Nếu một vị quân vương hay một vị quan có được người vợ hiền đức thì họ sẽ luôn giảm thiểu được những việc ác hại nước hại dân, còn trái lại thì sẽ dễ thân bại danh liệt. Trong lịch sử có khá nhiều ghi chép về những trường hợp người vợ hiền đức giúp chồng như vậy.

Trí tuệ cổ nhân: Nhà có vợ hiền, chồng ít họa
(Tranh: Public Domain)

Xưa nay, rất nhiều bậc thánh hiền hào kiệt thành danh đều có sự trợ giúp của người vợ, cũng có không ít người trở thành gian hùng cường đạo do người vợ thúc đẩy mà nên. Nhạc Dương Tử thời Hán nếu không có vợ khéo khuyên can thì sẽ không thể trở thành người uyên bác học rộng tài cao. Tần Cối nếu không có vợ thâm độc thì không có đủ mưu gian bán nước mà bị người đời phỉ nhổ.

Trong lịch sử, rất nhiều người phụ nữ trí tuệ đã giúp chồng gây dựng sự nghiệp, hơn nữa còn có tầm nhìn xa giúp chồng tránh được những tai họa lớn trong đời. Những người phụ nữ ấy không chỉ được người chồng kính trọng mà còn được lưu danh sử sách. Cũng chính những tấm gương người vợ hiền đức ấy đã chứng thực cho câu nói của người xưa: “Nhà có vợ hiền, chồng ít tai họa”.

Trong cuốn “Triêu dã thiêm tái” thời nhà Đường ghi lại rằng thời Võ Tắc Thiên, quan thái bộc Lai Tuấn Thần là người có quyền thế lớn, ngang ngược và vô cùng tàn ác. Các đại thần trong triều cũng không dám nhìn thẳng ông ta. Hầu Mẫn là quan lệnh thượng lâm lúc ấy muốn dựa vào Lai Tuấn Thần, đi theo ông ta. Vợ của Hầu Mẫn là Đổng Thị biết vậy nên đã khuyên bảo chồng rằng: “Lai Tuấn Thần là quốc tặc, quyền thế sẽ không dài lâu. Ông chỉ nên kính lễ nhưng đừng gần gũi”.

Hầu Mẫn nghe theo lời khuyên của vợ, dần dần lánh xa Lai Tuấn Thần. Lai Tuấn Thần tức giận, bèn trục xuất Hầu Mẫn đi xa, cho làm huyện lệnh Vũ Long ở Phúc Châu. Hầu Mẫn không muốn nhậm chức mà muốn từ quan để sống ở quê nhà. Vợ ông lại nói: “Nên nhanh chóng rời kinh nhậm chức, đừng mong cầu ở tại nơi đây”.

Sau đó, Lai Tuấn Thần bị giết, đồng đảng dần dần bị trục xuất khỏi triều đình đày tới vùng Lĩnh Nam. Riêng Hầu Mẫn nhờ sớm xa lánh Lai Tuấn Thần, bị điều ra khỏi kinh thành rồi nên tránh được họa vong thân. Đứng cùng hàng ngũ với kẻ xấu, chẳng qua là vì tiền tài và địa vị. Vợ của Hầu Mẫn có thể nhìn rõ hết thảy điều này nên đã giúp chồng miễn trừ được tai họa, thật đúng là người vợ có trí tuệ.

Vào cuối thời nhà Đường, Lưu Tri Viễn thống lĩnh đại quân đóng ở Tấn Dương, tự lập làm Hoàng đế, thành lập nhà Hậu Hán. Sau khi đăng cơ, nghĩ đến quân sĩ, Lưu Tri Viễn muốn khao thưởng để động viên. Nhưng vì chiến tranh liên miên nên không biết lấy đâu ra kinh phí, ông đã cho gọi cả quân thần và phu nhân Lý thị vào bàn chuyện khao thưởng.

Lưu Tri Viễn nói rằng: ” Nay thiên hạ mới bình định, nên khao thưởng ba quân. Hiện giờ quân tư không đủ, biết lấy gì để thưởng tướng sĩ đây?”

Quân thần biết Lưu Tri Viễn đã có dự định nên không tiện nói nhiều, chỉ kính cẩn lắng nghe.

Lưu Tri Viễn đưa ra ý kiến muốn trưng thu của cải của dân chúng ở khu vực Tấn Dương để khao thưởng tướng sĩ. Quân sĩ đều yên lặng, trong lòng có người đồng ý, người không đồng ý. Chỉ có Lý thị lập tức đứng dậy khuyên can: “Bệ hạ sáng lập đại nghiệp thiên cổ ở Hà Đông, muôn dân vì chúng ta mà lưu lạc cùng khốn, chịu đau khổ, hiện giờ vẫn chưa có một chút ân huệ nào đối với họ, lại cướp đoạt vốn liếng sinh sống của họ, đây chẳng phải là đi ngược lại với tôn chỉ cứu giúp muôn dân hay sao?” 

Lưu Tri Viễn nói: “Vậy thì các tướng sĩ sẽ không được ban thưởng nữa sao?”

Lý thị nói tiếp: “Thần thiếp đề nghị dùng tất cả binh lương trong quân để ban thưởng cho quân sĩ, như vậy thì mặc dù ban thưởng không được hậu hĩnh nhưng cũng không ai oán hận gì”.

Lưu Tri Viễn nghe theo lời khuyên của phu nhân, gạt bỏ ý định trưng thu tiền của dân chúng. Lần khao thưởng ấy tuy đơn giản, nhưng mọi người đều đẹp lòng, vui mừng phấn khởi. Lý thị giúp chồng được lòng dân, chỉ tiếc rằng Lưu Tri Viễn qua đời quá sớm, con trai còn quá nhỏ lên ngôi trong cảnh vẫn còn binh đao, bởi thế nhà Hậu Hán truyền được có 2 đời thì mất.

An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: