Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2024 được công bố vào thứ Tư (20/3) cho thấy Phần Lan 7 năm liên tiếp giành danh hiệu “quốc gia hạnh phúc nhất”, Việt Nam đứng thứ 54 trong tổng số 143 quốc gia/vùng lãnh thổ được khảo sát, tăng 11 bậc so với xếp hạng năm 2023, trong khi Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới – lần đầu tiên rớt khỏi top 20.

house town old city river vacation 720665 pxhere.com
Cảnh đẹp ở Phần Lan. (Ảnh: pxhere)

Báo cáo Hạnh phúc Thế giới là kết quả nỗ lực hợp tác của một số nhà nghiên cứu và nhà khoa học về phúc lợi hàng đầu thế giới. Bảng xếp hạng mức độ hạnh phúc trong nghiên cứu được hỗ trợ bởi dữ liệu khảo sát từ Gallup World Poll, khảo sát này đo lường đánh giá cuộc sống trung bình của các cá nhân trong 3 năm, từ 2021 đến 2023.

Các chuyên gia cũng phân tích dữ liệu về 6 yếu tố chính: GDP bình quân đầu người, tuổi thọ khỏe mạnh, hỗ trợ xã hội, cảm giác tự do, sự hào phóng và nhận thức về tham nhũng. Nghiên cứu của họ về những lĩnh vực này cung cấp những hiểu biết sâu sắc hơn và những lời giải thích tiềm năng cho xếp hạng chất lượng cuộc sống chủ quan của người trả lời. Nhưng nghiên cứu cho biết: “Bản thân bảng xếp hạng chỉ dựa trên câu trả lời mà người trả lời đưa ra khi họ đánh giá cuộc sống của mình”.

Mười quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Báo cáo do Mạng Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc (SDSN) công bố hôm thứ Tư cho thấy, trong bảng xếp hạng toàn cầu, top 10 nước chủ yếu thuộc về các nước châu Âu, trong đó Phần Lan đứng đầu, tiếp theo là 9 quốc gia lần lượt là Đan Mạch, Ireland, Thụy Điển, Israel, Hà Lan, Na Uy, Luxembourg, Thụy Sĩ và Úc.

Báo cáo cho biết, do mức độ hạnh phúc của giới trẻ Mỹ từ 30 tuổi trở xuống giảm mạnh nên thứ hạng tổng thể của Mỹ đã giảm từ vị trí thứ 15 xuống thứ 23.

Afghanistan đứng cuối bảng xếp hạng và được coi là quốc gia không hạnh nhất thế giới.

Phần Lan, quốc gia Bắc Âu đứng đầu, đạt 7,741 điểm. Ông Frank Martela, nhà triết học và nhà nghiên cứu tâm lý người Phần Lan, tin rằng người Phần Lan hạnh phúc vì họ có ý thức mạnh mẽ về cộng đồng và tình cảm gia đình, làm những điều tốt cho người khác và tìm ra mục tiêu rõ ràng cho bản thân.

Ông Frank Martela nói với “CNBC Make It”: “Nói chính xác hơn, Phần Lan là quốc gia có ít người bất hạnh nhất thế giới”.

Theo Chỉ số Cuộc sống Tốt đẹp hơn (Better Life Index) của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), Phần Lan vượt trội so với các quốc gia khác về giáo dục, cân bằng giữa công việc và cuộc sống, chất lượng môi trường, kết nối xã hội, sự an toàn và sự hài lòng trong cuộc sống.

Tuổi thọ ở Phần Lan là khoảng 82 tuổi, trong đó độ tuổi của nữ giới là 85 tuổi và độ tuổi của nam giới 79 tuổi.

Chỉ số Cuộc sống Tốt hơn của OECD là bằng chứng rõ ràng hơn về ý thức cộng đồng mạnh mẽ của người Phần Lan. Chỉ số này cho biết 96% người dân tin rằng họ biết mình có thể dựa vào ai khi cần.

Xét ở khu vực châu Á, Việt Nam đứng vị trí thứ 6, sau Sinagpore, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.

Trung Quốc tăng 4 bậc lên vị trí thứ 60 trong bảng xếp hạng năm nay.

Lần đầu tiên báo cáo đưa ra thứ hạng theo nhóm tuổi

Báo cáo lần đầu tiên trình bày các bảng xếp hạng riêng biệt theo nhóm tuổi và kết quả có sự khác biệt đáng kể so với bảng xếp hạng tổng thể. Lithuania đứng đầu bảng xếp hạng thanh niên và trẻ em dưới 30 tuổi, trong khi Đan Mạch là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới đối với người từ 60 tuổi trở lên.

Người Mỹ từ 30 tuổi trở xuống xếp thứ 62 trên toàn cầu về mức độ hạnh phúc, sau Cộng hòa Dominica, Brazil và Guatemala. Người Mỹ lớn tuổi xếp thứ 10 về mức độ hạnh phúc.

Trung bình, những người sinh trước năm 1965 hạnh phúc hơn những người sinh sau năm 1980. Ở thế hệ Y (thế hệ Millennials), việc đánh giá cuộc sống của họ giảm dần theo tuổi tác, trong khi ở thế hệ Baby Boomers (Thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh.Thế hệ này thường được định nghĩa là những cá nhân sinh từ năm 1946 đến 1964, trong thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh của thế giới sau Thế chiến II), sự hài lòng với cuộc sống tăng lên theo tuổi tác.

Giáo sư John F. Helliwell, giáo sư danh dự về kinh tế tại Trường Kinh tế Vancouver thuộc Đại học British Columbia và là biên tập viên sáng lập của Báo cáo Hạnh phúc Thế giới, cho biết: “Chúng tôi đã tìm thấy một số kết quả rất đáng ngạc nhiên. Cảm giác hạnh phúc có sự khác biệt rất lớn đối với nhóm người trẻ, nhóm người già và nhóm người ở giữa hai nhóm này ở các quốc gia khác nhau. Vì vậy, thứ hạng hạnh phúc toàn cầu của người trẻ và người già rất khác nhau và đã thay đổi rất nhiều trong hơn 10 năm qua”.

Trí Đạt