Sách Hoài Nam Tử viết rằng: “Chuyên tinh lệ ý, ủy vụ tích thần, thượng thông cửu thiên, kích lệ chí tinh”, nghĩa là tinh thần chuyên nhất không bị phân tâm, ý chí kiên định, tinh lực tập trung, hết sức chăm chú thì cuối cùng có thể khiến tâm chân thành của bản thân tương thông được với Trời xanh, làm cảm động được Trời xanh, dùng sự chí thành mà cảm động được Thần linh. Đây chính là “Thiên nhân cảm ứng”, câu thông được với Thiên Địa.

Trí tuệ cổ nhân: Câu thông với Thiên Địa
(Tranh minh họa: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Public Domain)

Sư Khoáng là đại sư âm nhạc nổi tiếng thời Tiên Tần, cổ nhân gọi ông là Nhạc thánh. Sư Khoáng là người mù hai mắt, nên thường tự xưng là “Minh thần” (u minh tối tăm) hay “Manh thần” (bề tôi mù).

Theo truyền thuyết, Sư Khoáng tuy mù nhưng lại có thể nghe được âm thanh của Thiên đình, lại cũng rất tinh thông ngôn ngữ của các loài chim thú. Khi Sư Khoáng gảy đàn, có thể khiến chim phượng hoàng bay tới. Sư Khoáng tuy là quan nhạc, nhưng ông không giống như những nhạc công thông thường. Ông cho rằng có thể thông qua âm nhạc để truyền bá đức hạnh.

Vua nước Tấn là Tấn Bình Công từng mời Sư Khoáng diễn tấu nhạc khúc “Bạch tuyết”. Sư Khoáng đáp: “Quốc quân ngài, đức hạnh mỏng không đủ để nghe nhạc khúc ấy. Ngài không nên nghe, e rằng sẽ mang đến bại vận cho ngài!”

Tấn Bình Công nói: “Trẫm đã già yếu. Thường ngày, điều trẫm yêu thích nhất là âm luật, hãy để trẫm nghe nhạc khúc này!”

Sư Khoáng bất đắc dĩ đành phải diễn tấu nhạc khúc “Bạch tuyết” cho Tấn Bình Công nghe. Tiếng đàn của Sư Khoáng khiến huyền hạc bị tác động mà từ trên trời giáng hạ xuống. Còn có mây hồng cũng xuất hiện ra từ bầu trời phía tây bắc. Khi Sư Khoáng tiếp tục diễn tấu thì cuồng phong bắt đầu thổi tới và xuất hiện mưa lớn. Gió to làm hỏng màn trướng và làm cho các dụng cụ đặt trên bàn bị rơi vỡ thành từng mảnh. Đồng thời nó cũng khiến cho những lớp ngói ở hành lang phòng bị rơi xuống mặt đất vỡ tung tóe.

Các vương công đại thần ngồi xung quanh nghe nhạc đều hoảng sợ bỏ chạy. Tấn Bình Công sợ hãi tới mức phủ phục ngay ở hành lang. Nước Tấn sau đó bị đại hạn suốt ba năm, Tần Bình Công cũng vì thế mà bị bệnh nặng.

Trong Hoài Nam Tử còn kể một câu chuyện nữa về việc câu thông với Thiên Địa. Nước Tề có một người phụ nữ bình dân nghèo hèn, trở thành quả phụ. Dù chồng đã qua đời, lại không có con cái, nhưng người phụ nữ này vẫn một mực hiếu kính với mẹ chồng và đối xử tốt với cô em gái chồng.

Cô em chồng không có con trai, chỉ có con gái, nhưng lại rất tham luyến tài sản của nhà đẻ nên thường giục mẹ mình cho chị dâu tái giá. Người phụ nữ một mực không chịu tái giá, cô em chồng liền giết mẹ mình và giá họa cho chị dâu.

Người phụ nữ bị hàm oan, kêu than oán thán. Không ngờ tình cảnh của cô cảm động đến Trời xanh, khiến cho sấm sét giáng xuống đánh trúng vào đài cao lầu các của Tề Cảnh Công. Đồ vật rơi làm Tề Cảnh Công bị thương, nước biển cũng dâng tràn vào đất liền.

Sách Hoài Nam Tử chép hai câu chuyện này với hàm ý rằng địa vị của những người dân thường, nhạc sư dù thấp hơn so với quan lại hay quốc vương, quyền thế của họ thậm chí còn nhẹ hơn chiếc lông vũ, nhưng bởi vì tinh thần của họ chuyên nhất, ý chí kiên định, tinh lực tập trung, toàn thần chăm chú cho nên cuối cùng đã khiến cho tâm chân thành của mình tương thông được với Trời xanh, làm cảm động Trời xanh và Thần linh.

Sách cổ cũng chép rằng Chu Vũ Vương thảo phạt Trụ Vương, khi ở Mạnh Tân vượt qua sông Hoàng Hà thì sóng lớn cũng nổi lên cuồn cuộn, gió mạnh và trời đất tối đến mức không thể nhìn rõ được người và ngựa. Dưới tình huống ấy, Chu Vũ Vương đã dùng tay trái nắm giữ hoàng việt (binh khí thời cổ), tay phải nắm cờ hiệu, mở to hai mắt quát lớn: “Có ta ở đây! Thiên hạ ai dám ngăn cản quyết tâm thảo phạt Trụ Vương của ta!” Lới nói vừa dứt, sóng to gió lớn cũng dần dần dịu lại, mặt nước trở nên bình lặng như trước.

Phàm là những người “toàn tính bảo chân, bất dĩ vật luy hình” (thuận theo tính tự nhiên, bảo trì chân tính mà tự nhiên giao cho con người, không vì ngoại vật mà làm tổn hại sinh mạng) thì khi họ gặp khó khăn, tấm lòng chân thành của họ có thể thông với Trời và được sự giúp đỡ của Trời. Nếu một người chưa từng lệch khỏi căn bản của Đạo thì họ làm việc gì cũng đều sẽ thành công. Những người có thể coi sống chết như nhau, không bị uy lực ép buộc bức bách, những người có chí khí dũng mãnh như vậy thì có thể dẹp yên được ba quân, làm thành được sự nghiệp.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: