Nguyễn Gia Cát hiệu là Địch Hiên, người làng Hoa Cầu, huyện Văn Giang (nay là thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Ông nổi tiếng là danh sĩ một thời, để lại cho đời sau các kiệt tác về y học.

bang nhan
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước online)

Đỗ tiến sĩ

Tương truyền khi còn nhỏ Gia Cát hay nghịch ngợm nhưng cũng rất thông minh, một lần làng bên có quan nghè vinh quy bái tổ về làng, đi qua đường làng Gia Cát. Cậu bé Gia Cát liền lấy gạch viết một chữ “môn” rất lớn giữa đường.

Quan nghè thấy thế liền bảo rằng sẽ ra vế đối, nếu đối được sẽ thưởng, rồi đọc: “Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới” (chữ “nghè” vừa có ý đỗ ông nghè, vừa có nghĩa là cái nhà).

Gia Cát liền đối lại rằng: “Đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên” (từ “cống” vừa có nghĩa cái cống, vừa có nghĩa Hương cống – tức đỗ kỳ thi Hương). Quan nghè khen hay rồi thưởng cho một quan tiền.

Khoa thi năm 1787, Nguyễn Gia Cát đỗ tiến sĩ. Tuy nhiên ông chỉ làm quan cho nhà Lê thời gian rất ngắn bởi tháng 12 năm đó quân Tây Sơn ra bắc diệt quân chúa Trịnh, Gia Cát cũng về làng ở ẩn mà không ra làm quan.

Đi sứ lập công

Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh đánh bại nhà Tây Sơn thống nhất giang sơn, lên ngôi Vua hiệu là Gia Long. Nguyễn Gia Cát được mời ra làm quan.

Cũng năm 1802, Nguyễn Gia Cát được cử làm phó sứ sang nhà Thanh cầu phong và đổi tên nước là Nam Việt. Có giai thoại kể rằng khi đến nơi đoàn sứ thần bị hỏi bí: “Vua nước Nam đặt niên hiệu Gia Long, có phải nhặt lấy trong hai niên hiệu của thiên triều là Gia Khánh và Càn Long không?”

Trong khi đoàn sứ thần lúng túng chưa biết trả lời thế nào thi Nguyễn Gia Cát đã đáp lại rằng: “Nước chúng tôi từ Trần, Lê về trước, nam bắc chia đôi nhau mà tự quyết lấy được. Nay vua tôi dấy lên từ Gia Định, thành công ở Thăng Long, nên đặt hiệu là Gia Long”. Lời đối đáp khiến ai cũng phải chịu.

Kỳ thực đây chỉ là lời đối đáp với vua Thanh. Từ “Gia Long” 嘉隆 và “Thăng Long” 昇龍 có chữ “Long” khác nhau. Trong từ “Gia Long” thì chữ “Long” mang ý nghĩa long trọng, hưng thịnh; còn “Thăng Long” thì chữ “Long” nghĩa là rồng.

Sau đấy Hoàng đế nhà Thanh cũng đồng ý việc cầu phong.

Sau chuyến đi sứ cầu phong thành công, khi về nước Nguyễn Gia Cát được phong làm Tả tham tri bộ Lễ, tước Quỳ Giang hầu.

Nguyễn Gia Cát có tiếng về thơ văn, thường giao lưu với nhóm “Gia Định tam gia” là Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tĩnh. Ông cũng viết hai cuốn y học huấn luyện cho các lương y ở Nam hà bằng thơ văn là “Quế Sơn y học yếu chỉ” “Cổ mạch Quốc âm diễn ca”. Hai cuốn sách này được nhiều thế hệ tâm đắc. Lương y Đỗ Phong Thuần đã dịch ra quốc âm in thành sách.

Mất chức

Năm 1804, Nguyễn Gia Cát dính líu đến một vụ án. Các quan ở Bắc Thành (tên gọi thành Thăng Long vào thời đó) tâu lên xin phong thần cho những người có công đức với dân từ xưa đến nay, đã được các đời Vua trước sắc phong, giao cho các địa phương đưa danh sách lên để xem xét.

Vua Gia Long giao cho Nguyễn Gia Cát lo việc kê khai này, ông giao cho cấp dưới làm. Tuy nhiên họ lại làm các sắc phong giả của các triều vua trước, có 560 đạo sắc phong bị làm giả.

Vua Gia Long xử lý vụ án rất nghiêm, nhiều người bị xử trảm. Nguyễn Gia Cát bị xử “trảm giam hậu” tức bị xử chém nhưng cho giam trước đợi đến phiên thụ thẩm, đến năm 1813 thì được tha.

Sau khi được tha Nguyễn Gia Cát về làng dạy học và mất vào năm 1816. Tác phẩm ông để lại có lẽ quý nhất là bộ “Quế Sơn Toàn thư” có cả thảy 07 quyển, trong đó có hai phần “Quế sơn Thi tập”“Y Học chỉ yếu” là những cuốn sách quý.

Khác với các sách y học khác, những cuốn sách này được viết và dược dịch theo thể thơ nên rất dễ nhớ, vì thế mà thành sách quý cho gia đình nào làm y thuật, ví dụ phần “về mạch” có câu thơ như sau:

Y lâm đôi lúc thanh nhàn.
Coi trong kinh mạch lại càng tinh vi.
Môn đồ đạo thích thô tri.
Lư san phú chữ khôn bì độc thông.
Diễn âm thôi lại gia công.
Hai mươi bảy mạch hợp đồng âm…

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: