Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chấm dứt hoạt động của 4 phòng giao dịch tại TP.HCM từ ngày 6/12. Động thái này diễn ra trong làn sóng giải thể hàng loạt phòng giao dịch tại các tỉnh thành của SCB. 

scb quan 1 tphcm
SCB trong ngày khai trương trụ sở mới SCB Quận 1 (Phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM), ngày 13/9/2022, tuyên bố đây là trụ sở thứ 12 của SCB được khai trương mới trong 9 tháng năm 2022. (Ảnh: SCB Ngân hàng TMCP Sài Gòn/Facebook)

Ngày 5/12, Ngân hàng SCB ra thông báo tiếp tục chấm dứt hoạt động của 4 phòng giao dịch tại TPHCM, gồm phòng giao dịch Lũy Bán Bích (Chi nhánh Thống Nhất), phòng giao dịch Hiệp Thành (Chi nhánh Hóc Môn), phòng giao dịch An Hội (Chi nhánh Hóc Môn), phòng giao dịch Thị Nghè (Chi nhánh Tân Định).

Bốn ngày trước, từ ngày 2/12, SCB đã chấm dứt hoạt động của 2 phòng giao dịch gồm phòng giao dịch Bảy Hiền (Chi nhánh Thống Nhất) và phòng giao dịch Nguyễn Thông (Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch).

Kèm với thông báo chấm dứt hoạt động của các phòng giao dịch, SCB cho hay: “Mọi quyền lợi và giao dịch của Quý Khách hàng đều được đảm bảo thực hiện đầy đủ tại các điểm giao dịch của SCB”.

Từ đầu tháng 6 tới nay, SCB đã thông báo đóng cửa 39 phòng giao dịch tại 9 tỉnh thành, gồm: TP.HCM (27 phòng giao dịch), Hà Nội (5 phòng giao dịch), Hải Phòng (1 phòng giao dịch), Nghệ An (1 phòng giao dịch), Bình Định (1 phòng giao dịch), Đồng Nai (1 phòng giao dịch), Đà Nẵng (1 phòng giao dịch), Gia Lai (1 phòng giao dịch), Long An (1 phòng giao dịch).

Gần đây nhất, trong một ngày 11/11, SCB thông báo đóng cửa cùng lúc 3 phòng giao dịch tại Đồng Nai (Phòng giao dịch Long Thành), Đà Nẵng (Phòng giao dịch Phan Đăng Lưu), Gia Lai (Phòng giao dịch Đắk Đoa).

Theo công bố của SCB, tính đến 30/9/2021, SCB có chi nhánh tại 28 tỉnh, thành phố với 239 điểm giao dịch với hơn 7.000 nhân sự. Tổng tài sản đạt 673.276 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 20.020 tỷ đồng.

Tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định kiểm soát đặc biệt đối với SCB để ổn định hoạt động của ngân hàng này. Động thái trên diễn ra khi xảy ra làn sóng người dân rút tiền gửi tiết kiệm tại SCB ngay sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an công bố bắt bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và đồng phạm.

Tại kết luận điều tra công bố hồi trung tuần tháng 11, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng và buôn lậu (C03) – Bộ Công an cáo buộc bị can Trương Mỹ Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB để huy động vốn từ người dân và tổ chức, sau đó sử dụng số tiền này cho mục đích cá nhân của mình. Bằng cách lập hồ sơ vay vốn giả mạo, bị can này đã chiếm đoạt 93% số tiền cho vay của Ngân hàng SCB.

Theo Cơ quan điều tra, từ tháng 2/2018 đến tháng 10/2022, bà Lan đã chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn của SCB, chiếm đoạt hơn 300.000 tỷ đồng, gây thiệt hại tiền lãi phát sinh gần 130.000 tỷ đồng.

Nguyễn Minh