Cầm Kỳ Thư Họa được xếp là bốn loại nghệ thuật thường thức thời cổ đại và “kỳ” ở đây thông thường là chỉ cờ vây, một hoạt động giải trí được người xưa yêu thích và phổ biến từ hàng ngàn năm nay. Trong hàng ngàn năm lịch sử của chơi cờ, có vô số cao thủ cờ vây đã ra đời và rất nhiều câu danh ngôn, câu chuyện liên quan đến được lưu truyền cho tới ngày nay.

Nói đến chơi cờ, nhiều người biết rằng đó là một trong những hoạt động giải trí chủ đạo của các học giả thời xưa và là môn học bắt buộc đối với các tài nữ. Chơi cờ được người xưa gọi là “thủ đàm”, nghĩa là chơi cờ chính là một phương cách giao lưu, kết giao. Trong ván cờ, hai bên thường không nói gì hoặc nói rất ít, chủ yếu dùng tay thay vì dùng miệng và dùng tâm để giao tiếp. Chính vì chơi cờ là một trò chơi đòi hỏi phải dụng tâm, cân não, giống như dùng binh nhưng lại không đánh mất nét nho nhã, nên các học giả đều yêu thích.

Trí tuệ cổ nhân: Xem cờ không nói, uống rượu ít lời
(Tranh minh họa: Tranh thời Minh, Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan)

Trong “Vi kỳ phú”, Mã Dung, một học giả thời Đông Hán, đã nói: Nhìn sơ qua về phương pháp, cờ vây có liên quan đến việc dụng binh”Tác phẩm này của Mã Dung là chuyên khảo có hệ thống sớm nhất về cờ vây, tập trung vào các nguyên tắc chiến đấu của cờ vây và đưa ra một loạt quan điểm về chiến thuật như tiến và rút lui, tấn công và phòng thủ trong chơi cờ vây.

Bì Nhật Hưu, một nhà thơ thời nhà Đường cũng nói trong cuốn “Nguyên dịch”: Cờ vây khởi lên chắc hẳn từ thời Chiến Quốc”.Cờ vây và binh gia có một mức độ tương đồng nhất định, Bì Nhật Hưu cho rằng nguồn gốc của cờ vây có từ thời Chiến quốc vì đây là thời đại mà quyền mưu được tôn sùng.

Dù kỹ thuật chơi cờ và phương pháp dùng binh có giống nhau hay không thì dù ở thời đại nào, việc chơi cờ cũng luôn thu hút người xem và kích phát hứng thú của mọi người. Mỗi người có cách hiểu về bố cục ván cờ khác nhau, trong lòng có những suy nghĩ khác nhau, điều này là đương nhiên. Nhưng có một số người ngoài cuộc lại không kiềm chế được mà thích ở bên cạnh bày tỏ suy nghĩ của mình nhằm “chỉ nước”. Người xưa có câu: “Quan kì bất ngữ chân quân tử”, xem cờ không nói mới là người quân tử. Hay nói cách khác, người quân tử đích thực khi xem đánh cờ thì không nói lời nào.

Người quân tử tránh làm tổn hại hoặc gây phiền phức và rắc rối cho người khác nên lựa chọn không tùy tiện nói ra những suy nghĩ của mình. Trước tiên họ sẽ suy xét xem liệu mình nói ra có phù hợp với chính đạo hay không, rồi xem xét tình huống mọi mặt. Trong khi xem chơi cờ, cả hai người chơi đang trầm tư suy nghĩ về đường đi nước bước thì đột nhiên có người nói ra suy nghĩ, quấy nhiễu suy nghĩ và tâm trạng, điều này không chỉ có vẻ thất lễ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc suy luận và kết quả thắng bại cuối cùng của ván cờ. 

Một nguyên nhân khác là vì chơi cờ xem trọng tính công bằng, chỉ những người chơi trong ván cờ mới có toàn quyền quyết định. Ngay cả khi người chơi cờ đang ở trong tình trạng rối loạn không thông tỏ và những người xem bên ngoài thì nhìn rõ thấu triệt được cần đi như thế nào, thì việc người ngoài chỉ ra sẽ là mất công bằng với người chơi còn lại. Dù cuối cùng bên nào thắng đi nữa, một khi ván vờ ấy có người chen ngang thì sự hứng thú của người chơi và người xem cũng đã giảm đi rất nhiều. Vì vậy, sự can thiệp của người xem tựa như một việc vô nghĩa, người quân tử không làm như thế. Cho nên có thể nói, xem chơi cờ “biết mà không nói” cũng là một phẩm chất của người quân tử. 

Đằng sau câu “Quan kì bất ngữ chân quân tử” là câu “Bả tửu đa ngôn thị tiểu nhân”, uống rượu nhiều lời là tiểu nhân. Hai câu này được ghi trong cuốn “Tỉnh thế hằng ngôn”.

Trí tuệ cổ nhân: Xem cờ không nói, uống rượu ít lời
(Tranh: Họa sĩ Cừu Anh thời Minh, Public Domain)

Dù ở thời cổ đại hay hiện đại, việc uống rượu là điều khó tránh khỏi trong giao tiếp xã hội. Một số người sẽ lợi dụng cơ hội uống rượu để vun đắp, hoặc cố gắng đàm phán làm ăn, hy vọng kiếm được lợi nhuận. Uống rượu nhiều hơn thì rượu vào lời ra. Chính là nói việc uống rượu sẽ thể hiện ra một phần hoặc hoàn toàn phẩm chất cá nhân của một người. Người quân tử biết được tác hại của rượu, nên sẽ có sự giữ gìn và lễ tiết. Ngoài ra họ cũng không lợi dụng rượu để khiến người khác nói ra điều không hay hoặc bộc lộ điều không hay của người.

Đối với những người bình thường ngày nay, qua việc uống rượu cũng có thể biết được đối phương có đáng giá kết thâm giao hay không, thậm chí có thể phán đoán được mối giao tình này là nông hay sâu. Đó là bởi vì có người khi uống rượu vẫn có thể giữ được hành vi lời nói của mình nhưng cũng có những người sau khi uống rượu sẽ làm ra đủ loại hành vi khiến người khác chán ghét. Có người tuy rằng hành vi không lỗ mãng nhưng lại không quản được cái miệng của mình, nói những lời thị phi, phàn nàn oán trách, những lời nói vô nghĩa.

Dù sao đi nữa, uống rượu hay không, uống nhiều hay ít, và những biểu hiện sau khi uống rượu sẽ để lộ ra tu dưỡng của một người.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tác giả: Thanh Thiển
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: