Trong cuộc sống, mọi người đều mong muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, đôi bên chung thủy, nhưng vẫn có những cuộc hôn nhân rơi vào khủng hoảng vì có người thay lòng đổi dạ. Khi thấy đối phương thay lòng đổi dạ, mỗi người lại có những cách thức khác nhau để giải quyết vấn đề. Sự tình như thế này không phải bây giờ mới có mà từ thời xưa cũng đã xảy ra rồi. Dưới đây là cách giải quyết “cơn khủng hoảng hôn nhân” của tài nữ Trác Văn Quân khiến người đời phải trầm trồ thán phục.

Chuyện tài nữ Trác Văn Quân dùng thơ nhắc nhở khi chồng lạc bước
Tranh Trác Văn Quân trong bộ “Hoa lệ châu tụy tú”. (Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan)

Vào thời Tây Hán, nhà họ Trác có một cô con gái rất tài ba, xinh đẹp, nổi tiếng là người văn hay, đàn giỏi tên là Trác Văn Quân. Trác Văn Quân tuổi còn rất trẻ đã sớm góa chồng. Vì thế, Văn Quân đã trở lại nhà cha mẹ đẻ để sinh sống.

Lúc ấy có một thư sinh tài hoa hơn người tên là Tư Mã Tương Như, tự là Trường Khanh. Tư Mã Tương Như không chỉ văn hay mà còn đàn giỏi, có điều rất nghèo khó. Có một ngày, Tư Mã Tương Như được cha của Văn Quân là Trác Vương Tôn mời đến Trác phủ làm khách. Tư Mã Tương Như miễn cưỡng đồng ý. Đang lúc rượu vui, huyện lệnh đã mang đàn đến trước mặt Tư Mã Tương Như và nói: “Nghe nói Trường Khanh rất thích chơi đàn, hy vọng có thể được nghe một khúc nhạc để thêm phần vui vẻ!” Tư Mã Tương Như đã gảy khúc “Phượng cầu hoàng” (Chim phượng trống tìm chim phượng mái). Nguyên Tư Mã Tương Như biết tiếng Trác Văn Quân, bèn tìm cách bày tỏ tình cảm. Trác Văn Quân nghe khúc nhạc thì thấy tò mò, tránh ở sau bức bình phong nhìn lén Tương Như nhưng Tương Như cũng đã nhìn thấy Văn Quân. Sau việc này Trác Văn Quân sinh tâm ái mộ.

Biết cha sẽ không tán thành cuộc hôn nhân với Tư Mã Tương Như, nhưng cũng không muốn để mất tri kỷ, Trác Văn Quân đã trốn đi cùng Tư Mã Tương Như, kết làm vợ chồng. Không có mai mối, không có sự đồng ý của cha mẹ mà kết hôn, đây là việc bại hoại đạo đức. Vì việc này mà Trác Vương Tôn vô cùng giận dữ, quyết định từ con gái.

Trác Văn Quân mang nỗi nhục làm việc bất hiếu bất nghĩa, theo Tư Mã Tương Như sống trong cảnh nghèo khó. Hai vợ chồng bần hàn kham khổ nhưng Trác Văn Quân lại không hề có một câu phàn nàn, oán thán nào. 

Thế rồi Tư Mã Tương Như được Hán Vũ Đế trọng dụng, cho mời vào triều ban chức tước. Tương Như đến đất đô thành, rời xa vợ, rồi nhờ tài thơ được nổi danh, ngày bận việc quan dân, tối tối lại được vây quanh bởi giai nhân. Cuộc sống phồn hoa khiến Tương Như dần dần quên vợ nơi quê nhà, trong khi Văn Quân vẫn ngày đêm ngóng trông. Danh vọng của Tương Như lên rất cao và trong lòng cũng đã có sự thay đổi, đem lòng yêu thích một cô gái xinh đẹp khác, có ý định nạp làm thiếp.

Nghe được tin chồng, trong lòng Trác Văn Quân vô cùng bi thương. Văn Quân đã lặng lẽ cầm bút thảo một mạch bài thơ “Bạch đầu ngâm” gửi đến kinh thành cho chồng.

Bạch đầu ngâm

Ngai như sơn thượng tuyết,
Kiểu nhược vân gian nguyệt.
Văn quân hữu lưỡng ý,
Cố lai tương quyết tuyệt.
Kim nhật đấu tửu hội,
Minh đán câu thuỷ đầu.
Tiệp điệp ngự câu thượng,
Câu thuỷ đông tây lưu.

Thê thê phục thê thê,
Giá thú bất tu đề.
Nguyện đắc nhất tâm nhân,
Bạch đầu bất tương ly.
Trúc can hà niệu niệu,
Ngư vĩ hà si si.
Nam nhi trọng ý khí,
Hà dụng tiền đao vi.

Dịch nghĩa:

Khúc ngâm đầu bạc

Trắng như tuyết trên núi,
Sáng như trăng ở trong mây.
Nghe lòng chàng hai ý,
Nên thiếp quyết cắt đứt.
Ngày hôm nay nâng chén sum vầy,
Sớm mai đã đưa tiễn nhau ở bên sông.
Đi lững thững trên dòng nước,
Nước cứ chảy xuôi mãi từ đông về tây (mà không quay về).

Buồn rầu lại cứ buồn rầu,
Lấy nhau rồi những tưởng không nên than vãn.
Mong có được người một lòng không thay đổi,
Đến khi đầu bạc chẳng xa nhau.
Cần câu trúc dáng thon thon khẽ động,
Đuôi cá vẻ cong cong.
Nam nhi coi trọng ý chí,
Sao lại vì tiền bạc (mà thay lòng)!

Dịch thơ:

Trắng như tuyết trên núi,
Sáng tựa trăng giữa mây.
Nghe lòng chàng hai ý,
Thiếp đành đoạn tình này.
Hôm nay chén sum họp,
Đầu sông tiễn sớm mai.
Lững thững theo dòng nước,
Nước mãi chảy đông tây.

Buồn đau lại buồn đau,
Vợ chồng chẳng nên than.
Mong người lòng chỉ một,
Bạc đầu chẳng xa nhau.
Chiếc cần sao lay động,
Đuôi cá sao cong cong.
Nam nhi trọng ý khí,
Sao tiền bạc thay lòng.

(Bản dịch của Điệp Luyến Hoa, Thi Viện)

Ngay đầu bài thơ là hai câu: “Ngai như sơn thượng tuyết, kiểu nhược vân gian nguyệt”, ý tứ là nói tình cảm vốn nên giống như băng tuyết trên núi, giống như trăng sáng ở trong mây, sáng tỏ và rõ ràng như vậy, nhưng mà thiếp lại nghe lòng chàng có hai ý nên thiếp quyết đoạn tuyệt. 

Trong bài thơ còn viết: “Thê thê phục thê thê, giá thú bất tu đề. Nguyện đắc nhất tâm nhân, bạch đầu bất tương ly”, ý tứ là nếu như có thể lấy được một người toàn tâm toàn ý với mình, sống đến đầu bạc răng long vĩnh viễn không phân ly, lấy được người chồng như vậy thì đâu cần phải bi thương khóc lóc. Nam nhi phải nên coi trọng tình nghĩa, sao tiền bạc và phú quý lại có thể khiến chàng thay đổi tâm ý đây.

Bài thơ Trác Văn Quân viết là lời trách móc nhẹ nhàng mà sâu sắc. Mặc dù Trác Văn Quân đối với chồng là có khiển trách, có oán có giận nhưng ngữ khí vẫn chứa đựng sự khuyên nhủ: Làm trai phải có ý chí, không nên để tiền tài phú quý, danh vọng làm thay lòng đổi dạ. Có thể thấy, trong mỗi câu mỗi chữ đều toát ra cảm xúc, tư tưởng phức tạp của một người phụ nữ vừa oán trách lại vừa ấp ủ kỳ vọng.

Đọc được những dòng thơ với thâm ý sâu xa như vậy, Tư Mã Tương Như như bừng tỉnh, hồi tưởng lại tình nghĩa vợ chồng lúc trước liền từ bỏ hẳn ý định nạp thiếp, ngay chiều hôm đó liền lên xe ngựa trở về thăm nhà. Mà câu “Nguyện đắc nhất tâm nhân, bạch đầu bất tương ly” trong bài thơ “Bạch đầu ngâm” mà Trác Văn Quân viết thì đã xuyên qua ngàn năm mà truyền đến ngày nay, chính là nói đến tình nghĩa vợ chồng thì ai cũng muốn có một cuộc hôn nhân “đầu bạc răng long”.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Lâm Phương Vũ
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: