Cổ ngữ có câu: “Thiên dục kỳ vong, tất lệnh kỳ cuồng”, khi Trời muốn diệt kẻ nào thì trước tiên Trời sẽ mặc cho kẻ đó cuồng ngạo. Trong “Thánh kinh” cũng viết đại ý là: “Sự kiêu ngạo đi trước, sự bại hoại theo sau. Tính tự cao đi trước, sự sa ngã theo sau”. Không hẹn mà gặp, các bậc thánh hiền phương Đông và phương Tây đều có cái nhìn giống nhau về kết cục của tâm ngông cuồng, kiêu ngạo. Từ xưa đến nay, nhỏ như sự sống chết hay thành bại của một người, lớn như sự tồn vong hay hưng suy của một đất nước, thậm chí là vận mệnh của toàn bộ một nền văn minh, đều không tránh khỏi quy luật này.

Trí tuệ cổ nhân: Kẻ cuồng ngạo tất sẽ diệt vong
(Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Xưa kia, đế chế La Mã giành được các vùng lãnh thổ rộng lớn trải khắp Châu Âu, Bắc Phi và Trung Đông. Bấy giờ khi có được quyền lực tột đỉnh như vậy, Hoàng đế Nero đã phạm đủ mọi hành vi tàn bạo và điên cuồng. Ông ta đổ tội cho những tín đồ Kitô giáo đốt thành La Mã, để đàn áp và ném họ vào đấu trường cho các loài thú xé xác. Thậm chí ông còn ra lệnh thiêu các Kitô hữu trên những bó đuốc để thắp sáng khu vườn của mình vào ban đêm.

Nero đã khiến công chúng căm phẫn. Thượng viện La Mã tuyên bố ông ta là kẻ thù của đất nước. Nero phải bỏ trốn, và cuối cùng nhờ người khác kết liễu đời mình. Về sau các bệnh dịch và thảm họa khác liên tiếp xảy ra, khiến Đế chế La Mã từng ở đỉnh cao quyền lực một thời đi đến bước đường suy bại. (Xem bài: Bệnh dịch đáng sợ khiến một La Mã không có đối thủ phải suy tàn)

Xưa khi Đường Thái Tông mới lên ngôi, bộ tộc Đột Quyết lúc ấy tương đối lớn mạnh và là mối nguy của nhà Đường. Nhà Đường nhiều lần bị quấy nhiễu nên quyết tâm tiêu diệt quân Đột Quyết. Đường Thái Tông đã nói với các tướng lĩnh rằng: “Muốn chúng diệt vong trước tiên nhất định phải làm cho chúng kiêu ngạo tự mãn”. Vì thế, Hoàng đế liền phái người mang lượng lớn vàng ngọc tặng cho Đột Quyết nhằm kích động thêm khí thế kiêu ngạo của họ, khiến tướng lĩnh Đột Quyết lơi lỏng phòng bị. Về sau, hai quốc gia của người Đột Quyết quả nhiên bị diệt vong dưới thời nhà Đường.

Cổ ngữ nói: “Nhân vô thiên nhật hảo, hoa vô bách nhật hồng”, con người không thể nghìn ngày đều tốt cả, hoa cũng không thể giữ được trăm ngày đều tươi thắm. Cho nên trong đối nhân xử thế thì không thể quá cuồng vọng, kiêu căng. Cho dù tài giỏi đến mức nào đi nữa thì làm người làm việc đều phải biết tôn trọng người khác, không được tự cao tự đại không coi ai ra gì. Đó cũng là để lại cho bản thân một con đường lui.

“Trời không nói mà tự cao, đất không nói mà tự sâu”. Mỗi người xét cho cùng thì đều chỉ là những sinh mệnh rất nhỏ bé trong vũ trụ bao la rộng lớn này, càng không nên khoe khoang, ngông cuồng tự mãn. Người thực sự đạt được thành tựu xưa nay đều là người khiêm tốn, giống như bông lúa chắc mẩy khi chín đều cúi đầu, chỉ có bông lúa lép mới ngẩng đầu mà thôi.

Những gì đã qua, sẽ có lại, những gì đã làm, sẽ được làm lại. Dưới ánh sáng mặt trời, không có gì là mới cả. Lịch sử tựa như một vở kịch, mặc dù thời gian, địa điểm và nhân vật khác nhau, nhưng các cốt truyện nhìn chung đều giống nhau. Sự cuồng ngạo và diệt vong giống như gió bão và mưa rào, luôn nối gót mà tới, cũng giống như nhân quả báo ứng, một điểm không sai.

“Chiến quốc sách” viết: “Tiền sự bất vonghậu thế chi sư”, tức là việc trước không quên, là tấm gương cho đời sau. Con người chỉ có tiếp thu những lời giáo huấn của lịch sử mới có thể tránh đi đường vòng và không đi nhầm đường. Một người khi đã có quyền cao chức trọng trong tay, mỗi một quyết định hay hành động của bản thân đều ảnh hưởng đến sự sống và cái chết của người khác, thì cũng phải biết rằng “ông Trời có mắt”, không được hành động ngông cuồng, không được đánh mất liêm sỉ và không được ức hiếp người khác. Nếu như người ấy khăng khăng cố chấp, cậy thế gạt người, điên cuồng xằng bậy, vậy thì sau khi sự cuồng ngạo qua đi, điều nối gót sẽ là băng hoại và diệt vong. 

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: