọn được bậc hiền tài phụng sự cho Giang Sơn Xã Tắc.

Nho giáo hưng thịnh, “đức trị” và “văn trị”

Trước đó vào thời kỳ nhà Lý, Trần, Nho giáo đã hình thành và phát triển, đã có các kỳ thi Nho học, nhưng Phật giáo vẫn thịnh hành, các đời Vua đều dựa vào Phật Pháp giúp Xã Tắc yên ổn.

Đến khi vua Lê Thánh Tông lên ngôi, nhà Vua khẳng định vị thế của Nho giáo, khiến Nho giáo phát triển đến cực thịnh, trực tiếp chi phối mọi hoạt động xã hội.

Để khuyến học, vua Lê Thánh Tông đã viết “Dụ Nho gia” có một số nội dung như:

“Kinh là một thứ sách chép đạo lý, phải dùng sức mà giảng cứu. Sử là pho sách ghi chép việc làm, phải hết lòng mà suy xét, khảo phép tắc của thánh hiền đã dựng nên để tìm cái lẽ đương nhiên của sự lý. Chính lời nói không gì bằng Kinh thi…

Đem văn chương tô điểm đạo vua, lấy đạo đức sinh hòa trị hóa. Giúp dân tôn chúa, ân trạch khắp cả dường thời. Dương danh hiến thân, sự nghiệp ghi còn muôn thuở.”

Các kỳ thi khoa bảng chọn ra được người hiền tài giúp nước. Tiêu chuẩn chọn hiền tài của vua Lê Thánh Tông là kẻ sĩ phải dùng được “đức trị”“văn trị”. Việc chấm thi cũng đưa vào đó mà chọn người hiền tài. Nhà Vua có làm bài thơ “Quân Đạo” (Đạo làm Vua) như sau:

Hạ dục nguyên nguyên thượng kính thiên
Chế trị bảo bang tư kế thuật.
Thanh lâm quả dục tuyệt du điền.
Bàng cáu luận nghệ phu văn đức,
Khắc cật binh nhung trung tướng quyền

Diễn nghĩa:

Dưới dưỡng nuôi trăm họ trên kính trời.
Trị dân giữ nước thường nghĩ sự noi theo người trước.
Thanh tâm quả dục bỏ hẳn thói chơi săn bắn.
Rộng tìm kẻ tài giỏi để ban bố văn đức
Sắm sửa binh bị coi trọng quyền làm kẻ làm tướng

Nhà Vua cũng có bài thơ “Thần tiệt” nói về bề tôi như sau:

Đan trung cảnh cảnh nhật linh lâm.
Trí chủ an dân, nghĩa khái thâm.
Nội minh ngoại phủ hồi thiên lực
Hậu lạc liên ưu Lê thế tâm

Diễn nghĩa

Lòng son quang minh nhập tinh soi xét tới
Có nghĩa khí sâu sắc để trung với chúa và an dân
Sức chuyển dời trong nước bình trị ngoài nước mến yêu
Lòng giúp đời vui sau thiên hạ, lo trước thiên hạ

Hai bài thơ trên được xem là tiêu chuẩn để có “Vua sáng, tôi hiền”.

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”

Năm 1484, Lễ bộ Thượng thư Quách Đình Bảo tâu với Vua nên dựng bia tiến sĩ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhằm khuyến học tìm được hiền tài trong nước. Vua chuẩn tấu cho dựng bia tiến sĩ ghi lại họ tên, thứ bậc những người thi đậu bắt đầu từ khoa thi đầu tiên của nhà Lê năm 1442.

Thời kỳ Hồng Đức thịnh trị nhờ tìm chọn được bậc hiền tài cho Xã Tắc
Quần thể Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Quần thể Văn Miếu – Quốc Tử Giám. (Ảnh: Flickr, Manhhai)

Người được giao soạn văn bia cho khoa thi đầu tiên năm 1442 chính là Thân Nhân Trung. Ông đã viết rằng:

“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…”

Người xưa vốn theo “thiên nhân hợp nhất”, Đạo Gia vẫn giảng “thân thể người là một tiểu vũ trụ”. Nếu “nguyên khí” quyết định thân thể có khỏe mạnh hay không thì “hiền tài” quyết định thế nước mạnh hay suy. Vì thế mà việc giáo dục và tạo ra những bậc hiền tài cho đất nước là rất then chốt.

Nhiều người chuộng chữ Nho, Vua chú trọng phát hành sách đủ cho các sĩ tử, đặc biệt thư viện trong Quốc Tử Giám phải có đầy đủ các đầu sách. Lê Quý Đôn cho biết: “Khoảng niên hiệu Hồng Đức, hằng năm phát sách công cho các phú như: Tứ thư, Ngũ kinh, Ngọc đường văn phạm, Văn hiến thông khảo, Văn tuyển và Cương mục, học quan do đấy để giảng dạy, khoa cử do đấy để lấy nhân tài” (Kiến văn tiểu lục).

Đánh giá việc tuyển chọn nhân tài thời kỳ Hồng Đức, Phan Huy Chú cho rằng: “Chọn người cốt lấy học rộng thực tài, không hạn định ở khuôn khổ, mực thước… Bởi thế điển chương được đầy đủ, chính trị ngày càng hưng thịnh” (Lịch triều hiến chương loại chí).

Chữ Thánh Hiền đến mọi nhà, lính hầu, ăn xin cũng thành tiến sĩ

Vua Lê Thánh Tông khuyến khích mọi người tham gia các kỳ thi cử, vì thế mà thời kỳ này từ lính hầu, ăn xin nếu có thực tài cũng có thể đỗ đại khoa.

Thấy Đỗ Toàn An chỉ là anh lính hầu dọn cỏ, nhưng biết làm thơ, Vua động viên khuyên nhủ nên về quê ăn học, lại cho hưởng cả tiền lương. Khoa thi năm 1472, Đỗ Toàn An đỗ cao thứ hai tức Bảng Nhãn.

Bùi Xương Trạch là anh lính cắt cỏ cho ngựa ăn, nhưng biết làm thơ, Vua cũng động viên về quê học hành. Khoa thi năm 1478, Bùi Xương Trạch đỗ tiến sĩ, làm quan giữ các vị trí trọng yếu qua 6 đời Vua.

Khoa thi năm 1484, Vũ Dương thi đỗ tiến sĩ, làm quan trụ cột trong Triều đình, ông xuất thân từ tầng lớp ăn xin.

Thời đấy cứ xẩm tối là làng nào cũng râm ran tiếng trẻ đọc sách Thánh Hiền. Nhiều dòng họ khoa bảng là truyền từ đời này đến đời khác. Chứng kiến chữ Thánh Hiền được đến từng nhà, tiến sĩ Phạm Cẩn Trực đã mô tả trong bài “Quỳnh cửu ca” rằng:

Hoa quốc kính luận đàn chính trị
Hi hi tứ hải hiệu đương xuân.

Diễn nghĩa

Rạng rỡ kinh luân nền chính trị
Xuân tràn bốn bể khắp vui chung

Vua Lê Thánh Tông ở ngôi 36 năm (trong đó 27 năm là thời kỳ Hồng Đức) đã tổ chức 12 khoa thi, có 502 tiến sĩ, 9 Trạng nguyên.

Cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí” đã ca ngợi rằng:

“Khoa cử các đời thịnh nhất là đời Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng: đời sau càng không thể theo kịp. Kẻ sĩ bây giờ học rộng mà không cần phải tìm tòi tỉ mỉ. Tài được đem ra ứng dụng mà không bỏ rơi. Trong nước không bỏ sót nhân tài. Triều đình không dùng người kém. Bởi thế điển chương được thực hiện đầy đủ, chính trị ngày càng thịnh hưng.”

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: