Vào thời cổ đại, có vô số trung thần nghĩa sĩ vì bảo toàn trung hiếu tiết nghĩa mà vui lòng nhận lấy cái chết. Đối với người xưa, việc hy sinh mạng sống để bảo toàn trung hiếu lễ tiết là một cảnh giới tinh thần cao thượng. Mọi người đểu hiểu rõ đạo lý “Tích thủy chi ân, dũng tuyền tương báo”, nhận ân nghĩa của người dù chỉ bé bằng một giọt nước cũng phải ghi nhớ báo đáp lại bằng một dòng suối. Chính vì thế mà trong lịch sử không thiếu những anh hùng hảo hán vì báo đáp công ơn tri ngộ mà có thể hy sinh mạng sống của mình.

Tiết nghĩa của người xưa: Kẻ sĩ vui lòng vì tri kỷ mà chết
(Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Nhiếp Chính, Kinh Kha và Dự Nhượng trong lịch sử đều là những kẻ sĩ hào hiệp nổi tiếng trong “Chiến Quốc sách”. Họ vì báo đáp ơn được gặp gỡ, được trọng dụng mà không tiếc mạng sống, kiên cường khí khái vì bạn bè mà bất chấp gian nguy, làm việc nghĩa không chùn bước. Tiết nghĩa và giá trị tinh thần của họ khiến người đời sau cảm phục ngưỡng mộ. Bởi vậy có câu “Sĩ vi tri kỷ giả tử”, kẻ sĩ có thể vì tri kỉ mà vui lòng chết. Đây là câu thành ngữ có xuất xứ từ “Chiến Quốc sách”, do Dự Nhượng nước Tấn cuối thời Xuân Thu nói ra.

Dự Nhượng từng làm đại thần cho họ Phạm và họ Trung Hàng nước Tấn. Đương thời, họ Phạm, Trung Hàng, Trí, Hàn, Nguỵ và Triệu nắm quyền nước Tấn, được xưng là “lục khanh”. Nhưng họ Phạm và họ Trung Hàng đều không trọng dụng Dự Nhượng, vì thế mà không ai biết đến tài năng của ông.

Dự Nhượng rời bỏ hai họ này, đến với Trí Bá. Trí Bá rất tôn trọng và tín nhiệm ông. Về sau, Trí Bá nắm được quyền lớn, nhưng vì kiêu căng ngạo mạn mà diệt vong dưới tay Triệu Tương Tử.

Sau khi Trí Bá thất bại, Dự Nhượng trốn chạy vào trong núi ẩn mình. Dự Nhượng nói rằng: “Ôi! Kẻ sĩ có thể vì tri kỉ mà vui lòng chết, thiếu nữ vì người yêu mến mình mà điểm trang. Ta nhất định phải thay Trí Bá báo thù”.

Thế là Dự Nhượng đổi họ, giả trang thành người bị khổ hình, ẩn núp ở trong nhà vệ sinh của cung điện, trong áo giấu con dao ngắn để hành thích Triệu Tương Tử. Lúc Triệu Tương Tử đi vệ sinh thì lòng cảm thấy bất an, cho bắt Dự Nhượng đem thẩm vấn. Sau khi biết đó là Dự Nhượng hóa trang để ám sát mình, Triệu Tương Tử đã hỏi nguyên nhân. Dự Nhượng không né tránh nói thẳng rằng: “Ta muốn thay Trí Bá báo thù”.

Các đại thần của Triệu Tương Tử muốn giết chết Dự Nhượng nhưng Triệu Tương Tử ngăn lại: “Hắn ta là một nghĩa sĩ, ta chỉ cần cẩn thận né tránh hắn ta là được rồi. Hơn nữa Trí Bá sau khi chết không có con cháu, bề tôi của ông ta thay ông ta báo thù, đó nhất định là người có khí tiết trong thiên hạ”. Thế là Triệu Tương Tử cho thả Dự Nhượng.

Qua một thời gian sau, Dự Nhượng tự hủy hoại ngoại hình, lại nuốt than làm hỏng cổ họng, khiến tiếng phát ra ú ớ. Như vậy, người bình thường khó mà nhận ra. Dự Nhượng ăn xin ở chợ để ẩn thân, ngay cả vợ con gặp mặt cũng không nhận ra.

Có một người bạn thân biết hành tích của Dự Nhượng, khuyên can: “Dựa vào tài năng của mình, gởi thân trung thành phụng sự Triệu Tương Tử thì nhất định có được sự tín nhiệm và trọng dụng. Như vậy có thể tiếp cận ông ta, nếu muốn báo thù há chẳng dễ hơn sao? “.

Dự Nhượng nghe xong cười mà nói rằng: “Nếu tôi gởi thân trung thành dưới cửa người khác mà sau đó lại nhân cơ hội giết họ, đó là mang lòng bất trung để phụng thờ chủ nhân. Tôi dùng cách này để tìm cơ hội báo thù, biết rất rõ đó là hành vi cực khó, nhưng có thể khiến những người hai lòng đối với chủ nhân cảm thấy xấu hổ”. Người bạn của Dự Nhượng đành buông tiếng thở dài rồi bỏ đi.

Không lâu sau, Triệu Tương Tử ra ngoài, Dư Nhượng dò la biết hướng ông ta đi, bèn nằm dưới cầu nơi mà Triệu Tương Tử nhất định đi qua. Triệu Tương Tử đến bên cầu, con ngựa đột nhiên hoảng hốt kinh sợ. Triệu Tương Tử bảo rằng: “Nhất định là Dự Nhượng”.

Sai người đi tra xét, quả nhiên là đúng. Thế là Triệu Tương Tử mắng: “Ông chẳng phải đã từng hầu hạ họ Phạm và họ Trung Hàng sao? Hai họ đó đều bị Trí Bá tiêu diệt, thế mà ông không báo thù cho họ, ngược lại còn gửi thân trung thành làm bề tôi dưới cửa Trí Bá. Hiện Trí Bá cũng đã chết, ông sao lại cứ khư khư muốn báo thù?”

Dự Nhượng đáp rằng: “Lúc tôi làm việc cho họ Phạm và họ Trung Hàng, họ đều đối đãi tôi như một người bình thường, cho nên tôi cũng chỉ dùng thái độ của một người bình thường mà báo đáp. Còn như Trí Bá đối đãi tôi như một người quốc sĩ, cho nên tôi dùng thái độ của một quốc sĩ mà báo đáp”.

Triệu Tương Tử bị lòng trung thành của Dự Nhượng làm cho cảm động, nói rằng: “Dự Nhượng, ông vì Trí Bá mà trăm phương nghìn kế thay ông ấy báo thù, đã có tiếng là trung thần nghĩa sĩ. Ta tha cho ông một lần cũng đã đủ rồi. Hiện ông nghĩ kĩ đi, ta sẽ không tha cho ông nữa đâu”.

Dự Nhượng nói: “Tôi nghe nói, một hiền thần sẽ không làm ngăn cản lòng trung nghĩa của người khác, còn trung thần vì hoàn thành chí lễ mà không thương tiếc mạng sống của mình. Lần trước ông đã tha tôi, người thiên hạ ai cũng khen ông. Nay tôi đến hành thích ông bị ông bắt được, theo lý ông nên xử tử tôi. Giờ tôi chẳng có yêu cầu gì khác, chỉ mong có thể có được chiếc áo ngoài của ông. Như vậy tôi có chết cũng không tiếc nuối”.

Triệu Tương Tử liền cởi áo ngoài của mình ra, sai người đưa cho Dự Nhượng. Dự Nhượng sau khi được áo, ba lần nhảy lên vung kiếm, ba lần đâm xuống áo, sau đó nói rằng: “Tôi cuối cùng cũng đã báo thù được cho Trí Bá”. Thế rồi Dự Nhượng dùng kiếm tự vẫn. Người trong nước đều cảm động và thương tiếc ông.

Những trung thần nghĩa sĩ thời xưa hoàn toàn không coi trọng lợi ích vật chất, việc đo lường giá trị nhân sinh của họ là dựa trên tiêu chuẩn tinh thần, sẵn sàng hy sinh lợi ích, thậm chí hy sinh cả mạng sống vì lý niệm và chính nghĩa. Họ để lại những tấm gương để người đời sau hiểu được đạo lý, từ đó không ngừng trau dồi, làm thuần tịnh bản thân để tinh thần mang theo hạo nhiên chính khí, khiến cho giá trị nhân sinh được thăng hoa, rực rỡ vượt lên cao hơn những ham muốn vật chất và thế tục.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: