Trần Công Hiến là một vị tướng từng theo Nguyễn Vương lập nhiều công trạng. Sau khi Nguyễn Vương đánh bại nhà Tây Sơn lên ngôi, ông lại có công giúp dân chúng an cư lạc nghiệp, xây dựng thành Đông, đặt nền móng cho sự phát triển của Hải Dương sau này.

Trần Công Hiến: Người đặt nền móng cho sự phồn thịnh của Hải Dương
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Trần Công Hiến là người làng Vạn An, nay thuộc xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, sinh trưởng trong gia đình có truyền thống học hành, thuở nhỏ đã có tiếng là hay chữ. Tuy nhiên cha mất sớm, lớn lên lại gặp cảnh chiến loạn giữa nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn, Trần Công Hiến đã xếp bút nghiên đi theo võ học.

Năm 1792, vua Quang Trung mất, nội bộ nhà Tây Sơn mâu thuẫn. Tây Sơn lại được coi là triều đại không chính thống và không được lòng dân, nên nhiều người chọn theo Nguyễn Vương là Nguyễn Ánh.

Trần Công Hiến chọn đi theo Nguyễn Vương, lập nhiều công trạng và được phong làm Trung quân Chính thống Hậu đồn, kiêm lý Ngũ đồn, nằm trong bộ tướng tham mưu, rồi làm Khâm sai Chưởng cơ.

Năm 1802, Nguyễn Vương đánh bại nhà Tây Sơn, lên ngôi Vua hiệu là Gia Long, Trần Công Hiến được cử làm Trấn thủ Hải Dương, từ đó ông gắn bó với vùng đất này.

Giúp dân chúng an cư lạc nghiệp

Hải Dương bấy giờ là vùng đất hoang vu, lại vừa trải qua thiên tai mất mùa, hình thành nhiều toán cướp, còn bị nạn Tàu Ô (cướp biển Trung Quốc) hoành hoành.

Đến Hải Dương, nhận thấy dân chúng nơi đây thiếu đất canh tác, Trần Công Hiến cho đắp đê ngăn nước mặn, tạo ra 800 mẫu đất ruộng cấp cho dân chúng. Người dân có ruộng canh tác, rất biết ơn và gọi con đê ngăn nước mặn ấy là đê Trần Công.

Trần Công Hiến đi quan sát dân tình, khuyến nông, nơi đâu dân thiếu đất, ông đều cấp đất cho dân canh tác kèm tiền để mua nông cụ. Ví như dân làng Đôn Thư, tổng Hậu Bổng, huyện Gia Lộc (nay là thôn Đôn Thư, xã Đồng Quang, Gia Lộc) thiếu đất, ông cấp đất cho dân kèm theo vạn quan tiền để dân mua nông cụ. Người dân làng Đôn Thư sau khi ông mất đã lập đền thờ, hàng năm cứ đến ngày sinh (21/4) và ngày mất (12/9) âm lịch của ông là dân làng làm lễ, hồi tưởng lại công đức của ông dành cho làng.

Trần Công Hiến nhanh chóng khiến người dân an cư, nạn trộm cướp vì thế thuyên giảm, lại đưa quân kiềm chế được đám Tàu Ô, ổn định được vùng đất này.

Xây dựng thành giúp xứ Đông phồn thịnh

Trần Công Hiến đi quan sát các nơi và sớm nhận thấy việc đặt sở lỵ ở Mao Điền là không hợp lý. Ông cũng nhận thấy xã Hàn Giang, tổng Hàn Giang, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng có địa thế hơn hẳn.

Năm 1804, vua Gia Long có chuyến ra bắc, cũng nhận thấy vấn đề này. Vua cho di chuyển sở lỵ từ Mao Điền về vùng ngã ba sông Kẻ Sặt và sông Hàm Giang (sông Thái Bình), cách trấn sở cũ 15 km về phía Đông.

Trần Công Hiến cho xây dựng thành Đông (còn gọi là thành Hải Dương) làm trụ sở, với tầm nhìn biến tòa thành này thành căn cứ quân sự bảo vệ phía đông thành Thăng Long, giữ vai trò quan trọng trong hệ thống phòng thủ đất nước. Ông cũng cho dựng một khu chợ nơi đây gọi là “Chợ Con”.

Trần Công Hiến: Người đặt nền móng cho sự phồn thịnh của Hải Dương
Cửa thành Hải Dương (thành Đông) năm 1885 (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)
Tran Cong Hien Hai Duong 02
Một khu chợ tại Hải Dương khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. (Ảnh: Hoang123hd, Wikipedia, Public Domain)

Từ khi có thành Đông và chợ Con, dân chúng đổ về đây sinh sống ngày càng đông, việc giao lưu trên bến dưới thuyền ngày càng tấp nập, dần dần trở thành trung tâm sầm uất của khu vực.

Trần Công Hiến đã hoạch định nhiều chính sách giúp an dân, giúp khu vực ngày càng phát triển, đặt nền móng cho việc hình thành thành phố Hải Dương.

Đóng góp to lớn trong lĩnh vực văn hóa

Nhận thấy nhiều tác phẩm của bậc tiền nhân bị hư hỏng mối mọt theo thời gian, Trần Công Hiến cho thành lập nhà in Hải Học Đường ngay tại lỵ sở, in ấn hồi phục lại các trước tác. Ông tập hợp được nhiều người có học ở địa phương cùng nghiên cứu, sưu tập, biên tập nhiều tác phẩm có giá trị trong nhiều lĩnh vực như thơ ca, văn học, lịch sử, địa lý, Hán học, v.v. rồi cho nhà sách Hải Học Đường in ấn xuất bản.

Hải Học Đường đã giúp lưu giữ được rất nhiều tác phẩm quý giá, là nhà in rất hiếm hoi trong nước vào lúc đó. Nhiều tác phẩm rất có giá trị của Phan Huy Ích, Phạm Nguyễn Du, Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Nhậm, v.v. còn lưu truyền đến ngày hôm này là nhờ nhóm khảo cứu Hải Học Đường.

Các tác phẩm mới về thơ ca, văn học, lịch sử, địa lý, v.v. đươc biên soạn và in ấn công phu, trong đó “Hải Dương phong vật chí” do Trần Huy Phác soạn theo chủ trương của Trần Công Hiến là cuốn sách nổi tiếng có giá trị, ghi chép công phu tỉ mỉ về Hải Dương, bao hàm đủ các lĩnh vực như địa lý vùng đất, thế sông, thế núi, phong tục tập quán, văn hóa, bách nghệ. Một cuốn sách khác là bộ “Danh thi hợp tuyển” gồm (12 quyển) ghi lại 1669 bài thơ của các danh nhân.

Sau này các nhà in khác dần được thành lập, nhiều nhà in vẫn học hỏi và phỏng theo cách làm của Hải Học Đường.

Trần Công Hiến được đánh giá là người có tài trị quốc an dân. Ông mất năm 1817 trong niềm thương tiếc của dân chúng. Ông được đưa về quê ngoại ở làng Mỹ Huệ, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi. Dân chúng gọi phần mộ của ông là “mộ ông lấp biển” để ghi nhớ công lao ngăn nước mặn, mở ruộng đất của ông.

Trong khi mộ của Trần Công Hiến được đặt ở quê ngoại thì ở làng Vạn An quê nội của ông, người dân lập đền thờ ông trong khuôn viên đình làng.

Nhiều cuốn sách, nhất là sách ở Hải Dương và Quảng Ngãi, đều có viết về ông và xem ông là danh nhân văn hóa, là nhà “Hải Dương địa phương học”.

Một quan văn cùng thời đã nhận xét về Trần Công Hiến rằng: “May nhờ có vị trấn thần miền Đông bụng dạ bậc công hầu, tài ví nghìn dặm trường thành và thi thư thánh hiền thì suốt đời yêu thích. Nếu quan trấn hết thảy mà như quan trấn miền Đông thì thiên hạ sẽ không có sách gì là không được đọc”.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: