Hoa Kỳ và Châu Âu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc đối với Nga sau khi nước này tấn công Ukraine. Nhưng 2 năm sau khi chiến tranh nổ ra, nền kinh tế Nga vẫn cho thấy khả năng phục hồi của mình.

Putin Tap Can Binh
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nâng ly chúc mừng trong tiệc chiêu đãi sau cuộc hội đàm tại Điện Kremlin ở Moscow vào ngày 21/3/2023. (Nguồn ảnh: PAVEL BYRKIN/SPUTNIK/AFP qua Getty Images)

Có tới 15.000 mục trừng phạt áp lên từ Chính phủ Nga cho đến các công ty và cá nhân, nhưng nền kinh tế Nga vẫn tiếp tục phát triển. Sự hỗ trợ quân sự từ Triều Tiên và Iran cũng như một số kỹ thuật sáng tạo của Nga đã trở nên hữu ích.

Theo hãng tin TASS, năm 2023, kinh tế Nga đạt tốc độ tăng trưởng lên đến 3,6%, vượt mức trung bình trên thế giới.

Ông Klaus Larres, nhà phân tích tại Trung tâm Wilson, cho biết Nga rất giàu trí tưởng tượng trong việc sử dụng chất bán dẫn trong các thiết bị như tủ lạnh hoặc các thiết bị gia dụng khác. Họ lấy chất bán dẫn và chip ra khỏi những vật dụng gia đình này và để sử dụng trong thiết bị quân sự.

Nhiều công ty cũng đang tẩy chay Nga. Từ Prada đến IKEA và LG, hơn một ngàn thương hiệu đã hạn chế hoạt động kinh doanh tại Nga hoặc rời khỏi nước này.

Nga đã vượt qua tất cả, một phần nhờ tăng cường quan hệ với Trung Quốc. Kể từ năm 2021, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã tăng hơn 120%. Đổi lại, dầu của Nga chảy sang Trung Quốc.

Ông Kenneth Pomeranz, nhà sử học tại Đại học Chicago, cho biết về phương diện nhập khẩu, Trung Quốc đã trở thành khách hàng dầu và than lớn nhất thế giới của Nga.

Các linh kiện đến từ Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều sau khi người châu Âu rút khỏi Nga. Nhờ nhập khẩu từ Trung Quốc, kinh tế Nga đang được giữ vững.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương Nga, giới hạn giá dầu của Nga và đóng cửa không phận EU đối với máy bay dân sự Nga.

Ông Vladimir Dashkeev, giáo sư tại Trường Kinh doanh và Kinh tế Albers của Đại học Seattle, cho biết mặc dù dự trữ ở nước ngoài bị đóng băng, nhưng ngân hàng trung ương Nga đã nhanh chóng phản ứng trước các lệnh trừng phạt khác nhau, nhiều biện pháp khác nhau đã được thực hiện để thoát khỏi tình trạng này.

Theo dữ liệu từ Nga, sau đợt suy thoái năm 2022, nền kinh tế nước này hiện đang tăng trưởng.

Một trong những lý do giải thích cho khả năng phục hồi tương đối này là ngân hàng trung ương độc lập, mạnh mẽ của Nga. Kể từ năm 2022, họ đã áp dụng các đợt tăng lãi suất lớn (hiện ở mức 16%) để kiểm soát lạm phát (vẫn ở mức trên 7%).

Nga cũng né tránh các lệnh trừng phạt bằng cách nhập khẩu hàng hóa phương Tây qua các nước láng giềng như Georgia, Belarus và Kazakhstan.

Trong báo cáo tháng Một, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng đáng kể dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Nga trong năm 2024 lên 2,6%, cao hơn mức 1,1% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 10/2023.

Con số này cao hơn đáng kể so với Anh (0,6%) và Liên minh châu Âu – EU (0,9%). Tương tự, thâm hụt ngân sách của Nga được duy trì ở mức dưới 1% GDP, so với 5,1% GDP ở Anh và 2,8% GDP ở EU.

Nguồn tài nguyên khổng lồ cũng đang là “bộ đệm” vững chắc cho kinh tế Nga. Dầu mỏ, khí đốt và các hàng hóa như uranium vẫn có tầm quan trọng lớn trên toàn cầu. Mỹ hiện vẫn phải mua uranium từ Nga với số lượng lớn.

Ngày 21/2 các nước thành viên EU đã nhất trí mặt nguyên tắc cho gói trừng phạt thứ 13 nhằm vào Nga. Đây sẽ là thách thức mới, nhưng cũng là “phép thử” sức bền và khả năng vượt khó của nước Nga.

Bình Minh (t/h)