Cổ nhân chú trọng tu dưỡng nội tâm trống rỗng, thanh tịnh, gọi là “hư thất sinh bạch” (phòng trống thì sẽ rộng thoáng). Quan niệm này bắt nguồn từ Đạo gia, và được các nhân vật của các thời đại sử dụng, trở thành một loại trí tuệ trong xử thế.

Trí tuệ cổ nhân: Tu dưỡng nội tâm trống rỗng, thanh tịnh
(Ảnh minh họa: Supachai Panyaviwat, Shutterstock)

“Hư bạch” mang ý nghĩa trống rỗng. Rất nhiều người tu đạo lấy “Hư bạch” làm danh, tự, hiệu. Thư pháp gia thời nhà Thanh là Y Bỉnh Thụ đã có một bức hoành viết hai chữ “Hư bạch”. “Hư bạch” bắt nguồn sớm nhất có lẽ là trong cuốn “Trang Tử”.

Trong “Trang Tử. Nội thiên. Nhân gian thế” có thành ngữ: “Hư thất sinh bạch”. Nghĩa đen là chỉ một gian phòng trống rỗng thì sẽ sáng sủa rộng rãi, còn căn phòng lấp đầy đồ thì ánh sáng sẽ không thể xuyên qua được. Nghĩa rộng, dùng “hư thất” để ví với tâm cảnh trống rỗng tĩnh lặng của con người, không bị dục vọng che lấp, không bị đủ mọi loại màu sắc rực rỡ làm mê loạn tâm tư. Con người thông qua công phu tu dưỡng khiến cho nội tâm trở nên thanh tịnh, sáng tỏ, không mang theo những quan niệm hậu thiên, xóa bỏ đi dục niệm, khiến cho tâm ở vào cảnh giới thuần chân, trống rỗng, sáng tỏ. Như thế thì sẽ nhìn thấy được chân tướng của sinh mệnh, nhìn thấy được chân lý của nhân gian. Ở vào cảnh giới như vậy, con người sẽ tránh được những rối loạn, tai ương do các loại dục vọng vật chất gây ra, tránh xa được tai họa. Những điềm vui, điều lành cũng sẽ liên tục xuất hiện. Bởi vậy “Trang Tử. Nhân gian thế” viết: “Chiêm bỉ khuyết giả, hư thất sinh bạch, cát tường chỉ chỉ”, tâm không có tạp niệm nào thì sẽ ngộ ra đạo, sinh ra trí tuệ, đạt đến cảnh giới trong sạch rõ ràng, cát tường sẽ dừng lại ở đó.

Thiên “Ngoại thiên. Sơn mộc” sách “Trang Tử” có ghi lại câu chuyện “Hư thuyền” như sau. Thời xưa, có một người khi đang đi thuyền qua sông thì một con thuyền trống từ phía trước tiến đến đâm vào thuyền của anh ta. Người này bình thường rất nóng nảy khó tính, ấy vậy mà anh ta không hề cảm thấy giận khi gặp chuyện. Sở dĩ anh ta không tức giận là bởi vì con thuyền không chở người, không có đối tượng để anh ta trút giận.

Câu chuyện “Hư thuyền” này có dụng ý khuyên bảo mọi người làm một con thuyền trống rỗng để đi khắp mọi nơi, như vậy sẽ không khiêu khích sự oán giận và thị phi từ người khác. Trang Tử nói rằng: “Nhân năng hư kỷ dĩ du thế kì thục năng hại chi?”, nghĩa là một người có thể dùng tâm khiêm tốn mà đi khắp mọi nơi trên thế gian, buông bỏ tự ngã, đạt tới trạng thái vô ngã, như không tồn tại ở trong mắt người khác, vậy thì sẽ không ai có thể làm thương tổn người ấy được.

Nhưng xét cho cùng, con người là có hình thể, có tinh thần, có tính khí tính cách, lại thường chiểu theo tiêu chuẩn của bản thân mình để nhìn thế giới, hoàn cảnh mà họ gặp phải trong cuộc sống cũng không phải là cố định bất biến, vậy khi buông bỏ, làm sao chúng ta có thể buông bỏ rồi mà cảm thấy thoải mái, không sinh hối tiếc? Chính là buông bỏ phải lấy “đạo đức” làm chuẩn tắc. 

Trong sách “Hán Thư” ghi lại câu chuyện của ẩn sĩ thời Tây Hán là Trịnh Tử Chân ở Cốc Khẩu và cao nhân ở ẩn nước Thục là Nghiêm Quân Bình. Cả hai người họ đều lấy tu thân để bảo vệ bản thân mình, không bị thời thế khống chế, không sống “nước chảy bèo trôi”, nếu không phải đồ ăn của mình thì họ nhất định không ăn, không phải trang phục nên mặc thì họ cũng nhất định không mặc.

Vào thời Thành đế, quốc cữu Vương Phượng đã mời Trịnh Tử Chân ra làm quan nhưng ông lựa chọn cả đời không làm quan. Ông sống nhờ trồng trọt dưới núi, danh tiếng của ông nổi khắp kinh thành. Nghiêm Quân Bình ở thành đô đất Thục cũng lựa chọn sống ẩn cư, không theo đuổi những thành công bên ngoài, không mưu cầu hoa lệ, vĩnh viễn thủ giữ phẩm hạnh của mình. Ông sống bằng cách coi bói, tuy rằng nghèo nhưng lại có thể giúp ích được mọi người bằng cách thông qua đó dẫn dắt mọi người hành thiện. Mỗi ngày ông chỉ coi bói một trăm đồng, đủ liền đóng cửa hiệu, rồi chuyên tâm đọc sách “Lão Tử” và truyền đạt đạo đức Lão Tử cho học trò. Ông đọc rất nhiều sách vở, tinh thông sáng tác của Lão Tử, Trang Tử, được người Thục kính trọng và yêu mến.

Trịnh Tử Chân và Nghiêm Quân Bình chuyên chú tu sửa đức hạnh của mình, không tham gia chốn quan trường, thanh bạch truyền thế. Nhưng người ở chốn quan trường, có thể “hư thất sinh bạch” để tu đức được không? Yến Tử thời Xuân Thu là một ví dụ.

Yến Tử là tướng quốc của Tề Cảnh Công. Một hôm, Yến Tử vừa mới bắt đầu ăn cơm thì sứ giả của Tề Cảnh Công đột nhiên đến. Yến Tử vội mời sứ giả ngồi vào cùng ăn cơm với mình. Đồ ăn trong bữa của Yến Tử không nhiều, sứ giả lại đột ngột đến nên kết quả là cả sứ giả và Yến Tử đều ăn không no. Yến Tử thân là tể tướng của một nước lớn nhưng vẫn chủ trương tiết kiệm. Trong cả “Sử ký” “Hán thư” đều ghi lại: “Yến Tử, một bữa ăn không ăn hai loại thịt, trang phục giản dị, giống như mọi người trong nhà”. 

Sứ giả về cung bẩm báo với Tề Cảnh Công. Tề Cảnh Công nghe xong, bật cười lớn và nói: “Nhà của Yến Tử hóa ra lại bần cùng như vậy! Quả nhân không hay biết, đây là lỗi của Quả nhân”. Sau đó, Tề Cảnh Công liền phái quan sai đem nghìn vàng đến nhà ban thưởng cho Yến Tử, để ông dùng vào việc tiếp đãi khách khứa. Nhưng kết quả, quan sai đến ba lần thì cả ba lần đều bị Yến Tử khước từ. Sau đó, Yến Tử vào cung diện kiến Tề Cảnh Công và ở ngay trước mặt vua mà khước từ một lần nữa, đồng thời cảm ơn ân huệ của vua.

Yến Tử không tham, không lấy, vứt bỏ đi tư tâm của tự ngã, cho nên trên dòng sông cuộc đời, Yến Tử chính là “hư thuyền”, nhờ đó mà không khiến người khác phẫn nộ, tức giận.

Tề Cảnh Công lại nói: “Ngày trước tiên quân của ta là Hoàn Công đã ban thưởng đất phong của 500 xã cho Quản Trọng, Quản Trọng không hề từ chối. Ngươi nay sao lại khước từ như vậy?”. Quản Trọng là một vị Tể tướng tài đức, có thể nói là mực thước cho người đời sau, nên Tề Cảnh Công cố ý đưa ra làm ví dụ thuyết phục Yến Tử.

Yến Tử đáp lại: “Yến Tử nghe nói, thánh nhân nghĩ ngàn việc ắt có một việc sai, kẻ ngu nghĩ ngàn việc ắt có một việc đúng. Đó có thể là Quản Trọng nghĩ ngàn việc, cũng có một việc sai, Yến Tử nghĩ ngàn việc, cũng có một việc đúng chăng?” Nói xong, Yến Tử bái tạ Tề Cảnh Công nhưng vẫn không nhận ban thưởng.

Cách đối nhân xử thế của Yến Tử toát lên ánh quang huy của “Hư thất sinh bạch“. Nó cho thấy dù một người ở vào hoàn cảnh nào cũng đều có thể tu hành, cũng có thể giữ được “hư thất”, cho dù ở chốn quan trường phức tạp cũng không ngoại lệ.

Theo Epoch Times tiếng Trung
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: