Thời Minh mạt, người Nữ Chân tiến đánh nhà Minh, đội quân Bát Kỳ đánh đâu thắng đó, các quan tướng nhà Minh sợ hãi lúng túng đối phó. Lúc đó nhà Minh vẫn còn một người có thể đứng ngăn cơn sóng dữ: Viên Sùng Hoán.

Đội quân Bát Kỳ đánh đâu thắng đó

Tháng 4/1619 diễn ra trận Tát Nhĩ Hử nổi tiếng, Đại Hãn nước Đại Kim của người Nữ Chân là Nỗ Nhĩ Cáp Xích chỉ huy 6 vạn quân Bát Kỳ đánh tan 14 vạn liên quân Minh – Triều Tiên – Diệp Hách chỉ trong 6 ngày. Việc này làm chấn động triều đình nhà Minh. Danh tiếng Nỗ Nhĩ Cáp Xích cùng đội quân Bát Kỳ vang xa.

Sau đó Nỗ Nhĩ Cáp Xích đưa quân tiến xuống phía nam đánh chiếm Khai Nguyên, Thiết Lăng, Liêu Dương, Trung Trấn, Thẩm Dương, khống chế toàn bộ vùng đất phía đông Liên Hà.

Năm 1621, Nỗ Nhĩ Cáp Xích dời đô về Liêu Dương nhằm khống chế toàn bộ vùng Liêu Đông, sau đó đánh chiếm luôn vùng Liêu Tây. Lúc này Nỗ Nhĩ Cáp Xích mới tạm ngừng tiến quân để củng cố lực lượng và các vùng đã chiếm. Đội quân Bát Kỳ cũng tăng từ 6 vạn lên 13 vạn.

Thua trận liên tiếp khiến triều đình nhà Minh chấn động, xử tội các viên tướng để thua trận, kẻ thì tống ngục, kẻ thì đem chém.

Các quan tướng liệu sức không chống nổi liền hiến kế bỏ phần đất ngoài quan ải, chỉ tập trung trấn giữ Sơn Hải Quan chặn đường tiến đến kinh thành.

Viên Sùng Hoán - Viên tướng rường cột tận trung với triều đình nhà Minh.
Kỵ binh Bát Kỳ của nhà Thanh, tiền thân là Bát Kỳ Đại Kim. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Tình nguyện ra nơi biên ải

Nhà Minh lúc này có Viên Sùng Hoán sinh năm 1584 ở tỉnh Quảng Đông, đỗ tiến sĩ năm 1619. Các văn sĩ bấy giờ cũng hay bàn việc binh, vì thế mà có tướng sĩ nào từ biên ải trở về ông đều hỏi han tình hình chiến sự nhờ đó mà nắm được tình hình cuộc chiến.

Sau vì có người tiến cử nên triều đình gọi Viên Sùng Hoán về giữ chức Phương tu chủ sự ở bộ Binh vào năm 1622.

Theo Minh sử, chứng kiến cảnh các quan tướng bất lực hiến kế bỏ vùng đất phía ngoài quan ải cho Đại Kim, Viên Sùng Hoán đã tự tin tâu lên Hoàng Đế Minh Hy Tông rằng: “Nếu như cấp cho thần đầy đủ lương thực, binh mã, một mình thần cũng có thể bảo vệ được vùng đất Liêu Đông”.

Các tướng lĩnh đều bất lực, không muốn ra trận, nay lại có người tình nguyện xin đi, Minh Hy Tông mừng rỡ cấp cho Viên Sùng Hoán 20 vạn quân lo củng cố thành lũy, giám sát việc ngoài quan ải chặn quân Đại Kim.

Kế hoạch khác biệt

Lúc này nhà Đại Kim đang chuyển đến kinh đô mới ở Thạnh Kinh (tên cũ là Thẩm Dương), lại xây dựng tăng quân Bát Kỳ, nên chưa thể tiến quân, vì thế mà quân Minh có thời gian củng cố thành lũy. Mọi người cho rằng Viên Sùng Hoán sẽ tập trung quân phòng thủ Sơn Hải Quan, nhưng Viên Sùng Hoán lại sửa sang tập trung phòng thủ thành Ninh Viễn.

Viên Sùng Hoán muốn Sơn Hải Quan là hậu phương, xây dựng thành Ninh Viễn thành điểm phòng thủ bên ngoài, vừa bảo vệ dân, vừa tiếp viện và bảo vệ cho Sơn Hải Quan.

Các quan lại và tướng lĩnh đều cho rằng cách làm của Viên Sùng Hoán là điên rồ, bởi thành Ninh Viễn sẽ không chịu nổi cuộc tấn công như bão táp của đội quân nổi tiếng thiện chiến Bát Kỳ.

Viên Sùng Hoán cho xây thành với tường cao 3 trượng 2 tấc, sống tường cao 6 tấc, đế tường rộng 3 trượng, mặt trên tường rộng 2 trượng 4 tấc. Trên mặt thành được trang bị nhiều khẩu đại pháo hiện đại nhất lúc đó được nhà Minh mua từ các thương gia Bồ Đào Nha và Hà Lan, quân Minh gọi là Hồng Di đại pháo.

Viên Sùng Hoán không tán thành cách bỏ vùng đất ngoài quan ải cho quân Đại Kim. Ngoài thành Ninh Viễn ông cũng xây dựng thành Cẩm Châu vững chắc nhằm kiểm soát vùng đất ngoài quan ải và làm giảm áp lực cho Sơn Hải Quan. Biến quan ải quan trọng nhất là Sơn Hải Quan thành hậu phương, còn tiền đồn là thành Ninh Viễn và Cẩm Châu.

Sau đó Viên Sùng Hoán xây dựng các thành Miên Châu, Trung Sơn, Sa Sơn, Hữu Đồn và Đại Lãng Hà, thành tuyến phòng thủ tiền tiêu, nhằm bảo vệ đất đai ngoài quan ải và dân chúng.

Hoàng Thái Cực
Viên Sùng Hoán – Viên tướng rường cột tận trung với triều đình nhà Minh. (Tranh: Wikipedia, Public Domain)

Chỉ còn 1 vạn quân

Lúc này ở trong Triều, Ngụy Trung Hiền trông coi Đông Xưởng làm loạn triều đình. Ngụy Trung Hiền muốn lôi kéo Thượng thư bộ Binh là Tôn Thừa Tông (đứng đầu bộ Binh tức chỉ huy quân đội) về phe mình, nhưng Tôn Thừa Tông không chịu. Đám hoạn quan Ngụy Trung Hiền liền tấu lên Hoàng Đế nói xấu Tôn Thừa Tông khiến ông bị mất chức, đưa Cao Đệ lên thay.

Cao Đệ cho rằng các thành ngoài quan ải sẽ không thể giữ được, lệnh ngừng xây dựng và rút quân hết ra khỏi Miên Châu, Trung Sơn, Sa Sơn, Hữu Đồn và Đại Lãng Hà đến tập trung phòng thủ Sơn Hải Quan.

Viên Sùng Hoán kiên quyết phản đối nói với Cao Đệ rằng: “Binh pháp có tiến không thoái. Mấy tòa thành ở quan ngoại đã thu phục được, những địa điểm đó làm sao có thể dễ dàng bỏ trống được? Một khi vứt bỏ Cẩm Châu, Hữu Đồn thì Ninh Viễn và Tiền Đồn (phía tây nam Ninh Viễn) sẽ bị uy hiếp, Sơn Hải quan cũng sẽ bị mất đi tấm bình phong. Bây giờ chỉ cần tuyển chọn một viên tướng có năng lực đến phòng thủ những nơi đó, không thể có suy nghĩ khác đi được”.

Cao Đệ không nghe mà còn đi một bước nữa là bỏ cả thành Ninh Viễn và Cẩm Châu, tức bỏ hết ngoài quan ải để tập trung phòng thủ Sơn Hải Quan.

Nhưng rút hết ngoài quan ải thì không ai bảo vệ dân khiến dân chúng ly tán, quân ngoài biên ải cũng cần dựa vào dân. Viên Sùng Hoán nói rằng: “Ta là tướng trấn giữ Ninh Viễn Tiền Đồn, lúc này là tướng thì phải chết tại đây, quyết không lùi bước!”

Thấy Viên Sùng Hoán thà chết không bỏ thành, Cao Đệ liền để cho ông 1 vạn quân giữ ngoài quan ải, rồi đưa toàn quân rút đến Sơn Hải Quan. Dân chúng trăm họ già trẻ lớn bé thấy quan quân rút thì cũng sợ hãi bỏ nhà bỏ đất chạy đến Sơn Hải Quan, tình hình hỗn loạn, tiếng khóc than ai oán.

Chỉ còn lại 1 vạn quân làm sao giữ thành, Viên Sùng Hoán liền dâng sớ lên Hoàng Đế xin về quê chịu tang, nhưng Hoàng Đế không đồng ý muốn ông tiếp tục giữ thành.

Xem chiếu chỉ, Viên Sùng Hoán lấy quốc nạn làm trọng, khó khăn cũng không thể từ bỏ, ông có nghị lực và sự kiên nhẫn phi thường, tiếp tục bố trí quân chuẩn bị chống lại quân Đại Kim.

Tháng giêng năm 1626, Đại Hãn Nỗ Nhĩ Cáp Xích đưa 13 vạn quân Bát ký tiến đánh thành Ninh Viễn, ở trong thành chỉ có Viên Sùng Hoán cùng 1 vạn quân theo ông, thế nhưng Viên Sùng Hoán không hề nao núng. Ông cùng các đại tướng Mãn Quế, Phó tướng Tả Bộc Chu Mai, Tham tướng Tổ Đại Thọ, Thủ bị Hà Khả Cương hội cùng các tướng sĩ thề quyết tử giữ thành quyết không lùi nửa bước.

Viên Sùng Hoán lấy máu từ ngón tay mình viết lời thề, 1 vạn tướng sĩ phấn khích cùng thề quyết tử giữ thành Ninh Viễn.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: