Bạn luôn muốn trở thành doanh nhân, và thật may là cuối cùng bạn đã có được một ý tưởng kinh doanh. Ý tưởng đó tuyệt vời. Bạn không có đối thủ hoặc các đối thủ có năng lực cạnh tranh yếu. Bạn luôn đau đáu trong tâm ý tưởng đó, và bạn bắt đầu nghĩ về việc thành lập công ty, biến nó thành hiện thực. Nhưng vì một số lý do nào đó mà bạn không thể triển khai, ví dụ công việc đó quá rủi ro còn công việc hiện tại của bạn khá lý tưởng, thời cơ chưa chín muồi, bạn chưa đủ tiền… Bạn có thấy luận điểm này nghe quen không?

Ông Ravin Gandhi, CEO và là đồng sáng lập viên của GMM Nonstick Coatings ở Hoa Kỳ, cho hay có nhiều người họ chỉ đơn giản là tự nói với bản thân về việc bắt đầu một công việc kinh doanh riêng, nhưng nó chỉ nằm ở khâu ý tưởng. Ông cũng chia sẻ rằng trước khi khởi nghiệp với GMM, trong đầu ông cũng nổi lên hàng triệu câu hỏi tại sao để ‘khép tội’ ý tưởng khởi nghiệp là điên rồ. Khi nhìn lại “tôi thấy rằng đó là những lời bao biện cho nỗi sợ hãi của bản thân“, ông nói.

Qua trải nghiệm và những gì được chứng kiến từ những người từng ôm ước mơ làm doanh nhân nhưng lại không tiến bước, ông Ravin Gandhi đã rút ra được 5 lý do phổ biến cùng những lời khuyên hữu ích giúp những người ôm giấc mơ khởi nghiệp vượt qua những chướng ngại tâm lý này.

1. “Bây giờ chưa phải lúc”

Bay gio chua phai luc
(Ảnh: zerotoinfinitude.com)

Tôi biết một số người khởi nghiệp ở tuổi thiếu niên, một số khác thì có thể ở những năm 60 của cuộc đời. Đây là một bí mật mà bất kỳ ai bắt đầu kinh doanh đều nên biết: KHÔNG BAO GIỜ LÀ ĐÚNG LÚC. Thời điểm đó không tồn tại. Bạn có thể luôn tự thuyết phục bản thân rằng cần thêm tiền, kinh nghiệm, thời gian, mối quan hệ, sự tự tin, kỹ năng, sự nhạy bén trong kinh doanh,… và vô vàn điều kiện nữa. Nếu bạn cần một lời khuyên thì tôi khuyên bạn hãy tin rằng hiện tại chính là thời điểm phù hợp nhất. Một hay hai năm sau khi bạn đã bắt đầu công việc kinh doanh, bạn sẽ thấy điều tôi nói là đúng.

2. “Nếu thất bại thì sao?”

Doanh nhân thường là những người có niềm tin mạnh mẽ rằng họ sẽ không có khả năng thất bại. Nhưng thực tế thì 80% các công việc kinh doanh sẽ thất bại trong 18 tháng đầu tiên, và có lẽ bạn sẽ thấy tỷ lệ cao ngất ngưởng này thật khó tin. Lời khuyên của tôi là hãy nắm lấy khả năng thất bại. Vì sao ư? Bởi nếu thất bại, bạn sẽ học được điều gì đó có giá trị cho bản thân, cho kinh doanh, hoặc cho cuộc sống. Bạn có thể bắt đầu một công việc kinh doanh khác, hoặc bạn nhận ra rằng bạn không phù hợp với công việc này. Nhưng nếu bạn không thử làm, bạn sẽ không bao giờ biết những điều trên, và nỗi lo sợ thất bại sẽ luôn ngăn trở bạn làm bất cứ điều gì. Hãy nhớ là mọi người thường hối tiếc về việc họ không làm, chứ không mấy khi hối tiếc về những điều họ đã làm.

