Con người sống trên thế gian, không ai có thể vượt ra khỏi luật nhân quả báo ứng, nhưng cuộc đời của con người là có thể lựa chọn được, chỉ cần lựa chọn chính xác, hành sự theo ý Trời, tuân thủ luân lý đạo đức thì có thể có một nhân sinh tốt đẹp hơn. Trong cuốn “Danh hiền tập” có một câu danh ngôn: “Mã đáo huyền nhai thu cương vãn, thuyền đáo giang tâm bổ lậu trì”, nghĩa là một con ngựa chạy phăng phăng đến bên vách núi mới buộc chặt dây cương lại thì đã muộn màng, một con thuyền thủng ra đến giữa sông rồi mới vá lỗ thì đã không còn kịp nữa. Cổ nhân dùng cách nói ấy để khuyên răn con người sống phải lo trước tính sau, phòng họa khi chưa xảy ra, làm việc gì phải chú ý tích thiện, không làm điều ác, thì đời mình, đời con cháu mới được hưởng phúc báo mà sống sung túc, hanh thông, an bình. Câu nói “Tổ tiên tích đức, con cháu phú quý” chính là đạo lý này.

nhân quả
(Tranh minh họa: Vương Thì Mẫn, Minneapolis Institute of Art, Public Domain)

Trong cuốn “Trích ngôn” chép một câu chuyện như vậy. Tôn Thái thời nhà Đường là một người chính trực, có phong thái của một hiền nhân. Một phụ nữ lớn tuổi trước khi lâm chung đã gửi gắm hai người con gái cho Tôn Thái, và nói: “Con gái lớn của ta bị mù một bên mắt, có thể lấy em gái của nó làm vợ.”

Đợi sau khi người phụ nữ này qua đời, Tôn Thái liền lấy người con gái lớn bị mù một mắt của bà làm vợ. Có người hỏi ông vì sao lại lấy một cô gái mù như vậy làm vợ, Tôn Thái nói: “Nàng là một người khuyết tật, nếu không gả cho tôi thì ai còn muốn lấy nàng nữa?” Mọi người nghe thấy vậy, ai nấy đều rất bội phục nghĩa khí của ông.

Một lần, Tôn Thái khi đi ra chợ đã tình cờ thấy một chiếc chân đèn bằng sắt, nên ông liền mua về nhà. Khi trở về nhà cọ rửa sạch sẽ thì thấy hoá ra đó là cái chân đèn bằng bạc, Tôn Thái vội vàng đem trả lại cho người bán.

Sau này, Tôn Thái dự định chuyển nhà đến Nghĩa Hưng, vì thế ông đã mua một ngôi nhà vườn riêng và trả trước một nửa số tiền cho người chủ nhà ấy. Khi Tôn Thái đến quận Ngô Hưng du lịch đã giao hẹn sau khi trở về sẽ chuyển nhà đi. Hai tháng sau, Tôn Thái lên thuyền đến ngôi nhà vườn ấy đồng thời cũng đem nửa số tiền còn lại giao cho người bán. Lúc thuyền vừa cập bến, Tôn Thái nhìn thấy một người phụ nữ già đang ngồi khóc, ông hỏi tại sao bà lại khóc.

Người phụ nữ lão niên nói: “Tôi sống ở đây hết lòng tận hiếu với cha mẹ chồng, nhưng con cháu không nỗ lực cố gắng, bán nhà cho người khác rồi nên mới khiến tôi đau buồn như vậy.”

Tôn Thái nghe thấy vậy trong lòng buồn bã thất vọng một hồi lâu, rồi nói: “Tôi vừa nhận được một lá thư từ kinh thành, đã được thăng chức đến làm quan ở một nơi khác, vì vậy không thể sống ở nơi đây nữa, ngôi nhà này sẽ giao trả lại cho con trai bà vậy!” Nói xong, ông cởi dây cột thuyền rồi rời đi, cũng không quay lại đó nữa.

Về sau, con trai Tôn Thái là Tôn Triển, thi đỗ tiến sĩ, nhậm chức Tỉnh Lang.

Cổ nhân nói: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu”, có nhân ắt sẽ có quả. Tương lai của bản thân, tương lai của con cháu, quyết định chân chính nằm trong tay chính mình. Khi có người làm việc xấu, thường dùng một câu: “Thần không biết quỷ không hay”, kỳ thực con người chỉ có thể lừa dối chính mình chứ căn bản không thể lừa dối được Thần.

Người xưa có cách nói: “Giác giả úy nhân, ngu phu úy quả” (người biết thì sợ nhân, người ngu thì sợ quả). Người đã minh tỏ, tin tưởng rằng gieo trồng ác nhân thì sẽ gặp ác báo. Cho nên họ không kết ác duyên, tránh được nảy sinh ác báo. Còn người ngu xuẩn thì không tin gieo trồng ác nhân sẽ gặp ác báo, cho nên vì lợi ích cá nhân không từ thủ đoạn, đến khi ác báo giáng xuống mới cảm thấy sợ hãi. Nhưng đáng tiếc là lúc ấy đã muộn, hối hận không còn kịp nữa.

Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: