Sau xác định năm nay là năm nóng nhất trên Trái đất trong 125.000 năm qua, giới khoa học chia sẻ dữ liệu cho thấy nhiệt độ trung bình toàn cầu vào ngày 17/11 tăng hơn 2℃ so với thời kỳ trước công nghiệp hóa, qua đó cảnh báo về thảm họa biến đổi khí hậu.

Trai dat nong len
Năm 2023 được xác định là năm nóng nhất trên Trái đất trong 125.000 năm qua. (Ảnh minh họa: Piyaset/ Shutterstock)

CNN, New York TimesTimes of India đưa tin, trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus (Copernicus Climate Change Service) tại châu Âu là Samantha Burgess đã chia sẻ dữ liệu sơ bộ về vấn đề khí hậu, cho thấy vào ngày 17/11 mức trung bình nhiệt độ toàn cầu lần đầu tiên tăng hơn 2℃ so với thời kỳ trước công nghiệp hóa.

Burgess cho biết, nhiệt độ trung bình toàn cầu vào ngày 17/11 tăng 1,17℃ so với nhiệt độ trung bình toàn cầu từ năm 1991 – 2020, được ví là ngày nóng nhất trong lịch sử. Tuy nhiên so với thời kỳ tiền công nghiệp – thời kỳ trước khi con người bắt đầu đốt nhiên liệu hóa thạch trên quy mô lớn và làm thay đổi khí hậu tự nhiên của Trái đất – nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 2,06℃.

“Ước tính tốt nhất của chúng tôi, đây là ngày đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 2℃ (2,06℃) so với mức từ năm 1850 – 1900 (hoặc tiền công nghiệp)”, Burgess viết.

Điều đó có nghĩa là nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng lên trên ngưỡng tới hạn – vấn đề trong nhiều thập niên các nhà khoa học đã cảnh báo có thể gây ra những tác động thảm khốc và không thể đảo ngược đối với hệ sinh thái Trái đất. Mặc dù ngưỡng này chỉ bị vượt tạm thời, không có nghĩa là nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ mãi trong tình trạng tăng cao hơn 2℃ so với thời trước công nghiệp hóa, nhưng vấn đề là Trái đất đang ngày càng nóng hơn khiến khó đảo ngược xu hướng tiến tới khủng hoảng khí hậu.

Burgess cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng việc nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng hơn 2℃ vào một ngày nhất định “không đồng nghĩa Thỏa thuận Paris bị vi phạm”, mà vấn đề nổi lên việc loài người đang ngày càng tiệm cận giới hạn nhiệt độ được quốc tế định nghĩa này. Bà nói dự kiến ​​trong những tháng, năm tới sẽ ngày càng có nhiều ngày nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng vượt 1,5℃ và 2℃ [so với thời kỳ trước công nghiệp hóa].

Dữ liệu của Copernicus là sơ bộ, cần qua vài tuần để chứng minh bằng các quan sát thực tế cuộc sống. Về lâu dài, dự đoán trong vài năm tới nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ nóng hơn 1,5℃ [so với thời kỳ trước công nghiệp hóa]. Các nhà khoa học cho rằng loài người và hệ sinh thái Trái đất sẽ gặp khó khăn thích nghi khi vượt quá ngưỡng này.

Một báo cáo của Liên Hợp Quốc công bố hôm thứ Hai (20/11) cho thấy, ngay cả khi các nước trên thế giới thực hiện cam kết giảm phát thải carbon dioxide hiện tại, thì vào một thời điểm nào đó trong thế kỷ này, nhiệt độ trung bình toàn cầu vẫn sẽ tăng từ 2,5℃ – 2,9℃.

Tác động đối với sự sống Trái đất sẽ không ngừng nghiêm trọng hơn sau tăng 1℃ nhiệt độ trung bình toàn cầu; mức tăng lên 2℃ sẽ khiến nhiều người gặp nguy hiểm mạng sống hơn do thời tiết cực đoan, đồng thời làm tăng khả năng Trái đất đạt đến điểm giới hạn không thể đảo ngược, chẳng hạn như băng ở hai cực sụp đổ và các rạn san hô chết hàng loạt.

Dù hạn chế lượng khí thải carbon dioxide cũng không thể làm chậm sự nóng lên toàn cầu

Tiến sĩ Richard Lindzen, một nhà khí tượng học thực thụ thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), nhấn mạnh 2 điểm sau:

Thứ nhất, mặc dù hầu hết các nhà khoa học đều có xu hướng thừa nhận rằng thế giới đang nóng lên, nhưng vẫn chưa có sự đồng thuận về nguyên nhân của sự nóng lên.

Nghiên cứu cho thấy, nhiệt độ Trái đất trong lịch sử dao động trong khoảng từ 12 – 22 độ. Nhiệt độ trung bình hiện nay của Trái đất chỉ là 13 độ, gần đến mức thấp nhất. Nhiệt độ tăng lên là điều bình thường và vẫn tăng ngay cả khi không có carbon dioxide.

Biểu đồ của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia chỉ ra: Mặc dù trong 150 năm qua, hàm lượng carbon dioxide của Trái đất đã tăng lên, nhưng mức tăng này đã bắt đầu tăng kể từ khi kết thúc kỷ băng hà cuối cùng cách đây 18.000 năm. Nhìn từ góc độ dài hạn, carbon dioxide hiện đang ở mức tương đối thấp trong lịch sử.

Một biểu đồ khác cho thấy, lượng carbon dioxide của Trái đất tăng với tốc độ tương tự từ năm 1750 -1950. Trong khi hầu hết sự gia tăng nhiệt độ Trái đất trong 100 năm qua xảy ra trước năm 1940, và con người mới chỉ bắt đầu thải ra một lượng lớn khí nhà kính sau năm 1950.

Thứ hai, nồng độ carbon dioxide trong lịch sử cao hơn nhiều so với ngày nay, đỉnh cao gấp 20 lần so với ngày nay. Ở thời đại mà những loài khủng long khổng lồ sinh sống, nồng độ carbon dioxide trên Trái đất cao gấp 5 – 10 lần so với hiện tại.

Nhiệt độ khi đó cũng dao động trong khoảng 12∼22 độ, và sự sống trên Trái đất không bị tiêu diệt. Ngược lại, khoảng 100 triệu năm trước, khi nồng độ carbon dioxide bắt đầu giảm mạnh, loài khủng long đã bị tuyệt chủng sau đó.

Trên thực tế, các nhà khí tượng học tin rằng sự nóng lên hoặc lạnh đi của Trái đất bị ảnh hưởng bởi những thay đổi định kỳ trong quá trình giải phóng nhiệt của Mặt trời, thềm lục địa và sự phân bố đại dương do chuyển động của vỏ Trái đất, cùng độ lệch tâm của Trái đất, cũng như khả năng hấp thụ của bề mặt Trái đất và đại dương.

Đây là hiện tượng tự nhiên, nhưng truyền thông lại khiến người ta có ấn tượng rằng hiệu ứng nhà kính là thủ phạm duy nhất gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Ngay cả khi chỉ thảo luận về hiệu ứng nhà kính, về cơ bản truyền thông cũng không truyền tải những thông tin này tới công chúng:

  • Hiệu ứng nhà kính rất cần thiết đối với Trái đất. Nếu không có nó, Trái đất sẽ lạnh đi 18 độ C.
  • Khí nhà kính quan trọng nhất là hơi nước. Hiệu ứng nhà kính mà nó gây ra đạt tới 80 ~ 95% (theo các số liệu nghiên cứu khác nhau).
  • Carbon dioxide chỉ chiếm 10 ~ 14% lượng khí nhà kính, trong đó 85 ~ 97% là do thiên nhiên tạo ra. Do đó, kỳ thực khí carbon dioxide do con người tạo ra chỉ đóng góp một lượng rất hạn chế (0,2∼0,3%) vào hiệu ứng nhà kính.

Nhà vật lý khí quyển Fred Singer tính toán rằng dẫu Nghị định thư Kyoto có thể đạt được mục tiêu đề ra, hiệu ứng nhà kính có thể giảm đi, và tác động đến nhiệt độ trái đất vào năm 2050 sẽ chỉ ở mức 0,05 độ.

Các loại khí như oxit nitơ và sulfur dioxide thải ra khi đốt nhiên liệu hóa thạch là những chất gây ô nhiễm có hại cho con người. Nhưng carbon dioxide được tạo ra bởi quá trình sinh lý của con người và không phải là chất gây ô nhiễm.