Vũ trụ trong Thần Khúc của Dante – Kỳ V: Hỏa ngục – Tầng địa ngục thứ tư và ý nghĩa sự xuất hiện của Chư Thần
- Quang Minh
- •
Thần Khúc của Dante là một trong những bản trường ca vĩ đại nhất của thế giới, đứng ngang hàng với Iliad của Homer, Thiên đường đã mất của Milton, hay Đấng cứu thế của Klopstock. Nó đưa người đọc đến với một vũ trụ quan đầy sức tưởng tượng và tính ẩn dụ, để tìm cách trả lời cho câu hỏi mà nhân loại vẫn luôn tìm kiếm: “Chết rồi thì sẽ đi về đâu?”
Tiếp nối kỳ IV, Dante và Virgil men theo đường tròn quanh tầng Phàm ăn để xuống tới tầng tiếp theo trong Địa ngục:
Chúng tôi men theo đường tròn vòng quanh tầng ngục,
Trò chuyện nhiều đến nỗi tôi không nhớ hết,
Rồi chúng tôi đến lối đi xuống sâu hơn.
Ở đó, chúng tôi gặp Pờlutô, kẻ thù lớn nhất
– Ô, Sa tăng, Sa tăng, Báo động!
Pờlutô kêu lên, giọng khàn khàn.
Plutus, kẻ canh giữ tầng địa ngục thứ tư xuất hiện, với một vẻ điên cuồng và kêu lên một cách khó hiểu. Trong thần thoại Hy Lạp cổ, Plutus là con trai của chàng Iasion và Demeter, nữ thần của nông nghiệp, thiên nhiên, mùa màng và sự sung túc. Là một người mù, Plutus chịu trách nhiệm phân phát sự giàu sang và tiền bạc cho con người một cách tự nhiên, không định kiến. Ông ta tới một cách chậm chạp, và ra đi thì lại rất nhanh, cũng giống như của cải vậy. Mặc dù Plutus có trọng trách như vậy, nhưng trong Thần Khúc, Dante đã coi Plutus là một con quái vật, là “kẻ thù lớn nhất”. Tại sao? Câu trả lời chắc hẳn nằm trong tầng địa ngục thứ tư.
Trong khi Plutus đang lớn tiếng, Virgil quay ra trấn an Dante và ra lệnh cho Plutus:
Người quát: – “Câm đi, con sói đáng nguyền rủa,
Hãy gặm nhấm nỗi điên khùng của mày!
Không phải vô cớ mà chúng ta xuống vực tối này,
Điều đó, trên cao xanh quyết định.
Nơi Thánh Mikenlê trừng trị bầy phản nghịch,”
Lời quát nạt của Virgil lập tức công hiệu, và con quái vật “xẹp xuống” như “cột buồm gãy gục”. Dante tiến vào tầng địa ngục thứ 4 và chứng kiến hình phạt của những linh hồn:
Giống như sóng nước trên vực xoáy Carítđi,
Vỡ tung ra khi gặp làn sóng khác,
Mọi âm hồn đều phải vào vòng nhảy.
Ở đây đám bị đầy ải còn đông hơn,
Phía này, phía kia, những tiếng gào rú lớn,
Họ dùng ngực đẩy lăn những khối nặng.
Họ va đập vào nhau, rồi từ đó,
Quay trở lại và bị dồn về phía sau,
Họ mắng nhau: – “Sao bo bo thế?” – “Sao xài hoang thế?”
Cứ như vậy họ đi theo vòng tròn đen tối,
Cho tới điểm đối diện bên kia,
Miệng không ngừng gào lên điệp khúc xấu hổ!
Rồi mỗi người lại quay trở lại,
Khi đã đi hết nửa vòng ở mé bên kia,
“Sao bo bo thế?” – “Sao xài hoang thế?”, vậy là chúng ta đã rõ, tầng địa ngục thứ tư chính là nơi tra tấn những kẻ tham lam và những kẻ ki kiệt. Tham lam và ki kiệt, đó là hai sự cực đoan đối lập nhau, nhưng nó đều bắt nguồn từ cái ích kỷ vị tư của con người.
Và dường như chúng ta thấy được hình ảnh của Plutus trong chính những linh hồn đang bị trừng phạt nơi đây: họ “mắng nhau”, họ “gào rú”, họ “không ngừng gào lên điệp khúc xấu hổ!”… “Sao bo bo thế?” – “Sao xài hoang thế?”, những kẻ tham lam bị nhốt cùng với những kẻ ki kiệt, chúng không ngừng giành giật nhau mà chẳng có kẻ nào thắng cuộc – dù ở trên thế gian hay ở dưới địa ngục này.
