Những vụ tự tử thương tâm của các cụ già ở nông thôn Trung Quốc
- Chúng Sinh
- •
Ai cũng biết sinh mệnh là điều quý giá nhất. Ai cũng trân trọng sinh mệnh vì cuộc sống là vô giá. Nhưng thực tế lại có một bộ phận những người già ở vùng nông thôn Trung Quốc chọn cách tự sát vì quá nghèo.
(Bài viết của Chúng Sinh, thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.)
Nếu một người tự tử, thì đó là vấn đề của bản thân người ấy. Nếu việc một nhóm người tự tử đã trở thành chuyện thường ngày, thì vấn đề ở đây là gì?
Theo một bài báo trên kênh truyền thông tại Đại Lục “Sohu.com“: Cách đây vài năm, giới truyền thông đưa tin về những “ngôi nhà tự sát” và “hố tự sát” ở các vùng nông thôn thuộc quận Kinh Sơn, tỉnh Hồ Bắc.
Khá nhiều người già vì ốm đau bệnh tật và không muốn phiền lụy đến con cái, đã chọn một ngôi nhà cổ hoặc sườn núi hoang vu, một rừng cây, hay một dòng sông và lặng lẽ “tự kết liễu” cuộc đời mình.
Người dân địa phương đã quá quen với cảnh này. Một số người dân cho biết, chỉ cần họ trên 70 tuổi, không thể tự chăm sóc bản thân, điều kiện kinh tế khó khăn, đời sống của con cái cũng khó khăn, mà mắc bệnh nan y, thì việc người già tự tử sẽ được coi là một sự “lựa chọn sáng suốt”.
Những người già tự tử vì hoàn cảnh kinh tế nghèo khó, có thể là do không có tiền, không có lương hưu hoặc chỉ có những đồng lương hưu rất ít ỏi, không đủ nuôi sống bản thân. Họ sống rất vất vả và mệt mỏi.
Những người tự tử vì không thể tự chăm sóc bản thân, cũng có thể do điều kiện kinh tế khó khăn, không có tiền thuê hộ lý, phải gánh chịu nỗi đau cả về tinh thần và thể xác. Những người tự tử vì mắc bệnh nan y, có thể nghĩ rằng nếu cứ tiếp tục thế này, họ cũng không đủ khả năng chi trả tiền thuốc thang. Kết quả vẫn là người sẽ mất, mà tiền cũng hết. Suy cho cùng, vẫn là do điều kiện kinh tế nghèo nàn, đói kém.
Về tình hình kinh tế của người cao tuổi ở các vùng nông thôn Trung Quốc, chúng ta có thể xem một số dữ liệu từ kênh truyền thông tại Đại Lục “Tuliu.com“. Năm 2020, số tiền lương hưu mà mỗi người già trên 60 tuổi ở nông thôn Trung Quốc nhận được tại những khu vực khác nhau cũng khác nhau.
Hàng tháng mỗi người nhận được 90 nhân dân tệ (tương đương 316.000 VNĐ) tại tỉnh Hắc Long Giang, 93 tệ (tương đương 326.000 VNĐ) tại tỉnh Quý Châu, 103 tệ (tương đương 361.000 VNĐ) tại tỉnh Cam Túc, cao nhất cả nước là 128 tệ (tương đương 450.000 VNĐ) ở Nội Mông.
Lấy tỉnh Hắc Long Giang làm ví dụ, ngày 5/8, giá thịt lợn ở thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ là 32 tệ/kg (tương đương 112.000 VNĐ). Những người già nông thôn ở tỉnh Hắc Long Giang nhận được 90 tệ (tương đương 316.000 VNĐ) mỗi người một tháng, thì chỉ đủ mua 3 kg thịt lợn.
Mọi người không thể sống mà không có thức ăn, quần áo, chỗ ở và phương tiện đi lại. Ngay cả thức ăn cũng không đủ, thì còn nói gì đến quần áo, nhà ở và phương tiện đi lại.
Theo một ví dụ thực tế trên kênh truyền thông Đại lục Zhihu.com, người con trai đang đi làm xa đã xin nghỉ phép 7 ngày để về nhà thăm cha đang lâm trọng bệnh.
Hai, ba ngày sau, thấy cha vẫn không có dấu hiệu hấp hối, người con lại hỏi cha mình rằng: “Thế rốt cuộc bố có chết hay không? Con xin nghỉ 7 ngày là tính cả việc lo liệu ma chay cho bố đó.” Sau đó ông cụ tự tử, người con trai lo liệu tang sự trong vòng một tuần, rồi cũng nhanh chóng trở về thành phố tiếp tục làm việc. Người con trai này, có lẽ giống như người dân làng nói trước đó, nghĩ rằng cha mình đã “lựa chọn rất khôn ngoan.” Nhiều người sẽ nghĩ rằng đây là một người con bất hiếu. Nhưng xét về một góc nhìn khác, có lẽ cuộc sống của anh này cũng không hề dễ dàng. Anh ta có thể mất đi công việc, miếng cơm manh áo của mình. Cuộc sống của bản thân có lẽ cũng rất vất vả, mệt mỏi, cũng phải lao đao giữa dòng đời xuôi ngược. Vậy lỗi là nằm ở đâu?
Những người già ở nông thôn cả đời vất vả dãi nắng dầm mưa. Đến khi không có khả năng lao động, họ lại bị xã hội ruồng bỏ, không nơi nương tựa và buộc phải tự kết liễu đời mình. Đây chính là một bức tranh tả thực dưới chế độ của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chúng Sinh, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Xã hội Trung Quốc Người Trung Quốc Nông thôn Trung Quốc Người nghèo Trung Quốc