Tham Nghị Phùng Khoa Hân là thủy tổ dòng họ Phùng Văn làng Vĩnh Mỗ, ông nuôi dạy 12 người con thành danh, lớp con cháu sau đều tự hào về tổ tiên dòng họ mình.

Hai cha con cùng vinh quy bái tổ

Phùng Văn là dòng họ danh giá của làng Vĩnh Mỗ xưa (nay là thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc). Theo gia phả của dòng họ thì thủy tổ là Phùng Khoa Hân sinh năm 1669 ở làng Ốc Trù, Hội Hạ (nay thuộc xã Hợp Thịnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc).

Năm 26 tuổi Phùng Khoa Hân đỗ kỳ thi Hương, năm 30 tuổi thì đỗ được tam trường kỳ thi Hội, ông làm quan trải qua nhiều chức vụ từ Tri huyện, Tri phủ đến Tham nghị.

Phùng Khoa Hân làm quan thì chuyển gia đình đến làng Vĩnh Mỗ. Dù đảm nhận chức trách nào ông cũng an dân. Ông có 12 người con và đều giáo dưỡng thành tài, trong đó nổi tiếng nhất là người con cả Phùng Bá Kỳ.

Thủy tổ dòng họ Phùng Văn dạy dỗ 12 người con thành danh
Gia phả họ Phùng Văn ở Vĩnh Mỗ xưa. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Những ghi chép lịch sử về Phùng Bá Kỳ không còn nhiều, nhưng các giai thoại và gia phả lưu truyền rằng Phùng Bá Kỳ từ nhỏ đã rất thông minh, nổi danh thần đồng, mới 17 tuổi đã đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương.

Đến khoa thi năm 1715, Phùng Bá Kỳ vượt qua tứ trường kỳ thi Hội, vào đến thi Đình ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Năm ấy Phùng Bá Kỳ mới 21 tuổi, cũng là người trẻ tuổi nhất đỗ đại khoa của khoa thi này.

Biết Phùng Bá Kỳ chỉ học với cha mình mà thi đậu, vua Lê Dụ Tông liền ban sắc khen, có đoạn rằng: “Đế vị: Giáo tử đăng khoa ưng long quốc sủng”, nghĩa là: “Vua bảo: Dạy con đỗ đại khoa đáng được nhà nước khen ngợi”. Đồng thời cho phép hai cha con cùng vinh quy bái tổ, đây là vinh dự hiếm hoi trong lịch sử khoa bảng.

Sau khi thi đỗ Phùng Bá Kỳ được phong làm Giám sát Ngự sử, sau thăng tới chức Đông Các Đại học sĩ.

Những người con khác của Phùng Khoa Hân cũng đầu thành danh: Phùng Khoa Xưởng, quan viên tử, tiền hậu vệ; Phùng Năng Kính đương phong tước bá; Phùng Đĩnh Lập làm tri huyện Thúy Vân; Phùng Thế Oánh làm quan chánh vô úy; Phùng Khoa Chủng làm Tri huyện Trung Thuận; Phùng Du Thảo và Phùng Đôn Nghĩa lần lượt làm Tri huyện Liêm binh, được ban tước bá; Phùng Khuông Lục được ban tước tước hầu; Phùng Dong Oánh làm Đô Chỉ huy sứ, sau truy tặng tước Quận công Oánh Trung hầu; Phùng Trung Tín làm Thị nội mật sát trung úy hầu; Phùng Tôn Dụ làm quan viên tử.

Phùng Dong Oánh bảo vệ làng quê

Phùng Khoa Hân có người con thứ 8 là Phùng Dong Oánh lập công lớn với dân làng mình. Thời ấy Triều đình Lê – Trịnh suy yếu, giặc cướp và quân nổi dậy khắp nơi, xuất hiện nhiều toán cướp điên cuồng cướp phá dân lành.

Phùng Dong Oánh xuất thân khoa bảng, nhưng lại theo ngạch quan võ thời vua Lê Hiển Tông. Khi đang giữ chức Tri huyện Bạch Hạc thì ông nghe tin quê nhà Vĩnh Mỗ thường xuyên bị giặc cướp hoành hoành, ông liền dâng biểu lên Triều đình xin về quê chống giặc.

Phùng Dong Oánh về làng, dựng đồn lũy, thao luyện quân sĩ, cùng dân giữ làng, các toán cướp không dám quấy nhiễu. Lúc này quân khởi nghĩa Nguyễn Danh Phương ngày càng lớn mạnh và lan rộng, Phùng Dong Oánh đưa quân chống lại quân của Nguyễn Danh Phương giữ làng. Cuộc chiến diễn ra nhiều năm, quân của Phùng Dong Oánh khiến quân của Nguyễn Danh Phương phải rút lui.

Sau những chiến công này Phùng Dong Oánh được thăng làm Chánh võ Đô hiệu úy.

Đến tối ngày 24/5/1748, Nguyễn Danh Phương bất ngờ đưa quân tấn công vào đồn Vĩnh Mỗ. Phùng Dong Oánh nỗ lực chống trả, ông bị hơn 10 vết thương rồi mất vào ngày 25/5. Sau đó cả 900 tướng sĩ của ông cũng quyết chiến đến cùng và đều bị giết hại.

Thương tiếc, dân hai làng Vĩnh Mỗ, Tiên Mỗ đã lập đền thờ, cung kính khói nhang tưởng nhớ, lấy ngày 25/5 hàng năm làm ngày giỗ ông cùng các tướng sĩ.

Cảm kích bậc trung thần nghĩa liệt, Triều đình tặng ông 4 chữ: “Trung nghĩa khả gia”, truy thăng vượt 3 bậc từ Tổng binh đồng tri lên Đô chỉ huy sứ.

Dòng họ chú trọng giáo dục

Tham nghị Phùng Khoa Hân rất chú trọng việc giáo dục con cháu, ông lập 2 tấm bia đá mang tên: “Tham Nghị Quan huấn giới tử tôn bi”, nghĩa là bia dạy dỗ con cháu của quan Tham Nghị. Hiện nay cả 2 tấm bia này vẫn còn, được con cháu trùng tu cho rõ nét chữ.

Thủy tổ dòng họ Phùng Văn dạy dỗ 12 người con thành danh
Bia khắc những lời răn dạy con cháu của quan Tham nghị Phùng Khoa Hân. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Tại nhà thờ họ Phùng Văn ở thị trấn Yên Lạc ngày nay vẫn còn lưu giữ các sắc phong, các bức đại tự, câu đối thể hiện công lao dấu tích của các bậc tiền nhân xưa. Nhà thờ cũng được xếp hạng di tích cấp tỉnh vào tháng 2/2015.

Ngày nay hàng năm con chàu họ Phùng Văn ở Hội Hạ và Vĩnh Mỗ đều có mặt ở từ đường dòng họ thành kính dâng hương tưởng nhớ tổ tiên.

Phùng Kỳ Bá và Phùng Dong Oánh được đặt tên cho các tuyến đường tại thành phố Vĩnh Yên và thị trấn Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc.

Nối bước cha ông, con cháu dòng họ Phùng Văn ngày nay nhiều người đỗ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Hàng năm đều trao phần thưởng cho con cháu trong dòng họ có thành tích học tập giỏi.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: