Lịch sử ghi nhận thời quân chủ các vị Hoàng đế đều có nhiều phi tần thê thiếp, tuy nhiên có một người lại không theo lệ này, cả đời chỉ sống duy nhất cùng một Hoàng hậu, không hề có hậu cung, trở thành bậc minh quân trị quốc.

Sinh được Hoàng tử phải đem giấu

Vào thế kỷ 15 thời nhà Minh, có vị quan địa phương nhỏ người Dao ở vùng Quảng Đông, năm 1451 sinh được người con gái đặt tên là Kỷ Thị. Sau đó cả hai vợ chồng ông đều mất sớm, cô con gái Kỷ Thị được bà con đưa đến ở Huyên Hạ (thuộc Quảng Tây).

Năm 1466, nhà Minh mở cuộc chinh phạt các dân tộc thiểu số ở Quảng Tây, Kỷ Thị cùng rất nhiều người bị bắt đưa đến Tử Cấm Thành. Kỷ Thị là cô gái thông minh nhanh nhẹn, được cử làm Nội quan trông coi Nội Tàng Khố. Hoàng đế Minh Hiến Tông gặp Kỷ Thị thì rất thích, sau đó Kỷ Thị mang thai mà Hoàng đế không hề biết.

Theo Minh sử thì Vạn Quý phi lúc này được Hoàng đế sủng hạnh, sinh kiêu. Tuy nhiên vì Vạn Quý phi hơn Hiến Tông đến 20 tuổi nên sinh con khó khăn, dù sinh được trưởng Hoàng tử nhưng rồi chết yểu, sau đó lớn tuổi nên không mang thai được nữa. Từ đó Vạn Quý phi ghen ghét các phi tần có thai, trong lịch sử bà đã hại chết nhiều long thai và hoàng tử.

Nghe tin Kỷ Thị có thai, Vạn Quý phi cho cung nữ cửa mình đến dò la, người cung nữ có tính thương người nên nói rằng Kỷ Thị bị bệnh ở bụng khiến to ra. Kỷ Thị trốn ở An Lạc Đường dưỡng thai, vì biết đây là con Hoàng đế nên nhiều người tìm cách bảo vệ giấu kín.

Năm 1470, Kỷ Thị sinh đươc con trai, đặt tên là Chu Hựu Đường nhưng không dám nuôi, phải nhờ các Thái giám mang đi giấu.

Ở trong cung vẫn diễn ra cuộc tranh giành hậu cung, Vạn Quý phi tìm cách gièm pha làm hại Hoàng hậu Ngô Thị, Hiến Tông tin theo mà phế Hoàng hậu rồi giam ở Tây cung.

Ngô Hoàng hậu bị phế ở Tây cung, biết chuyện Kỳ Thị, chăm sóc cho Chu Hựu Đường chu đáo, tránh tai mắt của Vạn Quý phi.

Lúc này con của Bách Hiền phi là Hoàng tử Chu Hựu Cực bị Vạn Quý phi hại chết, Chu Hựu Đường trở thành Hoàng trưởng tử của Hiến Tông, nhưng Hiến Tông không hề biết.

Vừa nhận được cha thì mẹ mất

Năm 1475, Minh Hiến Tông triệu Thái giám Trương Mẫn vào cung hầu hạ rồi than rằng mình đã già mà không có con nối dõi. Thái giám Trương Mẫn mới thuật lại chuyện Kỷ Thị và Hoàng tử Chu Hựu Đường.

Hiến Tông liền cho đón ngay con mình đến nhận tổ tông, cho Kỷ Thị sống ở cung Vĩnh Thọ. Vạn Quý phi nghe tin này thì ngày đêm khóc lóc: “Các ngươi đều lừa gạt ta!”.

Chẳng bao lâu sau, vào tháng 6 năm đó Kỷ Thị mất đột ngột, Minh sử ghi chép lại có tin đồn thời đó là do Vạn Quý phi hạ sát bà. Tháng 11 cùng năm Chu Hựu Đường được lập làm Thái tử khi mới 5 tuổi.

Lên ngôi vẫn không quên cô bạn nhỏ thuở thanh mai

Chu Hựu Đường hay chơi với cô bạn nhỏ hơn mình 1 tuổi là Trương Thị. Trải qua nhiều biến động từ thuở lọt lòng, không có cả cha mẹ bên cạnh, đến lúc nhận được cha thì mẹ lại mất. Bao nhiêu chuyện vui buồn Chu Hựu Đường đều chia sẻ với Trương Thị, chính nhờ đó mà Chu Hựu Đường vượt qua được những giai đoạn khó khăn bất ổn tâm lý.

Năm 1487, Thái tử Chu Hựu Đường chọn Thái tử phi cho mình, người được chọn đương nhiên chính là Trương Thị.

Tháng 9/1487, Minh Hiến Tông mất, Thái tử Chu Hựu Đường 17 tuổi lên ngôi, hiệu là Minh Hiếu Tông. Hoàng đế cũng phong cho Thái tử phi là Chính cung Hoàng hậu.

Vị Hoàng đế chỉ sống một vợ một chồng, trở thành minh quân trị quốc
Minh Hiếu Tông Kính Hoàng đế. (Tranh: Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan, Wikipedia, Public Domain)

Giữ trong sạch Triều chính, yêu thương Hoàng hậu

Vừa mới lên ngôi, Minh Hiếu Tông phãi đối diện với sự hỗn loạn Triều chính, do cha chỉ trọng dụng đám hoạn quan và nịnh thần, dẫn đến nhiều người nhưng thiếu người tài. Ông đã tiến hành cuộc chỉnh đốn quyết liệt, nghiêm trị các gian thần. Những hành động quyết liệt của Minh Hiếu Tông đã quét sạch ô uế trong Triều đình.

Sau công việc Triều chính, nhà Vua và Hoàng hậu lại vô cùng quấn quýt.

Trong các Triều đại, Hoàng Đế ở Càn Thanh cung, Hoàng hậu ở Khôn trừ cung. Khi Hoàng Đế lâm hạnh xong sẽ có người đưa Hoàng hậu về cung của mình. Tuy nhiên Minh Hiếu Tông thì khác, không theo lệ đó, Hoàng đế cùng Hoàng hậu khi nào cũng ở cùng một nơi, vợ chồng quấn quýt chia sẻ cùng nhau.

Theo sử sách ghi lại, có lần Trương Hoàng hậu bị sưng miệng, Minh Hiếu Tông tự tay truyền thuốc cho vợ. Những lúc Hoàng hậu nghỉ ngơi thì nhà Hoàng đế chú ý nhẹ nhàng không hề phát ra tiếng động, luôn yêu thương chăm sóc Hoàng hậu hết mực.

Cũng theo sử sách ghi chép lại, Hoàng đế và Hoàng hậu tình sâu nghĩa nặng, Trương Hoàng hậu còn xưng là “ta” đối với Hoàng đế, chứ không xưng “thần thiếp”.

hoang hau
Hiếu Thành Kính Hoàng hậu tức Trương Hoàng hậu. (Ảnh: Wikipedia, Public Domain)

Yêu thương bách tính

Yêu thương vợ mình, Hoàng đế cũng yêu thương cả bách tính, vì thế mà có được nhiều chính sách giúp an dân, trọng dụng hiền tài, Triều đình có những hiền tài giúp sức. Thời Minh Hiếu Tông trị vì, dân chúng an cư lạc nghiệp.

Hoàng đế ra những chính sách giảm thuế cho dân, đồng thời cũng giảm chi tiêu trong Triều đình, chi tiêu tiết kiệm.

Quan hệ giữa Hoàng đế và các đại thần gắn kết hiếm thấy. Ông trọng dụng và khuyến khích các đại thần tâu lên những sự việc chân thật chứ không phải là những bản tấu lấy lòng. Hoàng đế vẫn thường phải nghe những lời chỉ trích của các trung thần nhắm vào mình, nhưng đều là những lời chỉ trích chân thành vì dân vì nước. Những điều này tạo ra bầu không khí ngay chính trong Triều đình, trái ngược với nhưng cảnh thiết triều chỉ thích nói lời dễ nghe, tung hô.

Minh Hiếu Tông khuyến khích mọi người bày tỏ ý kiến của mình, vì thế không chỉ các quan bày tỏ ý kiến nêu ra kế sách, mà cả kẻ sĩ trong thiên hạ cũng có kế sách trình lên, góp sức cho Giang Sơn Xã Tắc.

Vì muốn lắng nghe tất các sớ được dâng lên, Hoàng đế làm việc qua cả buổi trưa không nghỉ ngơi, chú tâm lắng nghe kiến giải của tất cả mọi người, từ đó mà có những chính sách thích hợp. Quan lại văn sĩ thấy Hoàng đế chú ý lắng nghe thì cũng tự tin bày tỏ kiến giải của mình.

Không bị dục vọng làm mê mờ

Hoàng đế chỉ sống một vợ một chồng với Hoàng hậu suốt đời. Dù nhiều lần Triều đình đề xuất tuyển thêm phi thần, Minh Hiếu Tông đều phản đối. Ông yêu quý Hoàng hậu, hơn nữa từ nhỏ đã là nạn nhân của cuộc chiến cung đình, không muốn loạn Triều đình, không muốn thấy Hoàng hậu phải lao tâm khổ tứ, không muốn các Hoàng tử phải giống như mình khi xưa.

Minh Hiếu Tông chỉ sống cùng Hoàng hậu, không bị dục vọng làm mê mờ lý trí, vì thế mà có các chính sách an bang trị quốc rất tốt.

Lịch sử có những vị Hoàng đế, vị Vua yêu thương chỉ lập một Hoàng hậu, nhưng không tránh khỏi có nhiều phi tần khác. Nhưng Minh Hiếu Tông thì có thủy có chung, chỉ sống với người vợ từ thở thanh mai của mình.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: