Mỹ và Nhật Bản liên tiếp nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vội thăm Việt Nam nhưng tuyên bố chung của hai bên không nhất quán. ĐCSTQ tuyên bố “Cộng đồng vận mệnh Việt Nam – Trung Quốc” (Trung – Việt vận mệnh cộng đồng thể/中越命运共同体), trong khi Việt Nam gọi là “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc” (Việt – Trung cộng hưởng tương lai cộng đồng thể/越中共享未来共同体). Trong bối cảnh đối đầu Mỹ và Trung Quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) không muốn “cộng đồng/chung” vận mệnh với ĐCSTQ mà nhấn mạnh “ngoại giao đa phương”. Cục diện Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương lại đang có thay đổi mới.

Tap Can Binh tham Viet Nam
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân tới Hà Nội thăm Việt Nam. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Trò chơi chữ giữa ĐCSVN và ĐCSTQ

ĐCSVN cũng là chế độ độc đảng, quen với hệ thống ngôn ngữ văn hóa đảng của ĐCSTQ, website của Chính phủ Việt Nam có phiên bản tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh, mô tả bằng tiếng Trung có nhiều điểm tương đồng với ĐCSTQ.

Ngày 12/12, sau cuộc hội đàm giữa Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình, lãnh đạo hai bên đã ra tuyên bố chung nhưng ngôn từ khác nhau.

ĐCSTQ đã ban hành “Tuyên bố chung Trung Quốc – Việt Nam về việc tăng cường và nâng cấp hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng vận mệnh Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược”.

Trong khi Việt Nam đã ban hành “Tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc về việc làm sâu sắc hơn nữa và nâng cao quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”.

Tuyên bố của ĐCSTQ cho biết: “Cả hai bên đã nhất trí xây dựng cộng đồng vận mệnh Trung Quốc – Việt Nam có ý nghĩa chiến lược”.

Tuyên bố của Việt Nam cho biết: “Cả hai bên nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa “Cộng đồng vận mệnh Trung Quốc – Việt Nam”“Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc” là Việt Nam đã không dùng chữ “vận mệnh”. Điều đó cho thấy ĐCSVN không muốn “vận mệnh” theo cách “cộng đồng/chung/cùng” với ĐCSTQ. Hai bên tự gọi mình là “đồng chí, anh em”, nhưng ĐCSVN thấy rằng họ không cùng “vận mệnh” với ĐCSTQ.

Trong cuộc đối đầu toàn diện giữa Trung Quốc và Mỹ hiện nay, Việt Nam không có ý định rơi vào thế bị cô lập như ĐCSTQ. Trong cuộc hội đàm với lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình, Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng cho biết, Việt Nam theo đuổi “độc lập, tự chủ”, “chính sách đối ngoại đa dạng, đa phương”, và chính sách quốc phòng “bốn không”; Việt Nam “chủ động, toàn diện hội nhập cộng đồng quốc tế”“tích cực trở thành thành viên có trách nhiệm và người bạn đáng tin cậy của cộng đồng quốc tế”.

Tổng Bí thư ĐCSVN đã giải thích lý do không chấp nhận “Cộng đồng vận mệnh Trung Quốc – Việt Nam”, tuy nhiên Tân Hoa Xã của ĐCSTQ không đưa tin những nội dung đó, lại cứ một mực tuyên bố thay Tổng Bí thư ĐCSVN rằng “Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc xây dựng cộng đồng vận mệnh Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”.

Cả ĐCSVN và ĐCSTQ đều chơi trò chơi chữ và biết rằng bên kia đang chơi trò chơi chữ. ĐCSVN không chấp nhận “Cộng đồng vận mệnh Trung Quốc – Việt Nam”, nhưng cũng giữ thể diện cho ĐCSTQ bằng cách giữ lại “cộng đồng” nhưng chỉ là “cộng đồng chia sẻ tương lai”.

“Cộng đồng tương lai” có nghĩa là có thể là một cái gì đó trong tương lai, nhưng không phải là hiện nay; hai bên hiện tại không “cộng đồng/chung”, và Việt Nam thực tế đã phủ nhận “cộng đồng/chung”. ĐCSTQ hiểu kiểu chơi chữ này, nhưng nhìn thấy mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ và Nhật Bản ấm lên nhanh chóng, có lẽ họ chỉ muốn Việt Nam không quay sang hướng về Mỹ và các đồng minh như Philippines.

Các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ né tránh những khác biệt này, theo đó vẫn quảng bá trong nội bộ “Cộng đồng vận mệnh Trung Quốc-Việt Nam”, chỉ nhằm để cổ vũ cho người lãnh đạo ĐCSTQ. Tuy nhiên, các quan chức trong ĐCSTQ có lẽ biết chuyện gì đang xảy ra.

Tap Can Binh Nguyen Phu Trong 1
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng bí thư ĐCS Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tham dự lễ chào mừng tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, Việt Nam ngày 12 tháng 12 năm 2023. (Nguồn ảnh: NHAC NGUYEN/POOL/AFP via Getty Images)

Việt Nam được hưởng lợi từ đối đầu Trung-Mỹ

Việt Nam công bố tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2023 là 619,17 tỷ USD, theo đó xuất siêu 25,83 tỷ USD. Mỹ là điểm đến xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam và Trung Quốc là nguồn nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Một phần chuỗi cung ứng của Mỹ tại Trung Quốc đã được chuyển sang Việt Nam. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 11 là 31,08 tỷ USD, trong đó doanh nghiệp trong nước xuất khẩu 8,49 tỷ USD và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu 22,59 tỷ USD.

Việt Nam cũng công bố tính đến ngày 20/11/2023, Việt Nam có tổng cộng 38.844 dự án đăng ký với tổng vốn đăng ký gần 462,4 tỷ USD; vốn nước ngoài thực tế đã giải ngân 294,2 tỷ USD.

GDP Việt Nam lần đầu tiên vượt 400 tỷ USD vào năm 2022, xuất khẩu 11 tháng năm 2023 tích lũy 322,5 tỷ USD, chuỗi cung ứng quốc tế trở thành trụ cột của nền kinh tế Việt Nam.

Mỹ không có kế hoạch hạ mức thuế cao đối với hàng hóa Trung Quốc khiến các công ty Trung Quốc chuyển chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam. Vị thế “công xưởng thế giới” của Trung Quốc đang sụp đổ, còn “công xưởng thế giới” nhỏ bé của Việt Nam đang dần thành hình. Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ đã mang lại lợi ích to lớn cho Việt Nam, có thể ví như miếng bánh từ trên trời rơi xuống.

Nền kinh tế Việt Nam kém phát triển, để thoát khỏi cuộc khủng hoảng quyền lực, ĐCSVN vào năm 1986 tuyên bố “cải cách và mở cửa”, tuy vậy không mang lại những thay đổi đáng kể một cách nhanh chóng. Năm 1995 thực sự mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam khi thiết lập quan hệ ngoại giao cùng Mỹ. Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và bắt đầu có những thay đổi lớn nhờ nguồn lao động rẻ hơn và tiếp cận được chuỗi cung ứng một số sản phẩm dệt may. Thay đổi lớn nhất xảy ra sau cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ năm 2018, nhờ đó Việt Nam ngày càng có thêm nhiều chuỗi cung ứng sản phẩm điện tử.

Có được nhiều lợi ích như vậy chủ yếu là do Mỹ, Việt Nam cũng đã thực sự nhận ra điều Đặng Tiểu Bình đã nói: “Phàm có quan hệ tốt với Mỹ thì sẽ trở nên giàu có”. Tất nhiên, có lẽ hầu hết người dân Việt Nam đều ghét Đặng Tiểu Bình, lý do là ông ta phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979, một trong những nguyên nhân là để lấy lòng Mỹ.

Trong tình hình Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hiện nay, Việt Nam không sẵn lòng chấp nhận “Cộng đồng vận mệnh Trung Quốc – Việt Nam”, chỉ xem Việt Nam và Trung Quốc là “cộng đồng/cùng chia sẻ tương lai”, có lẽ tính toán khả năng ĐCSTQ sẽ theo vết xe đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô trước đây nên đương nhiên không muốn “vận mệnh” kiểu “cộng đồng/chung/cùng” với ĐCSTQ.

Việt Nam trở thành điểm chiến lược mới trong cạnh tranh Trung – Mỹ

Tổng Bí thư ĐCSVN khẳng định thực hiện “chính sách đối ngoại đa dạng, đa phương”, “hội nhập tích cực, toàn diện vào cộng đồng quốc tế”, “tích cực là người bạn tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Những lời này nhắm nhiều hơn vào Mỹ và các đồng minh của Mỹ.

Tổng Bí thư ĐCSVN cũng nhắc lại chính sách quốc phòng “bốn không”, tức là không liên minh quân sự; không liên minh quân sự với nước khác để đánh nước thứ ba; không cho nước ngoài thiết lập căn cứ quân sự ở Việt Nam hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để đánh nước thứ ba; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Việt Nam tạm thời không muốn công khai lựa chọn phe giữa Trung Quốc và Mỹ, muốn lợi ích của cả hai bên, nhưng cũng cần môi trường hòa bình, nếu không mọi chuyện có thể trở nên vô ích. Khi Tổng Bí thư ĐCSVN gặp Tổng Bí thư ĐCSTQ, ông nói: “Các nước cần tuân thủ chính sách hòa bình và hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế, đối xử bình đẳng với nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, giải quyết khác biệt bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.

ĐCSVN không muốn chia sẻ “vận mệnh” kiểu “cộng đồng/chung” với ĐCSTQ, nhưng cũng tìm kiếm giữ thể diện cho ĐCSTQ. Cuộc chiến tranh trước đây giữa Trung Quốc và Việt Nam đã gây ra tổn hại lớn cho Việt Nam, có thể nói là đau đớn. ĐCSVN biết sức mạnh đất nước của mình thua kém Trung Quốc phải tìm kiếm tránh tái diễn chiến tranh, cho nên đã nói rõ với ĐCSTQ rằng sẽ không tham gia liên minh quân sự của Mỹ chống lại Trung Quốc; nhưng cũng sẽ không đi cùng ĐCSTQ gây chiến chống lại Mỹ.

Vào tháng 9, Tổng thống Mỹ Biden đã đến thăm Việt Nam và nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt lên đối tác chiến lược toàn diện. Năm 1972, Mỹ đã chia rẽ được ĐCSTQ khỏi phe xã hội chủ nghĩa, ngày nay Mỹ cũng đang cố gắng chia rẽ Việt Nam tách khỏi ĐCSTQ.

Việc ĐCSVN không chấp nhận “Cộng đồng vận mệnh Trung Quốc –  Việt Nam” cho thấy Mỹ đã thành công được một nửa. Mỹ đang cân nhắc có nên bán máy bay chiến đấu F-16 cho Việt Nam hay không, một khi điều đó thành hiện thực thì rạn nứt giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ ngày càng sâu sắc. Mỹ đang quan sát những thay đổi ở Biển Đông, tranh chấp Trung Quốc – Việt Nam ở Biển Đông không kém gì tranh chấp Trung Quốc – Philippines.

Việt Nam từng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (ĐCSTQ gọi là Tây Sa và Nam Sa), nhưng tạm thời không thể tranh giành nên là nước đầu tiên hoan nghênh Mỹ can thiệp vào vấn đề Biển Đông để chống lại mối đe dọa từ ĐCSTQ.

Ngày 27/11, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida thăm Việt Nam, hai bên nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, nhất trí tăng cường hợp tác an ninh và thảo luận về việc Nhật Bản cung cấp thiết bị quốc phòng cho Việt Nam.

Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ và đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã nâng cao vị thế chiến lược của Việt Nam, khiến Việt Nam thành cục diện mới trong cạnh tranh ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ngày 10/12, Giám đốc điều hành hãng bán dẫn NVIDIA nổi tiếng là Jensen Huang đã đến thăm Việt Nam và gặp Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính. Ông Jensen Huang cho biết công ty đã đầu tư 250 triệu USD vào Việt Nam, lạc quan về nguồn nhân tài công nghệ trí tuệ nhân tạo và bán dẫn của Việt Nam, có kế hoạch thành lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Ông Phạm Minh Chính tuyên bố thành lập một nhóm công tác đặc biệt do đích thân ông lãnh đạo.

Mỹ và các đồng minh vẫn còn nhiều quân bài để chơi, nhưng ĐCSTQ dường như có rất ít quân bài.

Thương mại Trung-Việt: ĐCSTQ mới là bên cần Việt Nam nhiều hơn

ĐCSTQ hẳn sẽ rất tức giận vì Việt Nam không chấp nhận “cộng đồng vận mệnh Trung – Việt”, nhưng lại khó gây sức ép được Việt Nam về mặt kinh tế.

Ngày 12/12, Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đăng bài viết có tiêu đề: “Quy mô thương mại tháng 11 đạt mức cao lịch sử hàng tháng, hợp tác kinh tế thương mại Trung Quốc-Việt Nam có nhiều điểm nổi bật”. Bài báo cho biết, tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc-Việt Nam trong 11 tháng đầu năm nay là 1450 tỷ RMB (khoảng 202,2 tỷ USD), tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước; giá trị xuất khẩu các sản phẩm trung gian là 1010 tỷ RMB (khoảng 140,8 tỷ USD), chiếm 69,8% thương mại hai nước. Trong số đó, mô-đun màn hình phẳng, thiết bị âm thanh và video cũng như các sản phẩm pin lithium tăng lần lượt 12,3%, 17,1% và 10,8% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam công bố kể từ đầu năm 2023 đến nay đã có 110 nước/vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, trong đó chiếm tỷ trọng cao nhất là công nghiệp gia công và chế tạo, chiếm 60,7% tổng vốn đầu tư nước ngoài; số dự án đầu tư mới nhiều nhất là từ Trung Quốc Đại Lục, chiếm 22,1%.

Có thể thấy, thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam chủ yếu là thương mại gia công mà doanh nghiệp Trung Quốc mượn con đường qua Việt Nam để xuất khẩu.

Bài viết của Tân Hoa Xã cho biết, trong 11 tháng đầu năm nay Trung Quốc đã nhập khẩu 44,62 tỷ RMB (khoảng 6,2 tỷ USD) nông sản Việt Nam, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

ĐCSTQ không có nhiều biện pháp để ép buộc được Việt Nam, chỉ có thể đình chỉ nhập khẩu một số nông sản nhưng tác động còn hạn chế, trong khi họ lại càng có nhu cầu hơn trong tái xuất thương mại thông qua con đường từ Việt Nam.

Lãnh đạo ĐCSTQ đến thăm Việt Nam đã không thể ép được gì nhưng không thể tỏ thái độ bất bình gì được, chỉ đành tuyên truyền “Cộng đồng vận mệnh Trung Quốc – Việt Nam” trong nội bộ Trung Quốc. Mỹ và các đồng minh đã kịp thời nắm bắt được tín hiệu mà Việt Nam gửi đến, có thể sẽ tăng cường quan hệ với Việt Nam, theo đó tình hình mới này ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có lẽ sẽ nhanh chóng thay đổi.

Dương Uy
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, được đăng trên Epoch Times.)