“Đức cao vọng trọng” là thành ngữ ca ngợi những người bởi vì có đạo đức cao thượng mà được mọi người tôn sùng, thanh danh được lan xa. Vậy vì sao không có những câu như “quyền cao vọng trọng”, “tài cao vọng trọng” mà chỉ có “đức cao vọng trọng”? Đó là bởi vì điều này có mối quan hệ sâu sắc với nền tảng văn hóa truyền thống – Người xưa coi trọng “đức”, coi trọng tu dưỡng đức hạnh.

Trí tuệ cổ nhân: Có "đức cao" thì mới có "vọng trọng"
(Ảnh minh họa: Bubbers BB, Shutterstock)

Hành vi của một người nếu phù hợp với thiên lý thì sẽ tích đức. Người đạo đức cao, tầng thứ cũng cao, tự nhiên họ sẽ nhận được sự tôn trọng của mọi người và danh tiếng của họ sẽ được truyền xa. Kể cả vào thời loạn thế, những người được sùng kính nhất vẫn là các bậc Giác Giả đức hạnh, như Lão Tử, Đức Phật Thich Ca, Chúa Giê-su, v.v..

Nếu xem lại lịch sử, chúng ta có thể thấy những nhân vật quan trọng “làm mưa làm gió” trong các triều đại thì nhiều không đếm xuể. Nhưng người thực sự có thể khiến người ta tôn kính, được lưu danh muôn đời, người người nhớ đến thì chỉ có đạo đức cao thượng mới đạt được. Ví như, Khổng Tử “vạn thế sư biểu”, Gia Cat Lượng “cúc cung tận tụy đến lúc chết”, Phạm Trọng Yêm “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” hay Nhạc Phi “tinh trung báo quốc”

Khổng Tử cả đời chu du thiên hạ, sống cuộc đời lênh đênh. Gia Cát Lượng sự nghiệp chưa thành công thì đã qua đời, nhà Thục sau đó cũng vong. Phạm Trọng Yêm nhiều lần bị vu cáo hãm hại và bị giáng chức. Nhạc Phi không thể thực hiện được tâm nguyện thì đã bị gian thần hại chết. Những nhân vật này vào cuối đời đều dường như không thành công, không toại nguyện, nhưng họ lại được lưu danh muôn đời. Đây không phải là bởi vì công lao sự nghiệp của họ làm chấn động cổ kim, mà là bởi vì họ có đạo đức cao thượng mà một người bình thường không có được.

Do đó có thể thấy, “đức cao” là nhân tố mấu chốt quyết định của “vọng trọng”. Không có đạo đức thì “vọng trọng” đơn thuần chỉ là tiền của, quyền lực, tài năng phù phiếm, chỉ là thứ tô điểm “dệt hoa trên gấm” mà thôi.

Trong lịch sử, danh thần thời Bắc Tống, Phú Bật là một người được ngợi khen “đức cao vọng trọng”. Trong tác phẩm “Từ nhân đối tiểu điện trát tử”, sử học gia Tư Mã Quang đã khen ngợi ông rằng: “Thần thầm nghĩ, Phú Bật làm quan phụ tá ba đời Hoàng đế, đức cao vọng trọng”.

Phú Bật xuất thân bần hàn, từ nhỏ đã siêng năng học tập, tri thức uyên bác. Ông có phong thái cởi mở, khí khái bất phàm. Sau khi nhìn thấy Phú Bật, một vị tiền bối đã khen ngợi ông là “hiền tài phụ tá đế vương”.

Phú Bật bắt đầu làm quan năm 26 tuổi. Sau đó ông lần lượt giữ chức Tể tướng ở cả ba triều đại là Tống Nhân Tông, Tống Anh Tông và Tống Thần Tông. Ông là một vị danh thần được các đời Thiên tử nể trọng và các quan lại kính trọng. Phú Bật từng tự thân đến đàm phán ở doanh trại quân địch, không màn an nguy bản thân. Trong hai lần ông phụng mệnh đi sứ, lần đầu tiên thì con gái ông bị bệnh và qua đời. Lần thứ hai trên đường đi ông lại nghe tin con trai út đã chào đời, nhưng ông cũng không về nhà để thăm con được. Sau khi trở về, triều đình khen ngợi công trạng của ông, nhưng ông đều khiêm nhường khước từ hết lần này đến lần khác.

Năm Khánh Lịch thứ 8 (năm 1048), đê sông Hoàng Hà bị vỡ khiến lũ lụt tàn khốc xảy ra. Phú Bật lúc đó bị gièm pha, vu khống và bị giáng chức. Ông đã cho sắp xếp hơn 100.000 gian phòng công và tư để cho dân bị nạn có nơi trú ngụ. Đồng thời ông cũng thu gom ngũ cốc từ người dân địa phương, và tất cả ngũ cốc được dự trữ trong các kho để vận chuyển đến các huyện khác nhau phân phát cho người dân bị nạn. Dân chúng ca ngợi ông, Hoàng đế đã đặc phái sứ giả đến an ủi thăm hỏi dân chúng và bổ nhiệm ông làm Lễ bộ thị lang, tuy nhiên, Phú Bật đã từ chối và nói: “Đây là trách nhiệm mà thần phải làm”.

Phú Bật là người cẩn trọng, cung kính và hòa nhã, ngay cả sau khi trở thành Tể tướng, ông cũng không bao giờ kiêu ngạo. Cho dù quan viên cấp dưới hay thường dân đến bái kiến, ông đều đối xử với họ như nhau. Khi Phú Bật nghỉ hưu, ông đã về sống ẩn cư ở Lạc Dương. Một hôm, ông đi ra ngoài có việc thì bị mọi người phát hiện ra, mọi người kính trọng mà đi theo ông, khiến cho khu chợ náo nhiệt bỗng chốc trở nên vắng tanh không một bóng người. Tư Mã Quang đã khen ngợi ông là người “đức cao vọng trọng”, lời đánh giá này quả thực rất xác đáng.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: