Ngày 7/10 vừa qua phiến quân Hamas phát động đột kích quy mô lớn vào Israel, bắn ra ít nhất 4949 tên lửa, còn bắt cóc trẻ em và phụ nữ làm con tin. Israel nhanh chóng tuyên chiến với Hamas, con số thương vong của cả hai bên vài ngày sau đó đã lên tới hàng ngàn.

View of Gaza Strip from Israel 1024x580 image image
Hình ảnh Dải Gaza nhìn từ Israel, tháng 10/2009 (Nguồn ảnh: David Berkowitz from New York, NY, USA, CC BY 2.0, via Wikimedia Commons)

Điều lạ là sức mạnh của Hamas kém xa Israel khi chỉ có 10.000 dân quân, tại sao họ lại sẵn sàng tấn công Israel để tự sát? Quan điểm phổ biến cho rằng đây là cách nhằm phá hỏng quá trình bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Ả Rập Xê-út do Mỹ thúc đẩy. Trước đó, ngày 20/9 Thái tử Mohammed của Ả Rập Xê-út tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng các cuộc đàm phán giữa Ả Rập Xê-út và Israel đang “tiến gần hơn mỗi ngày” đến việc đạt được thỏa thuận. Xét đến ảnh hưởng của Ả Rập Xê-út trong thế giới Hồi giáo, một khi Ả Rập Xê-út thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel sẽ khiến một số lượng lớn nước Hồi giáo khác noi theo, như vậy vấn đề Palestine sẽ càng bị gạt ra ngoài lề. Chính vì lẽ đó mà Hamas đã bất chấp tất cả cho nước cờ tuyệt vọng. Rõ ràng, Hamas còn lâu mới trưởng thành về mặt quân sự và chính trị, không có gì ngạc nhiên khi tổ chức này bị Mỹ và châu Âu coi là một tổ chức khủng bố.

Tuy nhiên, quy mô cuộc tấn công của Hamas lần này lớn hơn rất nhiều so với 4 cuộc tấn công trước, được ví là “đột kích kiểu Trân Châu Cảng” và khiến Israel phải chịu thất bại thảm hại nhất trong nhiều thập niên. Trong biến cố này, Hamas ngoài kế hoạch bài bản còn có những thế lực ủng hộ hùng mạnh đằng sau.

Ngày 8/10, người phát ngôn Ghazi Hamad của Hamas bất ngờ nói với Đài BBC (Anh) rằng, cuộc tấn công vào Israel được Iran hỗ trợ là điều khiến họ tự hào. Ghazi Hamad cũng cho biết Hamas cũng nhận được sự hỗ trợ từ “những bên khác” nhưng không muốn tiết lộ chi tiết.

“Những bên khác” ở đây rõ ràng là ám chỉ Nga và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Do ủng hộ công khai của Nga dành cho Hamas, khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tổ chức cuộc họp tham vấn kín khẩn cấp ngày 8/10 đã không đưa ra được bất kỳ tuyên bố chung nào chứ chưa nói đến một nghị quyết mang tính ràng buộc. Cớ của Nga là muốn tăng sự chú ý [đối với thảm họa] hơn là lên án Hamas. Thực tế, chính việc Mỹ phải quan tâm trong leo thang của xung đột Israel-Palestine là gián tiếp giúp Nga giảm bớt áp lực [trong cuộc chiến xâm lược Ukraine].  Tuy nhiên, Nga đã rơi vào vũng lầy của cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, phải dựa vào hoặc tìm kiếm hỗ trợ từ Iran và Triều Tiên cho nên muốn hỗ trợ Hamas e rằng rất khó.

“Bên khác” duy nhất có khả năng và sẵn sàng hỗ trợ Hamas là ĐCSTQ.

Tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ ngày 9/10, phóng viên truyền thông nước ngoài liên tục đặt câu hỏi, trong đó có ít nhất 14 câu liên quan trực tiếp đến vụ tấn công của Hamas. Tuy nhiên, bà Mao Ninh thậm chí còn tránh nhắc đến cái tên Hamas chứ đừng nói đến việc lên án, đồng thời vẫn theo thói quen dùng những lời lẽ trống rỗng để đối phó: “Bảo vệ dân thường và ngăn chặn tình hình xấu thêm”,“Con đường cơ bản bình ổn xung đột Palestine – Israel nằm ở thúc đẩy ‘giải pháp hai nhà nước’: cần thành lập một nhà nước Palestine độc ​​lập”.

Đáp lại, Israel phản bác rằng “khi người dân Israel bị sát hại thì đó không phải là lúc để đề xuất ‘giải pháp hai nhà nước’”.

Mặc dù Israel trong những năm qua đã cung cấp một lượng lớn công nghệ quân sự cho ĐCSTQ bằng cả con đường công khai và riêng tư, nhưng vào thời điểm quan trọng này thì ĐCSTQ không quan tâm đến tính mạng của người dân Israel.

Đối với ĐCSTQ, đợt xung đột Israel-Palestine này đã mang lại cho họ một lợi ích chiến lược quan trọng: kế hoạch “Hành lang kinh tế Ấn Độ-Trung Đông-châu Âu” (IMEC) do Mỹ thúc đẩy đã bị thiệt hại nghiêm trọng.

Trong Hội nghị thượng đỉnh G20, ngày 9/9 Tổng thống Mỹ Biden cùng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và các nhà lãnh đạo nhiều nước như Ả Rập Xê-út, Liên minh châu Âu, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Pháp, Đức, Ý… đã ký một bản ghi nhớ thông báo rằng: IMEC sẽ sử dụng đường sắt và bến cảng để kết nối các nước Trung Đông với Ấn Độ, qua đó hiện thực hóa dòng thương mại và năng lượng từ các nước vùng Vịnh đến châu Âu với thời gian vận chuyển ngắn hơn, giá thành thấp hơn cùng cách thức tiết kiệm năng lượng hơn. Các bên ký kết hy vọng họ có thể thúc đẩy nền kinh tế Trung Đông và giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập vùng Vịnh. Tất cả các bên tham gia sẽ xây dựng kế hoạch hành động cụ thể và đặt ra thời gian biểu trong vòng 60 ngày tới.

IMEC đặt ra thách thức lớn đối với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ, thế nhưng một trong những điều kiện tiên quyết cho thành công của IMEC là việc hòa giải toàn diện giữa Israel và các nước Trung Đông. Tuy nhiên, sự bùng nổ mới nhất của xung đột Israel-Palestine khiến vùng Trung Đông lại như “thùng thuốc súng”, trong hoàn cảnh như vậy sẽ cản trở IMEC có thể tiến lên.

Và ĐCSTQ chắc hẳn rất vui mừng vì điều đó.

Tuy nhiên, tác động của cuộc xung đột mới giữa Israel và Palestine cũng gây bất lợi cho ĐCSTQ trên nhiều mặt.

Ví dụ, về dầu mỏ, năm 1993 Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu ròng và đến năm 2017 trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Dầu mỏ Trung Đông từ lâu đã chiếm hơn 50% tổng lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc; theo đó các nguồn dầu thô hàng đầu là các nước ng như Ả Rập Saudi, Iraq, Oman, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kuwait… Vòng xung đột mới giữa Israel và Palestine đã khiến ngay cùng ngày giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu tăng 4,2% – vấn đề này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng của ĐCSTQ.

Một ví dụ khác, ĐCSTQ tích cực thúc đẩy kết nối sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường” với chiến lược phát triển của các nước Trung Đông, đã ký với 21 nước Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Liên đoàn Ả Rập biên bản ghi nhớ về việc cùng xây dựng “Vành đai và Con đường”, khiến lợi ích của ĐCSTQ ở Trung Đông không ngừng gia tăng. Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Liên đoàn Ả Rập và Iran. Khối lượng thương mại xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và các nước Trung Đông từ con số 227,098 tỷ USD năm 2014 tăng lên 507,152 tỷ USD vào năm 2022. Sự leo thang của xung đột Israel-Palestine chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế và thương mại giữa ĐCSTQ và các nước Trung Đông, đây không phải là điều tốt cho nền kinh tế đang bấp bênh của Trung Quốc.

Nhìn lại, từ năm 2002, ĐCSTQ đã bổ nhiệm đặc phái viên đến Trung Đông để can thiệp vào các vấn đề Trung Đông nhằm thu lợi ích, đến tháng 12/2022 lần đầu tiên tổ chức được Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc – Ả Rập. Tháng 3 năm nay, dưới sự hòa giải của Trung Quốc, Ả Rập Xê-út và Iran đã bắt tay làm hòa; ngoài ra các đặc phái viên của ĐCSTQ cũng thường qua lại giữa Israel và Palestine.

Có thể nói ĐCSTQ đang phải đối mặt với vòng xung đột mới giữa Israel và Palestine, và đây là tình thế khá nan giải.

Tuy nhiên, ĐCSTQ cuối cùng đã cân nhắc và áp dụng chiến lược “bắt cá hai tay”.

Một mặt, không chịu lên án Hamas (và thậm chí có thể ngấm ngầm ủng hộ Hamas) để giữ chút nhiệt ở Trung Đông, theo đó hiệu quả tốt nhất là làm hỏng kế hoạch “Hành lang kinh tế Ấn Độ – Trung Đông – Âu”; mặt khác là giữ khoảng cách với Nga (ví dụ: Tại cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ sự ủng hộ đối với tuyên bố chung và lên án “tất cả các cuộc tấn công vào dân thường”), qua đó thể hiện thiện chí với Mỹ góp phần xoa dịu quan hệ  với Mỹ hy vọng đạt được những nhượng bộ nhất định từ Mỹ. Vào thời điểm này, Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mỹ là Schumer đã đến thăm Trung Quốc và gặp ông Tập Cận Bình. Ông Schumer kêu gọi ĐCSTQ “sát cánh cùng người dân Israel và lên án (Hamas) về những cuộc tấn công hèn nhát và độc ác”. Đáp lại, ông Tập Cận Bình thay đổi thái độ coi thường trước đây đối với quan chức Mỹ, thay vào là ý định mang đến cho Mỹ một tia hy vọng khi nói về quan hệ Trung – Mỹ: “Trong các bạn có chúng tôi, trong chúng tôi có các bạn”.

Tất nhiên, các hành động của ĐCSTQ như vậy dựa trên phân tích và phán đoán của họ: sức mạnh của Israel sẽ đè bẹp Hamas, vòng xung đột mới giữa Israel và Palestine sẽ không leo thang thành một cuộc chiến tranh ở Trung Đông, biến cố đó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tình hình chung. Còn nếu xung đột Israel-Palestine leo thang và khiến Iran, Syria… tham gia vào cuộc chiến, khiến tình hình ở Trung Đông và thế giới bị biến động mạnh thì đó sẽ là một vấn đề hoàn toàn khác.

Vương Hách
(Bài viết thể hiện quan điểm và lập trường riêng của cá nhân tác giả, được đăng lần đầu trên Epoch Times)