Tính thực tiễn trong giáo dục Đức
- Thiên Cầm
- •
Giáo dục Đức thường được khen ngợi bởi nó có tính thực tiễn rất cao. Học sinh ở Đức học ít chơi nhiều, những đứa trẻ phải đeo kính cận cũng rất ít. Bậc tiểu học và trung học cơ sở bài vở rất nhẹ, “lớp học thêm” là khái niệm lạ lẫm. Dẫu bài vở bậc trung học phổ thông khá áp lực, nhưng sau cùng khi tốt nghiệp lại không có hiện tượng cố sống cố chết để vào đại học.
Học sinh Đức được phân luồng rõ rệt ngay từ những ngày đầu. Lần phân luồng đầu tiên là giai đoạn sau tiểu học. Đa số học sinh về cơ bản đều sớm xác định sau này mình học nghề hay học tiếp lên cao hơn. Lần phân luồng thứ hai là giai đoạn sau trung học cơ sở. Lúc này học sinh đã xác định học nghề mình yêu thích hay tiếp tục học lên đại học. Căn cứ theo hứng thú, tình hình học tập và hoàn cảnh gia đình và chí nguyện của mỗi học sinh mà quyết định.
Trong khi một số học sinh quyết định học tiếp lên đại học, một số còn lại sẽ theo học nghề. Trong đó không thiếu những học sinh có thành tích học tập xuất sắc được các trường đại học tuyển chọn, nhưng các em vẫn quyết định sẽ học nghề. Đơn cử năm 2009 tiểu học bang Baden-Württemberg, chỉ có 40.2% học sinh thi lên trung học lý luận (mục tiêu là thi đại học), 34% học sinh thi trung học phổ thông (từ đây có thể lựa chọn theo cả hai hướng đại học hoặc nghề), 24.6% còn lại theo học trường nghề.
Trường học tại Đức đào tạo học sinh theo chế độ vừa học vừa làm. Một phần thời gian học sinh học tại trường nghề, và quá nửa thời gian còn lại sẽ thực tập tại các doanh nghiệp.
Người Đức rất thực tế, đi học là vì muốn ra làm nghề. Rất nhiều nghề tại Đức cần phải có chứng chỉ. Ở Đức có khoảng 350 loại chứng chỉ được chính phủ công nhận. Điều này đã tạo nên ngưỡng cửa kỹ thuật cho 20.000 nghề nghiệp khác nhau.
So với giáo dục kiến thức thông thường tại đại học, dạy nghề thường là con đường tiến thẳng vào nghề. Những ưu thế như thời gian ngắn, hiệu quả nhanh được thể hiện một cách rõ nét. Trong số những người trẻ ở Đức, cứ 3 người thì có 2 người dựng nghiệp thông qua việc học nghề.
Cách làm này rất thiết thực. Đối với học sinh mà nói, học có thể hành. Trước khi học các em đã có thể ký thoả thuận với doanh nghiệp, kết nối đi làm ngay sau khi tốt nghiệp, và còn có thể lĩnh lương thực tập.
Đối với các doanh nghiệp và hiệp hội dạy nghề mà nói, thông qua việc thực tập, họ có thể lựa chọn trước những người công nhân lành nghề.
Việc vừa học vừa làm này thường kéo dài từ 3 năm đến 3.5 năm. Sau khi kết thúc học nghề, học sinh có thể tham gia thi chứng chỉ thống nhất và được cấp giấy phép hành nghề.
Tại Đức cũng không có quan niệm cao thấp sang hèn trong công việc, dân văn phòng và dân lao động không có sự khác biệt cao thấp về địa vị xã hội.
Những người từng tới thăm nhà cũ của Johann Wolfgang von Goethe, cố văn hào người Đức, đều thấy trong nhà ông chất đầy dụng cụ kim loại. Goethe tranh thủ những lúc nhàn rỗi khi sáng tác để sửa chữa các loại dụng cụ. Trên thực tế, tầng lớp công nhân kỹ thuật là một bộ phận quan trọng trong giai tầng trung lưu. Bởi giữa các ngành các nghề có sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau nên đi học trường nghề không hề là việc khiến người ta mất thể diện, mà viễn cảnh sớm ra trường, sớm đi làm còn khiến mọi người ngưỡng mộ.
Xét về đãi ngộ, thu nhập của những người lao động chân tay cũng không hề kém cạnh. Lương của công nhân viên chức phổ thông có khi còn không bằng lương của công nhân đường ống. Đãi ngộ của công nhân kỹ thuật cấp cao có thể còn vượt xa so với giáo sư và bác sỹ. Nếu bạn nhìn thấy một người thợ sửa xe sở hữu một ngôi nhà đẹp thì cũng chớ kinh ngạc.
Vậy nên người Đức không phải ai cũng thích vào học đại học. Hơn nữa, những trường đại học tại Đức nổi tiếng là “đầu ra ngặt nghèo”, thời gian đào tạo lâu, tỷ lệ đào thải cao, và đối với một số ngành nghề thì sau đó vẫn phải thi lấy chứng chỉ. Những người có thiên hướng nghiên cứu sáng chế, phù hợp với môi trường học thuật hàn lâm, thì mới thích vào đại học.
Theo Vision Times
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
- Nền giáo dục miền Nam trước 1975 (trích lược)
- Chuyện một cậu học trò nghèo dưới nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa
Mời xem video:
Từ khóa Giáo dục Đức Giáo dục Cuộc sống của người Đức