Hãy quay trở về Plutus và để ý tới cách Dante miêu tả con quái vật canh giữ tầng thứ tư này. Plutus có thể nói, có thể nghe hiểu tiếng người, hay ít nhất là phản ứng được trước lời quát nạt của Virgil. Tuy nhiên bản thân Plutus lại mang thú tính điên loạn. Dường như Dante đang ám chỉ rằng, những kẻ chạy theo vật chất tới u mê chính là những con thú trong hình dáng con người. Vì thế, Dante mới gọi Plutus là “kẻ thù lớn nhất”. Quả thật, “lòng tham không đáy” chính là “kẻ thù lớn nhất” của nhân loại.
Và cái lòng tham ấy không trừ một ai cả, kể cả với những “sứ giả của Thần”, những kẻ “nhân danh Chúa” mà vẫn dám làm điều sai trái. Dante ngờ ngợ hỏi, và Virgil trả lời:
Người trả lời: – “Tất cả đều là một bọn mù tối,
Suốt một đời không biết nghĩ suy,
Nên không biết tiêu pha cho đúng mức.
Lời họ nói, phân rõ ràng điều đó,
Khi đụng vào nhau ở hai điểm của vòng tròn,
Nơi mà những lỗi lầm trái ngược đối lập họ với nhau.
Là tăng lữ, những kẻ không một chỏm tóc trên đầu,
Nhưng còn Giáo hoàng và Hồng y giáo chủ,
Những kẻ mà tính keo kiệt đã lên tột bực.”
Vậy là những linh hồn nơi đây có cả Giáo hoàng lẫn Hồng y, có cả tăng lữ lẫn tu sĩ. Sự việc này cũng không có gì là lạ, bởi vì tôn giáo chỉ là hình thức mà con người lập nên, còn có tuân theo những lời răn dạy của Chúa trời hay không thì không phụ thuộc vào chức vị trong tôn giáo. Những người trong tôn giáo chỉ là người tu chuyên nghiệp mà thôi, còn tu hành được hay không, có tới được Thiên Đàng hay không, thì phải xem cái tâm của họ là đặt ở Thiên Chúa, ở Thần Phật, hay là đặt ở những lợi ích thế tục.
Xem thêm: Chuyên đề Tìm hiểu vũ trụ quan trong “Thần Khúc” của Dante
Virgil đã bình luận thêm về quan niệm này như sau:
“Không biết cho, không biết giữ, hai tội lỗi ấy,
Đã đẩy họ khỏi thế gian, rơi vào cuộc đánh vật này,
Mà thôi chẳng cần phải dài dòng giảng giải.
Giờ đây con thấy đấy, đó chỉ là một trò đùa ngắn ngủi,
Mọi tiền của mà loài người đã giành nhau chí tử!
Cuối cùng lại được giao cho Thần Tài cất giữ.
Vì tất cả bạc vàng dưới ánh trăng
Cũng không thể ban một phút thảnh thơi
Cho ai đó trong đám âm hồn mệt mỏi.”
“Không biết cho” và “không biết giữ”, sự ích kỷ vị tư đã khiến nhân loại lâm vào một “cuộc đánh vật” không có hồi kết, ngắn ngủi mà bi thương. Đến cuối đời nhìn lại, tiền bạc và vật chất mà người ta tranh đấu sống chết lại chẳng thể mang theo lấy một đồng. Những người coi trọng lợi ích cá nhân đã sống một cuộc đời mệt mỏi như thế…
Và khi Dante hỏi thêm về “Thần Tài”, Virgil đã hé lộ một vũ trụ quan vô cùng rộng lớn cho Dante:
Ý tưởng này, ta mong con lĩnh hội được.
Đấng Tối cao mà trí thông tuệ vượt lên tất cả,
Đã tạo ra các vùng trời và người hướng dẫn,
Để vùng này chiếu sang vùng kia.
Và toả ra ánh sáng đều nhau,
Cũng như vậy, đối với những huy hoàng của thế gian,
Chúa cho người hướng dẫn một trí năng tổ chức,
Đều đều luân chuyển những của cải phù du,
Từ người này sang người khác, từ họ này sang họ khác,
Bất chấp trở ngại là lòng tham của con người!
Vậy là kẻ thì phấn phát, kẻ mòn mỏi đợi chờ,
Tuỳ theo sự điều chỉnh của trí năng đó,
Vốn ẩn kín như con rắn trong đám cỏ.
Vậy là Virgil không chỉ giảng cho Dante về ý nghĩa của “Thần Tài” là vị thần luân chuyển của cải trên thế gian, mà còn kể với nhà thơ một cách tổng quát về sự vận hành của vũ trụ: Đấng Tối cao hay còn gọi là Sáng thế chủ đã sáng tạo ra vũ trụ, sáng tạo ra thế giới, sáng tạo ra những vùng trời, và ngài cũng sáng tạo ra những vị Thần – những “người hướng dẫn”.
Cũng như vậy, Virgil nói về thế gian: đối với những “huy hoàng” trên thế gian, Sáng thế chủ đã trao cho một vị Thần khả năng ban phát và mang đi của cải, không phụ thuộc vào lòng tham của con người trên mặt đất…
Vũ trụ quan được đề cập tới trong Thần Khúc quả thật là khiến người ta phải suy ngẫm. Nếu như ở phương Đông có truyền thuyết Bàn Cổ khai thiên lập địa, Nữ Oa tạo ra con người thì ở phương Tây có Đấng Tối cao sáng tạo ra vũ trụ, sáng tạo ra Chư Thần. Nếu như ở phương Đông, người ta nói về thần linh ở trên 9 tầng trời hay 33 tầng trời thì ở phương Tây, người ta nói về những “vùng trời” và những “người hướng dẫn”. Nếu như ở phương Đông người ta nói về số phận thì ở phương Tây có những vị Thần kiểm soát vận mệnh của con người. Vũ trụ quan ở phương Đông và phương Tây đang trùng khớp một cách kỳ lạ.
Và Virgil đã kể với Dante về những “người hướng dẫn” như sau:
Sự hiểu biết của ngươi chẳng hề tác động
Đến việc Thần theo dõi, phán xét và cai quản,
Các Thần khác cũng làm như vậy.
Mọi chuyển đổi không hề ngừng nghỉ.
Sự cần thiết càng khiến diễn biến nhanh hơn,
Vì vậy con người luôn phải đổi thay số phận.
Chính các Thần cũng có lúc phiền não,
Bởi chính những người đáng ra phải ca ngợi Thần,
Lại chê trách Thần một cách sai lầm, hằn học.
Nhưng Thần vẫn thanh thản và chẳng chút bận tâm,
Vẫn vui vẻ cùng những thiên thần khác,
Lăn quả cầu và an lạc với mình
Đó chính là ý nghĩa sự xuất hiện của Chư Thần: Sáng thế chủ tạo ra Chư Thần để họ “theo dõi, phán xét và cai quản” toàn bộ vũ trụ mà Ngài sáng tạo nên. Chư Thần trông coi vũ trụ, và cũng như thế, Chư Thần giúp đỡ con người. Kẻ làm việc Thiện thì sẽ được tưởng thưởng, kẻ làm việc ác thì sẽ bị trừng phạt. Nhưng cái lẽ “Thiện ác hữu báo” lại không đơn giản như con người tưởng tượng, vậy nên con người mới “chê trách” Thần linh một cách “hằn học”, “sai lầm”. Kẻ làm chút việc Thiện thì thắc mắc tại sao không được Phúc báo, kẻ làm việc ác thì tại sao lại vẫn cứ nhởn nhơ?
Thật ra đó đều là sự diễn biến đổi thay của số phận do Chư Thần sắp đặt. Chẳng phải người phương Đông vẫn có câu rằng: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo; bất thị bất báo, thời hậu vị đáo; thời hậu nhất đáo, nhất thiết đô báo” sao? Thiện có thiện báo, ác có ác báo, không phải không đến mà là chưa đến; lúc đến thì sẽ không bỏ sót tội. Cái thắc mắc bất bình của con người chẳng qua là lấy nhân tâm mà đo lòng Thần Phật mà thôi!
Vậy là mặc dù chỉ mới ở tầng thứ tư của Địa ngục, vũ trụ và Chư Thần trong Thần Khúc của Dante đã dần dần hé lộ một cách bao la và rộng lớn!
Chú thích: Bài viết sử dụng bản dịch Thần Khúc tiếng Việt của dịch giả Nguyễn Văn Hoàn.
Quang Minh
Xem thêm:
Từ khóa vũ trụ tôn giáo địa ngục Dante Thần khúc Thuyết sáng thế Thần Phật thiên đàng Sáng thế chủ