Địa danh Rạch Giá bao gồm một vùng quá rộng. Trước khi người Pháp đến hồi cuối thế kỷ thứ 19, vùng Rạch Giá là một huyện, gọi là Kiên Giang thuộc tỉnh Hà Tiên. Đại Nam Nhứt Thống Chí (Lục Tỉnh Nam Việt, tập Hạ, bản dịch Tu Trai Nguyễn Tạo) còn ghi là một tên hơi khác; huyện Kiên Hà. Từ vị trí khiêm tốn là huyện, khi người Pháp đến, Rạch Giá trở thành tỉnh, bao gồm luôn vùng mũi Cà Mau, (sau đó, vùng Cà Mau tách riêng, nhập vào tỉnh Bạc Liêu). Vùng chợ Hà Tiên trở thành một tỉnh nhỏ bé, biệt lập thời Pháp thuộc, nhỏ bé không đủ dân cư, lúa gạo. Người Pháp đặt ra tỉnh lỵ có lẽ vì vị trí chiến lược ở sát biên giới Việt – Miên. Thời 1950, chánh quyền kháng Pháp đặt ra tỉnh Long – Châu – Hà, tức là vùng phía Bắc các tỉnh Long Xuyên – Châu Đốc – Hà Tiên. Thời đệ nhứt Cộng Hòa, Hà Tiên trở thành một huyện lỵ của tỉnh Rạch Giá, đến nay cũng thế, do đó trên bản đồ, tỉnh Rạch Giá chiếm một vùng quá rộng, từ biên giới Việt Miên đến Rạch Kim Qui, dài theo bờ biển, giáp An Xuyên.

Đây là tỉnh lỵ quan trọng nhứt ở Vịnh Xiêm La, thuộc Việt Nam. Từ xưa có lẽ hồi vương quốc Phù Nam còn hưng thịnh, Rạch Giá cũng đóng vai trò một thương cảng phụ, đón nhận thuyền buôn vào thị trấn Óc Eo. Vịnh Xiêm La là một kiểu Địa Trung Hải nhỏ bẻ, nối liền Việt Nam, Cao Miên, Xiêm La, Mã Lai, Nam Dương quần đảo. Lẽ dĩ nhiên người Ấn Độ và người Trung Hoa có mặt rất sớm, đóng vai trò kinh tế, văn hóa quan trọng. Rạch Giá và Hà Tiên đúng là hai hải cảng, ở sát mé biên.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ đề cập đến vùng gọi là Rạch Giá, theo sự chấp nhận của những người đi khẩn hoang làm ruộng, giới hạn chung quanh con rạch có thật, gọi là Rạch Giá – Giá là tên một loại cây tạp, dùng làm củi chụm bếp, rất xấu, khói quá cay mắt, duy có bông cây giá là mồi ngon cho loài ong mật. Ong mật hút nhụy bông cây giá, tạo ra một thứ sáp màu vàng khác hẳn loại sáp trắng. Người Miên gọi vùng Rạch Giá là Kramuôn-So, tức là sáp ong màu trắng. Theo lời truyền khẩu có thể tin được thì thuở ấy, từ đời Tự Đức trở về trước, sáp ong trôi lềnh bềnh trên sông rạch, cứ bơi xuồng vớt lên, đem về nấu lại mà bán.

Sáp vàng ở tại vùng chợ Rạch Giá. Vậy thì sáp trắng, theo địa danh Kramuôn-So của người Miên ở đâu? Chúng ta biết chắc rằng sáp ong màu trắng chỉ có khi ong hút nhụy bông tràm. Rừng tràm hiện nay còn khá nhiều ở dọc theo Vịnh Xiêm La, từ vàm sông Cái Lớn đồ về phía Nam, và ở rừng U Minh thượng, U Minh hạ. Có sự sai biệt về khu vực địa lý giữa xưng danh của người Miên và người Việt một sự sai biệt không quan trọng cho lắm, ở nơi đất rộng người thưa, chừng ba chục cây số ngàn.

Trong lịch sử Việt Nam, phần đất Rạch Giá được đề cập sơ qua khi nhắc chuyện Mạc Cửu lập ấp, khi vua Gia Long tẩu quốc và phục quốc, khi liệt sĩ Nguyễn Trung Trực đánh chiếm tỉnh lỵ này vào năm 1868. Nếu không nhắc đến vùng Rạch Giá thì không thiếu sót gì cả, vì khi nhắc đến Gia Long tẩu quốc, sử gia đề cập tới địa danh Long Xuyên, tức là vùng Cà Mau ngày nay, nhắc tới Mạc Cửu thì nói đến vùng chợ Hà Tiên cũng đủ tạm rồi. Và ông Nguyễn Trung Trực là người từ Tân An chạy xuống, trận Rạch Giá chỉ là trận oanh liệt sau cùng.

Mãi đến nay, vài người vẫn còn gọi Rạch Giá là Lạch Giá, hoặc Kiên Giang là Kiến Giang, (theo kiểu Kiến An, cũng như Mỹ Tho là Mỹ Thọ, ngỡ rằng Phú Thọ). Dân Rạch Giá, dân U Minh, luôn cả dân Sóc Trăng, Cà Mau ít được chú ý, từ sanh hoạt vật chất đến tinh thần vì đó là “phần đất mới, phong tục lai căng tạp nhạp”.

Việc khẩn hoang vùng Rạch Giá - Sơn Nam
Đào kinh Rạch Giá – Hà Tiên bằng máy xáng. (Ảnh: Manhhai, Flickr, CC BY 2.0)

Trước năm 1925, học giả Phạm Quỳnh viết bài Một Tháng Ở Nam Kỳ, đăng trong tạp chí Nam Phong, trong bài có phần nhận xét về cuộc Nam Tiến của dân tộc ta. Xin trích nguyên văn một đoạn (do Dương Quảng Hàm dẫn lại trong Quốc văn trích diễm, bản in Nghiêm Hàm 1925):

“Cái cuộc “Nam tiến” đó đến Nguyễn triều ta đã gọi là tiệm xong. Nhưng nhà Nguyễn cũng còn là mới khai thác được một nửa xử Nam kỳ mà thôi. Còn nửa nữa từ sông Hậu Giang trở xuống phải đợi nhà nước Đại Pháp sang mới bắt đầu mở mang nốt. Nếu xét trong địa dư xử Nam kỳ rõ biệt hằn ra hai phần: cải phần tự sông Tiền giang (Fleuve Antérieur) trở lên là phần đất cũ, của bản triều đã mở mang từ trước, nhân dân tụ họp đã lâu, ruộng đất thành thuộc gần khắp, cách cầy cấy trồng trọt nhiều nơi làm mỗi năm hai mùa đã gần giống như ngoài Bắc người dân cũng đã chịu cảm hóa của triều đình sâu, xưa kia đã từng sản được nhiều người tài giỏi có công với xã tắc, cải phần tự sông Tiền giang trở xuống, là phần đất mới mới khai thác tự sau khi nhà nước Pháp sang chiếm lĩnh, trước sau chưa có một chút lịch sự gì, có lắm nơi tỉnh thành chỉ mới thành lập được mười lãm năm nay, nhưng phần nầy đất phì nhiêu có một, hễ phá hoang đến đâu là thành ruộng tới đó, cày cấy tốt quá, thóc gạo không biết bao nhiêu mà kể. Hiện nay những tỉnh giàu nhất, lớn nhất ở Nam kỳ là thuộc vào phần đó, còn phần trên tuy có văn vật hơn mà đã cho là đất kiệt đất cũ rồi”.

Phải nhìn nhận rằng Phạm Quỳnh nhận xét khá đúng, gần giống với sự nhận xét của nhiều người Pháp am tường ít nhiều về miền Nam, miền Hậu Giang. Tính trung bình, từ năm 1901 đến năm 1906, mức sản xuất của tỉnh Cần Thơ (theo ranh giới thời Pháp thuộc) mỗi năm ±16.000 tấn, đứng hạng nhứt ở Nam phần về nông nghiệp.

Theo P. Bernard, các tỉnh Rạch Giá, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh là kho lúa của miền Nam. Mấy tỉnh nói trên có 966.000 mẫu tây ruộng, xuất cảng trong những năm bình thường 986.000 tấn lúa, tức là hơn phân nửa tồng sổ lúa xuất cảng của toàn cõi Đông Pháp. Tuy nhiên, khi Phạm Quỳnh cho rằng “còn một nửa từ sông Hậu Giang trở xuống phải đợi nhà nước Đại Pháp sang mới bắt đầu mở mang nốt”, “cái phần tự sông Tiền giang trở xuống, là phần đất mới, mới khai thác tự sau khi nhà nước Pháp sang chiếm lĩnh, trước sau chưa có một lịch sự gì” (lịch sự hay là lịch sử, ấn cổng sắp chữ lầm? S.N.)

Thì ta cần phải minh định rõ rệt: đâu là công lao của nhà nước Đại Pháp, nhà nước Đại Pháp giúp đỡ cụ thể như thể nào hoặc là cản trở việc khẩn hoang, việc sản xuất lúa gạo tới mức nào? Lại còn sự nhận định cho rằng “phần nầy đất phì nhiêu có một, hễ phá hoang đến đầu thành ruộng tới đó, cày cấy tốt quá!”

Thiết tưởng chúng ta nên nghiên cứu lại, theo nhãn quan khác đề thấy phần đóng góp của dân Việt. Ông Phạm Quỳnh chưa đặt chân đến miền Hậu Giang khi viết những hàng trên, đặc biệt là miền Rạch Giá – Cà Mau. Công trình mở mang của người Pháp nhắm vào mục đích gì? Nếu người Pháp đừng kềm hãm sự mở mang ấy, miền Hậu Giang sẽ có bộ mặt nào ?

Người Pháp đào kinh xáng, dẫn nước ngọt vào một số đất hoang, cho đất lần hồi bớt phèn, đào kinh để cho lúa gạo miền Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau được chở chuyên dễ dàng đến Chợ Lớn, Sài Gòn đề xuất cảng, giúp cho sản phẩm được lưu thông. Và việc người Pháp và người Hoa kiều, người Chà cho vay cũng đã giúp cho mức sản xuất được tăng nhanh chóng.

Ngoài ra, nên đặt vấn đề: Việc mở mang của người Pháp có thâu đạt kết quả khả quan không, nếu người khẩn hoang không phải là dân Việt, vốn có nhiều khả năng thích ứng với hoàn cảnh địa lý khắc nghiệt, có nhiều kinh nghiệm khai khẩn vùng đồng bằng, nơi đất thấp, thích ở gần sông rạch và biển cả.

Tóm lại, dầu muốn hay không, chúng ta phải đặt vấn đề chánh trị: Thực dân Pháp và dân Việt có quyền lợi đối kháng nhau, người Pháp tự nhận là khách quan, theo thuyết nhân bản; ta xem đó là chủ quan, phi nhân bản. Chúng ta lại phải đặt vấn đề văn hóa hay văn minh: Trước khi người Pháp đến và mãi sau nầy, ở miền Hậu Giang có nào người Chàm (người Chà Châu Giang), người nông dân Triều Châu, Phước Kiến, Quảng Đông, người Cao Miên. Tại đồng bằng sông Cửu Long, ở vùng đất phèn khó khai thác phía Hậu Giang qua vịnh Xiêm La, các sắc dân nói trên có thái độ như thế nào, khi canh tác. Việc thành công của người Việt là vấn đề nặng về văn hóa. Người Miên canh tác vừa đủ ăn, trên diện tích nhỏ. Người Huê kiều chỉ thích làm rẫy và mua bán mà thôi.

Chúng tôi không đủ khả năng và tài liệu đề làm công việc quá lớn lao nói trên, công việc giải thực (décoloniser). Sau đây là vài chi tiết để khởi thảo một dàn bài, đóng khung trong vùng Rạch Giá với chợ Rạch Giá, vùng sông Cái Lớn, sông Cái Bẻ làm trung tâm điểm.

Mãi đến khi người Pháp ra đi (1945), vùng đất nói trên vẫn khẩn chưa xong. Chúng tôi thấy cần ghi lại nhiều sự kiện quá mới mẻ, không xưa, nhưng cần thiết đề hiểu thêm cuộc Nam Tiến trong thực tế. Chiếm đất về mặt chánh trị là khó, đòi hỏi công trình xương máu, tài ngoại giao, quân sự. Khai khẩn cho đất thành ruộng vườn, với đình chùa thôn xóm, định cư cho vững là công trình khó khăn hơn, nhứt là khi người dân khẩn đất, canh tác nhờ sự giúp đỡ và đồng thời cũng là sự kềm hãm đề vụ lợi của thực dân.

KHUNG CẢNH ĐỊA LÝ

Nhìn bản đồ địa chất của E. Saurin (Feuille de Vĩnh Long), bản đồ của Moormann, bản đồ thảo mộc (do Nha Địa dư quốc gia – Đà Lạt phát hành), chúng ta thấy vùng Rạch Giá, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu là vùng đất xấu, đất phèn, chịu ảnh hưởng nước mặn. So với các tỉnh ở Tiền Giang như Mỹ Tho, Vĩnh Long, Sa Đéc thì là Rạch Giá – Cà Mau là nơi khó sống, khó canh tác và đất không phải là “phì nhiêu có một”, “cầy cấy tốt quá” như ông Phạm Quỳnh đã viết. Nếu Phạm Quỳnh viết đúng thì đó là trường hợp tỉnh Cần Thơ, ở sát hữu ngạn Hậu Giang, đất không phèn, quanh năm nước ngọt.

Ngoài ra, phần đất rộng lớn này bị choán phần lớn do rừng tràm, rừng sác, than bùn (gọi là đất cháy, đất dớn, đất mật cật) ở ven biên và luôn cả vùng hậu bối. Đặc biệt là vùng chung quanh chợ Hà Tiên, đất đai ở vào hạng xấu nhứt, nhiều phèn nhứt, gần như không thích hợp với việc cấy lúa. Đọc qua lịch sử miền Hậu Giang, chúng ta dễ bị ám ảnh về chuyện “di dân lập ấp” của Mạc Cửu. Công lao của Mạc Cửu quả là to về mặt chánh trị và tổ chức thương mãi (có thể so sánh với việc làm của người Pháp sau này là tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển bằng cách khuyến khích xuất cảng, giúp vốn). Và chỉ có như thế mà thôi. Chúng ta không nên hình dung rằng chung quanh chợ Hà Tiên của Mạc Cửu ngày xưa dân chúng sống sung túc với những thửa ruộng xanh um, cò bay thẳng cánh. Hà Tiên được ca ngợi với mười cảnh đẹp, nhưng chung quanh mười cảnh đẹp nào Giang thành dạ cổ, Tiêu tự thần chung, Đông hồ ấn nguyệt… ấy chỉ là vùng đất phèn, không sao khai thác được với điều kiện kỹ thuật thời ấy và luôn cả thời Pháp thuộc, mặc dầu người Trung Hoa (di thần nhà Minh) đi theo Mạc Cửu gồm đa số là nông dân. Lúa gạo đề nuôi dân vùng chợ Hà Tiên, vùng đảo Phú Quốc vào lúc ấy – và mãi đến lúc sau này vẫn là từ Rạch Giá, Cà Mau đem đến, luôn cả số lúa gạo xuất cảng. Rạch Giá (trong phạm vi ranh giới thời Pháp thuộc) là nơi sản xuất lúa gạo khá thừa thãi, nhờ sự cố gắng và tài khai thác nông nghiệp của người Việt.

Người Việt Nam làm ruộng ở nơi đất thấp, có nước ngập vào mùa mưa khác hẳn loại rẫy lúa của đồng bào Thượng. Muốn làm ruộng như vậy, cần có những điều kiện tối thiểu như sau đây:

– Đời sống định cư, nhà ở và nơi làm ruộng không quá xa để có thể sáng ra ruộng, xế trưa trở về nhà.

– Phải có nước ngọt đề uống, trong mùa nắng. Đây là điều kiện gần như tiên quyết cho đời sống con người. Tắm, rửa ráy, giặt quần áo bằng nước mặn thì tạm được nhưng uống nước hơi mặn, nước phèn thì nhứt định là không được, dầu là uống tạm trong năm bảy ngày. Giáo sư E. Saurin (Notice sur la Feuille de Vĩnh Long, trang 39) nhận xét khá tinh tế khi cho rằng vùng đồng bằng sông Cửu Long mặc dầu nhiều sông rạch nhưng là vùng thiếu nước uống (un pays de la soif). Nước mặn tràn vô vàm sông rạch khi mùa nắng đến; đất quá xốp, nước mặn chảy ngầm vào mạch nước giếng.

– Phải có lò rèn ở gần, trong xóm để rèn dao, phãng, lưỡi hái.

– Ruộng làm một mùa, mỗi năm người nông phu thâu huê lợi một lần; trong năm, phải vay nợ để sắm áo quần, để chạy thuốc khi bịnh tật, cúng cho thầy bùa thầy pháp, tu bổ nhà cửa, tốn kém khi đám cưới, đám ma. Quan trọng nhứt là mướn người gặt, cấy, phát cỏ. Thời gian cấy lúa chỉ giới hạn trong vòng năm sáu mươi ngày, cấy trễ thì bị ngập lụt, lúa chín rộ lên thì phải gặt cho nhanh, để lâu thì lúa ngã rục. Người siêng năng và giỏi đến thế mấy cũng đành mướn thêm nhơn công. Tổ chức vần công, đổi công chỉ thành hình và phát triển được ở nơi xóm riềng đông đúc, dân trong xóm tin cậy nhau. Do đó, muốn làm ruộng, người nông phu đành vay bạc nặng lời, tình nguyện mà vay mặc dầu đó là tỷ lệ ăn lời cắt cổ

Đất phèn, thiếu vốn, thiếu làng xóm đông đảo thì khó làm ruộng, mặc dầu với qui mô nhỏ bẻ. Nơi làm ruộng mỗi năm một mùa, không có nghề phụ thì người tá điền khó dư dả khi lúa trúng mùa, nói chi đến năm mất mùa. Đời sống thường nhựt mặc dầu đơn giản nhưng khá tốn kém. Hằng ngày còn phải uống rượu, ăn trầu (đàn ông, đàn bà đều ăn trầu, nơi đất phèn nước mặn, không trồng trầu được, đành mua trầu rang, cau Hạ châu), lại còn những khoảng chi phí bất ngờ như… thua cờ bạc, thua đá gà, đá cả thia thia. Mỗi gia đình còn sắm chiếc ghe, chiếc xuồng đề làm chân mà di chuyển.

Bởi vậy, Kiên Giang đạo thành lập rất trễ, vào cuối thế kỷ thứ 18. Chợ Hà Tiên do Mạc Cửu thành lập (và được Mạc Thiên Tứ tiếp tục phát triền) chỉ là thương cảng phồn thịnh giả tạo: Hà Tiên là sòng bạc, là nơi xuất cảng hầu hết các sản phẩm của Cao Miên. Bởi vậy khi ở Cao Miên xảy ra loạn lạc, vua chúa tranh chấp quyền hạn, cầu viện với ngoại bang thì Hà Tiên trở thành chiến trường, bị đốt cháy để rồi không bao giờ hưng thịnh như trước được.

Vùng Kiên Giang ít được dân khân hoang chú ý hồi thế kỷ thứ 18; đám lưu dân từ miền Trung hoặc những người ở mấy tỉnh Gia Định, chỉ thèm thuồng vùng phù sa ở Định Tường, Vĩnh Long là nơi đất rộng người thưa, đất không phèn, quanh năm gần như có nước ngọt (nếu thiếu nước thì chuyên chở nước uống cũng dễ dàng), đất cao ráo nhờ những giồng ở ven sông Tiền, sông Hậu; vì là “sông sâu nước chảy” nên việc giao thông, vận tải từ làng này đến làng kia dễ dàng, khí hậu hiền hòa, dễ trồng thêm hoa mầu phụ như khoai, trái cây, trầu cau. Và nhứt là gần nơi dinh trấn, gần chợ phổ, gần triều đình. (Người Miên đã tản lạc vì lý do này hay lý do khác nên an ninh được bảo đảm hơn).

NHỮNG GIAI ĐOẠN THÀNH HÌNH CỦA VÙNG RẠCH GIÁ

Nhiều nhà khảo cồ Pháp, trong đó người có công nhứt là học giả quá cổ Louis Malleret đã nghiên cứu về vùng đồng bằng sông Cửu Long, để lại công trình đáng kể. Rải rác trên những giồng đất xưa ở miền Nam, còn tìm được nhiều di tích xưa đánh dấu giai đoạn người thổ dân bắt đầu chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, từ Bà La Môn giáo đến Phật giáo (nên viếng Viện Bảo Tàng Quốc Gia, Sài gòn). Ở đây, chúng tôi xin nói sơ lược qua những gì dính dáng đến vùng Rạch Giá.

Xưa nhứt, có lẽ là vùng Giồng Đá thuộc làng Thanh Hòa, quận Giồng Riềng cũ, do tiếng Giồng Đá nầy mà đặt tên là làng Bàn Thạch, sau nhập với làng Tham Định, gọi là làng Bàn Tân Định. Giồng Đá còn gọi nôm na là Giồng Cây Trôm; nơi đây còn một cây trôm cổ thụ; giống không dài cho lắm, vỏ sò và ốc nổi lên cao trên mặt đất, cao hơn đầu người. Hai đồng vỏ sò này được người địa phương so sánh với lái và mũi ghe của ông “Bao Công đi chân bần”, ghe chìm tại đây, trong ghe chở nhiều vàng bạc châu báu ngọc ngà!!

Chưa ai nghiên cứu kỹ lưỡng vùng này; vỏ sò vỏ ốc còn đóng từng khối rải rác hơn chục cây số ngàn, xen lẫn vào ruộng, ăn ra đến phía sông Cái Bé, hai bên bờ con kinh Chắc Kha. Dân chúng hồi Pháp thuộc cứ đào lén chung quanh Giồng Đá đề tìm vàng. Chưa nghe nói ai được vàng, chỉ gặp toàn là xương mục (xương nai, xương heo rừng) và một số miềng hủ, miềng lu nhỏ. Phải chăng đây là nơi cư trú của nhóm người thời tiền sử như trường hợp ở vùng Biên Hồ (Cao Miên) hoặc vùng Quảng Trị: Ở Rạch Giá, giai thoại ông Bao Công đi chân bần rồi bị chìm tàu rất phổ biến ở những nơi mà bọn người săn vàng phóng tin thất thiệt ra đề thăm dò dư luận. (Thật ra, đây là ông Bổn Đầu Công, tức là ông Trịnh Hòa, một nhân vật có thật được vua Trung Hoa giao phó trách nhiệm điều tra và ủy lạo người Hoa kiều hải ngoại, hiện được thờ phượng ở nhiều nơi, hằng năm miếu ông Bồn Đầu Công, gọi tắt là ông Bồn có tổ chức ngày cúng trọng thê, nào chưng cộ, nào lên xác).

Ở Rạch Giá, còn tìm thấy pho tượng Bồ Tát Quản Âm khá đẹp (sưu tập của bá tước Didelot), ngoài ra còn nhiều nơi gọi là “Đá Nồi” tức là những đồng đá nhỏ giữa ruộng, xưa kia mang ý nghĩa tôn giáo. Nhưng đáng chú ý nhứt là cuộc khai quật ở gò Óc Eo mà giới khảo cổ thường nhắc đến, xem là một thị trấn, một hải cảng quan trọng của nước Phù Nam mà sử gia Trung Hoa đã nhắc đến, nước Phủ Nam này khá hưng thịnh mãi đến thế kỷ thứ sáu, thứ bảy sau Tây lịch. Óc Eo ở chân núi Ba Thê, núi thuộc địa phận tỉnh Long Xuyên nhưng phần đất khai quật thuộc vào làng Mỹ Lâm, tỉnh Rạch Giá. Vương quốc Phù Nam này bị tan rã, không ai hiểu vì lý do nào. Những món đồ tìm được chứng nhận phần nào rằng xưa kia thuyền bè đến đây mua bán, mang theo nhiều bảo vật, từ Ba Tư, Ấn Độ, lại còn tiền vàng La Mã… (xem L. Malleret. L’archéologie du delta du Mékong. Publ. E.F.E.O., Paris, 4, 1959-1963).

Xin trở lại việc khẩn hoang thời ấy. L. Malleret cho rằng dân nước Phù Nam đã biết làm ruộng sạ (cày rồi gieo mạ, không cấy, lúa mọc lên cao theo con nước lụt, khi nước giựt xuống thì gặt – riz flottant) và cho rằng thuở ấy còn một hệ thống kinh đào, nay còn thấy được khi chụp không ảnh. Ý kiến sau này cần được xét lại. Thuở ấy dân số không đông đảo, đào một hệ thống kinh rạch là khó khăn, huy động nhiều nhơn công. Dân chúng không cần và có lẽ không biết cách làm ruộng sạ, lúa gạo sản xuất ở mấy giồng đất ven sông Hậu Giang chắc là đủ thỏa mãn nhu cầu dân chúng địa phương (hoặc là lúa gạo sản xuất từ chân núi Hòn Sóc, Hòn Đất hoặc Thất Sơn). Nếu có làm ruộng sạ, ít ra ngày nay chúng ta còn gặp rải rác nhiều nông cụ, di tích nhà cửa ở cánh đồng giữa Óc Eo và bờ biển Vịnh Xiêm La. Khi nhà nước Pháp cho đào mấy con kinh Tri Tôn, kinh Sóc Xoài – Ba Thê, chẳng ai thấy món gì đáng chú ý, tóm lại là cánh đồng bao la chung quanh Óc Eo là đất hoang từ ngàn xưa cho đến đầu thế kỷ thứ 20, vì lý do đất phèn quá xấu, thiếu nhơn công, bị ngập lụt quá sâu khi mùa nước đến.

Một vùng khác, ở tỉnh Rạch Giá được L.Malleret đề cập đến, nêu ra giả thuyết khả táo bạo: vùng Thnol Mroy mà ông dịch là “Cent Rues”, có thể là vùng Kattigara mà nhà địa lý Hy Lạp Ptolémée nói đến, từ thế kỷ thứ 2 sau Tây lịch. Đây là vùng làng Vĩnh Phong của tỉnh Rạch Giá. L. Malleret đặt giả thuyết là còn một vùng có dân cư từ xa xưa, ở vùng rừng U Minh (chắc ông muốn nói đến U Minh thượng, vùng đất cháy, than bùn). Người địa phương gọi là vùng Chắc Băng, Cạnh Đền. Sử Việt ghi rằng lúc tàu quốc và phục quốc, vua Gia Long đến vùng nầy, cho quân sĩ đồn trú, cất trại, đào ao. Người địa phương gọi đó là những liếp, theo nghĩa liếp đất, đào mương đắp lên để lập vườn. Nhưng người địa phương giải thích rất hữu lý rằng ở nơi đất thấp, muốn cất trại cho quân sĩ đồn trú thì phải đắp nền đắp bằng cách đào mương, lấy đất dưới mương mà quăng lên đề tạo ra nền đất cao, khỏi bị nước ngập khi mùa mưa đến. Phải chăng L. Malleret xem những liếp ngang liếp dọc này (nền trại của quân sĩ của Gia Long) đề đặt giả thuyết trên? Từ thế kỷ thứ hai, sau Tây lịch đến nay là 1.700 năm, nền đất, con đường đắp bằng đất nhất định là sụp xuống, lở ra trở thành bình địa rồi. Địa danh Thnol Mroy do người Miên đặt ra, vì họ muốn nói đến một vùng hơi lạ, có đường ngang đường dọc. Nhiều địa danh Miên chỉ mới đặt ra trễ tràng, từ đôi trăm năm nay. Trong rừng U Minh thượng, theo chúng tôi nhận định thì trước kia có vài con rạch chảy ngang, mãi đến nay người địa phương chưa phát hiện ra được di tích gì đáng kề, thí dụ như một thị trấn xưa bị vùi lấp, họa chăng là vài đống đá, theo kiểu đá thờ trong miếu ông Tà, hoặc một số ghè ống, tức là những hũ tròn, như hình dáng cái ống tre mà người Miên dùng đề đựng mắm “bò-hóc”, trong gia đình bình dân.

Xin tạm kết luận tiết mục này:

– Vùng sình lầy, đất thấp, đất phèn ở Rạch Giá gần như là không ai khai khẩn đề làm ruộng, trước khi dân Việt đến.

– Người Miên thích làm ruộng trên đất giồng, loại ruộng gò, cày cấy một mùa ở chung quanh nhà.

– Nơi cư trú của người Miên có thể thay đổi, trước cuộc Nam Tiến của dân Việt. Họ bỏ nhiều giồng đất tốt, đề đến địa phương khác, lập thành những “sóc” mới cho ấm cúng hơn, nơi họ chiếm đa số. Nhiều xóm Miên mà nay ta còn thấy, những địa danh Miên mới xuất hiện đâu vào khoảng Gia Long, Thiệu Trị, Tự Đức hoặc khi họ chạy giặc lúc người Pháp đến. Một số đông “sóc” Miên ở Sóc Trăng, Rạch Giá gồm những người mà tổ tiên trước kia đã cư trú ở Vĩnh Long, Mỹ Tho, Long Xuyên (ở tại các tỉnh vừa kê trên, nơi người Việt chiếm tỷ số rất cao, gần như trăm phần trăm, vẫn còn nhiều địa danh Miên như Mỹ Tho, Sa Đéc, Nha Mân, Sóc Chét, Cà Mau, Tầm Bót, Tà Lọt, Chắc Cà Đạo).

Thời kỳ vùng Rạch Giá thuộc về vương quốc Phù Nam, chắc chắn là dân chúng sống ở trên giồng gần ven biển, cụ thể là vùng nay còn gọi Rạch Giồng, phía bắc chợ Rạch Giá. Lại còn những giồng ở Giồng Riềng ngày nay, gần làng Bàn Thạch (vùng Giồng Đá, đã nói). Vàm Rạch Giá có thề là một thương cảng nhỏ, dẫn đường vào thị trấn Ốc Eo (phía ngày nay gọi là vùng Chùa Phật Lớn, chùa Miên). Hòn Tre ở phía trước thương cảng Rạch Giá là nơi án ngữ cho thương cảng.

Tại những giồng đất bên sông Cái Bé, ngày nay chúng ta còn những địa danh như Cù Là, Xà Xiêm.

Cù Là, tức là nước Miến Điện, người xứ này đến chắc là để mua bán (xóm Cù Là ngày nay hãy còn, thuộc làng Vĩnh Hòa Hiệp, cách chợ vào khoảng 13 cây số ngàn). Điều đáng chú ý là người Miên gọi xóm này là Kompong Chenh bến có người Trung Hoa đến cư ngụ, mua bán. Không xa Cù Là cho lắm, phía Cà Lang (làng Minh Lương) còn địa danh Xà Xiêm, nói theo giọng Việt Nam; người Miên gọi rõ rệt là Sre Xiêm, tức là ruộng lúa của người Xiêm La, chứng tỏ rằng nơi đây người Xiêm đã di cư đến làm ruộng.

Khi người Pháp đến hồi cuối thế kỷ thứ 19, người Cù Là (Miến Điện) và người Xiêm đã vắng bóng, mấy ông bô lão ở địa phương cho rằng người Xiêm và người Cù Là đến vào lúc sau nầy, đâu vào đời Gia Long, hoặc trước đó không lâu.

Đến Rạch Giá trước tiên làm ăn chung đụng với người Miên là người Trung Hoa và người Việt từ miền Trung vào. Tuy không có tài liệu cụ thể, đích xác, chúng ta có thể quyết đoán không sai cho lắm rằng người Trung Hoa đến mua bán với người Miên, dùng đường biển (tàu Hải Nam); người Việt gồm đa số là ngư phủ. Nhưng nói chung thì thuở ấy vùng Rạch Giá không hấp dẫn cho lắm. Ngư phủ miền Trung thích đến đảo Phú Quốc, hoặc vùng mũi Cà Mau, nơi cá tôm nhiều hơn, chợ Rạch Giá chỉ là thương cảng phụ, kém quan trọng, so với Hà Tiên.

Dân Việt Nam ta đến vùng Rạch Giá, định cư và làm ruộng bắt đầu từ những chuyến tàu quốc của vua Gia Long, vào lúc Mạc Thiên Tứ, người nối nghiệp Mạc Cửu gặp hồi suy vong. Ngài cho trú quân ở vùng Cạnh Đền (vùng mà nhà khảo cứu L. Malleret suy luận rằng đã có di tích từ xa xưa, Cent Rues). Ngài dùng đất Rạch Giá và Cà Mau làm bàn đạp, làm đầu cầu đề tấn thối, khi qua Xiêm La (vào những năm 1777, 1782, 1783, 1784…). Theo Đại Nam nhứt thống chí (Lục tỉnh Nam Việt, tập hạ, bản dịch Tu Trai), những nhân vật và liệt nữ đều là người Long Xuyên, tức là Cà Mau: Dương công Trừng, Ngô công Quí, Trần phước Chất, Ngô văn Lựu, Nguyễn thị Nương.

Ngày nay, ở vùng Tân Bằng, vùng rạch Cái Tàu giáp ranh với tỉnh Rạch Giá, phía Nam, còn vài gia đình xưa tự nhận rằng tô tiên xưa kia là người phò vua Gia Long. Họ không có gia phả. Điều đáng ghi nhận là mãi đến lúc sau này, người Việt ở Rạch Giá Cà Mau không thích ghi chép gia phả, lý do thứ nhứt là cho rằng xui xẻo, có thề bị tuyệt tộc; lý do thứ nhì là trong tình trạng nhiễu nhương (giặc Gia Long – Tây Sơn, cuộc kháng Pháp hồi cuối thế kỷ vừa qua, dân chúng sợ bị trừng phạt, liên lụy đến bà con) không ai muốn ghi chép gia phả, nếu có thì đốt bỏ. Thay vào đó, để cho người một tông tộc dễ nhận nhau (trong trường hợp chạy loạn, tỵ nạn chánh trị phải thay tên đổi họ), người ta bày ra lễ cúng Vật Lề (còn gọi là Việc Lề), qui định rằng đến ngày nào đó trong năm, mỗi gia đình bày ra lễ cúng người trong tông tộc bằng một món tiêu biểu và chỉ có món ấy mà thôi, thí dụ như cúng bằng cá lóc, hoặc là tôm, hoặc cá sấu.

Những người tự nhận là con cháu của quân sĩ “Gia Long tẩu quốc” trước kia chắc không nói dối để làm gì, vì tự nhận như thế họ không hưởng được bổng lộc gì ráo, khi Nam Kỳ là đất tách rời khỏi triều đình Huế, thời Pháp thuộc.

Qua những trận giao tranh với Tây Sơn thời chúa Nguyễn tẩu quốc và phục quốc, (nhứt là trong giai đoạn chạy qua Xiêm rồi trở về), chúa Nguyễn gặp nhiều phen quá lận đận, quân sĩ phải ở lại, giả dạng thường dân, sống tự túc ở nơi khí hậu quá xấu. (Xứ đâu thị tứ bằng xứ Cạnh Đền, muỗi kêu như sáo thời, đỉa lội lềnh như bánh canh), một số quân sĩ không nhỏ của chúa Nguyễn đã mang bịnh, đã đào ngũ hoặc bị giải ngũ. Họ ở lại địa phương, khẩn hoang, lập vườn tược ở nơi giống đất cao ráo ven sông. Bên cạnh họ, còn một số ít người Trung Hoa, từ Hải Nam, từ Triều Châu (tỉnh Quảng Đông) đến. Ngày nay, còn vài địa danh như Rạch Tàu, sông Cái Tàu, Ngả ba Tàu, rạch Chệt. Tàu, tức là người Tàu, người Hoa kiều chớ không phải là tàu buôn, tàu bè. Họ Mạc lập ra Kiên Giang đạo và Long Xuyên đạo đề chỉnh đốn cơ sở hành chánh và quân sự, chứng tỏ rằng vùng Rạch Giá trở nên hưng thịnh phần nào vào khoảng năm 1757. Từ năm 1777, thương cảng Hà Tiên là nơi không ồn định, khi thì bị Xiêm La cướp phá, khi thì thuộc quyền kiểm soát của Tây Sơn, khi thì thuộc vào tay nhà Nguyễn. Vùng Rạch Giá – Cà Mau, tức là đạo Kiên Giang và đạo Long Xuyên được sáp nhập vào trấn Vĩnh (Vĩnh Long), lúa thâu thuế của hai đạo nói trên chở về nộp tại kho trấn Vĩnh.

Năm Gia Long thứ 7 (1808), vua Gia Long đổi hai đạo Kiên Giang và Long Xuyên thành huyện. Năm Gia Long thứ 9 (1810), Nguyễn văn Thiện làm trấn thủ Hà Tiên; hai huyện Kiên Giang và Long Xuyên giao trả lại cho tỉnh này.

Việc khẩn hoang tiến hành như thế nào?

Kỹ thuật canh tác ở nơi sình lầy có gì thay đổi?

Lúc bấy giờ dân Việt đã học được nhiều kinh nghiệm về cách canh tác của người Miên, như cách chọn giống lúa, sửa đồi kiều vòng gặt (liềm hái) đề gặt loại lúa cao giàn, ngoài ra còn sử dụng và cải biến chút ít những dụng cụ ngư nghiệp (lọp, xà búp…). Phía Bắc chợ Rạch Giá, vùng đất phèn, bị ngập lụt quá sâu vì ảnh hưởng của Hậu Giang vẫn là vùng bỏ hoang (vùng chung quanh Thất Sơn, núi Sập, vùng Cái Sắn).

Tại sao người Việt không dùng lúa sạ đề cày rồi sạ, không cấy, lúa sạ mọc nhanh theo con nước lụt?

Như đa số những người ở địa phương xác nhận thì giống lúa sạ chỉ dư nhập vào Nam Phần, phát triển vào khoảng 1910 trở về sau, do ông cha Conte, đem từ Kompong Cham (xem Monographie de la province de Long Xuyên, édit. du Moniteur d’Indochine, Hà Nội 1930), trên Cao Miên, hoặc là do ông cai tổng Vàng, cũng vào khoảng thời gian ấy (theo mấy bô lão ở Long xuyên Châu Đốc kể lại). Nhưng chúng tôi hơi thắc mắc, không hiểu tại sao người Việt Nam ta lại bỏ quên giống lúa sạ (riz flottant) mà tiền nhân chúng ta có lẽ đã biết dùng từ trước? Đại Nam Nhứt thống chí, Lục tỉnh Nam Việt, bản dịch Tu Trai của Nha Văn Hóa xuất bản ghi lại, nơi trang 7: “Nơi ruộng sâu, cắt cho sạch cỏ rồi vãi lúa giống xuống, không tốn công cày bừa” (tỉnh Vĩnh Long). Phải chăng đây là lúa sạ?

Năm 1816 đánh dấu giai đoạn quan trọng trong việc khẩn hoang: Thoại Ngọc Hầu Nguyễn văn Thoại được thăng trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, năm sau phụng chỉ đốc xuất việc đào kinh nối liền rạch Thủ Thảo (Long Xuyên ngày nay, lúc ấy gọi là Đông Xuyên) đến Chợ Rạch Giá; nói đúng ra thì rạch Thủ Thảo đã có sẵn, có thể lưu thông được đến Núi Sập (Thoại Sơn), công việc khó nhọc là đào con kinh chảy thẳng từ núi Sập đến Rạch Giá.

Nếu kinh Vĩnh Tế nổi liền Châu Đốc đến Hà Tiên nhắm vào ích lợi quân sự thì con kinh Thoại Hà này có ích lợi về giao thông và canh nông. Nước ngọt từ Hậu Giang chảy qua Rạch Giá, giúp cho dân chúng dễ định cư, không còn nạn uống nước mặn; đồng ruộng hai bên kinh nhờ nước ngọt mà trở nên phì nhiêu, khỏi sợ nạn lúa háp, khi nước mặn ở Vịnh Xiêm La tràn vào. Ngọn nước từ Hậu Giang chảy qua rất mạnh, tưới vào vùng phụ cận kinh Thoại Hà, khiến cho ruộng bớt phèn, dân chúng dễ định cư ở hai bên bờ. Nhìn vào bản đồ vùng Rạch Giá – Cà Mau, chúng ta dễ bị làm lẫn, ngỡ rằng sông rạch chằng chịt thì đường giao thông dễ dàng, về đường thủy. Thật ra, đường giao thông rất thiểu. Một số rạch nhỏ (rạch trời sanh) chỉ sâu vào mùa mưa, khi mùa nắng đến thì cạn; ghe to không di chuyển được đã đành nhưng xuồng nhỏ cũng khó bơi khó chống. Điều kiện cần thiết cho việc canh nông phát triển vẫn là chuyên chở dễ dàng sản phẩm; lúa chín gặt vào mùa nắng, cả trong ao trong đìa cũng tát bắt vào mùa nắng, tức là trong khi sông rạch khô cạn.

Chánh sách đồn điền đề xướng từ đời Gia Long dường như không áp dụng được vào khu vực tỉnh Rạch Giá (theo bản đồ thời Pháp thuộc), mãi đến nay, hai tiếng “đồn điền”, gần như là hoàn toàn xa lạ đối với mấy ông kỳ lão.

Tuy nhiên, chúng ta không nên đánh giá quá cao việc di dân sau khi đào kinh Thoại Hà. Vùng Rạch Giá còn quá đông người Miên, giồng đất cao ráo thì người Miên đã chiếm cứ từ lâu đời. Sông Cái Lớn, Cái Bẻ là vùng chịu ảnh hưởng nước mặn, với khá nhiều cọp sấu, cọp ở đất sình lầy, lội qua sông rất giỏi, tuy không hung dữ bằng cọp Trường Sơn nhưng quá lợi hại đối với người dân sống rải rác. Sấu thì lợi hại vô cùng vì ngoài loại sấu cá sống trong rạch nhỏ, trong lung bào giữa rừng U Minh còn loại sấu lửa. Cất chòi giữa rừng thì sợ cọp, sát mé sông thì sợ sấu, và khi mùa nước mặn đến, cọp phải tới lui vùng sát mé sông đề rình ăn… cua, ăn cá và ăn thịt người. Mãi đến đời Tự Đức, nạn cọp sấu hãy còn hoành hành (Chuyện Đời Xưa của ông Trương Vĩnh Ký có mấy bài nói về cọp Gò Quao ở Rạch Giá; người khẩn hoang thấy con cọp ngỡ rằng con chó vện, chuyện ngụ ngôn châm biếm bọn tham quan ô lại, đút sáp cho cọp ăn khỏi chết…). Hai nghề mà người lưu dân thích nhứt là nghề ăn ong (vào rừng lấy sáp ong, mật ong) và nghề khai thác sần chim (giết chim, loại chim thằng bè, bồ nông, chim già sói marabout) lấy lông bán cho người Trung Hoa, chở về Hải Nam, xuống Mã Lai đề kết quạt người phú hào hoặc vị quan to khi ngồi tại phòng khách có đứa tớ cầm quạt phe phầy, ra vẻ sang trọng, phong lưu, cán quạt làm bằng ngà.

Đám lưu dân này không cư ngụ tại sân chim ở rừng U Minh ven sông Cái Lớn, họ chỉ tới đó khi chủ thầu mướn trong mươi ngày rồi trở về.

Họ định cư tại đâu? Trả lời câu hỏi này thật là khó khăn, chúng ta tạm đưa ra giả thuyết: họ ở gần huyện lỵ (chợ Rạch Giá), nơi chủ quyền của người Việt khá vững chắc, với quân sĩ, quan lại. Hoặc là họ ở tận vùng ven biển Vịnh Xiêm La, nơi ngày nay gọi là Miệt Thứ (quận An Biên thời Pháp thuộc, nay là quận Kiên An), nơi đất sinh lầy gần ven biên, người Việt có thề sống với nghề chài lưới ngoài biên, làm chút ít ruộng lúa sớm (gặt vào khoảng tháng mười âm lịch). Họ đắp đập ngăn nước mặn, sát vàm rạch. Họ tạm xài nước dự trữ thiên nhiên dưới lớp than bùn; nước ngọt thì ra ngoài Hòn Tre mà chở về, hoặc Hòn Khoai, ở mũi Cà Mau. Nơi vùng ven biên thấp và sinh lầy nầy, họ sống trong hoàn cảnh thiếu vệ sinh, nhiều muỗi mòng, có bịnh rét rừng nhưng tránh được sự va chạm với người Miên ở những vùng đất giồng, cao ráo hơn.

Người Miên sống tập trung trên đất giồng, ven sông chung quanh chùa, mỗi xóm như vậy gọi là “srok”, ta gọi nôm na là “sốc”, sử ta âm lại là “súc”. Sự giao thiệp giữa người Việt và người Miên đã trải qua vài lúc khó khăn; nhắc lại không phải là đề khơi mối hận cừu ngày xưa, nhưng là để hiểu những nỗi khổ của dân khẩn hoang, đề thấy tại sao vùng Rạch Giá, Sóc Trăng, Cà Mau được thành hình quá chậm trễ.

Đây là phong trào khởi loạn có qui mô, xảy ra vào khoảng Thiệu Trị nguyên niên (184r). Người Miên ở Trà Vinh, ở Sóc Trăng, ở vùng Thất Sơn (An Giang), ở Rạch Giá gây nhiều rắc rối về nội trị. Nói chung, cầm đầu những cuộc khởi loạn này đa số là người Tàu, hoặc Tàu lai Cao Miên. Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Tấn Lâm, Nguyễn Công Trứ đã nhiều phen vất vả. Ở địa phận Kiên Giang, tuần phủ Lê Quang Huyên dẹp được cuộc khởi loạn của hai tên Xuy và Súc, trước kia hai tên này được lãnh chức An phủ sứ. (Xem Nguyễn Thiệu Lâu. Quốc sử tạp lục. Khai Trí, 1970).

Những cuộc khởi loạn ấy diễn ra cụ thể như thế nào?

Trong Gia Định thành thông chí (bản dịch Aubaret) ghi là quân khởi loạn ẩn núp trong vùng cây rậm (chắc là bờ tre chung quanh sốc), dùng ná lảy, cung tên mà tự vệ đồng thời cũng là để tấn công. Tướng Nguyễn Tri Phương cho quân sĩ dùng khiên bằng da trâu mà đỡ tên độc, dùng súng mà tấn công (?), lần hồi ra lịnh cho quân sĩ đổn phá những vùng có cây cối rậm rạp khiến đối phương không còn nơi ẩn núp.

Một hình thức nổi loạn khác – theo mấy ông kỳ lão kể lại lúc sau này thỉnh thoảng xảy ra vào cuối đời Tự Đức là người Miên dưới sự điều khiển của bọn thầy bùa thầy ngải dùng võ khí bén như dao, chà gạc, phang kéo cô thẳng (từ cây phãng lưỡi và cán theo góc thước thợ, kéo thẳng ra trở thành một thứ mã tấu). Đây là những cuộc tranh giành thuần túy về kinh tế, cướp giựt những đồng lúa đập sẵn chưa đem vô nhà khi mùa gặt đã chấm dứt, hoặc là tranh giành nhau vài miệng đìa đề tát cá. Tất cả dân chúng trong xóm Việt và xóm Miên kéo ra nghinh chiến, khi tấn khi thối, đánh trống đánh mõ. Lẽ dĩ nhiên, những chiến sĩ chủ lực trong cuộc tỉ thí này đều là đàn ông, bọn trai tráng. Đàn bà, trẻ con đứng phía sau cho rậm đám, dùng tiếng hò hét, dùng số đông mà áp đảo tinh thần đổi phương. Nếu thắng trận, cứ kéo tất cả đàn bà, con nít vào xóm của đối phương, tha hồ xúc lúa, lùa trâu, vơ vét sạch sành sanh từ cái chén, cái hũ, hoặc bắt sổng, cưỡng hiếp phụ nữ. Nhiều người nhát gan khi cuộc tranh chấp đang lúc gay go đổ máu thì vắng mặt, đứng ngoài đề chờ thời cơ, khi thắng trận thì nhảy vào chia phần, vơ vét những đồ tế nhuyễn, gọi là “đi hội”.

KHI NGƯỜI PHÁP ĐẾN…

Năm 1867, thành Vĩnh Long mất, thực dân Pháp thừa thể xông lên, chiếm An Giang (Châu Đốc) và Hà Tiên gần như không tổn một giọt máu nào cả.

Lỗi này phần lớn do cụ Phan Thanh Giản gây ra, thái độ nho nhã và ôn hòa bất hợp thời của cụ khiến các toán quân ở Hậu Giang thêm hoang mang.

Người Miên trong sốc tỏ thái độ trung lập trong cuộc tranh chấp Việt – Pháp, cũng như sau nầy họ lánh xa những nơi xảy ra các cuộc giao tranh do nghĩa quân dấy lên, ở Cần Thơ (Ba Láng), ở Cà Mau, ở Rạch Giá.

Người từ ba tỉnh miền Đông đã đồ dồn về ba tỉnh miền Tây, sau khi triều đình ký hòa ước 1862. “Tỉnh Mỹ Tho, trước kia có 18.000 dân đinh, bây giờ chỉ còn lại chừng 8.000. Và trong lúc tôi viết mấy hàng nầy, nhiều làng tản cư toàn bộ trốn sang vùng của Triều đình kiềm soát” (G. Francis. De la colonisation de la Cochinchine, Challamel, Paris, 1865).

Trong quyển La Cochinchine et ses habitants (provinces de l’Ouest) in tại Sài Gòn năm 1894, bác sĩ Baurac nhận xét: “Dân số tỉnh Rạch Giá xưa kia có 35.000, mấy năm nay lên đến 90.000″. Cũng vào khoảng ấy, theo tài liệu nói trên thì diện tích tỉnh Rạch Giá là 800.000 mẫu tây, chỉ mới khai thác có 100.000 mẫu mà thôi, trong khi tỉnh Bến Tre, Trà Vinh đã khai thác hơn phân nửa diện tích.

Những con số thống kê trên đây khó được chính xác cho lắm. Người Pháp đi thám hiểm, du khảo đến đâu là dân chúng chạy trốn tới đó.

Dân số ở Mỹ Tho sụt, dân số Rạch Giá gia tăng nhanh chóng; điều ấy xác nhận rằng khi người Pháp đến, dân chúng đồi vùng vì lý do tỵ nạn chánh trị. Họ không muốn sống dưới sự kiểm soát của thực dân. Và khi tỉnh Vĩnh Long mất, mất luôn toàn cõi Nam Kỳ thì dân chúng cố tìm những vùng mà người Pháp khó kiểm soát, như Rạch Giá, Cà Mau mà cư ngụ, lánh mặt.

Năm 1885 và 1886, nhà nước thuộc địa ra lịnh cho các quan tham biện (người Pháp) phải đốc thúc hương chức làng lập địa bộ mới. Việc lập địa bộ ấy là dịp cho một số Việt gian, cường hào cướp giựt đất ruộng của dân lương thiện, yêu nước. Làm sao người có dính líu tới cuộc kháng Pháp dám ra mặt để khiếu nại về quyền sở hữu đất đai và chắc là nhiều người không màng đến đất đai riêng tư, khi nước đã mất

Những người xuống lập nghiệp ở Rạch Giá và Cà Mau gồm đa số là nghĩa quân bại trận (của phong trào Trương Định, Thủ khoa Huân, Thiên hộ Dương Nguyễn Trung Thực và những phong trào khác nhỏ bé hơn) và nông dân mất ruộng vì kế hoạch lập địa bộ mới của thực dân. Những thủ đoạn khủng bố của tổng đốc Lộc, của tổng đốc Phương được nói đến nhiều, xin miễn nhắc lại. Trong việc lập địa bộ mới, lính mã tà, bồi bếp, tình nhơn của bọn Pháp được ưu tiên. Một số đất của nhà chùa cũng bị mất luôn.

Đám người yêu nước, tránh tập nã và mất ruộng nầy đến vùng Rạch Giá để sống kham khổ trong giai đoạn đầu tiên ở hai con sông chánh là Cái Lớn, Cái Bẻ hoang vu với cọp sấu, nhứt là chưa có nước ngọt đề uống hằng ngày vào mùa nắng, nói chi đến việc làm ruộng. Con kinh Thoại Hà do Thoại Ngọc Hầu đào chỉ tạm giải quyết cho một số người ở phía bắc tỉnh Rạch Giá mà thôi.

Đợt người từ Long Xuyên, Cần Thơ, Tân An, Châu Đốc xuống Rạch Giá – Cà Mau lập nghiệp sống lang thang, xa lánh những nơi chợ phố, họ đặt hy vọng vào phần đất vô chủ, vì khó khai thác nên người địa phương không thèm chú ý đến. Quan chủ tỉnh Benoist, quan chủ tỉnh Brière đã viếng ngọn sông Cái Lớn, phía Ngả Ba Đình, đến “một vùng đầy lác, tràm, cây cối dày bịt”, đến Cà Mau đề thấy rằng ghe chở củi khá nhiều, nhưng trong bộ chỉ ghi có 3 chiếc.

Năm 1871, quan chủ tỉnh Brière đến vùng ngọn sông Cái Lớn, phía giáp qua địa phận tỉnh Cần Thơ, tại rạch Cái Cau (làng Phương Bình, quận Long Mỹ, thời Pháp thuộc). Đây là một vùng âm u, khó sống: “Xuồng phải chống trên cỏ, lướt tới như bàn trượt (patins). Dùng sào mà chống, gặp chỗ dày bịt thì cắt cỏ cho trống trải. Rạch Cái Cau là nơi tụ họp của trâu rừng. Lâu lâu phải cõng nhau đề định rõ phương hướng; sậy, để cao quá hai thước. Khi chạng vạng, muỗi bu lại ào ào, đêm thì ngủ trên sàn, đốt lửa bốn phía. Khi ăn cơm, bắt vài con rùa mà nướng làm thức ăn. Chống xuồng liên tiếp bốn tiếng đồng hồ mới qua khỏi cánh đồng lúa ma (riz sauvage). Gặp đìa, gặp đường mòn của những chiếc cộ kéo cá… Choại mọc um tùm, gặp đàn voi trên mười con, bèn bắn súng để hăm dọa…” (xem Excursions et Reconnaissances, tome I).

