Giống như Việt Nam, một số quốc gia châu Á khác trên thế giới cũng rất chú trọng đến văn hóa ẩm thực ngày Tết. Dù món ăn truyền thống dịp Tết ở mỗi nước có sự khác nhau nhưng tất cả đều tin rằng chúng mang nhiều ý nghĩa và đều hướng tới ước nguyện một năm mới tốt lành, hạnh phúc, thịnh vượng.

am thuc ngay Tet 2 1
Ẩm thực ngày Tết ở các quốc gia châu Á đều hướng tới ước nguyện một năm mới tốt lành, hạnh phúc, thịnh vượng. (Ảnh: Yulia Furman/ Shutterstock)

Ẩm thực ngày Tết ở Hàn Quốc – Canh bánh gạo

Món ăn đặc trưng nhất của người Hàn Quốc là canh bánh gạo (Tteokguk), được làm từ bột gạo, trứng thái chỉ, đậu hũ, thịt bò, rong biển, nước xương bò hầm và hành hoa. Người ta kể rằng vào ngày mùng một Tết Nguyên đán, người Hàn Quốc đều uống một bát tteokguk vì họ quan niệm rằng nếu không ăn canh tteokguk trong ngày đầu năm, nghĩa là đã không trưởng thành thêm trong năm qua.

Ngoài ra, theo phong tục truyền thống, các gia đình Hàn Quốc đều thực hiện những hoạt động thờ cúng tổ tiên lớn vào ngày đầu tiên của năm mới và chỉ được làm tại nhà của con trai cả. Hơn nữa, canh bánh gạo là món cúng quan trọng nhất vào thời điểm này. Người Hàn Quốc còn dùng món này để chiêu đãi người thân, bạn bè khi đến thăm nhà trong dịp Tết.

Quy trình nấu canh bánh gạo: Canh bánh gạo được làm từ gạo và hơi giống bánh gạo của người Việt chúng ta, điểm khác biệt là canh tương (súp miso) phải được nấu chín trước, sau đó mới cho bánh gạo vào nấu cùng. Nước súp bánh gạo rất đặc biệt, phương pháp truyền thống là luộc xương bò trong vài giờ, ngày nay bạn cũng có thể dùng cá thay cho thịt bò để nấu nước súp, cuối cùng có thể thêm đậu phụ, hàu, rong biển, v.v…và nêm gia vị theo sở thích cá nhân.

am thuc ngay Tet 1
Bánh gạo được thái vát, miếng mỏng, hình bầu dục và màu trắng tượng trưng cho sự trường thọ, sự thanh khiết của con người và mọi vật trên thế giới. (Ảnh: mnimage/ Shutterstock)

Ẩm thực ngày Tết ở Trung Quốc – Sủi cảo

Ngày đầu năm mới, người Trung Quốc thường ăn sủi cảo vì món ăn này có hình dạng giống như những đồng tiền cổ của Trung Quốc, nó tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng. Từ đêm giao thừa, các gia đình Trung Quốc đều quây quần bên nhau để gói sủi cảo.

Theo tục lệ, khi ăn sủi cảo, người Trung Quốc chỉ ăn số chẵn, không ăn số lẻ. Không ai ăn hết số sủi cảo được múc ra bát mình, cũng không ai múc hết phần sủi cảo được làm xong từ nồi ra bát mà bao giờ cũng để lại mấy cái (số chẵn) với ngụ ý năm nào của cải cũng dư thừa, gia đình thịnh vượng.

Món gỏi cá Yusheng Singapore

Gỏi cá Yusheng Singapore không chỉ có vị ngon mà còn được người châu Á tin rằng có thể thu hút tài lộc, may mắn trong dịp Tết cổ truyền.

Yusheng là món ăn được xem là biểu tượng cho sự phát tài, phát lộc của các quốc gia châu Á nói chung và của người Singapore nói riêng. Trong dịp năm mới, người Singapore đều ăn món này. Với màu sắc phong phú, thơm ngon, cùng ý nghĩa tượng trưng cho “sự thịnh vượng của đất nước” và mang lại cho người dân hy vọng, hạnh phúc trong năm tới, món ăn này được rất nhiều người ưa chuộng. 

Khi ăn, bạn nên dùng đũa trộn đều cá sống với xà lách, cần tây, cà rốt và các nguyên liệu khác.

am thuc ngay Tet 4
Gỏi cá Yusheng – Ẩm thực ngày Tết ở Singapore tượng trưng cho sự dồi dào, thịnh vượng và phát đạt. (Ảnh: Ika Rahma H/ Shutterstock)

Ẩm thực ngày Tết ở Campuchia – Món cà ri

Món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Chol Chnam Thmay của người Campuchia đó là cà ri. Theo phong tục, vào ngày Tết cổ truyền, mỗi gia đình Campuchia sẽ có ít nhất một người mang đồ ăn vào chùa để nhờ các nhà sư làm lễ cúng tổ tiên. Sau đó, cả gia đình quây quần bên nhau thưởng thức món cà ri cay nồng đặc trưng.

Nasi lemak của Malaysia

Món nasi lemak có màu trắng đục và tỏa ra mùi thơm dừa nồng nàn. Người ta nói rằng nasi lemak là món ăn yêu thích của người Malaysia và nó cũng là món ăn năm mới truyền thống nhất của người Malaysia. Chỉ cần bước vào bất kỳ nhà hàng địa phương nào ở Malaysia, bạn đều có thể tìm thấy món ăn này.

Quy trình làm ra món nasi lemak rất đặc biệt, gạo được ngâm trong nước cốt dừa đậm đà rồi mới nấu chín. Cơm chín có màu trắng sữa và tỏa mùi thơm dừa vô cùng hấp dẫn. Cơm thường được chấm cùng nước sốt cá cơm nóng, đậu phộng rang, dưa chuột thái sợi và trứng chiên. Nasi lemak thật sự là một món ăn mang lại hương vị đậm đà, bổ dưỡng và rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, còn có nhiều món ăn kèm phổ biến với món nasi lemak như gà rán, cà ri cá, cà ri gà, cà ri thịt bò và cà ri thịt cừu, trứng chiên, đậu phụ, tôm, mực, v.v., tất cả đều có hương vị đậm đà.

Món Lạp – Quốc thực Lào

Lạp là món ăn truyền thống không thể thiếu trong những ngày Tết của người Lào. “Lạp” trong ngôn ngữ Lào có nghĩa là lộc, sự may mắn. Món Lạp là món ăn đậm đà tính dân tộc, biểu trưng cho sự may mắn và bình an.

Món ăn này chủ yếu được làm từ các loại thịt bò, thịt heo, gà tây, vịt, cá được xào săn lại, đem băm nhuyễn, trộn với nước mắm, gia vị, thêm nước cốt chanh và các loại rau thơm.

am thuc ngay Tet 3
Món Lạp được xem như “linh hồn” của mâm cơm đầu năm của người Lào, bởi từ “Lạp” trong tiếng Lào có ý nghĩa là phúc lộc dồi dào và may mắn. (Ảnh: DzenanK/ Shutterstock)

Ẩm thực ngày Tết ở Nhật Bản – Mì soba

Mì soba tượng trưng cho sức khỏe và tuổi thọ. Cuốn sách “Một bát mì Kake-soba” của tác giả Ryohei Kuri đã làm lay động và truyền cảm hứng cho nhiều người, tác phẩm nổi tiếng này có nhắc đến mì soba, một món ngon truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết của người Nhật. 

Kiều mạch được trồng ở nhiều vùng của Nhật Bản và lịch sử của mì soba có thể bắt nguồn từ thời Edo. Vào thời điểm đó, mì soba là món ăn được người ta dùng để cầu mong hạnh phúc và ngày nay nhiều người vẫn mua mì soba làm quà tặng. Người ta kể rằng theo phong tục truyền thống, cả gia đình sẽ quây quần bên nhau ăn mì soba vào đêm giao thừa. Chính vì sự yêu mến đặc biệt của người Nhật dành cho món mì soba mà nó còn được gọi là “Mì Tết”. 

Từng sợi mì tươi mát cùng nước súp có vị ngon, độ dài tượng trưng cho sức khỏe và sự trường thọ, cắn đứt sợi mì soba cũng có nghĩa là xua đi những điều xui xẻo và nợ nần, mang đến những hy vọng tốt đẹp cho năm mới sắp tới.
Tuệ Nhi t/h