Cách đây hơn 150 năm, Karl Marx đã xuất bản cuốn “Tư bản luận” (Das Kapital) hô hào dùng chế độ công hữu để xóa bỏ chế độ tư hữu. Nửa thế kỷ sau, làn sóng công hữu của chủ nghĩa cộng sản đã lan rộng đến 1/3 các nước trên thế giới. Tuy nhiên, khi một số quốc gia “tôn thờ” chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản thực thi các chính sách kinh tế đó, thì phát hiện ra nó chỉ mang đến đói nghèo và thống khổ. Những quốc gia này lần lượt từ bỏ chủ nghĩa cộng sản hoặc mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa. Nhưng liệu hiểm họa của chủ nghĩa cộng sản trong lĩnh vực kinh tế có thật sự kết thúc? Cho đến ngày nay, “Tư bản luận” vẫn là một trong những cuốn sách được trích dẫn nhiều nhất, các nhà kinh tế học vẫn si mê nó, bóng ma của chủ nghĩa cộng sản chưa bao giờ ngừng bao phủ lên các học thuyết và cách thức điều hành kinh tế của các chính phủ hiện đại.

Sau khi khối Xô-viết bị giải thể những năm đầu 1990, rất nhiều quốc gia Đông Âu phải thực hiện “liệu pháp cú sốc” để quay trở lại nền kinh tế thị trường. Một số quốc gia vốn không phải do đảng cộng sản cầm quyền nhưng lại tôn thờ chủ nghĩa xã hội đã tiến hành quốc hữu hóa tài sản quốc gia. Họ nhanh chóng phát hiện ra quá trình thực hiện chế độ công hữu và kinh tế kế hoạch đã mang đến đói nghèo và thống khổ. Vậy là họ phải quay lại thực hiện kinh tế thị trường tự do một phần.

Khi các quốc gia nhìn ra tính lừa dối và ảo tưởng của chủ nghĩa cộng sản cùng mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa, thì chẳng phải là minh chứng cho sự thất bại của chủ nghĩa cộng sản hay sao? Sự thực không đơn giản như vậy. Một trong những đặc điểm của chủ nghĩa cộng sản là sự biến hóa không lường. “Nguyên tắc” của nó biến đổi theo ý muốn của nó, phủ nhận hoặc chỉ trích một số thủ đoạn của bản thân nó cũng là thủ đoạn để nó đạt được mục tiêu lớn hơn. Trong lĩnh vực kinh tế, chủ nghĩa cộng sản cũng sử dụng thủ đoạn này, tức là trong khi chỉ trích tự thân thì đồng thời giải thể những nhân tố gây bất lợi cho sự thẩm thấu của nó, và tiếp tục dẫn dắt con người đi theo những lừa dối và ảo tưởng của nó.

Phân tích cụ thể hệ thống kinh tế thế giới hiện nay, người ta không thể không kinh ngạc khi phát hiện rằng móng vuốt của chủ nghĩa cộng sản sớm đã vươn tới từng ngóc ngách của lĩnh vực kinh tế. Trong các viễn cảnh tươi đẹp giả tạo được tô vẽ, trong sự sùng bái mù quáng vào chính phủ, nền kinh tế của hầu hết các quốc gia đang từng bước xa rời nguyên tắc của nền kinh tế tự do, mất đi đạo đức căn bản và rơi vào vòng khống chế của lý tưởng cộng sản.

Mục lục:

  • Kinh tế cộng sản bạo lực và kinh tế cộng sản phi bạo lực
  • Vì sao chủ nghĩa xã hội đòi hỏi thu thuế cao?
  • Phúc lợi cao mang lại những mặt trái gì?
  • Kinh tế phương Tây cũng là một nền kinh tế kế hoạch
  • Cái kết cuối cùng của kinh tế xã hội chủ nghĩa chính là độc tài cộng sản

Kinh tế cộng sản bạo lực và kinh tế cộng sản phi bạo lực

Marx đã nói trong “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản”: “Những người theo đảng cộng sản có thể khái quát lý luận của mình chỉ trong một câu: Tiêu diệt chế độ tư hữu”. Đối với con người mà nói, cần phải “tiêu diệt cá tính, tính độc lập và tự do của người tư sản”. Đối với xã hội mà Marx đề xướng sau khi giành lấy chính quyền, “giai cấp vô sản lợi dụng chế độ chính trị của bản thân nó để từng bước đoạt lấy toàn bộ tư bản của giai cấp tư sản, tập trung toàn bộ công cụ sản xuất vào tay quốc gia, tức là nằm trong tay giai cấp thống trị là giai cấp vô sản”. [1]

Để đạt được mục tiêu này, người cộng sản đã dùng biện pháp giết chóc và bạo lực ở những quốc gia cộng sản. Tuy nhiên, đây chỉ là một hình thức biểu hiện của chủ nghĩa cộng sản mà thôi. Mục tiêu cuối cùng của nó là loại bỏ tư hữu và tập trung kinh tế vào tay chế độ.

Ở những xã hội tự do thì bạo lực của chủ nghĩa cộng sản không có nhiều môi trường để phát huy. Vì vậy chủ nghĩa cộng sản đã sử dụng phương thức phi bạo lực, dùng các hình thức chủ nghĩa xã hội biến tướng, chia thành các giai đoạn khác nhau và các mức độ khác nhau để thẩm thấu vào toàn xã hội phương Tây, từ bề ngoài khó mà phân biệt được.

Rất nhiều chính sách kinh tế của các quốc gia phương Tây hiện nay có vẻ như không liên quan gì đến chủ nghĩa xã hội, cả về tên gọi lẫn hình thức, nhưng đều có tác dụng hạn chế, làm suy yếu, thậm chí tước đoạt quyền tư hữu, làm suy yếu cơ chế doanh nghiệp tự do, khuếch trương quyền lực của chính phủ, tiếp cận tới chủ nghĩa xã hội. Nó thể hiện ở các điểm nổi bật là thu thuế cao, phúc lợi cao và nhà nước tích cực can thiệp vào nền kinh tế một cách toàn diện.

Vì sao chủ nghĩa xã hội đòi hỏi thu thuế cao?

Một đặc điểm quan trọng của nền kinh tế cộng sản chủ nghĩa ở các quốc gia cộng sản hay xã hội chủ nghĩa ở các quốc gia phương Tây là hướng đến chế độ phúc lợi cao. Phúc lợi cao ở đây là nói đến lượng tiền mà nhà nước chiếm lấy và phân phối lại cho người dân chiếm tỉ trọng như thế nào trong thu nhập tổng của họ. Trong chế độ bao cấp, chủ nghĩa cộng sản nắm toàn quyền phân phối cho người dân. Còn tại các quốc gia phương Tây, cũng có rất nhiều người nhận trợ cấp toàn phần từ chính phủ. Rất nhiều người ở các quốc gia cộng sản đi ra xã hội phương Tây đều có chung một cảm xúc là: Vì sao những gì đang diễn ra ở phương Tây (về xã hội và kinh tế) lại giống với điều chủ nghĩa cộng sản rao giảng đến như thế?

Chế độ phúc lợi cao của các quốc gia phát triển ở phương Tây đòi hỏi một nguồn tài chính lớn. Nhưng bản thân chính phủ chỉ là một bộ máy điều hành xã hội, nó không sản xuất, không tạo ra sản phẩm. Chính phủ không trực tiếp tạo ra giá trị về mặt vật chất cho xã hội, mà có thể hình dung việc chính phủ thực hiện phúc lợi cao cũng giống như xén lông cừu để làm len vậy.

Nếu không có chính sách thu thuế cao, tức là không có sự chuyển dịch một lượng lớn tài sản tư hữu sang công hữu thông qua việc nộp thuế hoặc các khoản nợ chính phủ, thì chính sách phúc lợi cao sẽ không thể thực hiện được. Nguồn tiền để thực hiện phúc lợi cao đều lấy từ các khoản thuế hoặc các khoản nợ của quốc gia. Như vậy kỳ thực phúc lợi cao đó rốt cuộc đều do người dân phải trả.

Thu thuế cao đồng nghĩa với việc cưỡng chế chuyển giao một lượng lớn tài sản của tư nhân vào tay nhà nước, để nhà nước thống nhất tiến hành hoạt động kinh tế và phân phối lại tài sản, khi thuế càng cao thì nền kinh tế sẽ dần dần tiến đến kinh tế của chủ nghĩa xã hội, tự do tư hữu sẽ ngày càng ít hơn.

Phúc lợi cao chính là hình thức biến tướng của chủ nghĩa xã hội, chỉ có điều xã hội phương Tây không diễn ra cách mạng bạo lực của đảng cộng sản mà thôi. Chính sách thu thuế cao so với chế độ công hữu và chủ nghĩa bình quân của chính quyền cộng sản đều có cùng một mục đích, điểm khác biệt duy nhất là việc nhà nước chiếm hữu tài sản xảy ra trước hay sau quá trình sản xuất mà thôi. Trong chế độ công hữu của chính quyền cộng sản, tư liệu sản xuất là do nhà nước trực tiếp nắm giữ. Còn trong chính sách thu thuế cao ở các quốc gia phương Tây, tư liệu sản xuất là do cá nhân nắm giữ, nhưng tài sản làm ra lại bị nhà nước chiếm hữu thông qua hình thức thu thuế cao, sau đó được phân phối lại trở thành tài sản công cộng. Hai hình thức này kỳ thực đều tương đương với tước đoạt tài sản của người khác, chỉ có điều cách làm của nhà nước phương Tây không giết chóc và bạo lực như nhà nước cộng sản, mà được tiến hành một cách “hợp pháp” thông qua pháp luật.

Ví dụ tại Hoa Kỳ, quá nửa nguồn thu từ thuế là dành cho phúc lợi xã hội và y tế. Hơn 80% nguồn thuế là từ thuế thu nhập cá nhân và phí bảo hiểm xã hội, còn 11% đến từ thuế thu nhập doanh nghiệp. [2] So với Hoa Kỳ thì chế độ phúc lợi xã hội ở nhiều quốc gia phương Tây còn cao hơn nhiều, tất nhiên cũng đòi hỏi mức thuế cao hơn nữa.

Theo số liệu thống kê năm 2016 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế quốc tế (OECD), có 27 quốc gia có thuế suất thuế thu nhập cá nhân hơn 30%. Hai nước có thuế suất cao nhất – ở mức 54% và 49,4% – đều ở các nước châu Âu. Đồng thời, khi ăn uống và mua sắm ở châu Âu, người tiêu dùng còn phải chịu thuế giá trị gia tăng, lên đến 20% ở một số quốc gia. [3] Nếu tính thêm thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác thì tổng mức thuế còn cao hơn nữa.

Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng, khoảng những năm 1900, mức thuế thu nhập cá nhân ở nhóm 20 quốc gia đều rất thấp. Chẳng hạn, năm 1900, mức thuế cao nhất là 10%, còn Nhật Bản và New Zealand là 5%. Đến 1950, mức thuế bình quân cao nhất của 20 quốc gia này đã vượt quá 60%, sau đó hạ dần xuống, đến nay còn khoảng 40%. [4]

Nói một cách đơn giản, nhà nước lấy đi phần khá lớn (50%) thu nhập của bạn, và khi bạn dùng chỗ thu nhập còn lại để tiêu dùng và mua sắm thì lại tiếp tục chịu các khoản thuế cao ngất ngưởng từ nhà nước. Bởi thế trong xã hội phương Tây hiện đại, quyền tư hữu thực chất của một người đối với tài sản mà họ làm ra đã nhỏ đi rất nhiều rồi. Nếu tính theo tỉ lệ phần trăm mà nói, nhà nước mới là chủ thể nắm giữ tài sản đó.

Chính sách thu thuế cao không chỉ tạo gánh nặng cho người giàu, mà còn trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến người nghèo. Giới siêu giàu có thể thông qua thương mại và các biện pháp khác để hợp thức hóa việc trốn thuế, nhưng người nghèo lại có nguy cơ mất đi một số phúc lợi xã hội khi thu nhập đạt đến một ngưỡng nhất định. Do đó, người nghèo sẽ sống phụ thuộc gần như hoàn toàn vào trợ cấp của chính phủ, không có tự do. Còn đối với tầng lớp trung lưu chiếm đa số mà nói, càng làm việc nhiều, thu nhập càng cao thì phải nộp thuế càng nhiều, mà phúc lợi nhận được lại càng ít đi. Bởi thế chính sách thu thuế cao cơ bản là sẽ không tạo ra sự phồn vinh cho xã hội, mà kết quả cuối cùng của nó là tạo ra một tầng lớp trên cùng nắm giữ phần lớn quyền lực và của cải xã hội. Điều này có thể thấy được thông qua giai cấp lãnh đạo của Đảng Cộng sản hoặc giới chủ các tập đoàn lớn đứng sau chính phủ phương Tây. Cách làm khác nhau nhưng kết quả là thống nhất. Không lạ gì khi giới nhà nước ngầm phương Tây lại ưa thích hợp tác với các chính quyền cộng sản đến như vậy.

Sự trợ giúp của chính phủ, nhất là vấn đề an ninh xã hội trong những sự cố ngoài ý muốn hay thiên tai là hoàn toàn hợp lý. Chính vì chế độ phúc lợi có mặt tích cực nên nó mới có khả năng mê hoặc người ta, tạo cái cớ để chủ nghĩa cộng sản lợi dụng, không ngừng thúc đẩy chính sách thu thuế cao và phúc lợi cao. Về mặt này, phúc lợi cao đã đạt được mục đích phá hoại con người, xã hội và đạo đức tương tự như nền kinh tế bao cấp cộng sản. Thật ra những hình thức bao cấp, công hữu, phúc lợi cao đều có tính hủy hoại nhân tính, kích thích mặt ác của con người, làm bại hoại đạo đức con người.

Phúc lợi cao mang lại những mặt trái gì?

Năm 1942, nhà kinh tế học người Anh William Beveridge đã đề xuất chủ trương xây dựng nhà nước “phúc lợi”, một kế hoạch “bao trọn các mặt về con người và nhu cầu”. Chế độ phúc lợi cao của xã hội hiện đại đã mở rộng để chi trả cả lương thất nghiệp, phí y tế, hưu trí, tai nạn lao động, nhà ở, giáo dục, chăm sóc trẻ em, v.v.., vượt xa khái niệm truyền thống về làm từ thiện cho những người cần giúp đỡ khẩn cấp nhằm giải quyết những vấn đề khó khăn tạm thời.

Một báo cáo của Quỹ Di sản Hoa Kỳ cho thấy năm 2013, hơn 100 triệu người Hoa Kỳ (chiếm 1/3 dân số) được nhận phúc lợi xã hội (ngoài bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế), bình quân là 9.000 đô-la mỗi người. [5] Theo số liệu do Cục Thống kê Hoa Kỳ công bố, năm 2016, số người sống dưới mức nghèo đói chiếm 12,7% dân số. Tuy nhiên, điều kiện sinh hoạt của họ có thể còn khiến nhiều người phải kinh ngạc hơn nữa.

Theo điều tra của chính phủ, trong những hộ nghèo này, 96% cha mẹ cho biết con cái của họ chưa từng bị đói; 49,5% số hộ nghèo sống ở nhà riêng, 40% sống trong những căn nhà phố bán liền kề, chỉ có 9% phải ở nhà lưu động; 80% có điều hòa; 40% có tivi tinh thể lỏng; 3/4 hộ nghèo có xe riêng. [6] Việc phân loại đông đảo người vào diện nghèo là cái cớ để chính phủ mở rộng phúc lợi xã hội.

Trong các nước thành viên của OECD, Hoa Kỳ là nước có chính sách phúc lợi thấp hơn mức trung bình. Phần lớn người dân ở các nước Bắc Âu và Tây Âu được hưởng chính sách phúc lợi cao hơn nhiều so với dân Hoa Kỳ. Ví dụ, chế độ “an sinh trọn đời” của ở Đan Mạch đảm bảo chăm sóc y tế miễn phí, giáo dục đại học miễn phí và các khoản phúc lợi lớn khác; ngay cả những công dân giàu có nhất cũng được hưởng phúc lợi.

Trước khi Hy Lạp xảy ra khủng hoảng kinh tế, người Hy Lạp cũng được hưởng phúc lợi cao, mỗi năm được lĩnh 14 tháng lương, 61 tuổi đã được nghỉ hưu, lương hưu lên đến hơn 90% mức lương khi còn công tác; người Thụy Điển có thể nghỉ ốm lâu nhất 550 ngày liên tục v.v..

Việc biến chế độ phúc lợi từ hình thức hỗ trợ khẩn cấp, tạm thời cho người cơ nhỡ theo quan niệm truyền thống thành phúc lợi thường kỳ cho toàn dân, nhìn theo số liệu có vẻ thật sự ưu việt, nhưng lại tiềm ẩn những gì?

1. Làm băng hoại đạo đức xã hội

Nhìn từ góc độ kinh tế, bản chất của chính sách phúc lợi quốc gia là lấy tiền của một số người, chuyển thành giá trị cho người khác chi tiêu. Nhưng việc chính phủ đóng vai trò trung gian trong việc phân phối lại tài sản khiến cho những người hưởng phúc lợi ngày càng coi nhẹ giá trị đạo đức, trở thành những người “không làm mà hưởng”. Bởi vì những người hưởng phúc lợi không nghĩ rằng họ đã “cướp đoạt” hay “chiếm đoạt” tiền của người khác nên họ cũng không cảm thấy “trách nhiệm” trong việc nhận về. Đối với phương diện này, chế độ phúc lợi cao đã gây nên sự băng hoại đạo đức rõ rệt ở các nước Bắc Âu.

Nhà xã hội học người Thụy Điển Nima Sanandaji đã chỉ ra vấn đề này qua những số liệu của cuộc “Điều tra về Giá trị quan của Thế giới”. Vào đầu những năm 1980, có 82% người Thụy Điển và 80% người Na Uy đồng ý rằng: “Nhận phúc lợi từ chính phủ khi không đáng nhận là điều sai trái”. Nhưng cuộc điều tra của Na Uy năm 2005 và của Thụy Điển năm 2008 lại cho thấy chỉ có 56% người Na Uy và 61% người Thụy Điển đồng ý với nhận định này. [7] Người lớn chúng ta thường dạy bảo con: “Không được lấy thứ không phải của mình”, nhưng ngày nay có đến gần 1 nửa số người nhìn nhận rằng “lấy thứ không phải của mình” không có gì là sai trái cả. Nếu nhìn nhận một cách thành thực và công tâm, thì đây là sự tuột dốc đạo đức một cách nghiêm trọng nhất.

Dưới ảnh hưởng của chính sách phúc lợi xã hội cao, người chịu thương chịu khó nhận được ít thành quả hơn so với nỗ lực bỏ ra, còn người không phải bỏ ra nhiều nỗ lực lại được thụ hưởng nhiều hơn. Theo thời gian, quan niệm đạo đức của người ta đã biến dị một cách vô thức. Sau mấy thế hệ người trưởng thành trong chế độ phúc lợi, rất nhiều người đã dần dần mất đi tinh thần cầu tiến, đức tính độc lập, có trách nhiệm, cần cù của người đi trước. Họ coi việc thụ hưởng phúc lợi thành một loại quyền lợi, thậm chí một loại “nhân quyền”. Họ đã dưỡng thành thói quen lệ thuộc vào chính phủ, thậm chí còn đòi hỏi ngược lại chính phủ để được trợ cấp liên tục.

Nhìn ở khía cạnh này, phúc lợi cao đã đưa xã hội loài người vào nồi để “luộc ếch”. (Khi thả con ếch thẳng vào nồi nước nóng, nó sẽ lập tức nhảy ra. Nhưng nếu thả vào nồi nước lạnh rồi từ từ đun nóng, con ếch sẽ bị luộc đến chết mà không hay biết). Chính sách phúc lợi cao quả thật đã làm băng hoại nhận thức về đạo đức của xã hội.

2. Làm thui chột ý nghĩa của từ thiện

Không chỉ vậy, chế độ phúc lợi cao còn lấy mất vai trò của các hội từ thiện truyền thống, tước mất cơ hội làm việc thiện của người làm từ thiện truyền thống, cũng như cơ hội nuôi dưỡng lòng biết ơn của người nhận từ thiện.

Phương thức giúp đỡ người nghèo trong xã hội truyền thống là do cá nhân tự quyết định: cá nhân mỗi người xuất phát từ sự cảm thương mà trực tiếp hỗ trợ người cần sự giúp đỡ, hoặc cá nhân quyên góp cho các tổ chức từ thiện (phần lớn thời xưa là một phần của giáo hội, chùa chiền, thương hội hay trường học) để các tổ chức từ thiện cứu trợ người cơ nhỡ. Trong tình huống này, họ đều có thể biết cụ thể người cho tặng và người nhận. Người nhận vốn dĩ không có quyền yêu cầu người khác cứu trợ mình, nhưng khi nhận được giúp đỡ, họ sẽ mang lòng biết ơn đối với người cho tặng mình. Lòng biết ơn này có thể khiến họ sau này có trách nhiệm, muốn nỗ lực thay đổi hoàn cảnh, bởi vì đó là tâm nguyện của người quyên tặng; cũng có thể sau này, khi cuộc sống tốt lên, họ sẽ quay lại làm việc thiện để giúp đỡ xã hội, họ cũng sẽ trở thành người cho tặng hoặc sẽ dùng cách nào đó để báo đáp người đã cho tặng mình.

Alexis de Tocqueville, nhà tư tưởng người Pháp nổi tiếng vì cuốn sách viết về sự vĩ đại của xã hội Hoa Kỳ, đã quan sát thấy rằng trong hành động đạo đức truyền thống, tức là hành động làm từ thiện của cá nhân, sự cho đi và lòng biết ơn trong xã hội có tính bổ trợ cho nhau, có tác dụng tích cực nâng cao đạo đức của toàn xã hội. Mối quan hệ tình cảm hai chiều này đồng thời cũng có thể hóa giải mâu thuẫn và sự đối lập giữa người giàu và người nghèo, bởi vì việc làm từ thiện của cá nhân giúp liên kết hai giai tầng xã hội thông qua tình cảm và lợi ích. [8]

Chế độ phúc lợi cao ngày nay đã cắt đứt mối liên hệ giữa người cho tặng và người nhận. Một mặt, người cho tặng bị cưỡng ép phải nộp thuế mà không xuất phát từ thiện tâm muốn cho tặng, trên thực tế họ bị cưỡng đoạt quyền được bố thí, hành thiện. Mặt khác, người nhận không biết ai là người cho tặng, do vậy họ cũng không có lòng biết ơn, hoặc nếu có thì là sự “biết ơn” méo mó đối với chế độ. Điều này xảy ra là vì bản thân phúc lợi quốc gia, bản thân chính phủ không phải là người cho tặng thực sự, người cho tặng thực sự là người nộp thuế.

3. Gia tăng mâu thuẫn xã hội

Alexis de Tocqueville còn chỉ ra rằng chế độ phúc lợi làm gia tăng mâu thuẫn giữa người giàu và người nghèo. Người giàu bị cưỡng chế giao nộp một phần tài sản, nhưng lại không thể được gặp trực tiếp người được cứu trợ mà đồng cảm với họ. Ngược lại, họ chỉ cảm thấy oán hận, khinh miệt người nhận phúc lợi thuộc giai tầng đói nghèo, coi những người này là “những kẻ xa lạ tham lam”. Đồng thời, trong tâm người nghèo cũng sẽ nảy sinh sự bất mãn, bởi vì sự cứu trợ về vật chất được coi là việc đương nhiên, nhưng lại không thể giúp người ta no đủ. “Một giai cấp vẫn nhìn thế giới bằng con mắt lo sợ và khinh bỉ, còn giai cấp kia lại nhìn những bất hạnh của bản thân bằng con mắt thất vọng và đố kỵ”. [9]

Bằng việc kích động lòng đố kỵ và đấu tranh, chế độ phúc lợi cao chính là một trong những thủ đoạn của chủ nghĩa cộng sản để làm xói mòn đạo đức con người và sự hài hòa của xã hội. Mâu thuẫn này biểu hiện vô cùng rõ rệt khi cuộc khủng hoảng kinh tế Hy Lạp xảy ra, mặc dù đó không phải là mâu thuẫn giữa kẻ giàu và người nghèo, mà là mâu thuẫn giữa tầng lớp trung lưu và thượng lưu. Ở Hy Lạp, người giàu không muốn đóng thuế cao, và trốn thuế đã trở thành “môn thể thao toàn dân” như cách gọi của giới quan chức Hy Lạp do Thời báo Economist trích dẫn. [10] Chính phủ Hy Lạp vì không muốn làm mất lòng cử tri nên suốt một thời gian dài đã phát hành trái phiếu, dựa vào vay vốn để bù đắp cho thâm hụt ngân sách do thất thu thuế và duy trì mức phúc lợi cao ngang bằng với các nước thành viên khác trong Liên minh Châu Âu.

Sau khi khủng hoảng xảy ra, khi chính phủ cần phải giảm phúc lợi thì một làn sóng bất mãn của đông đảo người dân vốn đã quen được nuông chiều bằng phúc lợi cao bùng phát trên quy mô lớn, dân chúng chĩa mũi nhọn vào những người giàu, yêu cầu phải thu thuế cao hơn từ những người giàu. Rốt cuộc, tầng lớp giàu có hay tầng lớp trung lưu phải chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng kinh tế này? Đây là một vấn đề khiến chính phủ phải đau đầu. Nhưng cho dù thế nào, điều chính sách phúc lợi cao mang đến là sự phá hoại đạo đức con người và xúi giục những nhóm người trong xã hội trở nên thù hận, đấu tranh lẫn nhau.

Chế độ phúc lợi thúc đẩy quan niệm “không làm mà hưởng”, làm xói mòn đạo đức lao động truyền thống. Điều đó làm suy giảm tinh thần nỗ lực và tích cực lao động của xã hội, từ đó khiến nền kinh tế bị tổn thương.

4. Tạo nên “văn hóa đói nghèo”

Năm 2010, ba nhà kinh tế học gồm Martin Halla, Mario Lackner và Friedrich G. Schneider đã tiến hành phân tích những tác động thực tế của chế độ phúc lợi xã hội và đưa ra số liệu chứng minh chế độ phúc lợi chắc chắn sẽ làm suy yếu động lực phát triển của xã hội, mà tác động này phải sau một thời gian rất lâu dài mới có thể thực sự biểu hiện ra. Họ kết luận rằng chế độ phúc lợi xã hội sẽ phá hủy đi nền tảng kinh tế của chính quốc gia đó. [11]

Năm 2012, New York Times, dù là một tờ báo thiên tả (ủng hộ chủ nghĩa xã hội), đã đăng bài báo với tiêu đề “Kiếm tiền bằng sự mù chữ của trẻ nhỏ”, kể một câu truyện mà chế độ phúc lợi gây ra cho những gia đình thu nhập thấp ở vùng núi Appalachia ở miền Đông Hoa Kỳ. Bài báo kể về những gia đình nghèo không cho con cái đi học để đạt điều kiện hưởng trợ cấp:

“Nhiều bậc phụ huynh lo sợ nếu con cái của họ học đọc thì họ sẽ không còn đủ điều kiện để nhận trợ cấp mù chữ hàng tháng.”

“Nhiều người sống trong những căn nhà lưu động trên sườn núi ở đây là người nghèo, không nơi nương tựa, nhận được khoản trợ cấp 698 đô-la mỗi tháng từ Chương trình Phụ cấp An sinh cho đến khi đứa trẻ được 18 tuổi.” [12]

Chương trình này ra đời khoảng 40 năm trước với mục đích hỗ trợ những gia đình có trẻ em khiếm khuyết về trí tuệ hoặc sinh lý. Tuy nhiên, theo New York Times, hiện nay, hơn 55% số “trẻ em khuyết tật” được nhận trợ cấp được liệt vào diện “chậm phát triển trí tuệ” nhưng không có điều kiện cụ thể nào để xác định. Cả Hoa Kỳ có 1,2 triệu trẻ em như vậy và cần 9 tỷ đô-la tiền trợ cấp mỗi năm từ những người nộp thuế. [13]

Ở đây, chính sách phúc lợi và sự tham lam của con người trở thành cái vòng luẩn quẩn. Mặc dù “có thể” ý định của những người đề xuất và xây dựng chính sách phúc lợi là tốt, nhưng họ đã gián tiếp trợ giúp việc làm xói mòn và hủy hoại con người.

Hơn 100 năm trước, Tocqueville đã nhận thấy rằng chế độ phúc lợi chỉ xác định được ngưỡng nghèo mà không phân biệt được đúng đối tượng cần trợ cấp (tức là không thể xác định người cần trợ cấp ấy là nghèo do không nỗ lực vươn lên hay do thực sự gặp bất hạnh), vì thế nó cũng không thể trợ giúp hiệu quả những người thực sự cần giúp đỡ. [14]

Xét từ khía cạnh kinh tế, việc lạm dụng chính sách phúc lợi sẽ tạo thành gánh nặng tài chính cho nhà nước, mà đối với những trẻ em nghèo, chế độ phúc lợi mang đến những bi kịch còn lớn hơn. Nghiên cứu năm 2009 cho thấy 2/3 số trẻ em nghèo, khi đến 18 tuổi, đều trở thành những người thụ hưởng chương trình trợ cấp an sinh dành cho người trưởng thành khuyết tật, cũng có nghĩa là suốt đời họ sẽ không thể thoát khỏi cảnh đói nghèo. [15]

Với chế độ phúc lợi, định nghĩa “tàn tật” không ngừng được mở rộng, các chính khách vì để lấy lòng cử tri mà không ngừng khuếch trương chế độ phúc lợi. Tuy nhiên, mặt trái của chế độ phúc lợi lại dẫn đến lạm dụng phúc lợi, dẫn đến suy thoái đạo đức xã hội và làm nảy sinh nhiều vấn đề kinh tế.

Phúc lợi xã hội có thể được xem là một biện pháp cứu trợ khẩn cấp, nhưng không nên sử dụng thường xuyên. Phúc lợi xã hội có thể trợ giúp đối với những người gặp tai nạn do nguyên nhân ngoài ý muốn (như tai nạn lao động, dịch bệnh, thiên tai v.v.), nhưng nó không thể giải quyết tận gốc vấn đề đói nghèo. Lấy ví dụ Hoa Kỳ, tính đến năm 2014, trong 50 năm từ khi tổng thống Lyndon B. Johnson phát động “cuộc chiến chống đói nghèo”, toàn quốc đã tiêu tốn 2,2 nghìn tỷ đô-la thu từ người nộp thuế để chi trả cho phúc lợi xã hội. [16] Nhưng số liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ cho thấy ngoại trừ hơn mười năm đầu tiên, tỷ lệ người nghèo ở Hoa Kỳ trong gần 40 năm qua cơ bản vẫn không đổi, nghĩa là tỷ lệ nghèo không hề giảm xuống nhờ các chương trình cứu trợ. [17]

Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan cũng từng chỉ ra một thực tế rằng năm 1964, trong khi chính phủ nói rằng 9,3 triệu gia đình ở Hoa Kỳ thuộc diện nghèo vì thu nhập ít hơn 3.000 đô-la một năm, thì phúc lợi xã hội đã được chi ra lớn gấp 10 lần thời điểm Hoa Kỳ đang nằm trong hố sâu tăm tối của cuộc Đại Khủng hoảng (tức là lúc mà người dân cần đến phúc lợi nhất). Bấy giờ Hoa Kỳ đang chi 45 tỷ đô-la cho phúc lợi. Tuy nhiên ông Reagan chỉ ra, nếu trực tiếp chia đều 45 tỷ đô-la cho 9 triệu gia đình nghèo, Hoa Kỳ sẽ có thể chia cho mỗi gia đình 4.600 đô-la mỗi năm. Cộng thêm thu nhập tự thân thì rõ ràng các gia đình đó sẽ được xóa nghèo. Tuy nhiên, khi viện trợ đến được với người nghèo thì họ chỉ nhận được có 600 đô-la cho mỗi gia đình. Chi phí còn lại được dùng trong các dự án tốn kém của nhà nước vốn không thể hoạt động hiệu quả như tư nhân, vận hành bộ máy cồng kềnh của chính phủ, v.v..

Nhà kinh tế học Hoa Kỳ William Arthur Niskanen chỉ ra rằng chế độ phúc lợi là nguyên nhân của “văn hóa đói nghèo”, tạo thành cái vòng luẩn quẩn: đói nghèo, sống lệ thuộc vào trợ cấp chính phủ, có con ngoài giá thú, tội phạm bạo lực, thất nghiệp, nạo phá thai v.v.. Nghiên cứu thực tiễn của ông cho thấy, trong “chương trình trợ cấp những gia đình có trẻ em phụ thuộc” (AFDC), nếu số tiền hỗ trợ tăng thêm 1% sẽ thu hút thêm 3% số người nhận hỗ trợ, số người nghèo sẽ tăng 0,8%, tỷ lệ trẻ em trong gia đình mẹ đơn thân tăng 2,1%, tỷ lệ thất nghiệp tăng 0,5%, tình trạng nạo phá thai và tội phạm bạo lực cũng phổ biến hơn. [18] Nghiên cứu của Niskanen chứng tỏ rằng chính sách phúc lợi cao lại khiến con người ỷ lại vào phúc lợi mà mất đi tinh thần trách nhiệm.

Hệ quả nghiêm trọng nhất của văn hóa đói nghèo là tan vỡ gia đình. Trong diễn văn “Thời khắc lựa chọn” năm 1964, Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan từng chỉ ra Chương trình Trợ giúp cho Trẻ em Phụ thuộc đã dẫn đến việc những người phụ nữ tìm cách ly hôn với chồng để nhận được thêm tiền trợ cấp, chỉ vì lương của người chồng làm ra ít hơn số tiền trợ cấp họ có thể nhận được nếu ly hôn.

Nhà kinh tế học Walter E. Williams khi tìm hiểu lịch sử và thực trạng vấn nạn đói nghèo của những người da đen ở Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng: 85% trẻ em người da đen sinh ra trong những gia đình mẹ đơn thân, đây là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ nghèo cao trong cộng đồng người da đen. Mà chế độ phúc lợi cao lại chính là thủ phạm tiếp tay, cho phép các bà mẹ đơn thân không phải chịu trách nhiệm cho hành động của họ; ngược lại họ còn được nhận các khoản phụ cấp, trợ cấp nhà ở, phiếu thực phẩm và các khoản trợ cấp khác từ phúc lợi xã hội. Phúc lợi trở thành trợ thủ đắc lực làm tỷ lệ sinh con không kết hôn tăng cao, làm tăng số lượng người nghèo. [19]

Mặc dù mức phúc lợi không ngừng tăng lên suốt mấy thập kỷ qua nhưng khoảng cách giàu nghèo của Hoa Kỳ vẫn không ngừng mở rộng: thu nhập bình quân (đã điều chỉnh theo mức lạm phát) tăng trưởng chậm, tài sản thì chảy vào tầng lớp giàu có nhất, còn xuất hiện nghề “làm nghèo”. Càng như vậy thì các đảng phái cánh tả lại càng lấy việc giải quyết vấn đề “người nghèo” làm cái cớ để thúc đẩy mở rộng chính phủ, thu thuế cao, phúc lợi cao, từ đó khiến xã hội rơi vào cái vòng luẩn quẩn.

Các chính khách phe cánh tả thường đưa ra những lý do nghe có vẻ cao thượng như “cứu trợ người nghèo”, “công bằng xã hội” để cổ xúy chính sách phúc lợi cao, thu thuế cao, nhằm đánh bóng tên tuổi của họ. Kỳ thực, bản thân họ không phải là người ban phát phúc lợi, họ chẳng qua chỉ lấy tài sản của tầng lớp giàu có và trung lưu cấp cho người nghèo mà thôi. Tuy nhiên sau khi chính sách phúc lợi làm rối loạn mối quan hệ giữa người cho và người nhận, những người chủ trương và quy định ra chính sách phúc lợi này lại dẫn dắt những người nhận phúc lợi hướng sự cảm ơn và báo đáp đến chính họ, bằng cách bỏ phiếu bầu cho họ. Lợi dụng chính sách phúc lợi cao để biến quần chúng thành kho phiếu bầu cho mình, đây là hiện tượng phổ biến ở Hoa Kỳ và châu Âu.

Kinh tế phương Tây cũng là một nền kinh tế kế hoạch

Chúng ta vẫn thường nghe về “kinh tế thị trường tự do”, nó là gì? Nó xuất sinh ra sao? Và ngày nay có còn kinh tế thị trường tự do hay không? Trên thực tế cùng với trào lưu cộng sản, nền kinh tế thị trường tự do đã biến mất khỏi mặt đất này. Mặc dù cũng rao giảng về kinh tế thị trường, nhưng nền kinh tế phương Tây ngày nay là một nền kinh tế “bán kế hoạch”, tức là một nền kinh tế trong đó chính phủ can thiệp mạnh tay vào thị trường. “Kinh tế kế hoạch” là đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản, trong đó chính phủ quản lý tất cả các khía cạnh của nền kinh tế.

Kinh tế thị trường tự do kỳ thực là một nguyên tắc lập quốc quan trọng của Hoa Kỳ. Nền kinh tế thị trường tự do là sự biểu hiện của “Luật Tự nhiên” (Luật của Chúa) vào trong một nền kinh tế. Vào thời điểm Hoa Kỳ lập quốc, khái niệm này là một sáng tạo độc đáo bởi bấy giờ Châu Âu vẫn nằm dưới sự cai trị của vương quyền, và không có một quốc gia nào có một cơ sở lý luận rõ ràng như vậy cả. Phần lớn cơ sở lý luận này đến từ tác phẩm “Sự giàu có của các quốc gia” (Wealth of Nations) của Adam Smith, tác phẩm được Thomas Jefferson đánh giá là tác phẩm hay nhất thời đó về kinh tế chính trị.

Từ các ghi chép của Adam Smith và các vị Cha Lập Quốc Hoa Kỳ, có thể rút ra 6 nguyên tắc cơ bản đối với nền kinh tế thị trường tự do:

  • Mỗi người phát huy sở trường của mình, hãy làm những gì bạn làm tốt nhất.
  • Chính phủ không can thiệp vào giao dịch thị trường.
  • Thị trường tự do kết nối hai bên cung và cầu.
  • Giá cả được xác định bởi sự cạnh tranh.
  • Lợi nhuận là mục tiêu thúc đẩy sản xuất.
  • Cạnh tranh là nền tảng để cải thiện chất lượng, tăng sản lượng và giảm giá thành.

Kinh tế thị trường tự do là một khái niệm rất quan trọng, nó sẽ cải thiện tất cả các khía cạnh của cuộc sống. Một người trong quá trình tồn tại sẽ phát minh, sáng tạo và thu về của cải vật chất. Nếu một người không có quyền phát triển, sáng tạo, sở hữu, tăng thêm, giao dịch và kiểm soát tài sản của mình, thì về cơ bản người đó không có tự do. Đối với bất kỳ chính phủ nào, họ chỉ có trách nhiệm bảo vệ quyền của con người, không được phép can thiệp sâu vào quá trình tồn tại của con người. Con người tạo ra các sản phẩm, phải được quyền giao dịch và trở nên giàu có hơn. Đây là một sự mở rộng tự nhiên của cuộc sống.

Khi nhìn vào lý luận của Adam Smith thì chúng ta cũng thấy rõ rằng chính phủ có rất ít quyền lực trong một nền kinh tế tự do. Một nghịch lý là ở chỗ, chính phủ thông thường lại thích nhúng tay vào xã hội, can thiệp vào kinh tế. Khi giá cao, họ muốn kìm hãm giá, khi giá thấp họ lại muốn nó cao lên, thậm chí thông qua hình thức đánh thuế cao thấp mà thay đổi giá. Khi ở đâu thiếu thứ gì đó, họ muốn vận chuyển mọi thứ từ bên này sang bên kia. Chính phủ thích can thiệp khi thấy có vấn đề. Nhưng kết quả là nền kinh tế đã bị lên kế hoạch rơi vào khủng hoảng.

Nhìn vào thực trạng hiện nay có thể thấy chính phủ ở xã hội tự do cũng đã can thiệp rất sâu vào lĩnh vực kinh tế. Điều này là tất yếu, vì dưới ảnh hưởng của chính sách phúc lợi theo hình thái ý thức xã hội chủ nghĩa, chính phủ rõ ràng sẽ dần dần nắm quyền phân phối tài sản. Mặt khác, xã hội phương Tây sau cuộc khủng hoảng kinh tế trong những năm 1930 đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của học thuyết kinh tế Keynes, khuyến khích nhà nước sử dụng chính sách tiền tệ và tài khóa để điều hành nền kinh tế.

Cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930 xảy ra đã khiến nền kinh tế Hoa Kỳ sụp đổ chỉ sau một đêm, và sự kiện đó đã trở thành bước ngoặt giữa “kỷ nguyên cũ” “kỷ nguyên mới”. Sau cuộc Đại khủng hoảng, Franklin Roosevelt được bầu làm tổng thống và bắt đầu một mô hình chính phủ tập trung, chi tiền cho “Thỏa thuận mới” (New Deal). Kể từ đó, nhiều người nghĩ rằng “Sự giàu có của các quốc gia” của Adam Smith là trường phái cũ, mang nhiều tội lỗi và gây ra cuộc Đại khủng hoảng.

Thứ thay thế cho lý thuyết của Adam Smith vào thời điểm đó được gọi là “Tư bản luận” của Karl Marx. “Tư bản luận” đã được đưa vào nhiều trường đại học ở Hoa Kỳ. Kể từ đó, trường đại học không còn dạy “Sự giàu có của các quốc gia”, mà cũng không dạy quan điểm kinh tế của những vị Cha Lập quốc, thay vào đó, họ dạy học thuyết của Karl Marx, một học thuyết cộng sản. Chủ nghĩa Keynes nói về sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế còn chưa nghiệm chứng tới nơi tới chốn nhưng đã từng bước được công nhận. Đây chính là lịch sử của Hoa Kỳ dần dần tiến tới chính phủ trung ương, bao gồm việc thực hiện một mức độ nhất định của nền kinh tế kế hoạch trong lý thuyết cộng sản. Theo sau Hoa Kỳ, rất nhiều chính phủ đã từ bỏ nền kinh tế thị trường tự do và áp dụng nền kinh tế bán kế hoạch.

Mãi cho đến Chiến tranh thế giới thứ hai, năm 1951, một số học giả nổi tiếng mới xuất hiện và bắt đầu viết một số cuốn sách về tệ nạn của chủ nghĩa xã hội, trong đó có một cuốn sách nổi tiếng mang tên “Bi kịch của chủ nghĩa xã hội”. Mãi sau những năm 1960, các học giả Hoa Kỳ mới dần dần quay về cuốn sách của Adam Smith, để tìm hiểu lại sự đơn giản và kỳ diệu của lý luận Adam Smith.

Ngày nay, mặc dù rời xa lý luận kinh tế của Adam Smith, rời xa nền kinh tế thị trường tự do đích thực, thế giới vẫn không thể thoát khỏi vòng lặp đáng sợ của chu kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu. Rõ ràng “Sự giàu có của các quốc gia” không phải nguyên nhân gây ra suy thoái kinh tế. Nhưng nền kinh tế thế giới lại không còn có thể thoát khỏi bóng ma của chủ nghĩa cộng sản, nó đã trở thành nền kinh tế bán kế hoạch. Hiện nay chủ nghĩa Keynes đã trở thành một loại trào lưu “thời thượng”, chính phủ các nước đua nhau theo đuổi chính sách can thiệp nhiều hơn vào nền kinh tế.

Trong xã hội bình thường, nhà nước chỉ có vai trò hữu hạn trong nền kinh tế. Thông thường nhà nước chỉ can thiệp vào nền kinh tế khi xảy ra khủng hoảng, thiên tai hoặc trong một thời kỳ hay tình huống đặc thù nào đó. Khi chính phủ can thiệp toàn diện vào kinh tế, nhất cử nhất động của nó đều có ảnh hưởng to lớn đến thị trường, trở thành “nhiệt kế” đo biến động của nền kinh tế. Rất nhiều chính sách và luật mới ra đời để trực tiếp quyết định sự thành bại của doanh nghiệp hoặc ngành kinh doanh nào đó, dẫn đến rất nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân phải quan sát động thái của chính phủ để hoạt động. Từ vai trò thông thường là người đặt ra các quy định và người giám sát việc thực hiện quy định nay chính phủ trở thành người chỉ đạo và tham gia vào hoạt động kinh tế, từ vai trò trọng tài giờ đây trở thành người “vừa đá bóng vừa thổi còi”, chính phủ sử dụng nguyên tắc “bàn tay hữu hình” thay cho nguyên tắc “bàn tay vô hình”, trở thành người chỉ huy chính và người điều tiết dòng vốn, thị trường và tư bản, trở thành người thay thế cho chủ thể kinh tế tư nhân.

Việc tích cực kiểm soát tài khóa cùng với chính sách phúc lợi cao khiến cho rất nhiều chính phủ phải gánh những món nợ lớn. Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác Kinh tế Quốc tế (OECD), có đến gần một nửa số quốc gia có tỷ lệ nợ lên đến 100% GDP, thậm chí cao hơn; có quốc gia, tỷ lệ nợ thậm chí còn vượt quá 200% sản lượng kinh tế. [20] Thâm hụt tài khóa lớn đã trở thành hiểm họa tiềm ẩn cho nền kinh tế và xã hội tương lai của nhiều quốc gia.

Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel kinh tế Ronald Coase đã công bố nhiều luận án nghiên cứu về sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế và hệ quả của nó. Ông phát hiện gần như mọi sự can thiệp vào lĩnh vực kinh tế đều gây ra hệ quả tiêu cực. Ông cho rằng sự can thiệp quá lớn của chính phủ đã đạt đến cái mà các nhà kinh tế học gọi là “lợi nhuận biên giảm dần”. [21]

Chính sách thu thuế cao, phúc lợi cao và nền kinh tế kế hoạch là ba mặt của cùng một vấn đề. Và mặc dù chúng mang đến những tệ nạn như vậy, nhưng về cơ bản, chính phủ trên thế giới ngày nay đều tích cực can thiệp vào nền kinh tế, khiến nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào sự điều tiết của nhà nước. Điều này đã gây ra một vòng lặp:

  • Thứ nhất, quyền lực của nhà nước ngày càng mở rộng về vai trò và quy mô. Sau khi đối phó với khủng hoảng, cho dù khủng hoảng không còn nhưng chính phủ vẫn không nơi lỏng sự can thiệp của mình.
  • Thứ hai, con người sẽ ngày càng ỷ lại chính phủ. Khi người ta gặp khó khăn hoặc không đạt được lợi ích như kỳ vọng trên thị trường tự do cạnh tranh, họ sẽ yêu cầu chính phủ can thiệp nhiều hơn để thỏa mãn nhu cầu của bản thân họ.

Cái vòng luẩn quẩn này khiến quyền lực của chính phủ càng ngày càng lớn, không gian cho doanh nghiệp tư nhân và thị trường tự do càng ngày càng thu hẹp. Sản xuất sẽ mang tính phụ thuộc và những người (các tập đoàn lớn) lợi dụng các chính khách để trục lợi sẽ yêu cầu chính phủ phải phân phối tài sản nhiều hơn, thậm chí đặt ra các quy định pháp luật để cưỡng chế mọi người chấp hành.

Ở phương Tây, một trào lưu chính trị mạnh mẽ đang khiến xã hội nghiêng sang phía cánh tả. Một số chính trị gia vốn thuộc phe cánh tả là tàn dư của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, một số chính trị gia vốn không thuộc phe cánh tả nhưng bị phe cánh tả cưỡng ép gia nhập, cũng trở thành đồng minh của phe cánh tả. Đứng sau họ là các tập đoàn lớn và giới siêu giàu. Các thế lực này đã hợp sức, thúc ép chính phủ sử dụng các biện pháp can thiệp vào kinh tế, can thiệp vào hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân, làm suy yếu hoạt động kinh tế bình thường của nhân loại.

Chính phủ các nước phương Tây đã ngày càng lợi dụng danh nghĩa bình đẳng và các lý do chính trị khác, sử dụng quyền lực nhà nước để can thiệp vào thị trường, thậm chí dùng pháp luật để cố định việc can thiệp. Không nghi ngờ gì, điều này đã tước đoạt ý chí tự do của con người vốn là chủ thể của nền kinh tế thị trường, áp đặt ý chí của nhà nước cho thị trường. Thực tế đây là quá trình liên tục hình thành sự tập trung quyền lực của nhà nước đối với nền kinh tế, biến nền kinh tế thị trường thành nền kinh tế theo yêu cầu, khiến thị trường phụ thuộc vào quyền lực. Về lâu dài, quyền lực chính phủ công sẽ khống chế mọi mặt của nền kinh tế và đời sống của người dân, dùng thủ đoạn kinh tế để xây dựng chính trị tập quyền, nô dịch công dân và toàn xã hội.

Mỗi chính sách kinh tế nhìn bề ngoài có vẻ bình thường, nhưng trong quá trình lâu dài dần dần đi đến cực đoan, cứ như vậy mà dẫn dắt nhân loại hướng đến chủ nghĩa cộng sản.

Cái kết cuối cùng của kinh tế xã hội chủ nghĩa chính là độc tài cộng sản

Chính sách thu thuế cao, phúc lợi cao, sự can thiệp sâu của nhà nước là biểu hiện của chủ nghĩa xã hội trong chế độ chủ nghĩa tư bản ở phương Tây. Nó mang cùng nguyên tắc cốt lõi của nền kinh tế kế hoạch vì đều lấy danh nghĩa và quyền lực của chính phủ để thao túng kinh tế. Điểm khác biệt là hiện nay, sự can thiệp của chính phủ ở phương Tây còn chịu ước chế bởi lực lượng tự do trong dân chúng, thêm vào đó là thể chế cộng hòa vẫn còn đang khởi tác dụng, cho nên nó không có biểu hiện cực đoan như nền kinh tế kế hoạch ở các quốc gia cộng sản.

Nhà kinh tế, triết gia lỗi lạc người Úc Friedrich Hayek đã từng cảnh báo, bất cứ việc hoạch định và tái phân phối tài sản nào do nhà nước thao túng đều sẽ can thiệp vào thị trường, và tất nhiên cũng đều dẫn đến chủ nghĩa cực quyền, cho dù thể chế chính trị ban đầu là dân chủ hay gì đi nữa. Hayek cho rằng chủ nghĩa xã hội ở châu Âu và Bắc Mỹ hiện nay, tuy có điểm khác biệt với chế độ công hữu và nền kinh tế kế hoạch trước kia, nhưng đều cho kết quả như nhau: con người trong tương lai sẽ mất đi sự tự do và kế sinh nhai, chỉ có điều sẽ chậm hơn, gián tiếp hơn mà thôi. [22]

Marx, Engels, Lenin đều coi chủ nghĩa xã hội là giai đoạn tất yếu của chủ nghĩa cộng sản. Giống như một đoàn tàu, điểm dừng ở trạm trung chuyển sẽ không ảnh hưởng đến điểm đến cuối cùng của nó. Xã hội nhân loại về phương diện kinh tế và các phương diện khác, một khi quay lưng lại với truyền thống và tiếp thu những “giá trị quan” của chủ nghĩa cộng sản, bất kể tốc độ thế nào, chỉ cần phương hướng không thay đổi thì sớm muộn cũng sẽ đi đến điểm cuối của con đường.

Chủ nghĩa cộng sản nói rằng điểm cuối cùng của con đường này là thiên đường nhân gian. Nó muốn thay thế Thần linh, trở thành Đấng Cứu thế của nhân loại. Nhưng mà sự thực nhãn tiền là bất cứ khi nào nền kinh tế kế hoạch hoàn thành quá trình thâu tóm của nó và nhà nước bắt đầu bao cấp toàn bộ, thì chỉ một thời gian ngắn sau nền kinh tế sụp đổ hoàn toàn. Và sự thực nhãn tiền cũng chỉ ra rằng, bất cứ khi nào nền kinh tế kế hoạch xuất hiện với toàn bộ “bản lai diện mục” của nó, thì đó là lúc chế độ độc tài lên ngôi (Venezuela, Zimbabwe là 2 ví dụ của thế kỷ 21).

Điểm cuối của con đường khi đã rời xa truyền thống không phải thiên đường nhân gian mà là hủy diệt nhân loại. Bởi vì thực ra, ma quỷ không hề quan tâm đến việc “thiên đường” có thành hiện thực hay không, vì đó chỉ là lời dối trá để lừa mị con người; chỉ cần có thể hủy diệt nhân loại thì ma quỷ đã đạt được mục đích của nó rồi.

Đăng lại có chỉnh sửa từ loạt bài của The Epoch Times (thespecterofcommunism.com)
Nguyễn Vĩnh tổng hợp

Xem thêm: Vì sao chủ nghĩa cộng sản muốn phá hủy gia đình truyền thống?

Tài liệu tham khảo:

[1] Karl Marx and Friedrich Engels, “Manifesto of the Communist Party”, Marx/Engels Selected Works, Vol. One (Moscow: Progress Publishers, 1969), 98-137.

[2] Max Galka, “The History of U.S. Government Spending, Revenue, and Debt (1790-2015)”, Metrocosm, February 16, 2016,http://metrocosm.com/history-of-us-taxes/.

[3] “OECD Tax Rates on Labour Income Continued Decreasing Slowly in 2016”, OCED Report,http://www.oecd.org/newsroom/oecd-tax-rates-on-labour-income-continued-decreasing-slowly-in-2016.htm.

[4] Kenneth Scheve and David Stasavage, Taxing the Rich: A History of Fiscal Fairness in the United States and Europe (Kindle Locations 930-931) (Princeton: Princeton University Press, Kindle Edition).

[5] Rachel Sheffield and Robert Rector, “The War on Poverty after 50 Years”, Heritage Foundation Report, September 15, 2014,https://www.heritage.org/poverty-and-inequality/report/the-war-poverty-after-50-years.

[6] Như trên

[7] Nima Sanandaji, Scandinavian Unexceptionalism: Culture, Markets, and the Failure of Third-Way Socialism (London: Institute for Economic Affairs, 2015), 132.

[8] Alexis de Tocqueville, Memoir on Pauperism, trans. Seymour Drescher (Lancing, West Sussex, UK: Hartington Fine Arts Ltd, 1997).

[9] Như trên

[10] “A National Sport No More,” The Economist, November 3rd, 2012,https://www.economist.com/europe/2012/11/03/a-national-sport-no-more.

[11] Martin Halla, Mario Lackner, and Friedrich G. Schneider, “An Empirical Analysis of the Dynamics of the Welfare State: The Case of Benefit Morale”, Kyklos, 63:1 (2010), 55-74.

[12] Nicholas Kristof, “Profiting from a Child’s Illiteracy”, New York Times, December 7, 2012,https://www.nytimes.com/2012/12/09/opinion/sunday/kristof-profiting-from-a-childs-illiteracy.html.

[13] Như trên

[14] Alexis de Tocqueville, Memoir on Pauperism, trans. Seymour Drescher (Lancing, West Sussex, UK: Hartington Fine Arts Ltd, 1997).

[15] Nicholas Kristof, “Profiting from a Child’s Illiteracy”, New York Times, December 7, 2012, https://www.nytimes.com/2012/12/09/opinion/sunday/kristof-profiting-from-a-childs-illiteracy.html.

[16] Robert Rector, “The War on Poverty: 50 Years of Failure”, Heritage Foundation Report, September 23, 2014,https://www.heritage.org/marriage-and-family/commentary/the-war-poverty-50-years-failure.

[17] U.S. Census Bureau, “Annual Social and Economic Supplements”, Current Population Survey, 1960 to 2016.

[18] Niskanen, A., “Welfare and the Culture of Poverty”, The Cato Journal, 16:1(1996).

[19] Walter E. Williams, “The True Black Tragedy: Illegitimacy Rate of Nearly 75%”, cnsnews.com, May 19, 2015,https://www.cnsnews.com/commentary/walter-e-williams/true-black-tragedy-illegitimacy-rate-nearly-75.

[20] “OECD Data”, https://data.oecd.org/gga/general-government-debt.htm.

[21] Thomas Winslow Hazlett, “Looking for Results: An Interview with Ronald Coase”, Reason, (January 1997),https://reason.com/archives/1997/01/01/looking-for-results.

[22] F. A. Hayek, The Road to Serfdom (London: Routledge Press, 1944).