Người Pháp chú trọng việc mở mang đường giao thông, nhứt là đường thủy. Con kinh Xà No nối liền rạch Cần Thơ qua sông Cái Lớn giúp cho đồng ruộng bớt chịu ảnh hưởng nước mặn, nông dân có nước ngọt mà tiêu dùng hằng ngày, giúp cho lúa gạo và nông phàm khác được lưu thông dễ dàng, đến tận Sài Gòn (kinh Xà No đào từ năm 1901 đến năm 1903). Tiếp theo đó, từ năm 1906 đến 1908, nhiều con kinh xáng khác thành hình, nối liền nhau, tạo ra hệ thống kinh rạch Ngả Năm, Ngả Bảy.

Đất ở gần mấy con kinh này trở nên quí giá; nhà nước cho dân trưng khần, nói đúng ra là cho một số điền chủ có ăn học ở Vĩnh Long, Long Xuyên, Mỹ Tho, một số thầy thông thầy ký, thầy đội ma tà, cai tồng, những người khéo chạy chọt, am hiểu luật lệ trưng khân, trong khi người dân địa phương sau khi ruồng phá rừng rậm, đóng thuế cho hương chức làng sở tại thì yên tâm, ngỡ rằng phần đất ấy thuộc về mình làm sở hữu chủ theo lẽ công bằng. Những cuộc khẩn đất úp bộ ấy mặc nhiên tạo ra nhiều bất công, dân dốt bị mất đất, trở thành tá điền. Cuộc tranh chấp có khi đổ máu, ở làng Ninh Thạnh Lợi, năm 1927 (với màu sắc mê tín, bùa phép, gọi là giặc Chủ Chọt). Hoặc là phong trào tự động, bột phát như trường hợp ở Nọc Nạn (Giá Rai, Bạc Liêu), ở Thạnh Quới (Cái Sắn), ở vùng chân núi Ba Thê.

Mức sản xuất lúa gạo gia tăng thêm, nơi đất rộng dân ít. Nhưng lúa gạo ấy tập trung vào tay đại điền chủ, vào tay trung gian Hoa Kiều đề xuất cảng. Bờ sông Cái Lớn lần hồi hết cọp sấu, mấy giồng đất khá cao là nơi phì nhiêu, thuận lợi đề làm rẫy: rẫy khoai lang, rẫy cải củ, rẫy khóm, thơm. Lâu ngày, chất đất bớt mầu mỡ, giồng đất trở thành vườn cau, vườn dừa hoặc trở thành ruộng. Một số người Triều Châu đến vùng đất rẫy nầy làm ăn khá giả nhưng khi đất trở nên cằn cỗi thì họ đổi qua nghề mua bán chớ không làm ruộng.

Đâu vào năm 1942, thực dân Pháp cho mộ một số nông dân từ Nam Định, Thái Bình (Bắc phần) vào Rạch Giá, đến định cư tại làng. Sóc Sơn. Nhà nước thực dân giúp cho một số trâu, heo giống nhưng việc canh tác không thâu kết quả như ý muốn. Đồng bào ở Bắc Phần khó làm quen với cách cày bừa, đào đất ở nơi đất phèn sình lầy, và vùng Sóc Sơn không có hoàn cảnh đề làm thêm những nghề phụ.

Đời sống người tá điền, trong chế độ đại điền chủ ra sao?

Rất thấp kém, về vật chất lẫn tinh thần. Thiếu trường học, thiếu phương tiện giải trí. Cây tràm và lá dừa nước có đó nhưng người tá điền luôn luôn thiếu nợ, họ có thể bị đuôi ra khỏi điền bất cứ lúc nào. Họ cất tạm một căn chòi hoặc căn nhà nhỏ mà ở cho qua buổi (gọi khôi hài là nhà đá, vì đá một cái mạnh, theo kiểu đá banh thì nhà sập ngay)… Lúa gạo thì thừa thãi đề xuất cảng, trên sách vở hay trên bảng thống kê nhưng người tá điền lắm khi không có gạo mà ăn, bao nhiêu huê mầu phải đóng tất cho chủ điền, chủ nợ (khi thất mùa) – “ngoài đồng lúa chín vàng mơ, trong nhà mờ con mắt”, con mắt mờ vì đói.

Cá tôm thì dẫy đầy nhưng có chủ, nếu ở trong đất, trong kinh rạch của điền chủ. Cá ở sông rạch thì thuộc về nhà nước, do người đấu giá thủy lợi khai thác. Vài người siêng năng làm mắm để dành, nhưng ra giêng, cá chưa thành con mắm là chủ nhà đem bán gấp đề lấy tiền mà xài. Một ngôi nhà lầu với cái lẫm lúa chừng năm bảy căn mọc lên là nhứt định chung quanh đó phải có đôi ba trăm căn nhà xiêu vẹo.

Thực dân đã làm cho mức sống người tá điền khổ cực, tá điền dầu siêng năng cũng lâm vào tình trạng bán thất nghiệp vì lý do sau đây:

– Kỹ thuật canh tác không thay đổi gì ráo, so với thời vua Tự Đức; cày trâu, phát cỏ, cấy và gặt đều dùng sức người, tát nước cũng vậy. Người dân phải vác lúa thật xa, từ ngoài ruộng vào nhà, nơi không. có xe trâu hoặc thiếu kinh rạch.

– Kinh rạch quá thiếu thốn, vài người điền chủ đào thêm vài con kinh nhỏ trong điền đất nhưng không thấm vào đâu.

– Lúa giống không được tuyển chọn, sở Canh Nông của nhà nước hầu như là cơ quan làm việc chiếu lệ, xa rời thực tế. Tuyệt nhiên, người dân không biết phân bón hóa học.

– Lúa bán mất giá vì qua tay nhiều trung gian Huê kiều.

– Địa tô thâu quá cao, tùy ý người chủ điền, tiền vay bạc góp lúa vay thì chịu lời quá nặng, tỷ lệ trăm phần trăm trong vòng bốn tháng.

– Đơn vị đo lường không được thống nhứt, đất chia ra từng đơn vị nhỏ là công, mỗi công ra tầm, mỗi tầm xê xít đôi ba tấc. Một gia lúa là hai táu, mỗi táu là 20 lít nhưng có loại táu thùng ngang, táu ván, táu lít to hoặc nhỏ hơn. Người tá điền dư hiểu những thủ đoạn bốc lột phong kiến ấy nhưng hễ tranh đấu là bị buộc tội… làm quốc sự, bị đuổi ra khỏi điền.

Thực dân không phải là không đủ thông minh để thấy rõ những vấn đề trên, nhưng chúng cố ý dung dưỡng chế độ đại điền chủ với cách thức bóc lột phong kiến; mỗi ông chủ là một vua chúa nhỏ với luật lệ riêng, do đó nếu kiêu hãnh thì người đại điền chủ dễ trở thành cường hào, ác bá. Hoặc họ giả vờ đứng ngoại cuộc, giao phó cho một số nha trảo thay mặt khi đòi nợ, kiểm soát lúa gạo (mùa gặt, tá điền không được đem lúa ra khỏi phạm vi đồn điền, nếu không có phép của điền chủ, đề phòng trường hợp bán lẻn lúa ra ngoài trước khi thanh toán nợ nần).

“Đại phú do thiên, tiểu phủ do cần” là bài học không bao giờ thực hiện được khi thực dân Pháp còn đó; tá điền mặc nhiên là từng lớp áo ôm khố rách, không tấc đất cắm dùi, có người nhận định đó là từng lớp bần cố nông, công nhân nông nghiệp. Họ sống qua ngày, không màng đến việc trồng tỉa chung quanh nhà như trồng thêm vài cây dừa, cây chuối, bụi trúc: muốn trồng thì phải được sự chấp thuận của chủ điền; chưa chắc người tá điền còn ở đó năm ba năm đề hưởng huê lợi, họ trốn qua xứ khác hoặc đành năn nỉ với điền chủ đề được ở lại, khi bị đuổi ra khỏi nhà. Trẻ con sống quá cực, bịnh tật, nhiều đứa ở mướn chăn trâu cho chủ điền với đồng lương rất buồn cười là một đồng rưỡi một năm, khoảng 1926. Trong nhiều trường hợp, đứa bẻ trở thành một thứ động sản để cha mẹ đem cầm đem cố khi túng bẩn, cần vay tiền nặng lời. Cha mẹ mượn năm bảy hoặc mươi đồng bạc, đứa bé đành ở đợ năm này qua năm khác vì nợ mà cha mẹ vay lại đẻ thêm tiền lời, chồng chất. Đàn bà làm lụng cực khổ suốt mùa gặt, mùa cấy, lắm khi chỉ là đề trả nợ cho chồng. Nhiều người đàn ông ham mê cờ bạc, ăn chơi suốt tháng giêng là đồ ra không biết bao nhiêu là nợ, họ lãnh tiền trước đề cày, phát cỏ, gặt, thấp hơn thời giá, suốt năm cả nhà làm việc để trả nợ, không rảnh rang để bắt cá hái rau mà ăn.

Bởi vậy, vì nhìn không thấu đáo vấn đề nên người ngoại cuộc vô tâm chỉ thấy ở Rạch Giá – Bạc Liêu có hai từng lớp chánh. Từng lớp trên là những cậu công tử Bạc Liêu, xài tiền như nước, rất mực phong lưu tuy rằng dễ phá sản. Từng lớp bên dưới gồm một số đông người lười biếng ưa uống rượu, ham cờ bạc, ăn ở mất vệ sinh, ưa tụ họp để đờn ca Vọng Cổ, hoặc theo tôn giáo mà không hiểu giáo lý, hoặc là tập tành nói chuyện quốc sự mà dốt nát, không biết đọc biết viết, không hiểu lý thuyết chánh trị, triết học, chủ nghĩa.

Hồi đầu thế kỷ 20 thực dân Pháp đào kinh xáng, giúp cho công việc chuyên chở dễ dàng. Lúa gạo được xuất cảng, người nông dân tạm thấy phấn khởi, hăng hái cày bừa vì quả thật đời sống của họ khá hơn đời vua Tự Đức.

Đó là sự mở mang, nhờ nhà nước Đại Pháp, nói theo giọng của Phạm Quỳnh.

Và đó cũng là tội của nhà nước Đại Pháp đã làm cho người dân từ chỗ phấn khởi đi đến tình trạng cụt hứng và phẫn nộ, bi quan ở giai đoạn cuối cùng của cuộc Nam Tiến.

Bài này nói nhiều về những vấn đề xã hội chánh trị rất gần, trước năm 1945 nhưng thiết tưởng không lạc đề, nếu danh từ Nam Tiền được hiểu theo nghĩa khẩn hoang, một công tác mà thực dân Pháp đã làm đình trệ. Nếu những cuộc vận động cách mạng của các liệt sĩ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh mà thành công thì nước ta đã có bộ mặt khác, người đổ mồ hôi để khẩn hoang được đối xử công bình, xứng đáng với công lao hơn.

Sơn Nam
Tập San Sử Địa

Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm

PHỤ CHÚ:

Trong phạm vi bài nầy, chúng tôi viết tóm tắt mà thôi. Để nghiên cứu việc khẩn hoang ở miền Nam, đặc biệt là vùng Hậu Giang, chúng tôi có biên soạn mấy quyền:

– Tìm miền đất Hậu Giang (Phù sa xb. Saigon 1959).

– Nói về miền Nam, (Lá Bối xb.), chúng tôi thử nêu vai trò người dân Hai Huyện, nhận xét về ca dao miền Hậu Giang..

– Người Việt có dân tộc tỉnh không ? (An Tiêm xb. 1969) với phần nhận xét về những sự tiếp nhận và phản ứng về văn hóa giữa dân Việt và người Miên, người Tàu, người Pháp.

– Đồng bằng sông Cửu Long hay là Văn Minh Miệt Vườn (An Tiêm xb. 1970) với một mục nhỏ: Văn Minh Miệt Vườn phát triển qua vùng đất phèn Vịnh Xiêm La

Đó là những bước dò dẫm đề tự học, viết để nêu vấn đề.

– Nên thúc đẩy việc thành lập một Viện Bảo Tàng về Nhân học ở Cần Thơ, sưu tầm những dụng cụ nông nghiệp, ngư nghiệp như những kiều cày bừa, phãng phát cỏ, nọc cấy, vòng gặt, lờ lọp, đăng, đó. Hoặc những kiểu xuồng ghe của người Việt và người Việt gốc Miên. Những nhà Mạnh Thượng Quân quốc tế, những nhà nhập cảng nông ngư cơ nên giúp vào việc này, giúp vô điều kiện. Viện Bảo Tàng nói trên giúp cho người dân thêm phấn khởi, tự tin.

– Một trong những thành tích khẩn hoang trong cuộc Nam Tiến là khai thác vùng rừng rậm (rừng sác Cà Mau với lò hầm than, rừng tràm vùng Rạch Giá đề lấy củi). Nhìn bản đồ, chúng ta thấy ở Hậu Giang có khu rừng sác và rừng tràm lớn nhứt và đẹp nhứt của nước Việt và của Đông Nam Á. Lại còn việc khai thác ngư nghiệp ở ven biên, ở hải đảo (như Phú Quốc, Sơn Rái).

– Nên tổ chức lại Văn Khố đề người hiếu học có thể nghiên cứu thêm, thí dụ như hồ sơ về cuộc khởi loạn Nọc Nạn, Thạnh Quới, Ninh Thạnh Lợi, cùng những việc kiện tụng, tranh chấp ranh giới ruộng đất giữa các ông đại điền chủ: nhiều vụ kiện diễn ra khá sôi nổi và ngoạn mục suốt đôi chục năm, mãi đến 1945 mà chưa kết thúc Lại còn kê khai, xác định rõ rệt niên biểu việc đấu thầu đào kinh xáng, khai thác “cúp rừng”.

– Đồn điền của người Pháp ở Hậu Giang là đề tài lớn, nghiên cứu sự tổ chức của họ, so sánh với các điền đất của người Việt; công và tội của mấy công ty đồn điền nầy và các công ty Pháp khai thác lâm sản.

– Lập tức ghi chép những sử liệu sống, do những người lớn tuổi thuật lại. Người sống cỡ 80 tuổi ở Hậu Giang là quyền sách sống, hiểu biết nhiều điều mà thực dân Pháp cố ý che giấu hoặc không thấy vì quan điểm trục lợi của chúng.

– Chánh phủ và Quốc Hội nên nghiên cứu chu đáo một sắc luật qui định việc khai quật, sưu tầm, tàng trữ những cổ vật (mua lại như thế nào, khuyến khích như thế nào). Vùng Hậu Giang còn nhiều nơi mà trước kia người Pháp không chú ý đúng mức, họ chỉ tập trung khả năng vào vùng Cao Miên với Đế Thiên Đế Thích, xem thường vùng Thủy Chân Lap.

– Nên cho tái bản Đại Nam nhứt thống chí (Lục Tỉnh Nam Việt), điều chỉnh lại những địa danh, đối chiếu địa danh trong sách và địa danh hiện nay đề người địa phương đọc và theo dõi, do đó có hứng thú trong việc tìm tòi sử liệu. Cho ẩn hành bản dịch Gia Định Thành Thông Chi.

– Điều chỉnh về chánh tả những địa danh trong bản đồ, ghi thêm những địa danh Việt Nam: Archipel des Pirates, Cap de la Table là vùng nào theo người Việt ở địa phương? Người Pháp không chú ý những dấu sắc dấu huyền, họ viết cho họ đọc theo giọng lơ lớ: Bà Lai hay Bà Lai? Sông Cái Bé ở Rạch Giá nhưng ở tỉnh Mỹ Tho thì có Rạch Cái Bè, Chót mũi Cà Mau, ta gọi là mũi Bãi Bùn (bùn đất, phù sa) nhưng người Pháp cứ ghi là Bùng (có chữ G) khiến ta liên tưởng đến… giông tố bão bùng.

Nghiên cứu về cuộc Nam Tiến là ngành học còn dành nhiều lý thú, ít ra trong vòng năm sáu chục năm nữa, nếu chúng ta không câu nệ, không áp dụng máy móc lối nghiên cứu quá chú trọng vào sách vở do thực dân ghi lại. Đành rằng P. Gourou, P. Bernard để lại những tài liệu đáng chú ý, nhưng chẳng lẽ quanh đi quẩn lại chúng ta chỉ dẫn chứng đến họ. Giai thoại, chuyện truyền khẩu đáng được chú ý, gạn lọc lại. Lại còn tiểu thuyết của ông Hồ Biểu Chánh. Đặc biệt là một quyển tiểu thuyết của Phan Huấn Chương, (tác giả quyển Hòn Máu Bỏ Rơi, được chú ý một dạo, người viết văn học sử đã vô tình hay cố ý bỏ quên), quyển TAN TÁC, được giải khuyến khích của Tự Lực Văn Đoàn nhưng chưa xuất bản. Chúng tôi gặp được bản thảo quyền Tan Tác này, tiếc thay bị thất lạc hồi chạy giặc 1945, nội dung nói về cuộc tranh chấp đất ruộng của nông dân vùng Thạnh Quới, Cái Sắn. Một gia đình nông dân nọ bị cường hào giựt đất, anh em thì ở tù, con cái thì xiêu lạc lên Sài Gòn đề làm gái mãi dâm, chị một nơi, em một ngả. Chị làm gái mãi dâm, gặp lại đứa em thơ nghèo nàn đang đi lang thang, chị cho em một số tiền rồi thì chị em chạy lạc khi một cái đám ma đi ngang qua. Hoàn cảnh đã đưa đẩy gia đình nông dân lương thiện nọ đến tình trạng tan tác, lúc ban đầu vì hoàn cảnh chánh trị, lúc sau là do sự tự nguyện của người chị làm nghề mãi dâm, xấu hổ nên cố ý lánh mặt đứa em.