Bạn vẫn luôn cảm thấy lạc lõng và khó đột phá, dù đã trải qua công việc tại nhiều công ty hoặc phối hợp với nhiều đội nhóm? Thật ra mấu chốt của vấn đề là có những thiếu sót mà tự bản thân khó tự nhận ra được. Dưới đây là 8 kinh nghiệm đắt giá cho những ai đang trong tình huống này.

kinh nghiệm làm việc
Nếu vẫn luôn cảm thấy lạc lõng và khó đột phá, thì đây là thời điểm để bạn thay đổi. (Ảnh minh họa: Inna Vlasova/ Shutterstock)

1. Hãy phá vỡ “vùng thoải mái” của bản thân

Trong lòng mỗi người dù ít hay nhiều, đều có một “vùng thoải mái”. Khi ở trong vùng thoải mái  này, họ không quan tâm đến bất cứ điều gì khác ngoài bản thân, không muốn đưa ra bất kỳ quan điểm, ý kiến nào trong công việc, và họ sẽ hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao một cách thụ động. Mặc dù rất dễ chịu, không nhọc sức nhưng vẫn nhận lương đều mỗi tháng, có người thỏa mãn với trạng thái này trong thời gian dài.

Nhưng trong vô thức, bạn sẽ trở thành “miếng gạch lát đường” cho hiệu quả hoạt động của bộ phận. Khi người đồng nghiệp sát cánh cùng bạn trở thành sếp của bạn thì hối hận cũng đã muộn. Bạn sẽ dần dần thoát ly khỏi đội nhóm của bạn, kết quả là năng lực công tác giảm sút, không theo kịp tiến độ của chỉnh thể, thậm chí bạn sẽ có suy nghĩ tiêu cực rằng mọi thứ xung quanh đều chống lại mình.

Để phá vỡ trạng thái này, bạn nên thể hiện sự nhiệt tình và đột phá trong công việc. Đồng thời, làm bản thân nổi bật hơn so với các nhân viên khác.

2. Đừng tỏ ra mơ hồ với sếp của bạn

Những từ như “dường như”, “đại khái”, “đợi một lúc” và “nói không chừng” không nên trở thành câu cửa miệng của bạn, đặc biệt là khi nói chuyện với cấp trên về công việc. Thông thường sếp muốn nghe “những lời cam kết có thể thực hiện” hơn là “nói mà không làm được”.

Nói chuyện theo cách mơ hồ này không chỉ khiến sếp khó chịu mà còn để lại ấn tượng xấu về thái độ làm việc của bạn. Sếp không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ bạn và các dự án của nhóm bị kéo dài hoặc trì hoãn. Ngoài ra, ông ấy phải nhiều lần tìm gặp bạn để có được câu trả lời chắc chắn. Điều tồi tệ hơn là ông ấy dần dần bắt đầu lo lắng về việc bạn còn bao nhiêu việc chưa hoàn thành. Một khi sếp nghi ngờ bạn mà không có bất kỳ lời giải thích hợp lý nào, việc xây dựng lại niềm tin sẽ càng khó khăn hơn.

3. Đừng mãi trì hoãn cho đến khi sếp không thể chịu nổi được nữa

Khi bạn đang loay hoay và băn khoăn không biết triển khai dự án thế nào, có thể sếp của bạn đang nóng lòng muốn tự mình thực hiện. Đây là một tín hiệu nguy hiểm.

Nếu mọi chuyện cứ tiếp diễn như vậy, trong lòng sếp sẽ sinh ra “phản xạ có điều kiện” là bạn không đáng tin cậy để giao việc, có lẽ bạn sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội quý giá.  

Vì vậy, khi bị bế tắc, bạn cần phải ý thức được mình đang làm trì hoãn công việc. Thay vì lo lắng rằng dự án sẽ không diễn ra thuận lợi, tốt hơn hết bạn nên quyết tâm trau dồi sự tự tin và khả năng ứng phó với khủng hoảng trong công việc, đồng thời bổ sung thêm một kế hoạch khả thi và chi tiết để giảm thiểu khả năng xảy ra tình huống bất lợi.

Việc dưỡng thành thói quen tốt “nói làm liền làm ngay” trong công việc là rất cần thiết.

4. Tránh “bàn việc binh trên giấy”

Kế hoạch dù hoàn hảo đến đâu nhưng nếu không được triển khai trên thực tế thì vẫn chỉ là “bàn việc binh trên giấy“. Chỉ khi đưa kế hoạch vào thực tế, chúng ta mới thực sự hiểu được ý nghĩa của câu “kế hoạch không theo kịp sự thay đổi”, đây chính là bước ngoặt của hiệu quả công việc.

Nếu muốn dự án diễn ra thuận lợi, đừng để người khác nhúng tay vào những việc mà bạn cho là không thể hoặc khó thực hiện. Ngoài ra, hãy thảo luận về kế hoạch và sự sắp xếp của bạn với người thực hiện dự án nhiều hơn, đồng thời tạo nên các điều chỉnh trong phạm vi có thể. Điều cần đặc biệt chú ý là đừng mong đợi mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, nếu không bạn sẽ bị hoang mang khi không đạt được kết quả như mong đợi.

5. Đừng để người khác phải chờ đợi

Trong mọi trường hợp, đừng để người khác phải chờ đợi bạn, nếu không bạn có thể đánh mất sự tín nhiệm của đồng đội. Khi các thành viên trong nhóm muốn cùng nhau hoàn thành một nhiệm vụ, bạn không chỉ cần biết tiến độ công việc của mình mà còn phải nắm được tiến độ của các đồng nghiệp và chú ý để không bị tụt lại phía sau.

Ví dụ, một công việc được chia thành nhiều phần, mỗi thành viên trong nhóm chịu trách nhiệm về một phần. Nếu mọi người đã hoàn thành nhiệm vụ mà bạn vẫn chưa hoàn thành, để thúc đẩy toàn bộ dự án, những người khác trong nhóm sẽ phải vươn tay ra giúp bạn. Nhìn có vẻ như đây là điều tốt, nhưng cũng vì thế mà bạn đang dần đánh mất lòng tin của mọi người. Theo thời gian, sự tồn tại của bạn sẽ dường như không đáng kể khi các thành viên trong nhóm nhận ra rằng dự án có thể được hoàn thành đúng lịch trình mà không cần bạn. 

Hiệu quả là điều kiện tiên quyết để tạo ra giá trị, mất đi hiệu quả cũng đồng nghĩa với mất đi giá trị. Nếu không nhận ra điều này thì sớm muộn gì bạn cũng sẽ bị “đá” ra khỏi nhóm của mình hoặc công ty.

văn hóa doanh nghiệp
Khi bạn làm việc trong một nhóm, hãy cố gắng theo kịp tiến độ chung và tránh để người khác phải chờ đợi. (Ảnh: Rawpixel.com/ Shutterstock)

6. Không trốn tránh trách nhiệm

Trốn tránh trách nhiệm là một phản xạ có điều kiện để tự vệ, thông thường khi có vấn đề phát sinh và cấp trên tìm lỗi, nhiều người ngay lập tức có ý thức trốn tránh trách nhiệm, tiếp nữa là viện cớ, bào chữa.

Điều này sẽ khiến sếp cảm thấy bạn là người hèn nhát và không trung thực. Có thể lúc đó sếp không chỉ ra, nhưng đừng nghĩ là ông ấy không nhìn ra. Những người trốn tránh trách nhiệm không những bị đánh giá mức độ trung thành kém, mà còn dần dần bị công ty ‘lãng quên’ vì thiếu bản lĩnh, bỏ lỡ nhiều cơ hội thăng tiến. Vì vậy, thay vì tranh luận với sếp, tốt hơn hết bạn nên dũng cảm nhận trách nhiệm và đưa ra cách khắc phục hoặc giải pháp cho vấn đề.

7. Đừng phàn nàn về công việc bạn đang làm 

Có thể bạn đã nhiều lần phàn nàn rằng “công việc hiện tại thật nhàm chán”. Mỗi công ty đều có hệ thống và quy trình làm việc tương ứng, do đó, có thể 70% công việc của bạn có vẻ phức tạp và máy móc, nhưng đừng chán nản, bởi vì nó sẽ không chỉ mang lại trạng thái làm việc tiêu cực cho bản thân, mà còn ảnh hưởng đến tâm trạng làm việc của những người khác. 

Đừng bao giờ mơ tưởng về một công việc hoàn hảo, vì không có công việc nào như vậy cả. Ngay cả khi bạn đang tham gia vào một ngành nghề mà mình yêu thích, việc gặp phải khó khăn hoặc bất lợi là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, nếu bạn không có ý định thay đổi công việc, tốt hơn hết bạn nên thay đổi tâm lý hoặc hiệu suất làm việc và đặt sở thích của mình vào hơn 70% nội dung công việc để duy trì trạng thái làm việc tốt.

8. Đừng để mồ hôi của bạn rơi lãng phí

Một số người nói rằng có một định luật ở nơi làm việc: “Đừng bao giờ nhấn mạnh quá mức trí thông minh của bạn ở nơi làm việc. Vì những người kiêu ngạo và phù phiếm không được chào đón”. Nhưng nếu muốn có được cơ hội thăng tiến ở nơi làm việc thì bạn cũng không thể chỉ biết im lặng.

Nếu không để người khác biết những thành tựu bạn đạt được nhờ làm việc chăm chỉ, đặc biệt là sếp, bạn chỉ có thể trở thành một anh hùng thầm lặng. Nhưng khoe khoang thì chỉ có thể khơi dậy sự phản cảm của người khác. Vì vậy, sau khi đạt được thành tích, điều quan trọng là phải kiểm soát tâm lý của mình, đoàn kết với các đồng nghiệp xung quanh, khiêm tốn và tử tế, trở thành một người khoáng đạt tại nơi làm việc.