>>8 bí quyết loại bỏ căng thẳng hữu hiệu của các nhà tâm lý học  

3. “Tôi không có đủ tiền”

Khong du tien
(Ảnh: Howtoknowmyfuture.com)

Những người muốn khởi nghiệp kinh doanh lại thường là những người trụ cột trong gia đình, và họ không thể sống mà không có tiền lương. Với những người này tôi khuyên họ hãy tiết kiệm đủ tiền để có thể sống trong 18 tháng khi không có nguồn thu từ tiền lương. Nếu công việc kinh doanh của bạn không có đủ lực trong 18 tháng để tạo ra lợi nhuận, và bạn cũng không nhìn thấy được tín hiệu khả quan nào thì bạn có thể ngừng công việc kinh doanh của mình lại và tìm một công việc với sự hài lòng rằng bạn đã thử làm doanh nhân. Điều tôi thích về “Quy tắc 18 tháng” là nó tạo ra một sự rõ ràng cho chính bạn và cả chồng/vợ của bạn, và nó giúp bạn dễ đưa ra quyết định từ bỏ một công việc lương cao để khởi nghiệp hơn bởi bạn đã có một kế hoạch tài chính  rõ ràng.

4. “Mọi người không nhìn nhận tôi là một doanh nhân”

Trước hết, với tư cách là một người vừa bắt đầu khởi nghiệp bạn nên bỏ qua việc những người khác nghĩ gì về mình, bởi sẽ luôn có những người hoài nghi về việc sự thành công của bạn, nếu có thể bạn hãy tránh xa những người này. Nhưng quan trọng hơn, nếu bạn có bước nhảy vọt trong công việc kinh doanh, bạn sẽ ngạc nhiên vì chính những người này bây giờ lại quay ngoắt thái độ và nhìn bạn như thể bạn sinh ra đã là một doanh nhân rồi! “Nhận thức chính là thực tế”, nó có nghĩa rằng khi bạn trở thành ông chủ, người ta sẽ nhìn bạn như một người lãnh đạo dù cho trước đây bạn đã từng là một nhân viên chăm sóc khách hàng, một nhân viên biên chế hoặc một bảo vệ. Ở Mỹ, mọi người tôn trọng những người nắm bắt cơ hội kinh doanh, dành uy tín, tiền bạc và sự nghiệp của mình vào cơ hội đó.

>>11 lời khuyên tận dụng hiệu quả thời gian của những doanh nhân thành đạt  

5. “Dường như kinh doanh rất khó”

Khởi nghiệp, doanh nhân, kinh doanh, bao biện
(Ảnh: Rickfulton.net)

Bạn nói đúng. Khởi nghiệp rất khó và đó có thể là điều khó khăn nhất trong cuộc đời của bạn. Bạn sẽ mất ngủ, thậm chí là mâu thuẫn với chính bạn đời của mình về việc đó, bạn có ít thời gian dành cho bọn trẻ và có thể sẽ nhẵn túi. Tôi hù vậy bạn có sợ không? Tôi nghĩ là có. Bởi chạy trời không khỏi nắng – nếu bạn không sẵn sàng gạt những khó khăn đó sang một bên và tập trung vào công việc kinh doanh của mình, thì đừng nghĩ tới việc khởi nghiệp công việc đó nữa. Nếu việc đó dễ dàng thì ai cũng làm hết rồi. Một quyết định dễ dàng mà bạn có thể làm đó là tiếp tục công việc được trả lương và đó là lý do tại sao hầu hết mọi người không khởi nghiệp.

Lời khuyên của tôi là bạn hãy thành thật với bản thân, và nếu bạn biết rằng bạn có thể vận hành tốt công việc kinh doanh đó, vậy hãy tin tưởng và biến nó thành sự thật.

Đôi điều về tác giả: 

Ông Ravin Gandhi, CEO và là đồng sáng lập viên của GMM Nonstick Coatings – một trong những nhà cung cấp lớp phủ chống dính lớn nhất thế giới cho ngành công nghiệp đồ gia dụng có trụ sở ở Hoa Kỳ. Ông cùng các thành viên khác khởi nghiệp GMM với 3 ‘Không’ – không khách hàng, không nhân viên, không sản phẩm. Nhưng sau một thập niên, công ty của ông đã đánh bại những ‘gã khổng lồ’ cùng ngành và trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới về lớp phủ chống dính.

Theo Entrepreneur
Tác giả: Doanh nhân Ravin Gandhi

Thu Anh

Xem thêm: